Học sinh thắc mắc: 'Tại sao giết bin Laden?' Print
Tác Giả: Hà Giang/Người Việt   
Thứ Năm, 05 Tháng 5 Năm 2011 19:47

“Osama bin Laden bị bắn chết có phải là việc tốt không mẹ?”

 

Nhà trường, phụ huynh cùng hợp tác giải thích

 

 

Cha mẹ đón con em sau giờ học tại trường tiểu học Hayden, Midway City. (Hình minh họa: Linh Nguyễn/Người Việt)

Nghe con hỏi, bà Hằng hơi giật mình.

Thường thường, sau giờ tan học, khi được đón về, hôn mẹ xong là Lily lúc nào cũng kêu đói nhặng lên, nhưng hôm nay, chiều Thứ Ba, hai ngày sau khi tin bin Laden bị giết được loan báo, cô con gái chín tuổi của bà có vẻ hơi trầm tư mặc tưởng.

Bà Hằng nhìn con, ngẫm nghĩ, rồi thay vì trả lời, bà hỏi:

“Hôm nay ở trường thầy cô giảng về việc này hả con?”

“Không, nhưng ai cũng nói bin Laden, bin Laden...”

Nghe con nói, bà Hằng hình dung lại buổi tối Chủ Nhật lúc cả gia đình dán mắt vào màn ảnh TV, chăm chú theo sự kiện Tổng Thống Obama báo cho mọi người biết lực lượng biệt hải Hoa Kỳ đã đột nhập vào nơi trú ẩn của Osama bin Ladin và bắn chết thủ lãnh nhóm khủng bố al-Qaeda. Trong khi cha mẹ và các anh chị lớn vừa xem TV vừa bàn luận, Lily làm homework trong phòng thỉnh thoảng lại đi qua đi lại, và tỏ vẻ ngạc nhiên trước không khí sôi động bất thường của gia đình.

Lúc đó LiLy hỏi: “Tại sao Osama bin Laden bị bắn chết?”

“À, tại ông ta là một người xấu, giết chết rất nhiều người.”

Bà nhớ lúc đó chồng mình đã lơ đãng trả lời con, trong khi mắt vẫn không rời màn ảnh TV liên tục chiếu đi chiếu lại bài diễn văn của tổng thống, chân dung của bin Laden, và cảnh sinh viên tụ họp la hét vui mừng, phất cờ Hoa Kỳ trước Tòa Bạch Ốc, hay cảnh những người dân Mỹ hát quốc ca trước Ground Zero, New York.

Và mấy ngày hôm nay, tin tức về phản ứng của thế giới, và những chi tiết ngày càng nhiều thêm về việc Osama bin Laden bị hạ sát tràn ngập mọi phương tiện truyền thông đại chúng, lấn át tất cả mọi tin tức khác.

Tưởng rằng thắc mắc của trẻ con đến đó là hết, nhưng hôm nay Lily lại một lần hỏi nữa hỏi mẹ việc này.

Và lần này câu hỏi khó hơn nhiều.

“Osama bin Laden bị bắn chết có phải là việc tốt không?” Lily hỏi.

Bà Hằng hiểu tại sao con hỏi như thế.

Thắc mắc mà Lily chưa nói ra là tại sao dân Mỹ lại ăn mừng khi một người bị giết chết?

Và tại sao chính Tổng Thống Obama đã ra lệnh giết bin Laden?

Loay hoay không biết trả lời làm sao cho Lily hiểu được, mà không phải nhắc đến những chữ nặng nề như “khủng bố,” và cuộc thảm sát 9-11 đã xẩy ra từ khi Lily chưa ra đời, bà Hằng tìm kế hoãn binh, nhẹ nhàng bảo con:

“Ðể tối mình ăn cơm xong rồi mình bố mẹ sẽ nói cho con biết.”

Bà định bụng sẽ gọi điện thoại bàn bạc với chồng trước khi cùng giải thích cho con.

Nhưng rất may, hai mẹ con vừa bước chân vào nhà thì bà Hằng nhận được thoại của cô giáo dạy Lily, báo cho bà biết là nhà trường hiểu rằng đây là một “đề tài phức tạp,” và đã gửi một email cho các phụ huynh đề nghị những cách tiêu biểu để giải thích về sự kiện vừa xẩy ra. Email cũng cho biết ngày hôm sau nhà trường sẽ dành một giờ học cho các thầy cô giảng dạy cho học trò biết về biết sơ qua về biến cố 9-11 và lịch sử chống khủng bố của Hoa Kỳ.

Lily không phải là học sinh duy nhất thắc mắc, và bà Hằng cũng không phải là phụ huynh duy nhất phải giải thích với con về sự kiện Osama bin Laden.

Học sinh ở khắp nơi trên nước Mỹ đang hỏi cha mẹ, người thân hay hỏi nhau về sự kiện làm rúng động thế giới.

Thống kê cho biết trung bình phút có gần 360,000 Tweets về sự kiện này được gửi qua Twitter, trong khi Google Trends xếp hạng việc cụm từ “Osama bin Laden Dead” được truy cập ở cấp độ “volcanic” - mức xếp hạng cao nhất của Google.

Tiếp xúc với phóng viên nhật báo Người Việt qua điện thoại, ông Thành Nguyễn, cư dân Westminster, cho biết con trai ông, 10 tuổi, đi học về cũng hỏi bố là tại sao “mình” lại giết Osama bin Laden.

Ông Thành cho biết phải gọi điện thoại hỏi thầy giáo của con, và được khuyên là nên giải thích cho con vắn tắt rằng “Osama bin Laden là người xấu, xúi giục nhiều người giết chết những người suy nghĩ khác mình, và làm cho cả thế giới đều lo sợ.”

“Thầy giáo cũng nói với tôi là người ta vui mừng vì từ nay không phải lo sợ bin Ladin sẽ tiếp tục xúi người ta giết người nữa, chứ không phải vui mừng vì bin Laden bị giết.” Ông Thành Nguyễn kể.

Trên một trang blog chuyên về “parenting,” một blogger ở Texas ký tên là Vicky chia sẻ:

“Sáng nay, tôi giải thích cho đứa con 6 tuổi Osama bin Laden là ai, và tại sao lại bị giết, thì đứa con 8 tuổi đứng gần đó nói chõ vào: À, vậy là Osama giống như Voldemort.”

“Chồng tôi đứng bên cạnh, nghe đứa con lớn nhắc đến tên nhân vật Voldemort trong truyện Harry Potter thì thở phào. Thật ra đang lúc lúng túng vì câu hỏi của con thì chính đứa con khác của mình lại giải cứu.”

Ngay dưới những hàng chữ của Vicky, có ít nhất là 3 bloggers khác viết rằng đã bắt chước, dùng nhân vật Voldemort để giải thích, và “mấy đứa con hiểu ngay.”

Giải thích những vấn đề phức tạp như tội ác, khủng bố và giết người, và nhất là tại sao việc một người bị giết lại làm mọi người mừng vui quả không là một điều đơn giản.

Ông Andrew Nguyễn, chủ tịch Hội Ðồng Giáo Dục Học Khu Westminster, cho biết: “Học khu giải thích cho học sinh, một cách đơn giản nhất, về lịch sử chống khủng bố của Hoa Kỳ, về biến cố 9-11, và không đề cập đến việc người ta ăn mừng về việc Osama bin Laden bị giết.”

Ðọc xong email từ cô giáo của Lily gửi cho, bà Hằng vững bụng về việc phải giải thích cho con.

Email viết:

“Giới hạn sự tiếp xúc của con em với những hình ảnh về vụ Osama bin Laden bị giết và giải thích cho con em biết là nhân vật này là người nguy hiểm đã giết hàng ngàn người Mỹ, và sẽ tiếp tục làm như thế, nếu chính quyền buộc lòng phải trừng phạt ông để bảo vệ những người vô tội khác. Mọi người vui mừng vì từ nay kẻ xấu không còn lo sợ sẽ bị giết hại nữa.”

Và:

“Nên tiếp tục để ý đến tâm lý con em, và hỗ trợ với trường học để có thể giải thích vấn đề rất phức tạp này cho các em một cách đơn giản và thỏa đáng.”