BỘ LUẬT HÌNH SỰ TỐ TỤNG - VNCH - Quyển 4 Print
Tác Giả: Việt Nam Cộng Hòa   
Thứ Ba, 15 Tháng 12 Năm 2009 03:52

 

QUYỂN IV

Một vài thủ tục đặc biệt

 

THIÊN THỨ NHỨT

Khuyết tịch đại hình

Điều thứ 598 - Nếu có phúc quyết chuyển tống của phòng luận mà không bắt được bị can hoặc đã tống đạt phúc quyết phòng luận tội tại cư sở của bị can mà y không xuất diện trong hạn mười (10) ngày kể từ ngày tống đạt, hoặc sau khi bị bắt hay xuất diện mà bị can đào tẩu, chánh thẩm tòa đại hình, hay nếu thẩm phán này vắng mặt, chánh án tòa án nơi tòa đại hình nhóm họp hay thẩm phán được chánh thẩm tòa đại hình ủy nhiệm, sẽ ra án lệnh truyền bị can phải xuất diện trong hạn mười (10) ngày kể từ ngày ký án lệnh.

Án lệnh ghi rõ nếu bị can không xuất diện, tòa sẽ xác nhận sự y bất tuân luật pháp, truyền đình chỉ việc hành sử công quyền và dân quyền của y, cho cung thác tài sản của y trong thời gian thủ tục khuyết tịch đại hình tiến hành, cấm y hành sử các tố quyền trong thời hạn ấy và truyền ra lệnh bất cứ ai nếu biết bị can ở đâu phải khai trình.

Án lệnh phải hài rõ trọng tội mà bị can bị truy tố và mệnh lệnh câu lưu.

Trong mọi trường hợp, chỉ được cung thác và tịch thâu tài sản do chính bị can đứng bộ làm sở hữu chủ hoặc phần của y trong khối cộng đồng tài sản.

Điều thứ 599 - Án lệnh nói ở trên sẽ được phổ biến trên báo chí và niêm yết trong hạn tám (8) ngày tại cửa ngỏ nơi cư sở của bị can, tại công sở hay quận hành chánh nơi cư sở của y và tại trụ sở tòa đại hình.

Chưởng lý sẽ gởi đến nha giám đốc công sản một bản sao án lệnh.

Điều thứ 600 - Hết hạn mười (10) ngày sau ngày công bố án lệnh, sẽ xử khuyết tịch bị can.

Điều thứ 601 - Luật sư không thể biện hộ cho bị can khuyết tịch. Tuy nhiên, nếu bị can ở vào tình trạng khiến không thể nào xuất diện được, cha mẹ hay bạn hữu của y có thể trình bày lý do xin khoan miễn.

Điều thứ 602 - Nếu xét lý do khoan miễn chánh đáng, tòa đại hình truyền đình  hoãn xét xử bị can và nếu cần, truyền ngưng cung thác tài sản của y trong một thời gian, tòa sẽ ấn định thời gian này căn cứ vào lý do khoan miễn và vị trí tài sản của bị can.

Điều thứ 603 - Ngoại trừ trường hợp dự liệu nơi điều 602, tòa đại hình cho đọc phúc quyết chuyển tống bị can ra trước tòa cùng biên bản tống đạt án lệnh truyền cho y xuất diện và biên bản niêm yết án lệnh ấy.

Sau khi công tố viện kết luận, tòa đại hình thẩm xét thủ tục khuyết tịch.

Nếu một trong những thể thức qui định nơi các điều 598 và 599 không được tôn trọng, tòa tuyên thủ tục vô hiệu và truyền làm lại thủ tục kể từ hành vi bất hợp lệ đầu tiên.

Trong trường hợp thủ tục hợp lệ, tòa xét xử tội trạng  của bị can ngoài sự hiện diện của các phụ thẩm nhân dân và nếu kết phạt, không thể cho bị can khuyết tịch hưởng trường hợp giảm khinh. Tòa xét xử luôn về quyền lợi dân sự.

Điều thứ 604 - Nếu bị can khuyết tịch bị kết phạt và tài sản không bị tịch thâu, việc cung thác tài sản vẫn được duy trì và sẽ được kết toán với người hữu quyền sau khi phúc quyết khuyết tịch trở thành nhất định vì đã mãn hạn thanh tiêu án khuyết tịch đại hình.

Điều thứ 605 - Chưởng lý phải cấp thời cho đăng vào một nhật báo nơi cư sở sau cùng của bị can bản trích lục phúc quyết kết phạt.

Bản trích lục cũng được niêm yết tại cửa ngõ nơi cư sở sau cùng của bị can, tại công sở xã hay quận hành chánh nơi phạm pháp và tại trụ sở tòa đại hình.

Đồng thời một bản trích lục được gởi cho nha giám đốc công sản.

Điều thứ 606 - Sau khi biện pháp phổ biến dự liệu nơi điều trên được thi hành, bị can phải chịu tất cả những sự thất quyền luật định.

Điều thứ 607 - Bị can bị kết án khuyết tịch không được quyền thượng tố.

Điều thứ 608 - Trong mọi trường hợp, thủ tục xử khuyết tịch một bị can không đương nhiên đình hoãn hoặc làm chậm trễ việc thẩm cứu các đồng phạm hiện diện.

Sau khi xét xử các đồng phạm này, tòa có thể truyền trao trả tang vật ký nạp tại phòng lục sự cho chân chánh sở hữu chủ. Tòa cũng có thể truyền giao hoàn tang vật với điều kiện phải xuất trình mỗi khi cần đến.

Lục sự phải lập biên bản mô tả các tang vật trước khi giao hoàn.

Điều thứ 609 - Trong thời gian cung thác tài sản, chánh án tòa án nơi cư sở của bị can sau khi hội ý giám đốc nha công sản, có thể ra án lệnh truyền ban những khoản nợ cấp cho vợ, con, tôn thuộc của y nếu họ ở trong tình trạng túng thiếu.

Điều thứ 610 - Nếu bị can bị xử khuyết tịch nạp mình hoặc bị bắt trước khi hình phạt bị thời tiêu, phúc quyết tòa đại hình và thủ tục được thực hiện từ khi có án lệnh truyền bị can xuất diện đương nhiên bị hủy bỏ và y được xét xử lại theo thủ tục thông thường.

Trong trường hợp phúc quyết kết phạt truyền tịch thâu tài sản của bị can xung vào công khố, các biện pháp đã được thực hiện để chấp hành quyết định này vẫn giữ nguyên hiệu lực. Nếu sau này phúc quyết đương tịch không duy trì việc tịch thâu sẽ hoàn trả lại cho bị can các tài sản chưa phát mãi theo hiện trạng và số tiền thực thâu trong việc bán các tài sản đã phát mãi.

Điều thứ 611 - Trong trường hợp dự liệu nơi điều trên, nếu vì bất cứ lý do gì không thể nghe cung nhân chứng và đồng phạm của bị can, tòa sẽ cho đọc lời khai của họ cùng các tài liệu khác mà chánh thẩm xét cần thiết cho sự phát huy sự thật.

Điều thứ 612 - Bị can bị kết phạt khuyết tịch và được tha bổng sau khi xuất diện, phải gánh chịu các sở phí về thủ tục khuyết tịch, trừ phi được tòa miễn trách.

Tòa đại hình cũng có thể truyền phổ biến những quyết định tư pháp có lợi cho bị can khuyết tịch theo thể thức dự liệu nơi điều 605.

THIÊN THỨ HAI

Giả mạo

Điều thứ 613 - Nếu hay biết một văn kiện gì để cáo giả mạo được thiết lập hay đang được lưu giữ tại một sở ký thác công lập, biện lý có thể thân hành đến nơi ấy để thực hiện mọi sự nhận xét và kiểm soát cần thiết.

Biện lý không thể ủy nhiệm cho hình cảnh lải sử hành quyền nói trên.

Trong trường hợp khẩn cấp, biện lý có thể truyền di chuyển đến phòng lục sự công tố viện những tài liệu khả nghi.

Điều thứ 614 - Trong mọi cuộc thẩm vấn về giả mạo văn tư, ngay khi văn kiện ấy được xuất trình hoặc bị sai áp, dự thẩm ra lệnh ký nạp tại phòng lục sự công tố viện sau khi ghi những chữ "bất biến cải" vào văn kiện và ký tên cùng với lục sự phòng dự thẩm và các đương tụng. Trước khi ký nạp, dự thẩm có thể ra lệnh cho sao lại văn kiện bằng cách chụp ảnh hoặc bằng mọi phương cách khác.

Lục sự công tố viện lập biên bản ký nạp mô tả tình trạng văn kiện bị đề cáo giả mạo.

Điều thứ 615 - Dự thẩm có thể buộc mọi người hữu quyền xuất trình những văn kiện đối chiếu hoặc ra lệnh sai áp các văn kiện ấy. Dự thẩm và lục sự ký tên trên văn kiện đối chiếu và lục sự phải lập biên bản mô tả như đã nói nơi điều trên.

Điều thứ 616 - Người thu thác công lập được ký thác những văn kiện bị đề cáo giả mạo hay được dùng để ngụy tạo văn kiện phải giao những văn kiện ấy lại cho dự thẩm, khi được xuất trình án lệnh, và nếu có thể được, cung cấp cho dự thẩm những văn kiện đối chiếu hiện đang giữ.

Nếu những văn kiện do một công lại giao nạp như nói trên, hoặc bị sai áp nơi tay công lại này có tính cách công chánh chứng thư công lại có thể xin lưu lại bản sao y do lục sự công tố viện chứng nhận, bản sao có thể được thực hiện bằng cách chụp ảnh hay bằng mọi phương cách khác.

Bản sao được lưu trữ như văn thư nguyên cáo tại văn phòng của công lại cho đến khi bản chánh được hoàn trả.

Điều thứ 617 - Trong khi phiên xử của tòa sơ thẩm hay của toà thượng thẩm, nếu một bút lục hồ sơ hay một văn kiện được xuất trình bị đề cáo giả mạo, tòa án, sau khi hội ý công tố viện và các đương tụng, quyết định nên đình hoãn xét xử hay không cho đến khi việc giả mạo được thanh quyết do tòa án có thẩm quyền.

Nếu công tố quyền đã bị tiêu diệt hoặc không thể được hành sử đối với tội giả mạo, và không có dấu hiệu gì là người xuất trình văn kiện đã tri tình sử dụng văn tư giả mạo, tòa án thụ lý chánh vụ xét luôn về tính chất của văn tự bị đề cáo giả mạo như một đới tranh.

Điều thứ 618 - Trước Tối cao pháp viện, đơn xin đăng ký giả mạo phải gởi đến chủ tịch ban phá án và đệ nạp tại phòng lục sự. Đơn xin đăng ký giả mạo phải do đương sự hoặc luật sư của họ hoặc người được ủy quyền đặc định ký tên. Trong trường hợp sau này phải đính kèm chứng thư ủy quyền vào biên bản nhận đơn do lục sự lập. Nếu nguyên đơn không biết ký tên, lục sự nhận đơn phải ghi điểm này vào biên bản.

Điều thứ 619 - Trong thời hạn một tháng kể từ ngày phòng lục sự nhận được đơn xin đăng ký giả mạo, chủ tịch ban phá án phải thẩm xét sau khi hội ý với chưởng lý Tối cao pháp viện.

Chủ tịch ban phá án sẽ ra án lệnh bác đơn hoặc cho phép đăng ký giả mạo.

Trong trường hợp bị bác đơn xin đăng ký giả mạo, nguyên đơn phải gánh chịu án phí là một ngàn đồng (1.000$00) trừ trường hợp được chủ tịch ban phá án minh thị miễn trách.

Điều thứ 620 - Án lệnh cho phép đăng ký giả mạo phải đựơc tống đạt cho bị đơn trong thời hạn mười lăm (15) ngày cùng với tờ đốc thúc bị đơn cho biết y còn tiếp tục xử dụng văn kiện bị đề cáo giả mạo hay không.

Bản sao đơn xin đăng ký giả mạo cùng án lệnh cho phép phải được đính kèm vào vi bằng đốc thúc.

Điều thứ 621 - Bị đơn phải phúc đáp lời đốc thúc trong thời hạn mười lăm (15) ngày bằng cách báo cho nguyên đơn và chủ tịch ban phá án biết quyết định của y còn tiếp tục hay không xử dụng văn kiện bị đề cáo giả mạo.

Điều thứ 622 - Trong trường hợp bị đơn quyết định tiếp tục xử dụng văn kiện bị đề cáo giả mạo, chủ tịch ban phá án sẽ truyền các đương sự khiếu tố trước cơ quan tài phán do thẩm phán này chỉ định để đăng ký giả mạo phụ đới.

THIÊN THỨ BA

Thủ tục lái lập hồ sơ thất lạc

Điều thứ 623 - Trong trường hợp vì nguyên nhân bất thường, nguyên bản phúc quyết hay án văn xử việc đại hình, tiểu hình hay vi cảnh chưa được chấp hành, hoặc những bút lục hồ sơ đương hành hay bản sao lập theo điều 76 khoản bị tiêu hủy, gian đoạt hay thất lạc mà không thể thiết lập lại được, sẽ áp dụng thủ tục sau đây.

Điều thứ 624 - Nếu bản tòan sao hay bản sao có thị thực của án văn hay phúc quyết còn được lưu trữ, bản này được xem như nguyên bản, chánh án tòa đã tuyên phán quyết bị thất lạc truyền cho công lại hoặc người đang giữ bản sao phải ký nạp ngay bản ấy nơi phòng lục sự tòa án sở tại. Lệnh của chánh án giải nhiệm người giữ bản sao án văn.

Điều thứ 625 - Nếu không còn bản toàn sao hay bản sao có thị lực của phúc quyết đại hình nhưng còn bản kê các câu hỏi có ghi quyết định của cuộc hội bàn như đã dự liệu nơi điều 355, tòa đại hình sẽ căn cứ vào tài liệu ấy để tuyển lại phúc quyết.

Điều thứ 626 - Nếu không thể tìm được bản kê các câu hỏi có ghi quyết định của cuộc hội bàn, hoặc vụ án đã được xử theo thủ tục khuyết tịch đại hình mà không còn lại một tài liệu viết nào cả, thì sẽ mở lại cuộc thẩm vấn để tái lập hồ sơ kể từ bút lục bị thất lạc.

Thủ tục này cũng được áp dụng cho các việc tiểu hình hay vi cảnh nếu không còn bản toàn sao hay bản sao án văn có thị lực.

THIÊN THỨ IV

Thủ tục lấy lời khai nhân viên Chánh Phủ và đại diện ngoại giao

Điều thứ 627 - Thủ tướng và nhân viên Chánh phủ chỉ có thể xuất đình với tư cách nhân chứng nếu được hội đồng nội các chấp thuận, chiếu phúc trình của Tổng trưởng tư pháp.

Trong trường hợp nói trên, việc cung khai được thi hành theo thể thức thông thường.

Điều thứ 628 - Nếu không có giấy mời đến cung khai hoặc không có phép của hội đồng nội các, chánh nhất tòa thượng thẩm sẽ đích thân đến cư sở của nhân chứng để tiếp nhận lời khai.

Nếu nhân chứng cư ngụ ngoài nơi đặt trụ sở tòa thượng thẩm, chánh án tòa sơ thẩm sẽ đảm nhiệm việc lấy lời khai.

Để thực hiện mục tiêu này, thẩm phán thụ lý vụ án gởi đến chánh nhất tòa thượng thẩm hoặc chánh án tòa sơ thẩm nơi cư sở của nhân chứng, tùy từng trường hợp, bản trần thuật nội vụ và bản kê câu hỏi để nhân chứng giải đáp.

Điều thứ 629 - Lời cung khai tiếp nhận theo thể thức nói trên được niêm phong, đóng dấu, rồi chuyển ngay đến phòng lục sự tòa án đã yêu cầu lấy lời khai và cấp thời thông tri công tố viện cùng các đương sự.

Tại phiên tòa đại hình, tòa sẽ cho đọc lời khai và cho tranh luận về tài liệu này.

Điều thứ 630 - Muốn lấy lời khai một đại diện ngoại giao, phải có văn thư nhờ Bộ ngoại giao chuyển đến nhân chứng ấy. Khi lời yêu cầu được chấp nhận, chánh nhất hay thẩm phán được ủy nhiệm sẽ tiếp nhận lời khai theo thể thức dự liệu nơi điều 628 khoản 3 và điều 629.

THIÊN THỨ V

Phân định thẩm quyền

Điều thứ 631 - Trong trường hợp hai dự thẩm thuộc hai tòa án khác nhau đồng thời thụ lý vụ phạm pháp, công tố viện có thể yêu cầu một trong hai dự thẩm thoái thẩm vì lợi ích cho việc điều hành công lý. Nếu tranh chấp về thẩm quyền vẫn tồn tại, sẽ phân định thẩm quyền như dự liệu nơi các điều 632 đến 635.

Điều thứ 632 - Trong trường hợp hai tòa tiểu hình, hai dự thẩm hoặc hai tòa vi cảnh cùng một quản hạt tòa thượng thẩm đồng thời thụ lý một vụ phạm pháp, phòng luận tội sẽ phân định thẩm quyền theo lời yêu cầu của công tố viện hoặc chiếu theo đơn của bị can hay dân sự nguyên cáo.

Điều thứ 633 - Mọi tranh chấp khác về thẩm quyền, tích cực hay tiêu cực giữa các cơ quan tài phán, dù thường pháp hay đặc biệt sẽ do phòng hình Tối cao pháp viện thụ lý và phán định theo lời yêu cầu của công tố viện hoặc chiếu đơn của bị can hay dân sự nguyên cáo.

Ngoài ra trong khi xét xử một vụ thượng tố, Tối cao pháp viện có quyền đương nhiên phân định thẩm quyền và nếu cần, phân định trước về sự tranh chấp thẩm quyền có thể xảy ra, Tối cao pháp viện có thể phán xét về sự hữu hiệu của mọi hành vi mà cơ quan tài phán bị buộc thoái thẩm, đã thực hiện.

Điều thứ 634 - Trước khi phán quyết, phòng hình Tối cao pháp viện có thể truyền thông tri đơn xin phân định thẩm quyền cho các đương sự; bút lục hồ sơ với ý kiến của các đương sự sẽ được chuyển đến phòng hình trong thời hạn do phòng này ấn định. Thủ tục đương hành trước cơ quan tài phán xét xử hay thẩm vấn phải được đình chỉ.

Điều thứ 635 - Phúc quyết phân định thẩm quyền được tống đạt cho các đương tụng và họ có thể kháng tố nếu không được thông tri đơn xin phân định thẩm quyền. Đương sự phải khai kháng tố theo thể thức và trong thời hạn dự liệu cho việc thượng tố, tại phòng lục sự nơi một trong các tòa án có cuộc tranh chấp về thẩm quyền.

Sự kháng tố có hiệu lực đình chỉ nếu phòng hình Tối cao pháp viện phán định như vậy.

Sự kháng tố được xét xử trong hạn mười lăm (15) ngày kể từ ngày phòng lục sự Tối cao pháp viện nhận được hồ sơ. Nếu bác đơn kháng tố, phòng hình có thể kết phạt nguyên đơn hai ngàn đồng (2.000$00) tiền vạn dân sự.

THIÊN THỨ VI

Di giao

Điều thứ 636 - Về đại hình, tiểu hình hay vì cảnh phòng hình Tối cao pháp viện có thể truyền cho một cơ quan tài phán thẩm vấn hay xét xử phải thoái thẩm, và truyền di giao nội vụ cho một cơ quan tài phán khác đồng hệ thống và đẳng cấp, nếu vì có sự hiểm nghi chánh đáng hay lý do hệ trọng nào khác tòa án có thẩm quyền không thể xét xử được.

Chưởng lý Tối cao pháp viện hoặc công tố viện nơi tòa thụ lý nội vụ hoặc bị can hoặc dân sự nguyên cáo có thể nạp đơn xin di giao.

Đơn này phải được phòng lục sự Tối cao pháp viện tống đạt cho các đương sự, những người này phải ký nạp biện minh trạng tại phòng lục sự Tối cao pháp viện trong hạn mười (10) ngày, kể từ ngày nhận được giấy tống đạt.

Đơn xin di giao không có hiệu lực đình chỉ, trừ phi Tối cao pháp viện định khác.

Vì lợi ích cho việc điều hành công lý, chưởng lý Tối cao pháp viện cũng có thể yêu cầu di giao một vụ án theo thể thức nói trên.

Trong trường hợp lý do hiềm nghi chánh đáng bị bác khứơc, phòng hình Tối cao pháp viện vẫn có thể truyền di giao vì lợi ích cho việc điều hành công lý.

Điều thứ 637 - Ngoài những quy tắc ấn định nơi các điều 35, 75, 371, biện lý, dự thẩm, tòa sơ thẩm và thượng thẩm nơi giam giữ người bị án phạt giam đều có thẩm quyền thụ lý những vụ phạm pháp xẩy ra tại nơi khác mà người ấy bị quy trách.

Điều thứ 638 - Nếu người bị phạt giam hiện bị giam mà không thể áp dụng điều 636, sẽ di giao nội vụ từ tòa án đang thụ lý đến tòa án nơi giam giữ, theo thủ tục dự liệu cho việc phân định thẩm quyền và chỉ theo lời yêu cầu của công tố viện mà thôi.

Điều thứ 639 - Phòng hình tối cao pháp viện cũng có thể truyền di giao vì lý do an ninh công cộng, nếu có lời yêu cầu của chưởng lý Tối cao pháp viện.

điều thứ 640 - Phòng lục sự Tối cao pháp viện phải tống đạt phán quyết về đơn xin di giao cho các đương sự trong thời hạn mười (10) ngày kể từ ngày phán quyết.

Điều thứ 641 - Nếu đơn xin di giao vì lý do an ninh công cộng bị bác, một đơn khác có thể được đệ nạp, căn cứ vào những sự kiện mới.

THIÊN THỨ VII

Cáo tị và hồi tị

Điều thứ 642 - Thẩm phán xử án có thể bị cáo tị vì những duyên cớ sau đây:

1) Nếu thẩm phán hay người phối ngẫu là thân thuộc hoặc thích thuộc cho đến bậc thứ sáu của một đương tụng hay người phối ngẫu của đương tụng ấy. Dù đã ly hôn hay người phối ngẫu đã mệnh một, thẩm phán vẫn có thể bị cáo tị nếu là thích thuộc đến bậc thứ nhì của một đương tụng;

2) Nếu thẩm phán hay người phối ngẫu, hoặc những người mà thẩm phán là giám hộ, đại nhiệm giám hộ, quản tài hay bảo tá tư pháp, hoặc những hội hay hiệp hội mà thẩm phán là quản trị viên hay giám sát viên có quyền lợi trong vụ tranh tụng;

3) Nếu thẩm phán hay người phối ngẫu là thân thuộc thích thuộc đến bậc thứ nhì của giám hộ, đại nhiệm giám hộ, quản tài hay bảo tá tư pháp của một đương tụng, hay của một quản trị viên, giám đốc hay quản lý một hội đương tụng;

4) Nếu thẩm phán hay người phối ngẫu ở trong tình trạng lệ thuộc đối với đương tụng;

5) Nếu thẩm phán đã xét xử vụ tranh tụng với tư cách thẩm phán hay trọng tài hoặc đã chỉ dẫn với tư cách cố vấn hoặc đã cung khai với tư cách nhân chứng;

6) Nếu thẩm phán hay người phối ngẫu hoặc thân thuộc hay thích thuộc trực hệ có vụ kiện chống một đương tụng, người phối ngẫu của đương tụng, hoặc thân thuộc hay thích thuộc trực hệ của họ;

7) Nếu thẩm phán hay người phối ngẫu có vụ kiện trước tòa án mà một đương tụng là thẩm phán;

8) Nếu thẩm phán hay người phối ngẫu hoặc thân thuộc hay thích thuộc trực hệ của họ đương tranh nại về một vấn đề giống như vấn đề tranh chấp giữa các đương tụng;

9) Nếu thẩm phán hay người phối ngẫu đã có những hành vi lộ liễu khá hệ trọng đối với một đương tụng khiến cho có thể nghi ngờ sự vô tư của thẩm phán.

Điều thứ 643 - Không thể cáo tị thẩm phán công tố.

Điều thứ 644 - Bị can hay một đương tụng muốn cáo tị một dự thẩm, một thẩm phán tòa vi cảnh, một thẩm phán xử án tòa sơ thẩm hay một hội thẩm, tòa thượng thẩm, phải nạp đơn cho chánh nhất tòa thượng thẩm, nếu không thỉnh cầu sẽ vô hiệu.

Đơn phải hài rõ danh tánh thẩm phán hay những thẩm phán bị cáo tị và phải viện dẫn lý do.

Một đương sự tự ý khởi tụng trước một tòa thượng thẩm, một tòa sơ thẩm hay một dự thẩm chỉ có thể xin cáo tị thẩm phán nếu sau khi khởi tố, có xảy ra những duyên cố để cáo tị.

Điều thứ 645 - Chánh nhất tòa thượng thẩm tống đạt theo hệ thống hành chánh đơn xin cáo tị cho thẩm phán bị cáo tị.

Đơn này không đương nhiên buộc thẩm phán bị cáo tị phải thoái thẩm. Tuy nhiên, chánh nhất tòa thượng thẩm sau khi hội ý chưởng lý, có thể truyền đình hoãn cuộc thẩm vấn hay việc xét xử.

Điều thứ 646 - Chánh nhất tòa thượng thẩm tiếp nhận biện minh trạng của nguyên đơn và của thẩm phán bị cáo tị, lấy ý kiến của chưởng lý và quyết định về đơn xin cáo tị.

Định lệnh của chánh nhất không thể bị thượng cầu và đương nhiên có hiệu lực.

Điều thứ 647 - Đơn xin cáo tị chánh nhất hoặc chánh án phòng tòa thượng thẩm phải được gởi đến Chủ tịch Tối cao pháp viện.

Chủ tịch Tối cao pháp viện sau khi hội ý chưởng lý sẽ ra án lệnh chung quyết về đơn ấy. Các qui tắc dự liệu nơi điều 645 được áp dụng.

Điều thứ 648 - Đơn xin cáo tị thẩm phán Tối cao pháp viện phải được viện dẫn lý do và gởi đến Chủ tịch cơ quan tài phán Tối cao. Đại hội đồng Tối cao pháp viện sẽ thanh quyết đơn này.

Điều thứ 649 - Án lệnh bác đơn xin cáo tị tuyên phạt nguyên đơn một khoản tiền phạt dân sự từ năm ngàn đồng (5.000$00) đến mười ngàn đồng (10.000$00).

Điều thứ 650 - Thẩm phán xử án ở vào những trường hợp dự liệu nơi điều 642 chỉ có thể tự mình hội tị, nếu được chánh nhất tòa thượng thẩm cho phép, sau khi hội ý chưởng lý. Quyết định của chánh nhất không thể bị thượng cầu.

THIÊN THỨ VIII

Xét xử các vi phạm tại phiên tòa

Điều thứ 651 - Ngoại trừ những trường hợp dự liệu nơi điều 335 và 438, những vi phạm tại phiên tòa sẽ đương nhiên hoặc theo lời yêu cầu của công tố viện, được xét xử theo những điều khoản sau đây, khỏi phải áp dụng những qui tắc riêng về thẩm quyền hay về thủ tục.

Điều thứ 652 - Nếu một tội phạm vi cảnh xảy ra tại phiên xử, tòa vi cảnh, tòa tiểu hình, tòa thượng thẩm hay tòa đại hình lập vi bằng sự phạm pháp, nghe bị can, nhân chứng cung khai, công tố viện kết luận, luật sư bào chữa, nếu có, và áp dụng tức khắc những hình phạt do luật pháp dự liệu.

Điều thứ 653 - Nếu vi phạm xảy ra tại phiên tòa tiểu hình, tòa thượng thẩm hay tòa đại hình là một khinh tội, thể thức dự liệu nơi điều trên vẫn được áp dụng. Trong trường hợp tuyên phạt một hình phạt giam trên một (1) tháng, tòa có thể hạ trát tống giam bị can.

Nếu một khinh tội xảy ra tại phiên xử tòa vi cảnh, thẩm phán lập vi bằng sự phạm pháp và chuyển đến biện lý; trong trường hợp hình phạt dự liệu trên sáu (6) tháng phạt giam, thẩm phán có thể truyền giữ bị can và dẫn ngay đến biện lý.

Điều thứ 654 - Nếu một trọng tội xảy ra tại phiên xử, tòa đại hình, tòa thượng thẩm, tòa tiểu hình hay tòa vi cảnh liên hệ cho giữ và lấy cung thủ phạm, lập biên bản, ra lệnh chuyển các văn kiện và dẫn ngay bị can đến biện lý có thẩm quyền để yêu cầu mở cuộc thẩm vấn.

THIÊN THỨ IX

Đặc quyền tài phán

Điều thứ 655 - Thẩm phán xử án và thẩm phán công tố được hưởng đặc quyền tài phán do quy chế riêng ấn định.

Điều thứ 656 - Hình cảnh lại nói nơi điều 15 phạm vào một khinh tội hay một trọng tội trong khi thi hành chức vụ được hưởng đặc quyền tài phán theo những thể thức sau đây.

Điều thứ 657 - Nếu hành vi phạm pháp cấu thành một khinh tội, chánh nhất tòa thượng thẩm theo lời yêu cầu của chưởng lý chỉ định tòa án cùng trong quản hạt của tòa thượng thẩm, nhưng khác với tòa án nơi hình cảnh lại hành sự để thụ lý việc truy tố và xét xử.

Điều thứ 658 - Nếu hành vi phạm pháp cấu thành một trọng tội, chánh nhất tòa thượng thẩm sẽ thi hành nhiệm vụ dự thẩm và chưởng lý nhiệm vụ công tố. Chánh nhất và chưởng lý có thể đặc biệt ủy thác những thẩm phán khác để thi hành nhiệm vụ ấy.

Điều thứ 659 - Cho đến khi việc chỉ định tòa án hay việc ủy nhiệm thẩm phán như đã được dự liệu nơi điều 657 và 658 kể trên được thực hiện, hình cảnh lại nào cũng có thể vi chứng tội phạm. Ngoài ra, những điều khoản tổng quát về thủ tục dự liệu trong Bộ luật này vẫn được áp ụng.

Điều thứ 660 - Phòng luận tội tuyên phúc quyết chuyển tống bị can ra trước tòa đại hình khác hơn tòa đại hình nơi bị can hành sự để xét xử vụ phạm pháp.

THIÊN THỨ X

Trọng tội và khinh tội phạm tai quốc ngoại

Điều thứ 661 - Người Việt Nam phạm ở ngoài lãnh thổ Việt Nam một trọng tội mà luật Việt Nam trừng phạt có thể bị truy tố và xét xử tại Việt Nam.

Nếu phạm khinh tội thì chỉ có thể bị truy tố và xét xử tại Việt Nam, khi tội phạm ấy cũng bị trừng phạt theo luật của nơi xảy ra tội phạm.

Đối với tội phạm xâm hại an ninh quốc gia, giả mạo ấn tín quốc gia, giả mạo tiền tệ hay giấy bạc quốc gia đang lưu hành, tội phạm dù xảy ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, vẫn bị truy tố và xét xử tại Việt Nam

Khoản 1 và 2 điều luật này cũng được áp dụng cho những người đã thử đắc quốc tịch Việt Nam sau khi phạm tội.

Điều thứ 662 - Có thể bị truy tố và xét xử trước tòa án Việt Nam, kẻ nào tại Việt Nam đã tòng phạm với kẻ khác phạm trọng tội hoặc khinh tội tại ngoại quốc, nếu tội phạm đều bị luật ngoại quốc và Việt Nam trừng trị và đã có án văn trở thành nhất định của tòa án ngoại quốc xác định tội trạng.

Điều thứ 663 - Khinh tội phạm đến thân thể và tài sản tư nhân tại ngoại quốc chỉ có thể bị truy tố, theo lời yêu cầu của công tố viện. Trước khi truy tố, phải có đơn thưa của người bị thiệt hại hay sự tố cáo chánh thức của nhà chức trách ngoại quốc với nhà chức trách Việt Nam.

Điều thứ 664 - Bất cứ người nào phạm một trọng tội hay khinh tội ở ngoại quốc, sẽ không bị truy tố ở Việt Nam, nếu minh chứng đã bị xét xử chung quyết tại nước ngoài và trong trường hợp có án phạt, đã thụ hình hoặc không phải thụ hình vì lý do luật định.

Điều thứ 665 - Sự phạm pháp được coi như phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam, khi một trong những hành vi cấu thành đã xảy ra tại đó.

Điều thứ 666 - Ngoài lãnh thổ Việt Nam, người ngoại quốc can tội xâm phạm an ninh quốc gia, giả mạo ấn tín quốc gia, giả mạo tiền tệ hay giấy bạc quốc gia đang lưu hành với tư cách là chánh phạm hay tòng phạm, có thể bị truy tố và xét xử theo luật lệ Việt Nam, nếu bị can bị bắt giữ tại Việt Nam hoặc nếu Chánh phủ đã được chấp nhận dẫn độ kẻ này.

Điều thứ 667 - Người Việt Nam phạm khinh tội và tội vi cảnh về thủy lâm, nông thôn, ngư nghiệp, quan thuế, thuế vụ, trên lãnh thổ của một trong các quốc gia giáp giới, có thể bị truy tố và xét xử tại Việt Nam, theo luật pháp Việt Nam, nếu quốc gia giáp giới đó cũng được phép truy tố dân bản quốc của họ đã phạm các tội kể trên tại Việt Nam.

Sự hỗ tương tư pháp sẽ được xác nhận trong hiệp ước quốc tế hoặc bằng sắc lệnh.

Điều thứ 668 - Trong các trường hợp dự liệu nơi thiên này, sự truy tố sẽ được thực hiện bởi biện lý tòa sơ thẩm nơi trú quán của bị can hoặc nơi bị can trú ngụ sau cùng hoặc nơi bắt gặp bị can.

Theo lời yêu cầu của công tố viện hoặc của các đương sự. Tối cao pháp viện có thể truyền di lý nội vụ đến tòa án gần nơi phạm pháp hơn.

MỤC LỤC   *   QUYỂN 3   *   QUYỂN 5