BỘ LUẬT DÂN SỰ VÀ THƯƠNG SỰ TỐ TỤNG - VNCH - Thiên 2-A Print
Tác Giả: Việt Nam Cộng Hòa   
Thứ Sáu, 06 Tháng 11 Năm 2009 06:06

 

THIÊN THỨ II

THỦ TỤC TRƯỚC TÒA HÒA GIẢI VÀ TÒA SƠ THẨM


CHƯƠNG THỨ NHẤT

VỀ VIỆC KHỞI TỐ

Điều thứ 23.– Muốn khởi tố phải có lợi ích, tư cách và năng lực.

Điều thứ 24 – Có thể khởi tố bằng đơn nạp tại phòng lục sự hoặc cả bằng triệu hoán trạng do thừa phát lại tống đạt, nếu vụ kiện thuộc thẩm quyền tòa sơ thẩm.

Văn kiện khởi tố phải ghi:

1) Ngày, tháng, năm;
2) Tên họ. nghề nghiệp, cư sở thực sự hoặc tuyển đinh của nguyên đơn, các nguyên đơn ở ngoại quốc phải tuyển định cư sở trên lãnh thổ Việt Nam bằng lời khai tại phòng lục sự tòa án thụ lý vụ kiện hay tại một phòng chưởng khế tại Việt Nam, trong trường hợp này, chứng chỉ về sự tuyển định cư sở phải được đính kèm đơn khởi tố. Sự tuyển định cư sở tại Việt Nam có giá trị cả với các vụ tranh tụng phụ đới vụ tranh tụng nguyên thủy;
3) Nếu có sự tuyển nhiệm luật sư, tên và địa chỉ của luật sư, cư sở của luật sư nguyên đơn sẽ đương nhiên là cư sở tuyển trạch của nguyên đơn, trừ khi nào có tuyển trạch một cư sở khác.
4) Tên họ, cư sở thật sự hoặc tuyển định, hay nơi trú ngụ của bị đơn, nếu không có cư sở;
5) Điều thỉnh cầu và các lý lẽ;
6) Tòa án thụ lý vụ kiện.
Riêng về triệu hoán trạng còn phải ghi thêm:
7) Tên họ, địa chỉ văn phòng của thừa phát lại;
8) Ngày giờ ra phiên tòa.

Điều thứ 25 – Đơn khởi tố do nguyên đơn hoặc người thay mặt hợp lệ ký tên.

Nguyên đơn lăn tay, nếu không biết ký tên và người viết hộ cũng phải ký vào cuối đơn khởi tố, sau khi ghi rõ tên họ, nghề nghiệp, địa chỉ và thẻ căn cước.

Điều thứ 26 – Một nguyên đơn có thể kiện một bị đơn về nhiều khoản thỉnh cầu khác nhau.
Cùng trong một đơn khởi tố, một nguyên đơn có thể kiện nhiều bị đơn hoặc nhiều nguyên đơn có thể kiện một hay nhiều bị đơn, với điều kiện là các thỉnh cầu có cùng một nguyên nhân và đối tượng.

Điều thứ 27 – Nguyên đơn có thể gia tăng thỉnh cầu của mình cho đến ngày vụ kiện được gọi ra phiên tòa đầu tiên.

Sự thay đổi này sẽ được tòa cho bị đơn biết.

Tuy nhiên, cho đến ngày vụ kiện được được nghị án, sự gia tăng thỉnh cầu có thể chấp nhận, nếu thuộc về tiền thuê mướn, tiền lời, tiền phải trả từng hạn kỳ hoặc phụ khoản nào khác, đã đáo hạn từ ngày khởi tố, hoặc về tiền bồi thường sự thiệt hại phát sinh kể từ ngày này.

Điều thứ 28 – Con cháu muốn kiện tôn trưởng trực hệ phải được phép của biện lý tòa án có thẩm quyền. Nếu biện lý từ chối, đương sự có thể xin chưởng lý xét lại.

CHƯƠNG THỨ II

TRUYỀN PHIẾU VÀ TRÁT ĐÒI

Điều thứ 29 – Khi nguyên đơn nạp đơn khởi tố và đóng tiền dự phí, lục sự phải ghi trên biên nhận: ngày nhận đơn, tòa án thụ lý, ngày giờ của phiên xử và số đăng đường. Bản chánh biên nhận giao cho đương sự sẽ thay thế trát đòi ra tòa. Một bản sao có chữ ký của đương sự sẽ được lưu vào hồ sơ.

Phiên xử sẽ được ấn định trễ lắm là hai mươi (20) ngày sau ngày nạp đơn khởi tố, nếu tất cả bị đơn đều cư ngụ trong quản hạt tòa án. Thời hạn vừa kể có thẻ tăng lên đến bốn mươi (40) ngày nếu có bị đơn cư ngụ ngoài quản hạt này, và đến chín mươi ngày nếu có bị đơn cư ngụ ở ngoại quốc.

Khi có sự khẩn cấp, nguyên đơn có thể xin chánh án xử sớm hơn các hạn định trên, nếu vụ kiện thuộc thẩm quyền tòa hòa giải, hoặc xin chánh án tòa sơ thẩm cho phép triệu hoán ngắn hạn bằng một án lệnh phê đơn, nếu vụ kiện thuộc thẩm quyền tòa sơ thẩm.

Điều thứ 30 – Nếu có giấy tờ kèm theo đơn khởi tố, hoặc nạp sau, đương sự có quyền đòi lục sự cấp biên nhận riêng.

Điều thứ 31 – Lục sự lập trát đòi bị đơn đến tòa và giao cho thừa phát lại hoặc viên chức hành chánh tổng đạt cho bị đơn.

Trát đòi bị đơn phải ghi rõ:

1) ngày nạp đơn khởi tố;
2) tên họ, nghề nghiệp, cư sở thật sự hoặc tuyển định, hay nơi trú ngụ của bị đơn;
3) tên họ, cư sở thật sự hoặc tuyển định, hay nơi trú ngụ của bị đơn;
4) sơ lược các bị đơn;
5) ngày giờ của phiên xử và số đăng đường;

Điều thứ 32 – Bị đơn phải được một thời hạn tối thiểu là tám ngày kể từ ngày nhận được trát đòi của phòng lục sự hay triệu hoán trạng của thừa phát lại, để chuẩn bị sự biện hộ của mình.
Thời hạn này không áp dụng trước tòa cấp thẩm hoặc khi nguyên đơn được tòa triệu hoán hay cho phép triệu hoán ngắn hạn theo điều 29 trên đây.

Điều thứ 33 – Trát đòi của phòng lục sự sẽ được thừa phát lại hoặc viên chức hành chánh hữu trách tổng đạt cho đích than bị đơn hay nơi cư sở của người này. Mỗi bị đơn phải được giao một bản sao.

Triệu hoán trạng sẽ do thừa phát lại tống đạt và cũng sẽ theo thể thức trên đây.

Điều thứ 34 – Nếu không tìm được bị đơn hoặc than nhân hay gia nhân của đương sự tại cư sở, viên chức phụ trách việc tống đạt có thể giao trát hay triệu hoán trạng cho người láng giềng để đưa lại cho bị đơn.

Trong trường hợp này, bản sao phải để vào một phong bì dán kín, một mặt chỉ để tên và địa chỉ của đương sự, mặt kia có để tên, chữ ký và con dấu của thừa phát lại hay viên chức hành chính.

Điều thứ 35 – người nhận bản sao phải ký tên trên bản chánh. Nếu người này không biết hoặc không chịu ký tên, viên chức phụ trách việc tống đạt phải ghi lại sự kiện đó.

Ngoài ra, viên chức này phải ghi rõ mối liên hệ giữa người nhận bản sao và bị đơn, trong trường hợp trát đòi hoặc triệu hoán trạng không được tống đạt cho đích thân bị đơn.

Điều thứ 36 – Nếu người láng giềng không chịu nhận bản sao và cũng không cho biết địa chỉ hiện tại của bị đơn, bản sao sẽ được giao cho trưởng đơn vị hành chánh sở tại để niêm yết; viên chức này sẽ ký nhận vào bản chánh.

Trong vòng ba ngày kể từ khi nhận được bản chánh nói trên, phòng lục sự sẽ thông báo việc niêm yết cho bị đơn bằng thơ bảo đảm có hồi báo; bản sao thơ này và biên lai bưu điện được đính theo hồ sơ.

Thừa phát lại hoặc viên chức hành chánh lạm dụng niêm yết mà không cố gắng tìm kiếm bị đơn trước sẽ bị xử phạt một số tiền vạ dân sự từ ba ngàn đồng (3000$) đến ba mươi ngàn đồng (30.000$) do chánh án tòa án thụ lý tuyên phạt, chưa kể trừng phạt về kỷ luật và tiền bồi thường thiệt hại cho đương sự.

Điều thứ 37 – Sẽ được triệu hoán tại văn phòng:

1) Tổng trưởng tài chính. Để đại diện cho quốc gia, về những vụ kiện liên quan đến công sản và công sản quyền;
2) Đô trưởng, thị trưởng, tỉnh trưởng, xã trưởng, để đại diện cho đô thành, Thị xã, Tỉnh, Xã.
Trong trường hợp vắng mặt không có người thay thế, hoặc không chịu nhận bản sao trát đòi hay triệu hoán trạng văn kiện này sec giao cho biện lý tòa sơ thẩm trên tòa hòa giải hay tòa sơ thẩm thụ lý vụ án. Biện lý sẽ ký nhận vào bản chánh và chuyển giao bản sao đến cơ quan liên hệ.

Điều thứ 38 – Sẽ được triệu hoán ra tòa:

1) Những người mà không biết được cư sở trên lãnh thổ Việt Nam, tại nơi trú ngụ hiện thời của họ;
2) Những người mà không biết được cư sở và trú ngụ trên lãnh thổ việt nam, tại biện lý cuộc tòa án trên tòa hòa giải hay tòa án thụ lý vụ kiện; biện lý sẽ ký nhận bản chánh trát đòi hay triệu hoán trạng và cho dán bản sao tại cửa chánh của tòa án;
3) Những người cư ngụ ở ngoại quốc, tại biện lý cuộc tòa án nói trên. Biện lý sẽ ký nhận vào bản chánh và gởi bản sao cho Bộ ngoại giao hoặc cho nhà chức trách khác do hiệp ước quốc tế ấn định, để tống đạt cho đương sự.

Điều thứ 39 – Viên chức phụ trách phải lập biên bản về sự tống đạt ngay trên bản chánh và gửi văn kiện này về tòa án cho kịp phiên xử.

Điều thứ 40 – Các đương sự có đủ năng lực pháp lý có thể tự mình đến hoặc đệ đơn tại thẩm phán hòa giải để xin hòa giải về vụ trình bày theo lời khai hay theo đơn viết.

Thẩm phán hòa giải xuất trát hoặc cho gửi thơ bảo đảm có biên nhận hoặc bằng mọi cách khác nhanh chóng đòi các đương sự đến văn phòng để hòa giải, cố gắng đi đến một cuộc điều đình công bằng.

Điều thứ 41 – Những vụ kiện thuộc thẩm quyền thẩm phán hòa giải không buộc phải qua giai đoạn hòa giải sơ khởi. Tuy nhiên, ngay phiên xử vụ kiện lần đầu, thẩm phán khuyến cáo các đương sự nên điều đình và thử hòa giải họ nhưng cấm không được cho ý kiến về kết quả vụ kiện.

CHƯƠNG THỨ III

HÒA GIẢI

Điều thứ 42 – Ngoại trừ trường hợp luật định khác, chánh án tòa sơ thẩm sẽ thử hòa giải:

1) Trong những vụ kiện thuộc quyền chung thẩm của tòa sơ thẩm, theo giá ngạch thỉnh cầu chánh;
2) Trong những vụ kiện khác, khi có lời yêu cầu của một đương sự.
Những vụ hoãn trên đương nhiên sẽ hoãn đến cuối phiên tòa đầu tiên, để được lần lượt hòa giải nơi văn phòng chánh án.

Điều thứ 43 – Trong thủ tục hòa giải, đương sự có thể đặc biệt ủy quyền cho một trong những người có tư cách đại diện ấn định nơi điều 50 dưới đây.

Đương sự có quyền nhờ luật sư dự thính.

Điều thứ 44 – Chánh án (tòa hòa giải hay tòa sơ thẩm) kiểm soát căn cước và tư cách của đơn sự, nghe họ trình bày và thử hòa giải.

Điều thứ 45 – Nếu có nhiều nguyên đơn hoặc nhiều bị đơn mà chỉ có một số người  có mặt, việc hòa giải chỉ có hiệu lực đối với những người hiện diện.

Đối với đương sự vắng mặt, việc hòa giải kể như bất thành.

Điều thứ 46 – Nếu việc hòa giải thành tựu, biên bản sẽ được lưu chép tại một quyển sổ lưu trữ tại phòng lục sự, có ghi số trang và được chánh án ký tên vào từng tờ một.

Chánh án, lục sự và các đương sự hiện diện đồng ký tên vào biên bản hòa giải.

Trong trường hợp đương sự không thể ký tên, hoặc có thông ngôn phụ giúp, những điểm ấy phải được ghi chú.

Điều thứ 47 – Biên bản minh xác những giao ước giữa đương sự sẽ có hiệu lực chấp hành như một bản án, không một phương sách kháng án nào được chấp nhận.

Bản đại tự có ghi văn thức chấp hành sẽ được cấp phát cho đương sự.

Điều thứ 48 – Nếu việc hòa giải bất thành, sẽ không lập biên bản. Về các vụ kiện đã thụ lý, chánh án chỉ ghi chú trên hồ sơ và định ngày vụ kiện trở ra phiên tòa.

Phòng lục sự sẽ thông báo bằng thơ bảo đảm cho những đương sự vắng mặt.

Điều thứ 49 – Trong trường hợp việc hòa giải chỉ đạt thành được một phần, hiệu lực chấp hành sẽ liên quan đến phần đó thôi.

Điều 48 sẽ áp dụng đối với phần không hòa giải được.

CHƯƠNG THỨ IV

VỀ VIỆC ĐƯƠNG SỰ RA TRƯỚC TÒA

Điều thứ 50 – Đương sự hoặc đích thân xuất đình, hoặc nhờ luật sư, tôn thuộc, ti thuộc, vợ, chồng, anh chị em, đồng thừa kế và đồng hội viên thay mặt cho mình.

Ngoại trừ luật sư, các đại diện khác phải có ủy quyền đặc biệt.

Lý đoán không được chấp nhận, nếu đương sự không xuất đình mà cũng không được thay mặt hợp lệ.

Điều thứ 51 – Trước khi mở cuộc tranh luận, tòa sẽ kiểm soát căn cước của các đương sự, của đại diện, nếu có, cùng sự hợp lệ của văn thư ủy quyền.

Điều thứ 52 – Khi các đương sự được đòi hợp lệ, đích thân xuất đình hoặc nhờ người đại diện như dự định ở điều 50, vụ kiện kể như hoàn bị và cuộc tranh luận đã kết buộc đối tịch các đương sự.

Điều thứ 53 – Nếu một bị đơn từ trần trước khi cuộc tranh luận kết buộc đối tịch các đương sự như đã ấn định nơi điều 52, chánh án sẽ cho gửi trát đòi các thừa kế theo danh sách và địa chỉ do nguyên đơn cho biết, ra một phiên tòa khác để tiếp tục vụ kiện.

Khi có thừa kế tự ý trình diện theo trát đòi người quá cố, tòa tuyên bố họ đương nhiên dự sự, không cần trát đòi khác.

Điều thứ 54 – Nếu nguyên đơn từ trần sau khi nạp đơn khởi tố, vụ kiện sẽ được bôi bỏ, ngoại trừ trường hợp có thừa kế của người quá cố tự ý dự sự để tiếp tục vụ kiện, hoặc có bị đơn phản tố đòi họ ra dự sự.

Nếu trong các nguyên đơn có người tử trần mà không có thừa kế dự sự, vụ kiện sẽ tiếp tục đối với những nguyên đơn còn lại.

CHƯƠNG THỨ V

SỰ THẨM CỨU

 

TIẾT 1

NGUYÊN TẮC TỔNG QUÁT

Điều thứ 55 – Để phán quyết chánh án không thể căn cứ vào những tài liệu thu thập riêng, ngoài các phương sách dẫn chứng và các biện pháp thẩm cứu luật định.

Điều thứ 56 – Người nào viện dẫn một sự kiện thuận lợi cho mình, có trách nhiệm dẫn chứng.

Đối phương muốn phủ nhận tín lực của sự kiện được chứng minh, phải xuất trình bằng cớ tương phản.

Điều thứ 57 – Đương sự việc dẫn luật lệ ngoại quốc, phong tục hay tập quán, có trách vụ dẫn chứng về sự hữu thực và nội dung của luật lệ, phong tục hay tập quán ấy.

Điều thứ 58 – Nếu không có đủ bằng cớ theo luật về chủ trương của mình, đương sự sẽ bị bác khước về những khoản không chứng minh được.

Điều thứ 59 – Sự kiện vật chất có thể được chứng minh bằng mọi phương cách.

Điều thứ 60 – Về thương sự, việc dẫn chứng được tự do, trừ phi luật dự liệu khác.

TIẾT 2

BIỆN PHÁP THẨM CỨU

Điều thứ 61 – Nếu theo hiện trạng hồ sơ, chưa đủ yếu tố để xét xử, tòa án có thể, hoặc tự ý hoặc theo thỉnh cầu của đương sự cho thi hành một hay nhiều biện pháp thẩm cứu sau đây: điều tra, giám định, kiểm tra dự tạng, tố cáo giả mạo phụ đới, đích thân xuất đình, lý khám trưởng sở, khảo tra tài liệu và phát hệ.

Điều thứ 62 – Sự vô hiệu liên quan đến các biện pháp thẩm cứu sẽ được xét xử cùng một lúc với nội dung vụ kiện.

Điều thứ 63 – Về điều tra, giám định và kiểm tra tự dạng,  tòa sẽ tuyên án tuyên thẩm có viện dẫn lý do.

Về những biện pháp khác, tòa có thể không lên án tiên thẩm mà chỉ cho ghi quyết định vào sổ bút ký của lục sự.

Án tiên thẩm và quyết định nói trên không thể bị kháng tố hay kháng cáo trước khi vụ kiện được xử chung cuộc.

Điều thứ 64 – Tòa án nếu xét cần, sẽ buộc đương sự thỉnh cầu phải ứng trước phí tổn để thi hành biện pháp thẩm cứu.

Người này phải đóng tiền tại phòng lục sự trễ lắm là mười lăm ngày kể từ khi nhận được báo thi án tiện thẩm hoặc quyết định của tòa. Trong báo thị, chánh lục sự phải nói rõ thời hạn vừa kể, số tiền phải đóng và chế tài dự định trong điều 65 sau đây.

Nếu phí tổn không được nạp trong thời hạn, lục sự sẽ gửi thư bảo đảm cho các đương sự khác, cho biết rằng họ có một thời hạn mười lăm ngày kể từ khi nhận được thơ để đóng tiền, nếu xét có lợi ích cho mình.

Điều thứ 65 – Trong trường hợp không người nào đóng phí tổn, vụ kiện sẽ được gọi ra phiên tòa thứ nhất để tiếp tục xét xử, mặc dầu không thực hiện được biện pháp thẩm cứu đã quyết định.

PHỤ TIẾT I

ĐIỀU TRA

Điều thứ 66 – Người nào xin điều tra phải liệt khai các điểm mình muốn dẫn chứng, cùng danh tánh và địa chỉ của các nhân chứng.

Điều thứ 67 – Nếu điểm xin dẫn chứng khả chấp và có vẻ chính xác, tòa sẽ lên án tiên thẩm, ghi rõ trong chủ văn những điều phải điều tra, chỉ định vị thẩm phán phụ trách và thời gian tối đa để nạp biên bản.

Điều thứ 68 – Đối phương đương nhiên có quyền phản chứng và phải nạp tại phòng lục sự tòa án thụ lý, danh sách nhân chứng trong thời hạn tám ngày kể từ khi nhận được báo thị án tiên thẩm. Trong báo thị, lục sự sẽ ghi rõ thời hạn vừa kể.

Trong trường hợp tòa tự ý cho điều tra, hai bên nguyên bị phải nạp danh sách nhân chứng, theo thể thức và trong thời hạn ấn định trước đây.

Điều thứ 69 – Thẩm phán phụ trách sẽ ấn định ngày giờ và nơi mở cuộc điều tra.

Ngoài các chi tiết vừa kể, trong trát đòi, chánh lục sự còn cho đương sự và nhân chứng biết thêm lý do phải đến trình diện.

Điều thứ 70 – Nếu nhân chứng vắng mặt không có lý do xác đáng, thẩm phán điều tra, bằng một án lệnh có hiệu lực chấp hành tức khắc, sẽ tuyên phạt người này một số tiền vạ dân sự từ năm trăm (500$) đến năm ngàn đồng (5.000$) chưa kể tiền bồi tổn mà đương sự bị thiệt hại có thể đòi sau này.

Mặc dầu đã bị phạt như kể trên và có trát đòi lại hợp lệ mà nhân chứng vẫn vắng mặt, thẩm phán điều tra có thể ra lệnh dẫn giải và ngay sau khi chấp cung sẽ trả tự do cho nhân chứng.

Điều thứ 71 – Khi nhân chứng mang lại được bằng cớ rằng không thể đến trình diện vì trường hợp ngoài ý muốn, thẩm phán điều tra, sau khi chấp cung, sẽ thâu hồi án lệnh phạt vạ.

Điều thứ 72 – Nhân lúc chấp cung, thẩm phán điều tra có thể cho đòi và nghe thêm nhân chứng, ra lệnh nạp tài liệu và viết thư hỏi công hay tư sở, nếu xét cần, để tìm ra sự thật.

Điều thứ 73 – Thẩm phán điều tra có thể ủy thác cho thẩm phán khác để chấp cung nhân chứng cư ngụ ngoài quản hạt tòa án thụ lý.

Điều thứ 74 – Có thể bị cáo tị những nhân chứng có mối tương quan sau đây với đương sự:

1) Vợ hay chồng, mặc dầu đã ly dị;
2) Thân thuộc hoặc thích thuộc, trực hệ hay bang hệ cho đến luôn bực thứ sáu của đương sự hoặc của người đối ngẫu;
3) Người thừa kế tiên định hoặc người thụ hưởng của tặng dữ;
4) Thuộc viên hoặc gia nhân;
5) Những người có thưa kiện với một đương sự, mặc dầu vụ kiện đã kết liễu;
6) Những người đang bị truy tố hay đã bị kết án về một trọng tội, hay một kinh tội về làm chứng gian, trộm, lường gạt, bội tín.

Điều thứ 75 – Lời khai của những người bị cáo tị, cũng như của vị thành niên dưới 18 tuổi, có thể được ghi với tính cách chỉ dẫn.

Điều thứ 76 – Trước khi được chấp cung, nhân chứng phải tuyên thệ nói sự thật và được thẩm phán điều tra cho biết rằng nếu khai gian, có thể bị truy tố theo hình luật.

Điều thứ 77 – các nhân chứng sẽ được chấp cung từng người một. Hai bên đương sự và luật sư của họ có quyền dự thính.

Thẩm phán điều tra có thể, hoặc tự ý, hoặc theo thỉnh cầu của đương sự, chất vấn nhân chứng về những điều xét ra có lợi ích cho cuộc điều tra.

Nếu câu hỏi do đương sự đề nghị không được chấp nhận, người này có quyền xin ghi vào biên bản.

Điều thứ 78 – Biên bản điều tra sẽ ghi rõ tên, họ, tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ của nhân chứng, mối liên hệ với đương sự, việc tuyên thệ và nguyên văn các lời khai.

Sau khi nghe đọc lại và xác nhận là đúng, nhân chúng và đương sự ký tên vào biên bản. Nếu có người không biết hoặc không chịu ký tên, sự kiện ấy sẽ được ghi chú.

Thẩm phán điều tra, lục sự và thông ngôn, nếu có, cũng sẽ ký tên vào biên bản.

Điều thứ 79 – Cấm cạo tẩy và viết chồng chữ này lên chữ khác; các chữ gạch thêm hoặc bôi bỏ phải được những người ký tên xác nhận.

Ngoài ra, mọi người còn phải ký tên vào cuối mỗi trang của biên bản.

Điều thứ 80 – Trong vòng hai mươi ngày kể từ khi cuộc điều tra kết thúc, lục sự sẽ gửi trát đòi các đương sự phiên tòa gần nhất, để vụ kiện được xét xử về nội dung.

PHỤ TIẾT II

GIÁM ĐỊNH

Điều thứ 81 – Án tiên thẩm truyền mở cuộc giám định do tòa án tự động ra lệnh hay do lời thỉnh cầu của đương sự sẽ ghi rõ danh tánh và nhiệm vụ của giám định viên, cùng thời hạn để nạp phúc trình.

Điều thứ 82 – Tòa sẽ cử một giám định viên duy nhất, ngoại trừ trường hợp có sự khó khăn đặc biệt cần đến ba người.

Điều thứ 83 – Khi tuyên án, nếu các đương sự thỏa thuận về danh tánh của giám định viên, tòa sẽ ghi nhận việc ấy; nếu không, tòa sẽ tùy nghi lựa chọn.

Điều thứ 84 – Trong vòng tám ngày sau khi nhận báo thị án tiên thẩm, đương sự có quyền nạp tại phòng lục sự đơn xin cáo thị giám định viên có nêu rõ lý do. Lục sự sẽ gửi trát đòi giám định viên và các đương sự đến trước chánh án, để nghe xét xử tại phòng thẩm nghị.

Án lệnh chấp nhận hoặc bác khước đơn xin cáo tị không thể bị kháng án và sẽ được thi hành trên nguyên bổn trước khi trước bạ.

Đương sự cũng có thể nhờ thừa phát lại triệu hoán giám định viên và đối phương ra trước chánh án, để được xét xử như trên.

Điều thứ 85 – Giám định viên có thể bị cáo tị vì những lý do áp dụng cho nhân chứng, chiếu theo điều 74 hoặc vì đã làm một công tác thuộc về chuyên môn của mình cho một đương sự.

Điều thứ 86 – Trong án lệnh bác đơn, chánh án có thể tuyên phạt người xin cáo tị đã hành động vì ác ý, một số tiền vạ dân sự từ một ngàn đồng (1.000$) đến mười ngàn đồng (10.000$).

Điều thứ 87 – Nếu giám định viên được chỉ định không thể thi hành nhiệm vụ vì lý do chánh đáng, chánh án sẽ chọn người thay thế bằng một án lệnh phê đơn, theo lời yêu cầu của đương sự mẫn cán nhứt.

Điều thứ 88 – Trước khi hành nhiệm, giám định viên sẽ tuyên thệ trước chánh án, trừ phi án tiên thẩm đã chuẩn miễn.

Điều thứ 89 – Một khi đã nhận, giám định viên phải thi hành nhiệm vụ trong thời hạn ấn định. Nếu trễ hạn hoặc không nạp phúc trình, giám định viên có thể bị tòa buộc trả chi phí đã xuất dụng và tiền bồi thường, nếu có sự thiệt hại cho đương sự.

Điều thứ 90 – Giám định viên gởi thư bảo đảm mời các đương sự đến chứng kiến cuộc giám định, ít nhất là tám ngày trước. Thơ phải ghi rõ ngày giờ và địa điểm. Đương sự có thể nhờ luật sư dự kiến. Nếu có người vắng mặt, dầu đã được thư mời hợp lệ như trên, giám định viên vẫn có quyền thi hành nhiệm vụ.

Điều thứ 91 – Giám định viên phải ghi nhận lời giải thích hoặc khiếu nại của các đương sự.

Điều thứ 92 – Phúc trình sau khi trước bạ, sẽ được nạp tại phòng lục sự tòa án thụ lý và một bản sao phải được giám địnhviên gửi cho mỗi đương sự.

Trong vòng hai mươi ngày từ khi nhận phúc trình, chánh lục sự sẽ gửi trát đòi đương sự ra phiên tòa gần nhất, để vụ kiện được xét xử về nội dung.

Điều thứ 93 – Tiền thù lao và phí tổn của giám định viên phải do chánh án phê chuẩn.

Điều thứ 94 – Tòa án không buộc phải theo kết luận của giám định viên.

Điều thứ 95 – Nếu xét phúc trình không đủ yếu tố để thẩm định, tòa án có thể truyền mở một cuộc giám định khác, hoặc yêu cầu giám định viên giải thích tại phiên tòa trước mặt các đương sự, hay bằng phúc trình bổ túc.

Trong trường hợp phúc trình bị tuyên bố vô hiệu, tòa án có thể cho thi hành lại cuộc giám định hoặc xử ngay về nội dung, nếu từ ngày tuyên án tiên thẩm có đủ yếu tố mới để quyết định.

PHỤ TIẾT III

KIỂM TRA TỰ DẠNG

Điều thứ 96 – Nếu đương sự phủ nhận chữ ký hay chữ viết của mình trên một tư chứng thư do đối phương xuất trình, tòa sẽ áp dụng trong những giải pháp sau đây:

1. Khi chỉ xem qua bút tự phủ nhận, đối chiếu với các tài liệu trong hồ sơ, mà xét ra đã có đủ bằng chứng rằng bút tự là thiệt hay giả, tòa có thể nhìn nhận ngay văn kiện tương tranh có giá trị, hoặc gạt bỏ ra ngoài cuộc tranh luận, nhưng phải viện dẫn lý do;
2. Trong trường hợp không đủ yếu tố thẩm xét, tòa sẽ truyền kiểm tra tự dạng bằng mọi biện pháp luật định.

Điều thứ 97 -  Nếu cần mở cuộc giám định, ngoài các điều khoản từ 81 đến 95, còn phải áp dụng thêm những thể thức sau đây.

Điều thứ 98 - Văn kiện bị phủ nhận sẽ được chánh án, lục sự hoặc các đương sự hoặc người đại diện ký tên.

Nếu có đương sự vắng mặt hoặc không chịu hay không biết ký tên, sự kiện này sẽ được ghi chú vào sổ bút ký phiên tòa.

Điều thứ 99 - Khi được mời đến chứng kiến chiếu theo điều 90, các đương sự phải đem nạp cho giám định viên những tài liệu mà họ đề nghị dùng làm văn kiện để so sánh.

Nếu không có sự thỏa thuận về việc lựa chọn tài liệu, giám định viên chỉ dùng những bút tự trên các công chứng thư hoặc tư chứng thư đã được đương sự xác nhận là chủ mình.

Trong trường hợp không có hoặc không đủ văn kiện để so sánh, giám định viên có quyền yêu cầu đương sự ký tên hoặc đọc cho đương sự viết một số chữ mẫu, trước mặt đối phương.

Điều thứ 100 - Nếu bút tự cho giảo nghiệm được xác nhận là của đương sự , tòa án có thể xử phạt người này một số tiền  vạ dân sự từ ba ngàn đồng (3000$) đến 30 ngàn đồng (30.000$), chưa kể tiền  bồi thường thiệt hại cho đối phương, nếu có.

    

PHỤ TIẾT IV

TỐ CÁO GIẢ MẠO PHỤ ĐỚI

Điều thứ 101 – Đương sự nào cho rằng một văn kiện được tống đạt, thông tri hoặc xuất trình trong vụ kiện là giả mạo hay biến tạo, phải đốc thúc đối phương, tại phiên tòa hoặc bằng truyền phiếu thừa phát lại, để cho biết còn muốn sử dụng văn kiện ấy hay không.

Điều thứ 102 – Nếu người bị đốc thúc không trả lời hoặc tuyên bố rút lại văn kiện tương tranh, tòa sẽ gạt tài liệu này ra ngoài cuộc tranh luận và tiếp tục xử về nội dung.

Điều thứ 103 – Tòa cũng sẽ tiếp tục xử về nội dung khi theo tài liệu hồ sơ nhận thấy rằng:

1. Văn kiện tương tranh là hiển nhiên chân thật hay giả mạo;
2. Hoặc người tố cáo không thể nào chứng minh được sự giả mạo;
3. Hoặc văn kiện bị chỉ trích không có ành hưởng nào đến kết quả vụ kiện.

Điều thứ 104 – Khi người bị đốc thúc tuyên bố những quyết sử dụng văn kiện và khi xét không phải trường hợp dự liệu nơi điều 103, tòa truyền cho các đương sự nạp, trong vòng tám ngày, một bên đơn kiện giả mạo có đứng dân sự nguyên cáo chánh tố, bên kia văn kiện bị chỉ trích.

Nếu quá hạn mà đơn kiện giả mạo hoặc văn kiện bị tố cáo không được nạp vào hồ sơ, tòa sẽ tiếp tục xét xử về nội dung.

Điều thứ 105 – Sau khi nhận đủ hai tài liệu vừa kể và thi hành thể thức ấn định nơi điều 98,  tòa sẽ truyền hoãn xử về nội dung cho đến khi có phán quyết nhất định về hinhd sự, và chuyển giao hai tài liệu trên đây đến biện lý quyền có thẩm quyền.

Điều thứ 106 – Nếu công tố quyền bị tiêu diệt, tòa sẽ kiểm tra tự dạng.

Điều thứ 107 – Sau khi có phán quyết nhất định của tòa hình, đương sự mẫn cán nhứt sẽ nạp một bản toàn sao phán quyết ấy vào hồ sơ dân sự và trong vòng hai mươi ngày, lục sự sẽ gửi trát đòi các đương sự trở ra phiên tòa.

Điều thứ 108 – Nếu tòa hình xác nhận trong thực tế có sự giả mạo, dầu bị cáo bị kết án, được miễn tố hay tha bổng, văn kiện giả mạo sẽ bị gạt bỏ ra ngoài cuộc tranh luận.

Tòa sẽ truyền tiêu hủy, xóa bỏ toàn thể hay một phần văn kiện ấy, hoặc tái lập tình trạng nguyên thủy.

Sau khi mời các đương sự đến dự kiến, lục sự sẽ thực hiện công việc kể trên và lập biên bản.

Điều thứ 109 – Trong trường hợp tòa hình tuyên án miễn tố hoặc tha bổng và xác nhận không có sự giả mạo, nguyên đơn tố cáo sẽ bị phạt một số tiền vạ dân sự không quá một ngàn đồng, chưa kể tiền bồi thường thiệt hại cho đối phương, nếu có.

PHỤ TIẾT 5

ĐÍCH THÂN XUẤT ĐÌNH

Điều thứ 110 – Trong mọi trường hợp, tòa có thể truyền cho đương sự đích thân xuất đình.

Điều thứ 111 – Theo ngày giờ ấn định, đương sự được chấp cung tại phiên tòa công khai hoặc tại phòng thẩm nghị.

Lục sự lập ngay biên bản vấn đáp đương sự và lưu vào hồ sơ.

Điều thứ 112 – Nếu đương sự vắng mặt và có lý do xác đáng, tòa có thể truyền đòi lại vào một ngày khác.

Tòa cũng có thể ủy thác một vị thẩm phán chấp cung hoặc đến tận nhà lấy cung đương sự, nếu người này bị tật nguyền hay bệnh hoạn, hoặc vì đường xa cách trở không thể đến tòa được.

Điều thứ 113 – Tòa có thể hỏi riêng từng người, ngoài sự hiện diện của đối phương và sau đó sẽ cho đối chất lời khai của hai bên.

Điều thứ 114 – Nếu đương sự vắng mặt hoặc từ chối cung khai, tòa sẽ dành cho sự kiện đó mọi hậu quả luật định, nhất là xem sự vắng mặt hay sự từ chối công khai tương đương với một khởi điểm bút chứng.

Điều thứ 115 – Trong mọi trường hợp, tòa có thể truyền xuất đình để cung khai, các nhân chứng do hai bên nguyên bị đồng ý xin tòa nghe, về những điểm cũng do đương sự thỏa thuận xin điều tra.

Sẽ được áp dụng những điều khoản 70. 71. 76, 77, 78, 79 và 111 trên đây.

PHỤ TIẾT 6

LÝ KHÁM TRƯỜNG SỞ

Điều thứ 116 – Khi xét cần để tìm ra sự thật, chánh án có thể tự mình hoặc ủy nhiệm một vị thẩm phán, thân hành đến tận nơi để lý khám.

Các đương sự hoặc luật sư phải được báo trước và có quyền dự kiến.

Điều thứ 117 – Trong khi lý khám, thẩm phán có thể nhờ chuyên viên đến cho biết ý kiến, nghe nhân chứng tại chỗ hoặc tham khảo mọi tài liệu cần thiết.

Sự chấp cung nhân chứng sẽ tuân theo các điều khoản từ 74 đến 79.

Điều thứ 118.– Biên bản lý khám được thành lập ngay, thẩm phán và lục sự cùng ký tên với đương sự, chuyên viên và nhân chứng, nếu có.

    
PHỤ TIẾT 7

KHẢO TRA TÀI LIỆU

Điều thứ 119 – Trong khi vụ kiện đang tiến hành, tòa có thể truyền cấp phát để nạp vào hồ sơ, bản toàn sao hay trích lục của một tài liệu lưu trữ tại một công sở hay văn phòng của một công lại.

Điều thứ 120 – Tòa có thể truyền khỏa tra hồ sơ hình sự.

Chỉ trong trường hợp vụ hình đã được biện lý cuộc bỏ qua không truy tố, hoặc đã được kết thúc bằng một quyết định miễn tố của dự thẩm hay phòng luận tội, mới phải có sự chấp thuận của chưởng lý để thực hiện biện pháp thẩm cứu này.

Tòa sẽ ấn định cách thức thảm cứu thích nghi. Tòa có thể truyền sát nhập hồ sơ hình sự vào hồ sơ vụ kiện đang xét xử cho đến khi vụ kiện kết thúc nếu không có sự phản đối của công tố viện tòa án thụ lý vụ hình.

PHỤ TIẾT 8

PHÁT THỆ

Điều thứ 121 – Quyết định truyền phát thệ phải ghi rõ:

1. Việc phát thệ là do một đương sự đề nghị và được đối phương chấp nhận hoặc do tòa án tự ý truyền lịnh;
2. Người nào phải phát thệ;
3. Nơi phát thệ được hai đàng đồng ý lựa chọn hoặc do tòa chỉ định;
4. Viên chức có nhiệm vụ điều hành việc phát thệ và lập biên bản;
5. Văn chức phát thệ có chỉ rõ những điểm phải thề.

Điều thứ 122 – Trong trường hợp phát thệ quyết tụng, tòa án sẽ ấn định một số tiền dự phạt không dưới một ngàn đồng (1000$) do người thách thề phải đóng tại phòng lục sự trước khi thi hành việc phát thệ.

Điều thứ 123 – Việc thách thề kể như không có nếu đương sự không đóng tiền dự phạt.

Điều thứ 124 – Đương sự có quyền xin thề theo tôn giáo của mình. Nếu không có lời yêu cầu về khoản này, sự phát thệ sẽ theo tục lệ đia phương.

Điều thứ 125 – Viên chức được chỉ định điều hành việc thệ sẽ viết thơ bảo đảm ít nhất là tám (8) ngày trước cho các đương sự để mời đến phát thệ và dự kiến.

Điều thứ 126 – Viên chức nói trên phải lập ngay biên bản ghi rõ:

1. Sự có mặt hoặc vắng mặt của người phải phát thệ và bên đối phương, cùng lý do vắng mặt, nếu được biết.
2. Chi tiết hành lễ phát thệ;
3. Nguyên văn lời thề đã thực sự phát xướng trong buổi lễ.
4. Biên bản sẽ được viên chức này ký tên cùng các đương sự có mặt và gửi đến phòng lục sự tòa án thụ lý vụ kiện.

Điều thứ 127 – Trong vòng hai mươi (20) ngày sau khi nhận biên bản, lục sự sẽ gởi trát đòi các đương sự trở ra phiên tòa.

MỤC LỤC   *   THIÊN 2-B