Ảnh hưởng của vật chất đối với thanh thiếu niên thời nay (tiếp theo) Print
Tác Giả: Thương Nguyên (Nguồn: Mạch Sống Online)   
Thứ Tư, 09 Tháng 2 Năm 2011 10:24

 Xã hội tiêu thụ thúc đẩy giới trẻ cần phải giống như chúng bạn

 

2. Ảnh hưởng của áp lực vật chất đối với những giá trị tinh thần

Khi con em của chúng ta đã đi vào khuynh hướng “phải có” những vật dụng này, hay những phương tiện kia, thì cũng là lúc vật chất đã gây ảnh hưởng đến tinh thần, cùng những hệ thống giá trị của các em.

 
Thần tượng nhạc rap Snoop Dogg. (Hình: Hector Mata/AFP/Getty Images)

 Xã hội tiêu thụ thúc đẩy giới trẻ cần phải giống như chúng bạn

Chưa bao giờ áp lực của xã hội tiêu thụ có sức mạnh đáng sợ như hiện nay!

 Tôi còn nhớ, khoảng đầu thập niên 1990, con của một bạn của chúng tôi đã vòi vĩnh bố mẹ phải mua cho cậu một đôi giầy giá $120.00 để được bạn bè chấp nhận hội nhập vào cùng nhóm thân hữu. Tuy không vui nhưng vợ chồng chị bạn của tôi cũng chiều theo ý của con mình. Xã hội tiêu thụ đã thúc đẩy giới trẻ cần phải giống như chúng bạn, phải nghe cùng một loại nhạc, phải có cùng lối thời trang, phải đi đứng và ăn nói sao cho phù hợp với nhóm bạn của mình.

Những phương tiện giúp trẻ mãi không già

Xã hội càng phát triển, đời sống vật chất càng cao thì mãnh lực của đồng tiền và áp lực của mức tiêu thụ càng có vị thế.

Tại các quốc gia tiên tiến, hầu như mọi thứ trong đời sống vật chất đều có thể đánh đổi bằng tiền, từ trang phục, thực phẩm, những phương tiện giải trí, thông tin truyền thông và mọi tiện nghi của đời sống, cho đến những dịch vụ sửa sắc đẹp, những phương thuốc thần giúp trẻ mãi không già v.v...

 Ðồng tiền đã tạo nên áp lực rất lớn đối với con người và đã khiến cho thế hệ trẻ tin rằng tiền bạc là trung tâm điểm buộc con người phải xoay quanh nó. Trong khi tiền bạc là phương tiện cần thiết cho sự sinh tồn, thì nó cũng là nguyên nhân dẫn đến trộm cướp, chiếm đoạt, những hành vi bất chính, phi đạo đức, phi nhân bản, các tệ nạn từ gia đình cho đến xã hội.

 Việc làm ra tiền và sử dụng tiền một cách hợp lý, tích cực luôn là một thách đố rất lớn đối với thanh thiếu niên. Nếu không được chỉ dẫn, giới trẻ sẽ luôn nghĩ trong đầu óc ý niệm chật hẹp là làm sao để có thật nhiều tiền và sử dụng theo ý muốn. Ðây chính là sự sai lầm trong cách suy nghĩ về tiền bạc và đã dẫn đưa bao nhiêu trẻ đi vào ngõ cụt của cuộc đời.

Có thể tự mình kiểm soát mọi sự

Ngày nay, những phát minh và khám phá của khoa học, đặc biệt trong ngành y khoa, đã đem lại biết bao giải pháp cho nhiều chứng bệnh nan y.

 Nhưng khoa học lại vô tình tạo một ảo tưởng là con người có thể nắm giữ mọi thứ. Ví dụ như y khoa ngày nay có khả năng tạo nên một con người qua phương pháp nhân tạo bằng sự thụ tinh trong ống nghiệm.

Y học còn đem lại những kỹ thuật tinh xảo để có thể thay tim, thay lá gan, thêm một cái thận, thay thế các cơ phận khác trong thân thể, và giúp kéo dài tuổi thọ v.v... Trong khi khoa học mang lại cho nhân loại những giải đáp kịp thời, thì kết quả của những khả năng này đưa con người đến việc tự mãn và tự nắm lấy vận mạng của chính mình. Xu hướng này biến con người là trung tâm của mọi việc và không còn biết quan tâm đến ai kể cả ông bà cha mẹ, xóm giềng, chính phủ, tôn giáo hay xã hội.

Có được mọi sản phẩm tối tân nhất cho cuộc sống

Ðối với giới tiêu thụ, có tiền là có tất cả. Người Việt Nam chúng ta có thành ngữ: “Có tiền mua tiên cũng được.”

 Nhiều thanh thiếu niên thời nay, thay vì tiếp tục con đường thăng tiến công danh sự nghiệp qua các đại học, thì lại muốn đi làm để kiếm cho thật nhiều tiền, để tiêu xài nhiều hơn. Thống kê năm 2009 cho thấy 80% các thanh thiếu niên đã sở hữu những sản phẩm thịnh hành nhất trên thế giới như chiếc iPod mới nhất, các máy Wii, Nintendo DS, hay blackberry. Kế đến là các xu hướng thời trang mới nhất, từ quần áo, giầy dép, cho đến những vật dụng giúp làm nổi bật cuộc sống thoải mái về mọi sự.

Lối sống tiêu thụ quá đáng này đã vô tình gieo một sứ điệp sai lầm cho giới trẻ rằng có tiền là trên hết; rằng tiền bạc là cứu cánh, là cùng đích của cuộc sống. Một ví dụ điển hình về sự đảo lộn các giá trị đạo đức là đã có rất nhiều những cuộc án mạng và những vụ bắn giết nhau xảy ra nơi các trường học, công sở, và nhiều tư gia chỉ vì áp lực của xã hội tiêu thụ.

Có những thần tượng để theo

Sư hiện diện của các minh tinh màn ảnh, tài tử danh tiếng, các ca sĩ, những vua hề, và những ban nhạc trứ danh đã đem lại một ảo tưởng mới cho giới trẻ.

 Nhiều cô cậu mới lớn đã chạy theo các mốt lố lăng trên màn ảnh. Thậm chí nhiều trẻ còn có xu hướng sống như những người nổi tiếng và các ngôi sao trên truyền hình qua cách ăn mặc và cách tiêu xài. Một số thanh niên khác đã bị lôi cuốn vào vòng xoáy của những ảo tưởng. Họ bắt chước các thần tượng nghệ sĩ của họ, và đã phản ứng theo cách thức giống như trong phim ảnh. Họ không biết rằng những gì trên màn ảnh chỉ là kịch bản và hoàn toàn khác biệt với cuộc sống thực tế.

Và khi mọi thứ không diễn tiến như họ mong muốn, họ trở nên thất vọng hay giận dữ với chính mình. Ðã có những trường hợp đáng tiếc xảy ra khi một số thanh thiếu niên tìm cách hãm hại những người chung quanh và rồi chọn sự tự sát chính mình.

Âm nhạc cuồng loạn

Âm nhạc đã thay đổi rất nhiều theo thời gian từ tiếng nhạc cho đến âm điệu. Âm nhạc ngày nay mang nặng chiều hướng thả lỏng, hỗn loạn về xác thịt, tình dục và còn dung chứa bạo lực.

 Một ví dụ điển hình đó là các thể nhạc rap đã gây ảnh hưởng đồi trụy đến giới trẻ. Ðề tài của những bản nhạc là thường là những gì đang thực sự xảy ra trong thế giới hiện đại. Ngoài ra nội dung của nhiều lời nhạc mang tính chất tiêu cực, phản đối, tranh cãi và thiếu phần thanh tao.

Những bài hát đầy tính chất bạo lực dễ dàng khuyến khích giới trẻ áp dụng sự thô bạo, từ lời nói cho đến hành động. Chúng ta đã từng nghe về những cuộc án mạng xảy ra tại các trường trung học vì những lý do gây hấn giữa các thanh thiếu niên.

Giới trẻ đã quá quen thuộc với loại nhạc buông thả này nên không có sự nhạy bén để phân biệt phải trái.

 (Còn nữa)