Tìm hiểu luật di trú Print
Tác Giả: Darren Nguyen Ngoc Chuong, Esq   
Thứ Hai, 19 Tháng 4 Năm 2010 17:11

Ðể tránh bị từ chối nhập cảnh Hoa Kỳ vì lý do Public Charge, mẫu đơn bảo trợ tài chánh (mẫu I-864), phải được làm đúng luật

 Chuẩn bị hồ sơ phỏng vấn với Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ

Luật di trú Hoa Kỳ là loại luật rất phức tạp. Luật Sư Darren Nguyen Ngoc Chuong là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất tại Orange County, California được Luật Sư Ðoàn Tiểu Bang California công nhận chuyên môn về ngành Luật Di Trú Hoa Kỳ. Hiện nay California có trên 226,388 luật sư nhưng chỉ có 151 luật sư có bằng chuyên môn về luật di trú. Ngoài ra, Luật Sư Darren Nguyen Ngoc Chuong từng phục vụ lâu năm tại Sở Di Trú Hoa Kỳ (INS). Ông là một luật sư đầy kinh nghiệm và uy tín, chuyên trách giải quyết và phục vụ đồng hương Việt Nam về lãnh vực di trú nhiều năm tại California và khắp các tiểu bang Hoa Kỳ.

Trong những tháng qua, hồ sơ bảo lãnh cho diện vợ chồng và diện vị hôn phu vị hôn thê đã bị từ chối với một số lượng đáng kể, vì thế tôi sẽ trình bày về phương pháp chuẩn bị hồ sơ và dữ kiện để đi phỏng vấn.

Thường đa số hồ sơ bị từ chối với những lý do như sau:

1. Người thừa hưởng không biết chi tiết thông thường về đời sống của người bảo lãnh;

2. Những hình ảnh nộp vào chỉ chứng minh người bảo lãnh và người thừa hưởng gặp mặt nhau chỉ có 2, 3, 4 hoặc 5 ngày trong những chuyến đi Việt Nam; và

3. Sự liên lạc của hai người chỉ được chứng minh bằng vài lá thơ.

Lãnh sự quán Hoa Kỳ quyết định rằng người thừa hưởng không biết chi tiết thông thường về đời sống của người bảo lãnh vì khi người thừa hưởng được phỏng vấn, sĩ quan của lãnh sự quán sẽ hỏi người thừa hưởng về chi tiết đời sống của người bảo lãnh. Những câu hỏi họ thường hỏi là:

1. Hai người gặp nhau lần đầu tiên là lúc nào và ở đâu?

2. Người bảo lãnh làm việc gì ở Hoa Kỳ và làm ở đâu?

3. Người bảo lãnh ở với ai và bao nhiêu người ở cùng nhà?

4. Ai cầu hôn và cầu hôn từ lúc nào?

5. Nếu người bảo lãnh đi học thì đi học trường nào?

6. Nếu người bảo lãnh có gia đình trước đây thì người bảo lãnh ly dị từ lúc nào và lý do tại sao ly dị? Người bảo lãnh và người thừa hưởng phải tìm hiểu nhau thật kỹ càng về đời sống của nhau vì khi đi phỏng vấn mà trả lời sai một chi tiết không đáng kể thì hồ sơ xin cấp chiếu khán sẽ bị từ chối.

Trước khi vào vấn đề hình ảnh và thư từ, quí vị nên biết rằng người sĩ quan của lãnh sự sẽ không phỏng vấn đương đơn hơn 15 phút cho nên đương đơn phải chuẩn bị tất cả giấy tờ để cho người sĩ quan dễ thấy và dễ hiểu. Nếu những chi tiết gì quan trọng trên một tờ giấy nên dùng viết highlighter để tô màu chỗ đó để giúp người sĩ quan chú ý vào đó.

Còn vấn đề hình ảnh và thư từ thì là một yếu tố cần thiết, tuy nhiên đương sự cần phải biết tổ chức hoặc chuẩn bị trước để không bị lúng túng hay vụng về khiến để tạo ra sự nghi ngời của viên chức phỏng vấn. Nhiều khi người thừa hưởng cầm theo rất nhiều hình ảnh để đi phỏng vấn nhưng khi vào phỏng vấn lại sợ quá và đưa cho người sĩ quan hết những tấm hình không xấp theo thứ tự và người sĩ quan chỉ lựa ra vài tấm hình để giữ lại. Hoặc khi đi phỏng vấn người thừa hưởng chỉ cầm theo vài tấm hình tượng trưng vì đinh ninh rằng hồ sơ mình thiệt mà tại sao phải lo. Thật ra đương sự khi đi phỏng vấn, phải chuẩn bị hình ảnh và đem theo tất cả hình ảnh mình đã có. Hình ảnh nên xấp xếp theo thứ tự theo những chuyến đi về Việt Nam của người phối ngẫu. Và nếu có thể xếp theo thứ tự ngày tháng được thì càng tốt. Nên chọn vài tấm hình và xếp mỗi hai tấm hình trên một tờ giấy trắng và dưới mỗi tấm hình nên ghi chú ngày, tháng, năm và nơi chụp. Khi làm như vậy quí vị sẽ tránh phải người sĩ quan quyết định rằng người bảo lãnh và người thừa hưởng gặp mặt nhau chỉ có 2, 3, 4 hoặc 5 ngày mà thôi.

Những loại giấy tờ sau đây cần phải được xấp theo thứ tự của ngày tháng năm. Những giấy tờ đó là thư từ, hóa đơn điện thoại, vé máy bay, và hóa đơn gửi tiền hoặc quà. Thư từ phải kèm theo bao thơ có mộc của bưu điện. Những hóa đơn điện thoại nên dùng highlighter để tô màu vào số điện thoại của người bảo lãnh và số điện thoại của người thừa hưởng. Nếu người bảo lãnh không đứng tên trên số điện thoại đã dùng để liên lạc với người thừa hưởng thì phải có giấy tờ chứng minh sự liên hệ của người đứng tên và người bảo lãnh. Những vé máy bay nên xấp trên một tờ giấy trắng và phải có boarding pass chứng minh rằng vé đã được dùng. Những sự trình bày trên là một vài điển hình để giúp quí vị chuẩn bị hồ sơ đi phỏng vấn tại tòa lãnh sự Hoa Kỳ.

Bản tin chiếu khán

Theo sự yêu cầu của quí bạn đọc, sau đây là bản thông tin chiếu khán cho tháng 4 năm 2010.

Ưu tiên 1 - priority date là ngày 8 tháng 7 năm 2004, tức là ưu tiên được dành cho những người con trên 21 tuổi chưa có gia đình của công dân Hoa Kỳ.

Ưu tiên 2A - priority date là ngày 1 tháng 6 năm 2006, tức là ưu tiên được dành cho vợ, chồng, hoặc con độc thân dưới 21 tuổi của thường trú nhân.

Ưu tiên 2B - priority date là ngày 1 tháng 3 năm 2002, tức là ưu tiên được dành cho con độc thân trên 21 tuổi của thường trú nhân.

Ưu tiên 3 - priority date là ngày 22 tháng 5 năm 2001, tức là ưu tiên được dành cho con đã có gia đình của công dân Hoa Kỳ.

Ưu tiên 4 - priority date là ngày 1 tháng 3 năm 2000, tức là ưu tiên được dành cho anh, chị hoặc em của công dân Hoa Kỳ.

Mẫu đơn I-864 - “Bảo Trợ Tài Chánh”

Một trong những lý do để một người bị từ chối chiếu khán nhập cảnh thường trú (Immigrant Visa) hoặc đơn thay đổi tình trạng di trú (Adjustment of Status) là Public Charge (tức là gánh nặng cho chính phủ Hoa Kỳ). Dựa theo lý do Public Charge, Sở Di Trú Hoa Kỳ hoặc lãnh sự Hoa Kỳ cho rằng đương đơn sẽ trở thành gánh nặng cho chính phủ Hoa Kỳ sau khi đương đơn nhập cảnh Hoa Kỳ.

Ðể tránh bị từ chối nhập cảnh Hoa Kỳ vì lý do Public Charge, mẫu đơn bảo trợ tài chánh (mẫu I-864), phải được làm đúng luật, đúng sự đòi hỏi của Sở Di Trú. Ðơn bảo trợ tài chánh phải được thi hành bởi người nộp đơn như một khế ước.

Thứ Nhất - đơn bảo trợ tài chánh phải được thi hành bằng phương cách luật định, người bảo trợ phải trên 18 tuổi, và người bảo trợ phải là người nộp đơn bảo lãnh thân nhân. Lý do người bảo trợ phải trên 18 tuổi vì khế ước với một người dưới 18 tuổi không có giá trị luật pháp.

Thứ Nhì - người bảo trợ phải đồng ý phục tùng theo thẩm quyền của bất cứ những tòa liên bang hay tòa tiểu bang, tức là người bảo trợ phải là công dân Hoa Kỳ hoặc thường trú nhân, và người bảo trợ phải cư ngụ tại Hoa Kỳ.

Thứ Ba - người bảo trợ phải đồng ý bảo trợ cho người được bảo lãnh, và phải chứng minh là mình có khả năng tài chánh để bảo tồn và duy trì số tiền lợi tức mỗi năm ít nhất là 125% của Federal Poverty Guideline.

Ðể chứng minh khả năng tài chánh, bảo tồn và duy trì số tiền lợi tức mỗi năm:

-Người bảo trợ phải cung cấp những giấy tờ thuế của 1 năm vừa qua.

-Người bảo trợ có thể chứng minh khả năng về số tiền lợi tức bằng những chứng minh tài sản của mình, hoặc của người được bảo lãnh, và những tài sản đó được sẵn sàng dùng để bảo trợ cho người được bảo lãnh. Sự đòi hỏi của lợi tức cho mỗi $1,000 thì người bảo trợ hoặc người được bảo trợ phải thay thế bằng tài sản có sẵn trị giá: $5,000. Những tài sản nào có thể chuyển thành tiền mặt trong vòng một thời gian ngắn có thể dùng để chứng minh. Ðiển hình là cha bảo lãnh cho con, lợi tức của người cha cho năm 2009 là $12,000. Theo mức quy định của lợi tức cho 2 người (người bảo lãnh và người được bảo lãnh) của năm 2009 là $18,212. Mức lợi tức của người cha thiếu $6,212. Người cha có thể thế bằng số tiền $31,060 (6,212x5) trong trương mục.

-Nếu như người bảo trợ không hội đủ được những điều kiện cần thiết trình bày trên, người bảo trợ có thể nộp thêm đơn Affidavit of Support của một co-sponsor (tức là người bảo trợ phụ). Những trường hợp người bảo trợ không hội đủ điều kiện là người bảo trợ đang lãnh tiền trợ cấp của chính phủ như SSI, welfare, v.v... Người bảo trợ phụ phải hội đủ năm điều kiện:

(1) Ðiều kiện thứ nhất: người bảo trợ phụ phải chấp nhận trách nhiệm của người bảo trợ chính, và nếu như trong trường hợp người bảo trợ chính không hoàn thành trách nhiệm sau này, thì người bảo trợ phụ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

(2) Ðiều kiện thứ nhì: người bảo trợ phụ cũng phải trên 18 tuổi.

(3) Ðiều kiện thứ ba: người bảo trợ phụ phải có quốc tịch Hoa Kỳ hoặc thường trú nhân.

(4) Ðiều kiện thứ tư: người bảo trợ phụ phải cư ngụ tại Hoa Kỳ.

(5) Ðiều kiện thứ năm: người bảo trợ phụ phải đồng ý bảo trợ cho người được bảo lãnh, và phải chứng minh mình có khả năng tài chánh để bảo tồn và duy trì số tiền lợi tức mỗi năm. Số tiền đó phải bằng ít nhất là 125% của Federal Poverty Guideline.