Home Đời Sống Gia Đình Địa Vị Người Phụ Nữ Trong Nhơn Quyền - Người Phụ Nữ Việt Nam Trong Gia Đình Đến Giải Phóng

Địa Vị Người Phụ Nữ Trong Nhơn Quyền - Người Phụ Nữ Việt Nam Trong Gia Đình Đến Giải Phóng PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn văn Trần   
Thứ Tư, 01 Tháng 4 Năm 2009 04:23

Hôm nay mùng tám tháng ba

Tôi giặt cho Bà cái áo của tôi.

(Tú Sót ) 

Trước đà tiến của khoa học kỹ thuật và xuất hiện những trào lưu tư tưởng mới đã không tránh khỏi ảnh hưởng sâu đậm làm thay đổi cơ cấu xã hội khắp nơi trên thế giới, thử hỏi làm thế nào có thể giữ vững nền móng gia đình và thăng tiến hài hòa theo những biến chuyển thời đại ? Đó là câu hỏi đặt ra không chỉ riêng cho người Việt Nam chúng ta, mà chung cho nhiều người.

Từ xưa, gia đình Việt Nam được bền vững, xây dựng hạnh phúc cho mọi người trong gia đình và từ đó đem lại sự ổn định và thạnh vượng cho xã hội, một phần quan trọng chính là nhờ ở vai trò người phụ nữ.

Những biến động xã hội và những luồng tư tưởng mới đã ảnh hưởng đến đời sống người phụ nữ như thế nào ? Ngày nay, sau những đợt giải phóng, bình quyền, thân phận người phụ nữ trên thế giới được thăng tiến đến mức độ nào ? Riêng ở Việt Nam, địa vị người phụ nữ được cải thiện hay bị xuống cấp ?

 I.- HỘI NGHỊ QUỐC TẾ VỀ PHỤ NỮ

Phụ nữ ngày nay đang tranh đấu lật đổ huyền thoại về nữ tính. Họ bắt đầu xác nhận một cách cụ thể sự độc lập của mình. Nhưng uy tín của phái mạnh vẫn còn khó bị xóa mờ và nhứt là khi người phụ nữ lập gia đình thường chấp nhận bị phụ thuộc vào người đàn ông do sức ép kinh tế và xã hội.

Mà phụ nữ là gì ? Theo Simone de Beauvoir thì con người ta không phải sanh ra là phụ nữ mà con người ta trở thành phụ nữ. Không phải yếu tố sinh lý, tâm lý, kinh tế xác định gương mặt của người phụ nữ trong xã hội mà chính là toàn bộ văn minh của loài người đã đặt tên cho người đó là phụ nữ.

Khi mang tên là phụ nữ thì người phụ nữ bắt đàu gánh lên mình những hệ lụy do nền văn minh con người dành cho.

Ngày nay, người ta cho rằng thế giới phụ nữ đã thay đổi nhiều. Đời sống người phụ nữ được cải thiện. Nhưng thực tế cho thấy người phụ nữ trên thế giới vẫn còn nhiều khó khăn về nhiều mặt.

Để giúp cải thiện đời sống người phụ nữ, LHQ đã tổ chức từ năm 1975 bốn Hội nghị quốc tế về phụ nữ. Năm 1975 ở Mexico, Hội nghị thế giới phụ nữ qui tụ được 6.000 phụ nữ tham dự ; năm 1980, ở Copenhague (Đan Mạch), có 8.000 người ; năm 1985 ở Nairobi (Kenya), có 15.000 người ; và gần đây, năm 1995, ở Bắc Kinh (Tàu), có đến 30.000 người tham dự.

Những con số thay đổi cho thấy người phụ nữ đã lần lần thật sự ý thức đến thân phận của mình và muốn nỗ lực tranh đấu cải thiện thân phận để những quyền lợi chánh đáng của ngươì phụ nữ phải được tôn trọng.

Hội nghị thế giới phụ nữ ở Bắc Kinh năm 1995 đặc biệt hơn các lần trước, không phải chỉ vì con số phụ nữ tham dự đông đảo và có một số lớn chánh khách phụ nữ tham dự như Tổng Thống phu nhân Hoa Kỳ, bà Bill Clinton, mà vì sự tham dự tích cực của các tôn giáo lớn như Hồi Giáo và Công Giáo La-Mã, trong tư thế những phái đoàn ngoại giao quan trọng của Hội nghị.

Dư luận thế giới quan tâm hơn nữa về Hội nghị kỳ này khi phái đoàn Hồi Giáo và Vatican nhân danh những đặc thù văn hóa và đạo lý lên tiếng công kích gay gắt và phản đối bản văn kết thúc Hội nghị.

Trái lại, Đại diện các nước Âu Châu cho rằng Hội nghị đạt được những kết luận như bản văn kết thúc là những thắng lợi lớn đem lại cho người phụ nữ ngày nay.

Bản văn tuyên bố kết thúc Hội nghị xác nhận : " Sự áp dụng trọn vẹn những quyền căn bản về phụ nữ, về thiếu nữ như là những quyền của con người và những quyền tự do căn bản."

Còn bản Cương Lĩnh Hành Động là bản văn quốc tế lần đầu tiên nêu lên quyền của người phụ nữ về « vấn đề tính dục ngoài thiên chức sanh con cái và cả quyền tự do quyết định muốn sanh con cái hay không ». Những điều khoản khác của bản văn được Hội nghị tán thành liên quan đến « sự bình đẳng của phụ nữ với nam giới về các mặt quyền lợi và nhiệm vụ xã hội, gia đình, kinh tế và chánh trị »

Qua đến Hội nghị quốc tế phụ nữ lần thứ tư, một khối lượng quan trọng về nữ quyền được ban hành, nhưng trên thực tế, địa vị người phụ nữ có thật sự được cải thiện và sự chênh lệch địa vị về giới tính có được xoá sạch hay không ? Hay vấn đề bình đẳng nam nữ không thể chỉ do khả năng Hội nghị giải quyết, mà phải do đấu tranh thường xuyên, trường kỳ, liên tục của phụ nữ và cả nam giới phải tích cực hợp tác nữa. Bình đẳng nam nữ không phải là một dữ kiện xã hội, mà đó là mục đích phải đạt tới. Nó không phải là điều đạt được do bản Hiến Chương LHQ nêu lên và cổ xúy, mà là cuộc chiến dai dẳng, quyết liệt, do chính chúng ta phải tự đảm nhiệm.

 II- NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM

Simone de Beauvoir cho rằng "con người ta không sanh ra là phụ nữ, mà con người ta trở thành phụ nữ do toàn bộ nền văn minh của con người đặt tên cho ".

Theo sử gia Arnold Toynbee thì văn minh nhân loại đại thể được phân ra làm hai loại hình khác nhau : nền văn minh du mục thuộc các dân sống ở về phía Bắc bắc bán cầu và nền văn minh nông nghiệp là của dân sống về phía Nam. Dân du mục không sống định cư nên có xu hướng chiếm đoạt. Trong nền văn minh này, người phụ nữ không thoát khỏi thân phận của kẻ bị chiếm đoạt, từ đó trở thành nguồn gốc gây ra thảm trạng phụ nữ mà ngày nay chúng ta còn chứng kiến. Trái lại, trong nền văn minh nông nghiệp, con người sống định cư nên nặng tinh thần xây dựng, ổn định và phát triển.

Trong nếp sống nông nghiệp, cái nhà, cái bếp là nguồn gốc của sự ổn định và êm ấm. Khi nói đến cái nhà, cái bếp thì phải nói đến người phụ nữ và vai trò người phụ nữ trong nhà.

Cốt lõi của nền văn minh nông nghiệp là trọng tình cảm, tức trọng sự êm ấm bền vững, tức trọng phụ nữ. Nhưng ngày nay do sự biến chuyển mạnh mẽ của xã hội mà chỉ còn lại nền văn minh gốc du mục hoặc gốc nông nghiệp mà thôi.

Khi tìm hiểu vể người phụ nữ Việt Nam, người ta thường không thể quên mối liên hệ với phụ nữ Tàu, bởi văn hóa Việt Nam cũng như các nước khác trong vùng như Nhật, Đại Hàn, đều chịu ảnh hưởng của văn hóa Tàu. Tùy mức độ ảnh hưởng văn hóa Tàu mà địa vị của người phụ nữ ở các quốc gia này sẽ khác hơn địa vị người phụ nữ Tàu. Ngoài ra, còn những khía cạnh đặc thù của văn hóa và lịch sử của mỗi dân tộc cũng đã góp phần quan trọng tạo nên những sự khác biệt so với Tàu về thân phận người phụ nữ.

Trường hợp Việt Nam thể hiện rất rõ đặc tính này.

 - Phụ nữ Tàu, Nhựt và Triều Tiên :

Các biến đổi kinh tế và xã hội là những yếu tố cơ bản làm biến đổi địa vị người phụ nữ Tàu. Gia đình mẫu hệ bị gia đình phụ hệ thay thế tiếp theo. Cũng giống như ở phương Tây dưới ảnh hưởng của Do Thái giáo và Ki-Tô giáo, ở Tàu, Nho giáo thừa nhận và hệ thống hóa các quan niệm phụ quyền. Kiểu mẫu xã hội mới này hiện rõ nét từ đời Tống (thế kỷ 10 - 13), tuy trước đó gia đình phụ hệ đã thực sự xuất hiện ở Tàu, nhưng hãy còn là hiện tượng của thực tế xã hội, cho đến đời Đường (thế kỷ 7-10), mới có luật pháp ban hành qui định quyền ly dị dành cho người đàn ông (7 lý do) mà thiệt thòi lại nghiêng về phía người đàn bà. Đạo luật này sau đó được đem áp dụng ở Triều Tiên và Việt Nam. Riêng ở Việt Nam, đạo luật về ly dị có sửa đổi làm giảm sự thiệt thòi cho phụ nữ. Ở Tàu, Nho giáo nhấn mạnh đến đạo Hiếu và được diễn đạt qua việc thờ cúng ông bà mà theo đó chỉ có con trai mới có quyền nắm giữ truyền thống này, "bởi con gái không được quyền dâng lễ vật cúng tổ tiên, không thể làm vinh quang cho tên tuổi của dòng họ và cũng không được phép giữ mãi suốt đời cái họ của mình". Nữ sanh ngoại tộc !

Ở Nhật, sau thế kỷ thứ 8, người phụ nữ Nhật bị luật lệ của vương quyền ngăn cấm các tập tục cũ như đời sống gia đình tập trung chung quanh người mẹ và người mẹ trông coi, nuôi dưỡng con cái. Bắt đầu từ thế kỷ Xl, phụ nữ được cưới đưa về sống trong gia đình chồng. Về sau, khi các nhà quân sự thống nhứt nhiều phần lãnh thổ, các Samurai chiếm địa vị ưu thế trong xã hội thì người phụ nữ Nhựt bị mất quyền sở hữu tài sản trong gia đình Samurai.

Vào cuối thế kỷ 17, xã hội phụ hệ ở Nhật đã được cố định hóa thành một trật tự, trong đó các cuộc hôn nhân được xếp đặt và chỉ có người chồng mới có quyền đề xuất ly hôn. Đến thế kỷ 19, do ảnh hưởng của đạo luật quy định quyền thừa kế dành cho người con trai trưởng mà địa vị của người phụ nữ lại sa sút thêm nữa, so với địa vị người phụ nữ tàu đương thời.

Cũng như ở Tàu và Nhật, xã hội Triều Tiên vào cổ thời cũng theo mẫu hệ ; ít nhứt đến cuối thế kỷ thứ 7, chế độ mẫu hệ hãy còn ghi nhận được trong các gia đình của vua chúa. Sau đó Triều Tiên chịu ảnh hưởng của Nho giáo từ Tàu du nhập vào, và mạnh mẽ nhất là ảnh hưởng của Tống nho đến từ thế kỷ thứ 13. Phải chăng vì vị trí địa lý mà Triều Tiên đã chịu ảnh hưởng nặng nề và gần như trọn vẹn của Tống nho ?

Ảnh hưởng của Tống nho cho ta thấy quan niệm về địa vị người phụ nữ Triều Tiên được đưa vào sách giáo khoa hồi thế kỷ thứ 19 như sau :"Người chồng phải thể hiện phẩm cách, và người vợ phải thể hiện sự vâng phục; có như vậy thì gia đình mới được cai quản tốt.".(Sách khai tâm cho tuổi trẻ Triều Tiên - thế kỷ 19).

 - Người phụ nữ Việt Nam truyền thống :

Cũng như các nước trong vùng và cả phương Tây, trước khi chuyển sang chế độ phụ hệ, Việt Nam đã trải qua một thời kỳ mẫu hệ. Bốn đền thờ lâu đời nhứt ở Việt Nam xuất hiện từ thế kỷ thứ nhứt sau Công nguyên, đó là đền thờ bốn người phụ nữ : Bà Dâu, Bà Đậu, Bà Giàn, Bà Tương. Ngày nay, nếu kiểm tra lại chúng ta sẽ thấy số đền, chùa, am, miểu dành thờ phụ nữ (nữ thần) hãy còn chiếm con số cao hơn số đền thờ nam thần . Điều này cho thấy Việt Nam theo chế độ phụ hệ nhưng không giống với phương Tây và các nước trong vùng về mặt văn hóa xã hội.

Ảnh hưởng văn hóa Tàu do sự đô hộ của Tàu kéo dài hàng ngàn năm, các định chế và triết lý phụ quyền của Tàu lẽ dĩ nhiên đã được đem thiết lập ở Việt Nam. Tuy nhiên, khác với kiểu mẫu Tàu, ở Việt Nam vào thế kỷ thứ 13, thời Tống nho cực thịnh, một thứ « chế độ quan chức » dành cho phụ nữ được thừa nhận . Các phụ nữ như nhà giáo Ngô Chi Lan, Đoàn thị Điểm, đã lập ra trường học, và môn sinh của các bà đã thi đậu, trở thành quan chức cao cấp trong triều đình. Trở ngược thời gian xa hơn nữa, dưới thời nhà Lý, các công chúa nắm giữ tài chánh triều đình. Mà nắm tài chánh là tham gia chánh sự, nắm giử một phần quyền lực thật sự .

Điều quan trọng và nổi bật vì không giống phụ nữ Tàu, người phụ nữ Việt Nam tiếp tục hoạt động trên cả lãnh vực sản xuất lẫn trong gia đình : cấy gặt, trồng hoa màu, quay tơ, dệt vải, và buôn bán nhỏ.

Một học giả Hoa kỳ đã nhận xét: "vai trò của phụ nữ trong xã hội Việt Nam truyền thống được xác định bởi một sự pha trộn phức tạp mà hấp dẫn giữa đạo đức Nho giáo, các đặc thù văn hóa dân tộc mang theo dấu vết của chế độ mẫu hệ, và các đạo luật chánh thống đầy mâu thuẫn" ...(William S. Turley, Phụ nữ trong cuộc cách mạng cộng sản ở Việt Nam, nghiên cứu Á Châu số 12, 1972, Hoa kỳ).

Thật thế, trong luật pháp và đời sống gia đình, người phụ nữ Việt Nam đều gìữ được địa vị rất cao. Ở thế kỷ thứ 17 và 18, người con gái trong gia đình được quyền thừa kế bình đẳng với con trai. Trái lại người chồng không có quyền thừa kế nếu vợ chết đi không để lại con trai nối dõi.

Địa vị người phụ nữ Việt Nam càng nổi bật nếu đưa cái nhìn quan sát so sánh gia đình Tàu với gia đình Việt Nam : "Nếu như gia đình Trung hoa mang nét đặc trưng bởi quyền lực của người cha trùm lên tất cả các thành viên gia đình thì gia đình Việt Nam lại khác, người vợ hầu như bình đẳng với chồng và các thành viên khác cũng khẳng định tư cách của mình". (Yu Insum, luật pháp và gia đình ở Việt Nam thế kỷ 17 và 18, Hoa kỳ, 1987).

Địa vị của người phụ nữ Việt Nam được qui định rõ qua bộ luật cổ của Việt Nam đời nhà Lê " Quốc triều Hình luật " (thế kỷ 17 - 18) và được cải thiện qua bộ Hoàng Việt luật lệ dưới thời nhà Nguyễn (thế kỷ 19 - 20) vì bộ luật này ảnh hưởng quá nặng theo luật nhà Thanh. Trên thực tế, một số điều khoản của Hoàng Việt luật lệ không phù hợp với tập quán Việt Nam đã không được áp dụng, nên mới có câu " luật vua thua lệ làng ".

Đối xử với người phụ nữ, luật nhà Lê cho phép người chồng đánh vợ, nhưng việc này phải không gây ra thương tích. Người vợ thứ do vợ cả cưới cho không có quyền vượt lên thay thế địa vị của vợ cả, điều này khác hẳn với luật pháp Tàu. Quyền lợi và địa vị của người vợ cả được luật pháp bảo vệ.

Đặc tính của văn hóa Việt Nam do gốc nông nghiệp nên trọng phụ nữ, dẫn đến thể chế hóa địa vị của người phụ nữ, như người phụ nữ mang tội gian dâm thì chỉ bị lưu đày biệt xứ, trong lúc đó, người đàn ông bị tội hình nặng hơn . Người chồng thiếu bổn phận đối với vợ trong vòng 6 tháng có thể bị vợ đề xuất xin ly dị . Người vợ sai phạm bị người chồng ly dị . Nhưng có những lý do chánh đáng không cho phép ly dị để bảo vệ người phụ nữ . Con gái được thừa kế gia sản, có thể được thừa kế hương hỏa nếu như gia đình không có con trai.

Tuy cho rằng bộ luật nhà Nguyễn ảnh hưởng sâu đậm ở luật nhà Thanh, nhưng thực tế cho thấy ở xã hội Việt Nam từ thời Lê cho đến về sau này, địa vị người phụ nữ vẫn được bảo vệ, như quyền thừa kế, quyền thờ cúng ông bà với tư cách người vợ, người con gái trong gia đình. Người phụ nữ Việt Nam vẫn luôn luôn giữ được quyền bình đẳng đối với nam giới, tuy nhiều khi không được chánh thức ( Nguyễn ngọc Huy, Quốc triều hình luật, Canada, 1989, Tạ văn Tài, Tạp chí nghiên cứu Á Châu, Hoa kỳ, 1981 và G. Grivaz, aspects sociaux et économiques du sentiment religieux en Annam, Paris, 1942).

 - Người phụ nữ giải phóng :

Khi người cộng sản đến, người phụ nữ Việt Nam được người cộng sản đưa lên hàng " phụ nữ giải phóng " và ngày 8 - 3, ngày quốc tế phụ nữ, được dùng làm ngày lễ đề cao địa vị người phụ nữ không còn bị " kềm kẹp" trong khuôn khổ gia đình nữa.

Thoạt tiên, nhà nữ cách mạng Đức, Clara Zetkin, cùng với Rosa Luxembourg, trong Quốc tế Phụ nữ xã hội đề nghị, nhân một Hội nghị tổ chức tại Copenhague (Đan mạch) năm 1910, thiết lập một ngày hàng năm để tranh đấu cho nữ quyền. Ngày biểu tình đầu tiên xảy ra ở Đức, ở Áo, ở Đan Mạch và ở Thụy Sĩ vào tháng 3 năm 1911. Đến năm 1921, Lénine lấy ngày này kỷ niệm cuộc biểu tình thợ thuyền ở Saint - Petersbourg vào năm 1917. Ở Pháp, năm 1982, ngày 8 - 3 được chánh thức ban hành là Ngày Phụ nữ. Và ngày nay, ngày 8 - 3 không phải là sản phẩm cộng sản mà là ngày quốc tế phụ nữ phổ quát.

Khi người cộng sản hô hào "phụ nữ bình quyền, phụ nữ giải phóng", kỳ thật họ làm điều này là để bốc người phụ nữ ra khỏi gia đình, ném người phụ nữ vào chiến trường như những công nhân tải đạn, tải thương binh hoặc đưa vào nông trường, lâm trường, thay thế đàn ông trong các công việc sản xuất nặng nhọc, vì đàn ông bị chiến trường cướp hết.

Dưới chế độ cộng sản, "phụ nữ bình quyền", "phụ nữ giải phóng" là phụ nữ phải tỏ ra có đủ sức gánh vác những công việc nặng nhọc của đàn ông. Khi người phụ nữ được " bình quyền, được giải phóng " thì họ đã hoàn toàn bị biến đổi nhan sắc, mất đi vóc dáng dịu dàng, tha thướt cố hữu của người phụ nữ.

Thậm chí, vì quá bị "giải phóng" mà nhiều người phụ nữ ở lâm trường và nông trường bị cướp mất đi bản chất phụ nữ. Người phụ nữ "giải phóng" không còn biết e thẹn, biết giữ những nụ cười kín đáo mà duyên dáng. Nhiều khi cả nhóm cùng cười rũ rượi hoặc cùng khóc ầm lên. Nhiều phụ nữ đầu tóc còi cọc, thân thể phụ nữ bỗng bị biến dổi như muốn trở thành đàn ông. (Mai Thu Vân, des voix, un peuple, Paris - Dương Thu Hương, Bên kia bờ ảo vọng, Hoa kỳ)

Dân số Việt Nam hơn 80 triệu, phụ nữ chiếm một tỷ lệ cao hơn nam giới, (90 - 94 nam trên 100 nữ). Trong số hơn 15 triệu phụ nữ lập gia đình, có 18, 24% ly hôn và phải sống độc thân vì khó tái lập gia đình trở lại.

Trong tổng số tuổi trẻ từ 15 tuổi trở lên chưa lập gia đình, nữ giới chiếm 31, 30%, còn nam giới chiếm 37, 4%, số nữ giới có gia đình thấp hơn nam giới (56% nữ, 59, 7% nam).

Về học vấn, phụ nữ biết chữ chiếm 84% (nam chiếm 93%). Phụ nữ có trình độ trung cấp chiếm 56%, đại học và cao đẳng : 37%, tiến sĩ, phó tiến sĩ : 7%. Phụ nữ tham chánh : 20% (QH : 25% phụ nữ, đứng thứ 3 trong khu vực, 2007) ; có 35% phụ nữ nắm giữ chức vụ trong Hội đồng nhân dân các cấp. Trong Ban Chấp Hành Trung ương đảng cộng sản, chỉ có 8% là phụ nữ. Ở xí nghiệp có 17 nữ Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc.

Về nghề nghiệp, phụ nữ chiếm 72, 8% trong nông lâm nghiệp, 2, 7% trong văn phòng, 40, 4% trong nghành khoa học, giáo dục và y tế. Ngoài ra, ở các nghành khác, phụ nữ chiếm từ 0, 8% đến 4, 7%.

 - Phụ nữ và gia đình ở Việt Nam ngày nay :

Gia đình Việt Nam không giống gia đình ở Tây phương chỉ gồm vợ chồng và con cái, thêm con chó. Gia đình Việt Nam bao gồm chững người có liên hệ huyết thống như ông bà, cha mẹ, con cháu và cả những người được nuôi dưỡng mà không có liên hệ huyết thống. Ở Việt Nam cộng sản, gia đình còn có Hộ kèm theo bên cạnh, như Hộ gia đình, Hộ tập thể ... để chỉ một đơn vị gia cư trong mối quan hệ với chánh quyền (công an hộ khẩu, khu vực), không cần thiết phải đặc vấn đề huyết thống .

Theo cuộc kiểm tra dân số do Hà nội thực hiện năm 1989, số gia đình tăng lên 3, 04% sau 10 năm. Gia đình gồm 4 người năm 1979 chiếm 15%, 10 năm sau tăng lên 18, 9%.

Những "hộ tập thể" gần như biến mất nhường chỗ cho những gia đình theo liên hệ huyết thống. Con cái tách ra ở riêng nhưng vẫn giữ quan hệ thân thiết với ông bà, cha mẹ, họ hàng và vẫn duy trì sự giúp đỡ, tương trợ trong gia đình.

Chánh sách xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa, trong đó những hộ tập thể thay thế gia đình truyền thống vì cá nhân bị bốc rời khỏi mối liên hệ họ hàng để đuợc chế độ quản lý, ngày nay đã hoàn toàn thất bại thảm hại .

Trong đời sống gia đình, người phụ nữ làm việc ở sở, ở xí nghiệp bằng trách nhiệm người chồng. Ở nông thôn, người phụ nữ làm việc nhiều hơn đàn ông. Phần nội trợ, lúc nào người phụ nữ cũng đảm nhiệm nhiều hơn đàn ông.

Khi phải quyết định một vấn đề quan trọng hay quản lý một công việc lớn thì thường ủy nhiệm cho đàn ông, kể cả vấn đề muốn sanh con nhiều hay ít.!

(Trong việc chia xẻ trách nhiệm gia đình với chồng, cho đến ngày nay, người đàn bà Pháp vẫn lãnh 80% những công việc "khổ sở" như đi chợ, làm bếp, giặt giũ, săn sóc con cái. Thì giờ dành riêng cho bản thân, người phụ nữ trong gia đình chiếm được 2 giờ 37 phút/ngày, trong lúc ấy người đàn ông được hưởng 3 giờ 51 phút/ngày. Riêng thì giờ dành cho con cái, người đàn bà dành số thì giờ gấp đôi đối với ông chồng ).

Gia đình Việt Nam từ ngàn xưa giữ vị trí quan trọng trong đời sống của mỗi cá nhân cũng như trong sự phát triển xã hội. Gia đình luôn luôn là nơi tạo ra hạnh phúc cho mỗi người bởi con ngưởi tìm thấy trong gia đình sự đùm bọc về vật chất và tinh thần, thụ hưởng sự giáo dục, những niềm vui của cuộc sống, sự an ủi khi khó khăn, sự phụng dưỡng lúc tuổi già yếu.

Gia đình đảm nhiệm vai trò cân bằng về tâm lý và tình cảm, hạnh phúc cho mỗi cá nhân.

Xã hội không thể thay thế vai trò của gia đình, mặc dù với những tiến bộ tân kỳ của khoa học kỹ thuật nên tham vọng tách con người ra khỏi gia đình, biến thành những cá nhân đơn lẻ để tiêu diệt gia đình vốn là nền tảng xã hội là điều không bao giờ thực hiện được.

Trong gia đình Việt Nam, vai trò người phụ nữ là quan trọng, mặc dù người phụ nữ không làm ra của cải, chỉ lo việc nội trợ, nuôi dạy con cái, vì "của chồng công vợ".

Khi đặt vấn đề « quyền » như nữ quyền theo quan niệm "phụ nữ giải phóng" thì sự quân bình trong đời sống gia đình bắt đầu chao đảo. Người phụ nữ Việt Nam có chấp nhận trách nhiệm nặng nề trong gia đình hơn chồng, nhưng được hiểu đó là thiên chức cao quí làm vợ, làm mẹ. Về mặt thể chế, thiên chức phụ nữ ở Việt Nam đã sớm được luật pháp bảo vệ tốt hơn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.

 KẾT LUẬN

Địa vị người phụ nữ Việt Nam trong luật pháp, trong đời sống kinh tế, xã hội và gia đình từ xa xưa cho thấy họ không cần phải đòi bình quyền, đòi được giải phóng. Nữ quyền đã được gắn liền với những quyền tự nhiên của con người. Đó là nếp sống trong truyền thống văn hóa Việt Nam.

Nhờ truyền thống tốt đẹp này mà biết bao người đàn bà Việt Nam đã giúp chồng thành đạt, nuôi dạy con cái trở thành hiển vinh, đóng góp vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước cho đến ngày nay.

Hội nghị quốc tế về phụ nữ đã nhóm họp đến lần thứ tư. Nhiều đạo luật bảo vệ nữ quyền đã ban hành, những bản tuyên bố kêu gọi tôn trọng nữ quyền đã đưa ra, nhưng người phụ nữ trên khắp thế giới vẫn còn là nạn nhân thảm hại của những vụ bạc đãi, bạo hành, tử vong oan ức, ...

Nên nhớ người phụ nữ Việt Nam hiền lành lắm, không bao giờ dám khơi động một cuộc xung đột, dù nhỏ đi nữa. Trái lại, người phụ nữ Việt Nam chỉ ra sức giải quyết những xung đột. Bởi đó, người phụ nữ Việt Nam không cần đòi bình quyền và giải phóng mà chỉ mong muốn mọi người hãy chịu lắng nghe tiếng nói của những tấm lòng kiên trì và can đảm, của những tấm lòng vị tha và hy sinh của người phụ nữ để những hắc ám của thù hận và ngoan cố sớm bị thổi tan đi và để cho những nỗi thống khổ và tuyệt vọng triền miên được xoa dịu, trong đó có thân phận người phụ nữ.

Xin nhắc lại lời tuyên bố về người phụ nữ của Thánh Cam-Địa (Ghandi) : « Gọi đàn bà là phái yếu là một điều phỉ báng, đó là một sự bất công của người đàn ông đối với người đàn bà. Nếu người ta hiểu sức mạnh là sức mạnh thô bạo thì chắc chắn người đàn ông hơn hẳn người đàn bà.. Nếu bất bạo động là điều luật của nhân loại, thì tương lai sẽ thuộc về người đàn bà. Ai có thể kêu gọi đến tình cảm của người đàn ông có hiệu lực hơn hết, nếu không phải là người đàn bà? »

 Ghi chú : 

• Nguyễn Ngọc Huy, Quốc triều Hình luật, Canada, 1989.

• Simone de Beauvoir, le deuxième sexe II, Paris, 2001.

• Femmes et fières de l’être, Sabine BosiôValici et Michelle Zancarini - Fournel, Paris, 2001.

• Atlas, des femmes dans le monde, Paris, 1998.

• Elsa Dorlin, l’évidence de l’égalité des sexes, Paris 2000.

• Gia đình và Địa vị Người Phụ Nữ trong xã hội, Hànội, 1995.

• Le Monde, 10/2/2001 và 8/3/2001.

 * Bài này được soạn để thuyết trình tại tuần Lễ Xã Hội kỳ III do Trung Tâm Văn Hóa Nguyễn Trường Tộ tổ chức tại Na uy, nay rút ng ắn và bổ sung vài chi tiết mới.