“Phần hồn” của pháp luật Print
Tác Giả: Phan Thanh Hải   
Thứ Hai, 12 Tháng 4 Năm 2010 12:06

Hồn pháp luật không chỉ đơn thuần là ý thức pháp luật trong mỗi công dân

Người xưa nói “nuôi tinh dưỡng khí tồn thần,” ý rằng thần khí là thứ cần phải nuôi dưỡng để sức mạnh tinh thần được phát huy trong thân thể vật chất của con người. Thần khí cũng là cái khiến cho các chức năng sinh học của con người được liên kết phối hợp thông suốt với nhau. Chính nó điều khiển và tạo ra tính tâm linh của con người.

Ðối với một một quốc gia cũng vậy, ngoài những yếu tố bề nổi về không gian, địa lý, dân cư và sản vật thì những giá trị văn hóa, lịch sử và dân trí, dân khí là yếu tố cốt lõi bên trong, có thể gọi đó là hồn dân tộc. Hồn dân tộc là thứ riêng biệt ẩn sâu, nó tồn tại độc lập với các vương triều thể chế và thường trỗi dậy mạnh mẽ nhất khi tổ quốc lâm nguy.

Phần vật chất của pháp luật chính là tổng thể các chế định pháp luật từ hiến pháp đến các ngành luật riêng, là các thiết chế quyền lực kèm theo, các cơ quan nhà nước, quốc hội, tòa án, đội ngũ công chức, công an, súng ống, nhà tù... để đảm bảo tính hiệu lực của nó. Tuy nhiên phần vật chất ấy chỉ được sinh ra nhằm phụng sự cho pháp luật, ngay cả hành động lập pháp cũng phải nằm dưới sự chi phối của pháp luật.

Những điều luật khô khan chỉ được phép hiểu theo nghĩa đen, vị thần công lý bị bịt mắt như kẻ vô cảm... khiến người ta nhầm hiểu rằng pháp luật vô hồn. Thực ra không hẳn thế, đó là thuộc tính vô tư và bình đẳng khiến cho pháp luật đủ tầm vóc bao trùm lên trên và chi phối mọi thực thể trong xã hội.

Nếu chỉ có phần vật chất thì pháp luật chưa thể “linh ứng” và vận hành trôi chảy. Phần hồn của pháp luật khiến cho các phần vật chất của nó phối hợp với nhau một cách tự nhiên, sinh động và thông suốt.

Pháp luật có hồn bởi sự tín nhiệm và ngưỡng vọng của dân chúng đối với nó. Người ta có thể phó thác sinh mạng, sức khỏe, danh dự, tài sản của mình vào công lý và lẽ phải, vào sự vô tư và bình đẳng của pháp luật.

Nếu bị một tòa án vô tư phán xử về mình thì dẫu có tội ngàn lần đáng chết người ta cũng hài lòng ngậm cười nơi chín suối. Ngược lại, nếu bị một tòa án thiếu vô tư, hoen ố và nhem nhuốc buộc tội thì linh hồn oan khuất ấy ắt còn lẩn khuất trên dương thế để trả thù và chắc chắn sẽ mưu toan tái phạm khi đầu thai...

Hồn pháp luật không chỉ đơn thuần là ý thức pháp luật trong mỗi công dân, nó là sự mặc nhiên thừa nhận, tin tưởng và thượng tôn vào lẽ phải và công lý, vào sự đúng đắn, công bằng, bình đẳng mà pháp luật đang đại diện. Ðược sống trong một xã hội có pháp luật là được hưởng thụ một sự an toàn và bình yên. Trong xã hội mà pháp luật được thượng tôn thì các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền đương nhiên được pháp luật bảo đảm.

Thành quả của cách mạng, giá trị cơ bản của đạo đức, tư tưởng tiến bộ nhất của một dân tộc, nguyên khí của những bậc hiền tài và sự chắt lọc tinh hoa văn hóa nhân loại đều được kết tinh nơi pháp luật. Chính nhờ có nền pháp luật ổn định mà dân chúng được yên vui, văn chương nghệ thuật được bày tỏ, kinh tế được phát triển, môi trường sống, lãnh thổ được bảo vệ và quốc gia trở nên hùng cường.

Khi dân chúng tôn thờ pháp luật và tự nguyện tuân theo thì công việc của công quyền không còn nặng tính cai trị cưỡng ép, các thủ tục hành chính không còn ai kêu ca. Khi họ thừa nhận pháp luật công bằng thì đất đai giải tỏa cũng không mấy ai khiếu kiện chống đối.

Chỉ còn lại những người hiểu việc, hiểu trách nhiệm của mình mà làm, quan là kẻ làm thuê cho dân nên quyền uy và khoảng cách giữa quan và dân không phải là điều đáng e sợ...

Tuy nhiên, nếu thiếu phần hồn cao đẹp, thì pháp luật chỉ còn trơ ra thân xác phì nộn của một tên bạo chúa đầy sức mạnh nhưng chỉ phụng sự cho sự tham lam, độc ác và cảm tính của chính hắn mà thôi.