Chuối và những xa gần Print
Tác Giả: Lê Bình   
Chúa Nhật, 05 Tháng 10 Năm 2008 02:46

Trong buổi chiều đẹp như buổi chiều hôm nay, San Jose trời trở gió, những ngọn gió mang hơi mát từ biển về, người ta có thể “nghe” trong gió hơi hướm của mùi đồng ruộng, mùi cỏ cây, cái mùi thơm nhè nhẹ thoảng thoảng của đồng nội…làm nhớ quá đồng ruộng miền Nam. Mà nè! Ơ hay sao chỉ nhớ có ngọn gió đồng miền Nam là sao? Có lẻ tại câu ca dao “Gió đưa gió đầy về rẩy ăn còng, về sông ăn cá, về đồng ăn cua” chăng!

Ai cũng có một quê hương để nhớ, nơi đó con người ta lớn lên, tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm...cời truồng tắm mưa, nhìn khói đốt đồng, nhìn hàng cau, cây cầu khỉ, giòng sông con rạch, mương vườn… Người miệt ngoài thì nhớ “Canh rau cải, nhớ cà dầm tương”.

Chiều nay nhìn sau vườn nhà có cây chuối nhỏ, lá chuối te tua vì thiếu nước, những tàu lá héo rủ xuống thân cây tong teo vàng vọt.

Nghĩ cũng ngộ lắm nha. Cây chuối chẳng là gì hết, nhưng cây chuối buồng cau thì luôn luôn gần gủi. Nói hoài, nhắc mãi vẫn chưa nguôi. Cứ nhìn cây chuối là có nhóc chuyện để kể về, và nói về.

Ngay hôm qua mới ở San Jose và sáng hôm nay lại đến miền cực Nam của Cali. Ở đó có thành phố biển…thành phố có rất nhiều cây chuối…Tây. Những cây chuối Tây (một loại cây giòng họ nhà Palm) không cần tưới nước vẫn lên xanh tốt, lá mập và to, gió cách mấy cũng không “te tàu” …”Gió lay buội chuối te tàu, mẹ lấy chồng giàu bỏ lại con thơ…” Cây chuối Tây to xác, lá mập và dày nhưng chẳng cho trái ngọt, chỉ được trồng làm kiểng. Thành phố nầy trồng thật nhiều loại chuối nầy…nhìn nó và nhớ chuối Việt Nam.

Trái chuối Việt Nam làm được rất nhiều món ăn và món tráng miệng lắm, (Giống chuối bán ở chợ Mỹ chẳng nấu được món gì ngoài món ăn tráng miệng) ngoài các món như chè chuối, chuối nướng, chuối xào dừa, bánh tét chuối... thì bánh chuối hấp cũng là một món dân giả, ngon miệng mà dễ làm. Được ăn món bánh chuối tráng miệng sau bữa ăn. Thèm! Muốn làm và người ta chỉ cho như vầy:

Này nhé, 1 kg chuối (loại chuối sứ), thêm 200 gram đường cát vàng, 2 muỗng cà phê đường cát trắng, 2 muỗng cà phê bột năng, 1 muỗng cà phê muối, bột thơm vani, mè trắng rang và cà nát võ, nước cốt dừa 400 ml
Bây giờ chuối cho vào nồi nấu cùng với 1 muỗng súp đường vàng, náu chín (đừng quá lâu) vớt ra để nguội, xắt lát mỏng khoảng 2 ly. Phần nước luộc chuối luợc lấy 450 ml nước, cho số đường còn lại vào khuấy tan, để nguội.

Khi nước luộc chuối nguội, cho bột năng vào khuấy tan, lược sạch. Đặt lên bếp để lửa nhỏ, khuấy bột cho nóng là được. nhấc xuống cho vào chút vani, trộn đều. Thoa dầu vào khuôn, đặt vào nồi cách thủy, đợi khuôn nóng, lấy ra, cho hỗn hợp bột chuối vào khuôn, hấp khoảng 30 phút hoặc khi bột trong là bánh chín, để nguội mới cho ra khỏi khuôn.

Nước cốt dừa 1/2 chén, pha với 2 muỗng cà phê bột năng, còn bao nhiêu cho vào nồi. Đặt nồi nước dừa lên bếp cho 1 muỗng muối và 2 muỗng đường cát trắng khuấy đều. Nấu vừa nóng, cho dừa có bột năng vào khuấy liên tục đến khi sôi là được, xắt miếng vừa ăn, cho vào đĩa chan nước cốt dừa lên, rắc mè. Không thua gì ở tiệm.
Mọi người cười.

Nhưng tùy người làm nhé. Ngon dỡ tùy người đối diện.

Chỉ cho xong rồi phán câu đó thì coi như huề tiền.

Ngoài món chuối ăn sau bữa cơm người nội trợ Việt Nam còn chế biến nhiều món ăn cơm, món nhậu ngon miệng (mấy ông thích lắm). Trong số đó có món gỏi bắp chuối (mà ông Bắc Kỳ Di Cư ở Nam California gọi là Nộm Hoa chuối) cũng học lóm người ta chỉ cho như vầy: Bắp chuối 200gr; hành tây 50gr; mè 20gr; thịt nạc vai (hoặc thịt gà) 100gr; giá sống 100gr; tai heo 50gr; đậu phộng 50gr; chanh 1 trái.

Bắp chuối rửa sạch, xắt mỏng ngâm nước có pha dấm (ngâm 15 phút vớt ra để ráo nước). Tai heo luộc chín, xắt mỏng, ướp tiêu, muối, lá chanh, nước cốt chanh. Thịt nạc vai luộc chín, xắt chỉ, ướp tiêu, muối. Đậu phộng, mè rang vàng, chà vỏ, giã dập, ớt bỏ hột băm nhỏ. Cho bắpchuối, giá, 1/2 thịt, tai heo, ớt vào tô rưới nước mắm, chanh, đường, muối, rau thơm, mùi thái nhỏ trộn đều đậu, mè.

Khi ăn bày ra đĩa, 1/2 thịt, rau thơm, rau mùi, ớt tỉa hoa để lên trên (màu mè cho bắt mắt) Thế là xong. Đơn giản, quê mùa nhưng ngon miệng. Hãy thưởng thức nhé: Mùi chát chát của chuối, bùi bùi của mè đậu phộng, thoảng thoảng lá thơm, chanh chua, đường ngọt…Nghe kể không thôi mà nước miếng cứ tươm ở kẻ răng.
Ái chà!
Đã nói thì nói cho hết luôn. Một món chè chuối cũng bá cháy. Các bà “hảo ngọt-thèm chua” xin cống hiến món chè chuối như vầy: Chuối 10 trái; nước cốt dừa 2 hộp; dừa nạo 100 gr đường 500 gr, lá dứa (nấu xôi) 2 lá.
Chuối để nguyên cả vỏ cho vào luộc. Luộc nhiều nước, cho ít muối, vắt 1 chanh vào nước cho ra hết nhựa. Nước sôi thì vớt vỏ chanh ra, khi nước sôi thì không đậy vung. Nấu chuối ít nhất là 1 giờ. xả nước lạnh cho nguội rồi lột vỏ.Nước cốt dừa nấu lên, chuối cắt miếng vừa ăn. Cho 250g đường, sau đó cho tiếp nước cốt dừa cho 2 lá thơm vào, cho một chút muối, nước sôi lên đổ chuối vào sau đó cho thêm chừng ½ chén nước vào. Đun sôi tiếp khoảng 5 phút là xong. Dễ quá phải không nè? Làm thử xem sao nhé. Thất bại là mẹ thành công, làm hoài có kinh nghiệm nhé.

Câu chuyện kể đến đây tưởng đâu là xong chuyện. Nhưng không. Nói chuyện nấu ăn chỉ dành cho các bà, các cô. Có một điều là các ông ăn ngọt không thích mấy, dù rằng có ông cũng “hảo ngọt” Ở cái đất Mỹ này, sao lắm tật, nhiều bịnh. Các ông (đôi khi) không dám ăn nhiều mỡ, ăn tô phở không dám hành trần nước béo, hành chua…sợ “cô-lét”…rồi mỗi sáng uống ly café cũng ngại ngần…cho ít đường, ít sữa thôi nhé…ông mang bịnh “tiểu đường” (dù cho ông không biết nhậu, và cũng chẳng bao giờ dám ra đường ngồi nhậu) Nhân nói về cây chuối, trái chuối…sưu tầm thêm cho mấy ông (mấy bà) một vài công dụng của…chuối, làm quà.

Đó là: Chuối hột có thể chữa được bênh tiểu đường .

Theo các tài liệu đăng ở mục y học thường thức có ghi rằng: Nước ép củ chuối hột giúp ổn định đường huyết. Ngoài ra, chuối hột còn được dân gian dùng trị nhiều bệnh khá hiệu quả mà không tốn kém. Cây chuối hột có tên khoa học là Musra barjoo sieb, có nơi gọi chuối chát.( ở Hoa Kỳ khó tìm ra củ chuối) Để chữa bệnh tiểu đường, đào lấy củ cây chuối hột, rửa sạch, giã nát, ép lấy nước uống. Việc dùng thường xuyên và lâu dài có tác dụng ổn định đường huyết. Vì củ chuối không nhiều và đào củ phức tạp, có thày thuốc (ở Trung Quốc) đã cải tiến cách dùng: Cắt ngang cây chuối hột, khoét một lỗ, đậy nylon lên, để nước cây chuối tiết ra đọng vào đó. Lấy nước này cho người bệnh uống. Khi đoạn trên héo thì cắt thấp xuống phía dưới; một cây cắt ngang như thế dùng được nhiều lần. Mùa mưa, nước chuối loãng thì uống nhiều hơn mùa nắng. Điều trị theo cách này, bệnh cũng thuyên giảm rõ rệt. Cũng có thể chọn cây chuối có bắp đang nhú, cắt ngang gốc (cách mặt đất khoảng 20 cm), lấy dao khoét một lỗ rỗng to ở thân chuối, để một đêm, sáng hôm sau múc nước từ lỗ rỗng (do thân chuối tiết ra) mà uống.

Theo cuốn “450 vị thuốc nam có tên trong bản Dược thảo Trung Quốc”, lá và vỏ quả chuối hột khô sắc uống làm thuốc lợi tiểu và chữa được chứng phù thũng sưng chân; rễ sắc uống chữa cảm mạo, bệnh dạ dày, đau bụng.
Chữa sạn thận: Lựa quả chuối hột thật chín, lấy hột phơi khô, tán nhỏ nấu lấy nước uống; cho 7 thìa nhỏ bột hột chuối vào 2 lít nước, đun nhỏ lửa khi còn 2/3 nước là được. Uống hằng ngày như nước trà, liền 2-3 tháng, cho kết quả khá tốt.

Một cách khác: Dùng chuối hột một buồng già đem thái mỏng, phơi khô, tán nhỏ thành bột, mỗi ngày uống 3 thìa canh, uống liền 2-3 tháng. Hoặc quả chuối hột đã thái mỏng, sao vàng, hạ thổ 7 ngày; mỗi ngày lấy 1 vốc tay (chừng 1 quả) sắc với 3-4 bát nước, uống vào lúc no. Ngoài ra, trái chuối hột còn xanh được dùng điều trị bệnh hắc lào: Cắt đôi, xát trực tiếp vào nơi tổn thương, dùng liên tục 7-8 ngày là khỏi. Với trẻ táo bón, người ta lấy 1-2 quả chuối chín đem vùi vào bếp lửa cho vỏ quả ngả màu đen chín nhũn, lấy ra để nguội cho trẻ ăn, khoảng 10 phút sau là đi tiêu được. 

 Ốc bung củ chuối - món ăn cho người tiểu đường

Ốc bươu và củ chuối đều được Đông y dùng như các vị thuốc chữa tiểu đường. Bạn có thể kết hợp chúng với nhiều thực phẩm khác để tạo thành món ăn khoái khẩu. Nguyên liệu gồm ốc bươu, thịt heo ba chỉ, đậu hủ chiên (đậu phụ rán), củ chuối hột (chuối chát) non, nghệ giã vắt nước, dọc mùng (bạc hà), khế, mẻ, mắm tôm, gia vị...
Ngâm ốc trong nước gạo trong cho ra hết nhớt, rửa sạch, khều lấy đầu, bỏ ruột. Thịt lợn thái mỏng, ướp ốc và thịt với mẻ và nước nghệ. Dọc mùng tước vỏ, thái vát, bóp muối. Củ chuối thái mỏng, ngâm nước cho ra hết nhựa, cho vào nồi ninh nhừ.

Sau cùng, cho tất cả các thứ vào, nêm mắm muối, để một lúc là được. Món ăn này có mùi vị đậm đà, có cứng có mềm, hơi chua hơi chát, hơi cay hơi nhạt.

Ốc bươu tính hàn, vị nhạt, không độc, tác dụng tiêu thũng, tan sỏi, giải độc rượu, cải thiện bệnh tiểu đường. Củ chuối hột cũng có tác dụng với tiểu đường. Món ốc bung củ chuối giúp giảm cảm giác khát nước, đói bụng của người bệnh.

Danh y Tuệ Tĩnh cũng đã dùng ốc bươu để chữa bệnh này theo cách sau:

- 5 con ốc bươu rửa sạch, ngâm nước trong cái bát to để qua đêm. Hôm sau lấy nước này cho bệnh nhân uống. Mỗi ngày uống hết 1 tô rồi làm tiếp.

- Ốc bươu 5 con rửa sạch thả vào bát (tô) đựng cháo loãng. Ốc sẽ ăn cháo và nhả nước nhớt. Uống nước này rất kiến hiệu.

Tuệ Tĩnh cũng dùng nước ép củ chuối hột cho bệnh nhân uống để trị tiểu đường. Thay vì ép lấy nước, có thể làm theo cách sau: Cắt ngang cây chuối hột, khoét một lỗ trũng, đậy 1 tấm nylon lên để che bụi bẩn, nước chuối sẽ đọng vào đó. Khi đoạn trên héo thì cắt thấp xuống một đoạn. Cứ như thế, một cây chuối dùng được nhiều lần.

Chuối là một loại quả có giá trị dinh dưỡng cao. Chỉ một quả chuối cỡ trung bình (nặng khoảng 150 gr) đã cung cấp 5% năng lượng, 10% kali và hơn 10% vitamin C cho nhu cầu dinh dưỡng của người trưởng thành, có cân nặng và mức hoạt động thể lực trung bình. Trong chuối còn có nhiều chất xơ mềm giúp nhuận tràng, phòng chống táo bón. Kali, có nhiều trong chuối, giúp làm giảm huyết áp. Như vậy chuối là thực phẩm tốt cho mọi lứa tuổi.

Tuy nhiên, một số người cảm thấy bụng cồn cào sau khi ăn chuối. Biểu hiện này dễ gặp ở những người ăn chuối tiêu còn xanh khi đang đói. Cảm giác cồn cào thường rõ hơn ở những người đang mắc bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng. Để tránh hiện tượng này, những người có bệnh dạ dày - tá tràng như bạn có thể chuyển sang ăn các loại chuối khác, chọn chuối chín vừa và chỉ nên ăn chuối khi no.

Bệnh dạ dày - tá tràng có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm như thủng dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa hoặc ung thư. Bạn đi khám, nội soi dạ dày và sớm điều trị bệnh này. (Theo BS. Nguyễn Thanh Tuấn, Sức khỏe và Đời Sống)

Sau hai năm nghiên

 cứu, các bác sĩ của Mỹ khẳng định, một trong các món ăn bổ dưỡng nhất của loài người là trái chuối. Nhất là đối với các quý ông, chuối có tác dụng tăng hưng phấn và rút ngắn thời gian quay trở lại "sàn đấu".

Chuối là món ăn bình dân, đang bán rất rẻ ở Việt Nam, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt cho cái tên cao kỳ: “Trái của cuộc sống”. Không hề cường điệu, chuối cung cấp cho cơ thể toàn bộ sinh và khoáng tố cần thiết cho sức khoẻ con người.

Các thày thuốc châu Âu khuyên người dân nên ăn mỗi ngày một trái chuối để đủ sức kháng bệnh trong suốt mùa đông khắc nghiệt, thay vì hoa quả đặc sản của xứ họ, như táo, nho…

C
huối chứa nhiều sinh tố như A, B1, B2, B6, B12, C, D, E và khoáng tố như magnê, vôi, kali, sắt, phosphor, fluor và iốt. Nhưng một số thuốc bổ khác cũng chứa nhiều loại sinh và khoáng tố, thậm chí còn hơn chuối, vậy tại sao loại quả này lại được đánh giá cao đến vậy?

Trước hết, chuối không thừa chất béo nên khi ăn không làm tăng mỡ trong máu. Vì thế, chuối là món ăn bỏ túi cho người sợ tăng cân nhưng không tránh được cảm giác đói bụng. Kế đến, chuối chứa rất ít muối nên rất thích hợp cho người bệnh tim mạch.

Ngoài ra, nhờ tỷ lệ hợp lý giữa magnê và canxi mà chuối có khả năng điều hoà quy trình dẫn truyền thần kinh của cơ tim. Người hay hồi hộp vì quá nhạy cảm nên thử dùng trái chuối trước khi chọn một loại thuốc mạnh nào đó.

Với lượng kali dồi dào, chuối không chỉ là món ăn chống chuột rút cho người lao động nặng, vận động viên, mà còn dành cho thai phụ hay buồn nôn vì ốm nghén.

Chuối là món tráng miệng không nên thiếu trên bàn ăn của người bệnh tim mạch, cụ thể là người cao huyết áp nhờ tác dụng vừa lợi tiểu nhẹ, vừa bổ sung kali cho cơ thể dễ bị thiếu hụt vì dùng thuốc lâu ngày.

Ngoài ra, nhờ dễ tiêu hoá nên chuối có thêm ưu điểm của món ăn cung cấp năng lượng nhanh khi có nhu cầu cấp bách. Ngay khi mỏi mệt, gặp lúc đường huyết hạ thấp, chỉ cần trái chuối là xong.

Hơn thế nữa, chuối giúp ổn định các hằng số sinh học trong cơ thể và qua đó tạo điều kiện thuận lợi để hệ biến dưỡng hoạt động với hiệu quả tối ưu, đặc biệt ở người có pH máu không đúng độ kiềm do tiêu thụ quá nhiều thịt mỡ.

Theo công trình nghiên cứu của giáo sư Kurijama ở Học viện Thực phẩm Tokyo, Nhật, chuối có tác dụng kép trên hệ thần kinh. Chuối vừa gây hiệu quả an thần nhẹ nhàng dựa trên cơ chế thư giãn, vừa thúc đẩy chức năng tư duy theo chiều hướng lạc quan yêu đời. 

 
Một tin mừng cho các quý ông, chuối có khả năng hưng phấn chức năng sinh dục trong ý nghĩa toàn diện, có trước có sau. Theo nhiều nhà nghiên cứu, hoạt chất trong chuối không chỉ làm tăng hứng thú về "chuyện ấy", mà còn thu ngắn thời gian trở lại "sàn đấu" của quý ông. 

 
Lưu ý khi bảo quản và ăn chuối

Bạn nên nhớ: Đừng lột vỏ quá sớm nếu muốn tận dụng thành phần sinh học của chuối và nếu chưa dùng, nên giữ chuối ở nơi thoáng mát tự nhiên.

Chuối mất hết tác dụng nếu trữ trong tủ lạnh hay ngăn đá. Nói rõ hơn, kem chuối chỉ để ngon miệng. Mua chuối cũng cần biết cách: Chuối có vỏ vàng với điểm nhỏ li ti màu nâu là chuối nên thuốc. Trái lại, chuối cho dù còn tươi nhưng trên vỏ có nhiều mảng lớn màu đen chỉ tốt cho người bán, vì không còn tác dụng dược lý cũng như dinh dưỡng.

Dưới cái nhìn tượng hình, nhiều người vẫn tôn trọng quan niệm “ăn gì bổ nấy” theo kiểu suy thận thì dùng món cật heo. Điều đó không hẳn đúng, vì nếu như thế thì chẳng phải để bảo vệ lục phủ ngũ tạng chỉ cần… tô cháo lòng? Nhưng chuyện gì cũng có ngoại lệ. Cũng có món, ăn vào thì tốt cho cơ quan nào đó có điểm tương đồng, không do hình thể thì cũng vì chức năng. Và chuối là một thực phẩm như thế. (Theo Sức khỏe & Đời Sống)

Chỉ có một bữa ăn, chỉ nhìn thấy mấy cây chuối tây ở con đường Macadamia Dr., của thành phố Carlsbad ở miền nam California vào một buổi chiều…sanh lòng tưởng nhớ quê nhà. Hết nói chuyện ăn, chuyện uống…rồi lan man tản mạn tìm đến các chuyện y học phổ thông . Chuyện Chuối còn dài, chẳng hạn như Chuối và xã hội, Chuối và cuộc sống…Ôi biết cơ man nào mà kể. Ông bạn thân quen có tên là Mười Chuối còn nhiều chuyện chuối hơn ai hết.

Tất cả những tin tức sưu tầm có liên quan đến y học Đông Tây kim cổ Chuối được tham khảo và trích dẫn từ các trang Y học và đời sống. Bạn muốn đọc xin mời vào www.suckhoedoisong. vn/home.htm