Bảo vệ trên tay Print
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Ba, 22 Tháng 2 Năm 2011 06:08

Trong những lúc gặp thử thách, đôi khi chúng ta bị cám dỗ nghi ngờ về sự giải cứu của Chúa

 

Bảo vệ trên tay

Mục sư Thomas Collins kể chuyện rằng: Một gia đình tín hữu nơi ông làm mục sư có một thiếu phụ sống rất bi quan và cảm thấy rằng Chúa đã bỏ mình. Mục sư Collins một hôm gặp thiếu phụ đang bế con, bảo rằng: Bà hãy buông cho đứa bé rơi xuống sàn nhà đi?

Thiếu phụ nhìn mục sư ngạc nhiên, không hiểu tại sao ông ta lại nói như thế?

Mục sư bảo: Nếu có ai trả cho bà một số tiền lớn để buông đứa bé cho rơi xuống sàn nhà, bà có chịu làm không?

Hơi tức giận, thiếu phụ nói: Dù cho then có nhiều như sao trên trời kia cho tôi, tôi cũng không đời nào buông con tôi cho nó rơi xuống và đau đớn như vậy.

Lúc ấy, mục sư ôn tồn bảo: Bà có nghĩ là tình thương của bà đối với đứa trẻ này có gì lớn hơn tình thương của Thượng Đế đối với con của Ngài chăng?

Nghe vậy, thiếu phụ bừng tỉnh.

Trong những lúc gặp thử thách, đôi khi chúng ta bị cám dỗ nghi ngờ về sự giải cứu của Chúa, có khi lại còn tưởng Chúa bỏ rơi mình nữa. Chúng ta nên nhớ rằng, chúng ta ở trong tay của Chúa Giêsu và lại được chính Thượng Đế bảo bọc nữa. Không có nơi nào an toàn hơn trong hai bàn tay toàn năng ấy.

(CTM sưu tầm)
 
Chia cắt và khả năng độc lập

Khi nào thì con bạn biết bạn ở đâu và khi nào thì bé sẽ bắt đầu buồn khi xa bạn? Khi mới sinh, bé nghĩ rằng bé là một phần của bạn và bé chưa nhận ra bé là một cá nhân độc lập (thậm chí các bé sơ sinh không biết đôi bàn tay, bàn chân nhỏ xíu mà bé nhìn thấy là của chính bé). Nhưng theo thời gian, khi các kỹ năng về thể chất, tinh thần và tình cảm của bé phát triển và bé trở nên tự tin hơn, bé sẽ bắt đầu nhận thấy rằng bé là một cá thể độc lập (và cơ thể, suy nghĩ, cảm xúc là của chính bé) và bé sẽ muốn làm mọi thứ theo cách riêng.

Khi nào bé độc lập?

Bé phải mất nhiều năm để phát triển khả năng nhận thức về bản thân. Đầu tiên, bé nghĩ bạn và bé là một. Khoảng 6 tháng, bé bắt đầu hiểu rằng bé không là một phần của bạn, bạn có thể để bé ở một mình. Đó là khi bé bắt đầu sợ bị bỏ rơi, người ta gọi nỗi sợ đó là nỗi buồn chia cắt. Nỗi buồn này có thể kéo dài sang năm thứ hai. Nhưng khi con bạn giao du nhiều hơn và tin rằng bạn sẽ quay lại khi bé ở vườn trẻ hoặc khi bé ở với một người giữ trẻ, cá tính của chính bé phát triển và bé sẽ vượt qua mọi khó khăn. Trong những năm tập đi (từ 1 đến 3 tuổi), khả năng độc lập mới chớm nở của bé có thể trở thành một vấn đề thực sự. Bé sẽ nổi giận khi bé muốn làm mọi thứ theo cách của bé.

Khả năng độc lập ở từng giai đoạn

Từ 1 đến 6 tháng tuổi

Các bé dưới 6 tháng tuổi có thể nhận biết những người chăm sóc chính. Bé chưa thật sự nghĩ về bản thân bé, trừ những nhu cầu cần đáp ứng ngay lập tức như: thức ăn, tình yêu và sự chú ý. Trong 3 tháng đầu tiên, thậm chí con bạn chưa nghĩ đến cách khắc phục quá trình hình thành cá tính của chính mình. Bé còn quá bận rộn với việc cố gắng điều khiển các vận động và các phản xạ cơ bản. Bạn có thể nhận thấy dấu hiệu độc lập đầu tiên khi bé 4 tháng tuổi. Đó là khi con bạn phát hiện ra rằng bé có thể khóc để bạn chú ý tới bé. Đó là một bước đầu tiên trong quá trình học hỏi để trở thành người độc lập và bé sẽ hiểu rằng các hành động của bé sẽ ảnh hưởng đến người khác, người đó là bạn.

Từ 7 đến 12 tháng tuổi

Khoảng 7 tháng tuổi, con bạn sẽ nhận thấy rằng bé là một cá nhân riêng lẻ; đó là một bước nhảy về nhận thức đáng kể. Thật không may, những nhận thức mới mẻ này về sự chia cắt khiến con bạn lo lắng. Bé bám chặt lấy bạn đến nỗi bé sẽ oà khóc khi bạn để bé một mình, thậm chí chỉ trong vài phút. Bé vẫn chưa có đủ thông tin về khả năng bạn sẽ quay lại. Và trốn đi sau lưng bé – ví dụ như khi bạn gửi trẻ – sẽ không giúp ích cho bạn. Thực tế, điều đó chỉ làm bé sợ bạn không quay lại với bé hơn. Mặc dù rất khó khăn nhưng bạn nên tạm biệt và ra đi khi bé vẫn nhìn thấy bạn.

Một nghiên cứu ở Anh chỉ ra chính xác các em bé chưa nhận ra sự tồn tại của chính bé như thế nào. Các nhà nghiên cứu đã đặt nhiều em bé dưới 1 tuổi đứng trước gương để xem liệu bé có hiểu rằng hình ảnh phản chiếu trong gương là của chính bé hay không. Nhưng em bé không nhận ra điều này. Các em bé vỗ nhẹ vào hình trong gương, giống như khi bé nhìn thấy một bé khác. Khi các nhà nghiên cứu đánh một ít phấn hồng lên mũi của mỗi bé và để bé trước gương, các bé luôn luôn cố gắng sờ vào cái mũi trên gương chứ không phải mũi của bé.

Từ 12 đến 24 tháng

Giờ đây, con bạn độc lập hơn. Cũng trong nghiên cứu trên, các nhà nghiên cứu đánh phấn vào mũi của các bé khoảng 21 tháng tuổi. Khi các bé này nhìn vào gương, bé sờ lên mũi của bé, điều đó chỉ ra rằng các bé hiểu rằng hình trong gương là ảnh của chính bé.

Bé 2 tuổi có thể vẫn buồn khi bé đi trẻ hoặc để bé ở nhà với một người trông trẻ, nhưng bây giờ bé sẽ nhanh bình tĩnh lại hơn bởi vì bé cảm thấy an toàn hơn. Kinh nghiệm và các kỹ năng ghi nhớ đang nảy nở sẽ giúp bé hiểu rằng bạn sẽ quay về với bé. Bé cũng tin vào bạn hơn, bởi vì bạn liên tục cho bé thấy rằng bạn yêu và quan tâm tới bé. Lòng tin đó đã giúp bé tự tin để tự mình mạo hiểm. Những dấu hiệu độc lập nào mà bạn có thể nhận thấy ở giai đoạn này? Có thể con bạn khăng khăng đòi mặc bộ quần áo ngủ màu tím của bé trong 5 đêm liền, chỉ ăn nhữn loại thức ăn nhất định, và tự bé trèo vào ghế trong ô tô.

Từ 25 đến 36 tháng tuổi.

Trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 tuổi, một em bé tập đi vẫn tiếp tục cố gắng độc lập. Bé sẽ đi lang thang cách xa bạn khi bé thám hiểm và bé tiếp tục thử các giới hạn của bé (ví dụ, bé sẽ vẽ lên tường mặc dù bạn bảo bé đừng làm vậy). Thực tế, bố mẹ bé sẽ luôn nghe thấy điệp khúc “Để con tự làm”, đó có thể là một điệp khúc phổ biến nhất.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo

Càng lớn bé càng tự tin và tự nhận thức tốt hơn. Mỗi năm, bé sẽ muốn tự mình làm nhiều thứ hơn. Khi con bạn lớn hơn, bé sẽ hiểu về bản thân và phát huy các khả năng của bé. Khả năng phát triển trong tương lai gồm có khả năng tự chuẩn bị thức ăn, kết bạn và tới trường.

Vai trò của bạn

Để phát triển và thám hiểm thế giới của bé, con bạn cần gắn bó an toàn với bạn. Khi dành cho bé tình yêu và sự ủng hộ trước sau như một, bạn sẽ giúp bé tự tin. Mối quan hệ gắn bó bền vững này bắt đầu từ giai đoạn sơ sinh. Đó là khi bạn đáp ứng ngay lập tức khi bé khóc muốn ăn, muốn thay tã; mỉm cười và nói chuyện với bé, điều đó sẽ giúp bạn xây dựng những mối liên kết gắn bó giữa cha mẹ và con cái.

Bạn cũng cần bảo đảm rằng bạn sắp xếp một môi trường ở nhà an toàn cho bé. Các em bé (từ 0 đến 1 tuổi) và các bé ở tuổi tập đi cần có cơ hội thử các giới hạn và môi trường xung quanh để phát triển khả năng độc lập. Thay vì chạy đằng sau bé và ra lệnh “không” mỗi khi bé sờ vào một vật nguy hiểm thì bạn hãy cất những đồ vật nguy hiểm đó khỏi tầm với của bé. Đó là cách không làm bé thất vọng khi bé đi lang thang trong nhà, và bé sẽ an toàn.

Bạn cũng nên biết rằng khi con bạn bắt độc lập, thì không có nghĩa là bé sẽ không cần bạn yêu thương và vỗ về bé. Bé vẫn cần sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ. Hãy khuyến khích bất cứ khi nào bé thử tự mình làm một điều gì đó, nhưngđừng đẩy bé đi chỗ khác khi bé lại gần để bạn làm bé yên lòng. Bé muốn và cần điều này trong một thời gian dài nữa.

Khi nào thì bé cần được quan tâm?

Mặc dù nỗi buồn chia cắt xảy ra với các bé từ 10 đến 18 tháng tuổi, nhưng bạn cần thảo luận với bác sĩ nhi khoa nếu như bé quá buồn rầu đến nỗi mà bé không thể làm bất kỳ một việc gì nếu như không có bạn ở bên cạnh hoặc nếu như bé không thể nguôi ngoai ngay cả khi bạn đã quay lại với bé.

***Những thông tin này chỉ sử dụng với mục đích giáo dục. Chúng không thay thế cho những lời khuyên về chăm sóc sức khoẻ. Bạn không nên sử dụng thông tin này chẩn đoán hay chữa trị bất cứ một vấn đề sức khoẻ nào mà không thảo luận với bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ gia đình của bạn. Hãy thảo luận với bác sĩ những vấn đề hoặc những mối quan tâm của bạn.

(American Baby)