Nhớ về Tổ Tiên Print
Tác Giả: Lm. Phaolô Trương Hoàng Phong   
Thứ Hai, 01 Tháng 11 Năm 2010 10:08

 Tình cờ, tôi đọc được câu chuyện “Hoa Hồng Tặng Mẹ”. Nội dung của câu chuyện như sau:

Một anh thanh niên nọ cho xe dừng lại ở một tiệm bán hoa. Anh mua một bó hoa để gửi tặng mẹ nhân ngày sinh nhật của mẹ. Và anh chọn gửi bó hoa đó bằng đường bưu điện, vì mẹ anh sống cách chỗ của anh khoảng 300km. Khi bước xuống xe, anh thấy một bé gái đang đứng khóc trên vỉa hè.

- Anh đến và hỏi: Tại sao em khóc?

- Em gái thưa: Dạ. Em muốn mua một hoa hồng để tặng mẹ, nhưng em chỉ có 75 xu trong khi giá một hoa hồng là 2 đôla.

- Anh mỉm cười và nói với nói em: Đi theo anh. Anh sẽ mua cho em.

Thế là anh dẫn em vào tiệm bán hoa. Anh liền mua tặng cho em một bông hồng và đặt một bó hồng để gửi cho mẹ.

- Sau đó, anh hỏi cô bé: Em có cần đi nhờ xe về nhà không?

- Em gái vui mừng trả lời: Dạ, anh cho em đi nhờ đến nhà mẹ em nhé.

Điều bất ngờ! Em gái chỉ đường cho anh lái xe đến một nghĩa trang, nơi có một phần mộ vừa mới đắp.

- Em chỉ ngôi mộ và nói: Đây là nhà của mẹ em.

Nói xong, em ân cần đặt nhánh hoa hồng lên ngôi mộ của mẹ. Chứng kiến cảnh này, anh liền lái xe quay lại tiệm bán hoa, huỷ bỏ dịch vụ gửi hoa vừa rồi và mua một bó hồng thật đẹp khác. Và suốt đêm đó, anh đã lái xe một mạch 300km về nhà để mừng sinh nhật của mẹ.

Ai trong chúng ta cũng có những người thân đã qua đời. Họ có thể là ông bà, cha mẹ, anh chị em, bà con, ân nhân, thân nhân.... Và hằng năm vào ngày lễ Các Đẳng, chúng ta thường ra đất thánh hoặc đến “nhà hài cốt” để kính viếng những người quá cố. Chúng ta thường làm cỏ, quyét vôi, thắp nhang, đốt nến, và cắm hoa trên phần mộ của họ. Chúng ta còn đọc kinh, dâng Thánh Lễ để cầu nguyện cho họ. Chúng ta có chung một tâm tình đó là nhớ về và nhớ đến họ. Và tôi thấy nỗi nhớ thương của chúng ta mang nhiều ý nghĩa cao đẹp và thiêng liêng:

1. Nhớ để tri ân

- Tôi thấy mình nhận được rất nhiều ơn từ những người thân. Họ giúp tôi được lớn lên, phát triển và trưởng thành. Chính những người thân đã làm nên cuộc đời của tôi. Trong các công ơn, tôi không thể nào quên công ơn của cha mẹ.

“Công cha như núi Thái
Nghĩa mẹ như nước nguồn”.

“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

- Làm sao mà kể hết được công ơn, công đức của cha mẹ. Tất cả những gì mà cha mẹ làm cho con cái đều miễn phí: chín tháng cưu mang miễn phí. Mang nặng đẻ đau miễn phí. Dưỡng nuôi khôn lớn miễn phí. Dạy dỗ nên người miễn phí... Quả thật! Công ơn của cha mẹ đúng là như trời như biển.

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha
Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha
Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn
Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con”.

2. Nhớ để cầu nguyện

- Khi Thánh Mônica hấp hối, Thánh Augustinô mới hỏi mẹ mình: “Mẹ còn ước ao điều gì? Mẹ muốn con làm gì cho mẹ?”. Thánh nhân đã trả lời như sau: “Mẹ chỉ xin con một điều duy nhất mà thôi là hãy nhớ đến mẹ khi đến Bàn Tiệc Thánh”.

- Những người quá cố cũng xin mỗi người chúng ta một điều duy nhất mà thôi đó là: hãy nhớ cầu nguyện cho các ngài. Cầu nguyện cho các ngài vì có thể các ngài còn đang trong thời gian thanh luyện. Cầu nguyện cho các ngài vì các ngài không có khả năng để cứu mình, để giải thoát mình nữa. Các ngài đang rất cần sự trợ giúp của chúng ta. Vậy chúng ta hãy tỏ lòng biết ơn những người quá cố bằng cách dâng nhiều hy sinh, làm nhiều việc lành, siêng năng cầu nguyện và tham dự Thánh Lễ để xin Chúa cho các ngài mau về hưởng kiến thánh nhan Chúa.

3. Nhớ để nghĩ về sự chết

- Cuộc đời của con người được khởi đầu nơi chiếc nôi và kết thúc nơi nấm mồ. Những người quá cố đã sống ở trần gian này. Nhưng các ngài chỉ sống trong một khoảng thời gian ngắn mà thôi. Hôm qua các ngài đã chết. Hôm nay người khác chết. Và có thể ngày mai, ngày mốt hay một ngày nào đó tôi cũng sẽ chết. Tôi không thoát được sự thật đó. Vì đã mang thân phận làm người thì ai cũng phải chết.

- Cho nên cha ông ta nhắc nhở như sau: “Có sinh thì có tử”; “sinh ký tử quy” - “sống gửi thác về”, “lá rụng về cội”, “trần gian ngắn ngủi nơi sinh ký. Nước Chúa lâu dài chốn tử quy”.

- Niềm tin của người Công giáo còn dạy cho chúng ta biết: chết không phải là hết. Chết không phải là kết thúc, nhưng chết là trở về với Chúa. Chết là bắt đầu một cuộc sống mới. Vì thế, chúng ta hãy nhìn những người quá cố để nhắc nhở chính mình: tôi phải sống thế nào hầu sau này khi chết tôi được vào nhà Chúa, được vào Nước Trời.

Chúng ta đang bước vào Tháng 11 - tháng nhớ đến các đẳng linh hồn. Vậy trong Tháng 11 này, mỗi người chúng ta hãy dành thời gian để ra đất thánh hoặc đến “nhà hài cốt” để kính viếng những người thân đã quá cố. Chúng ta hãy nhớ đến họ. Hãy biết ơn họ. Hãy cầu nguyện nhiều cho họ. Và đặc biệt là hãy sống thánh thiện để khi từ gĩa cõi đời này, chúng ta được về với Chúa và sống hạnh phúc bên Chúa, cùng với những người thân yêu của chúng ta. Amen. 

 (nguồn: truyenthongconggiao)