Bữa cơm gia đình Print
Tác Giả: Angelina Nguyễn   
Thứ Ba, 15 Tháng 3 Năm 2011 11:09

Có những điều tưởng như tầm thường nhưng vô cùng quan trọng đối với tổ ấm của bạn, đó là bữa cơm gia đình.

Đây là dịp để mọi người gần gũi nhau, chia sẻ với nhau về những buồn vui mỗi ngày.

Thế nhưng trong cuộc sống hối hả hiện nay không phải ai ai cũng có được cái hạnh phúc đơn sơ ấy.

   Xin hãy nghe lời của một người chồng thiếu may mắn:

  “Mình về nhà chỉ muốn có bữa cơm canh đạm bạc do chính tay vợ nấu mời chồng vậy mà cũng là xa xỉ. Nhiều khi sợ ăn cơm một mình, tôi ghé ăn đại ở một tiệm trong khu phố cho qua bữa.

 Mỗi lần nói chuyện này với vợ thì cô ấy lại không muốn nghe và cho rằng chuyện nữ công gia chánh là lạc hậu, là của người giúp việc. Trông mấy đứa bạn người Việt cùng sở mỗi tối quây quần bên vợ con ăn cơm trò chuyện ấm cúng mà buồn cho mình”. Đó là lời tâm sự của anh Tâm ở Houston.

 
Tranh: Bảo Huân

   Trong khi đó chị Lan ở Virginia cho biết chị nhờ một tiệm ăn ở khu Eden mỗi ngày mang cơm tới tận nhà.

Chị đặt thành thông lệ là mọi thành viên trong gia đình phải tự động, hễ đói thì xuống bếp lấy cơm ăn.

 Chị  nói: “Chồng mình đi làm cả ngày, con lại ăn trưa ở trường, mình bận rộn với hàng tá công việc, có khi một ngày chỉ ngủ được 5 tiếng đồng hồ lấy đâu ra thời gian nấu ăn cho gia đình. Thôi thì đành nhờ đến tiệm cho tiện, cơm vẫn nóng, hợp vệ sinh lại tiết kiệm thời gian vào bếp”.

   Trong khi đó, anh Hậu, chồng chị Lan thì nghĩ khác: “Đã gần 12 năm sống độc thân tự lập tôi phải ăn cơm chỉ một mình buồn tẻ, nhạt nhẽo.

 Chỉ đến lúc tôi lấy vợ mới thấy cảm giác ấm cúng trong bữa cơm gia đình. Nhưng gần đây vợ tôi bỗng dưng tuyên bố không nấu nướng gì nữa mà lấy cơm tháng. Các con tôi mừng reo lên vì chúng vốn thích ăn cơm nhà hàng. Còn tôi thì buồn nên thường đến nhà thằng bạn thân ăn ké. Ăn món canh chua cá lóc của vợ nó nấu mà tự nhiên lại thấy ganh tị với bạn.

   Mỗi ngày, gia đình anh Hậu chỉ gặp nhau vào buổi tối nhưng sau đó mỗi người một nơi, người xem tivi hoặc lên mạng và cầm theo cơm phần chia sẵn.

 Anh nói: “Lúc nhỡ đường thì ăn cơm ngoài để lót dạ chứ nó làm sao thay thế được bữa cơm chứa đựng công sức, tình cảm của người thân mình nấu. Có gia đình mà như thế này thì thà đừng có còn hơn”.

   Đúng vậy, sống như hai gia đình kể trên thì đâu còn là tổ ấm.