Cộng đồng Việt Nam phản ứng khác nhau về cải tổ y tế Print
Tác Giả: Hà Giang/Người Việt   
Thứ Ba, 03 Tháng 7 Năm 2012 06:36

 Phán quyết này cho luật cải tổ y tế là hợp hiến, và phán quyết này gây xôn xao dư luận.

WESTMINSTER (NV) - Sau một thời gian dài trông đợi, đạo luật cải tổ y tế, còn được gọi là Obamacare, cuối cùng đã được Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đưa phán quyết cuối cùng vào tuần qua. Phán quyết này cho luật cải tổ y tế là hợp hiến, và phán quyết này gây xôn xao dư luận.

Chỉ vài phút sau phán quyết được công bố, hai phe bênh và chống, mở đầu là những nhân vật chính trị tên tuổi như Barack Obama, Mitt Romney, và các dân biểu, thượng nghị sĩ của hai đảng, đua nhau đưa ra phản ứng.

“Bất kể chính kiến, quyết định hôm nay là chiến thắng lớn của người dân trên khắp nẻo đường đất nước. Luật cải tổ y tế và phán quyết ủng hộ của Tối Cao Pháp Viện khiến đời sống của họ ổn định hơn.” Tổng Thống Obama nói.

Ứng cử viên Mitt Romney, thuộc đảng Cộng Hòa, dù năm 2006, lúc còn là thống đốc của tiểu bang Massachusets, đã ủng hộ để vận động một bộ luật y như vậy ở tiểu bang này, giờ đây đưa ra lời tuyên bố trái ngược:

“Hôm nay tòa án chỉ tuyên bố rằng luật Obamacare không vi hiến. Tòa không nói rằng Obamacare là bộ luật tốt hay chính sách tốt. Obamacare là một chính sách xấu trong quá khứ, và giờ đây vẫn là chính sách xấu!”

Tại miền Nam California, người gốc Việt cũng quan tâm.

Bà Hạnh Lê, 56 tuổi, dân cư Cerritos, hoan nghênh phán quyết này. Bà Hạnh bị mất bảo hiểm y tế, bị mất việc làm từ hơn 2 năm nay, giờ chỉ đi làm bán thời gian cho biết đã gần 2 năm rồi bà “không dám đi bác sĩ”.

“Ði bác sĩ làm gì, vì dù biết có bệnh, tôi cũng đâu có bảo hiểm đâu mà chữa. Thôi, sống chết ai cũng có số!” Bà chép miệng.

Tiếp xúc với phóng viên nhật báo Người Việt qua điện thoại, bác sĩ gia đình Nguyễn Trần Hoàng cho biết ông ủng hộ đạo luật, và cho biết “rất vui”, vì ở phòng mạch, ông chứng kiến cảnh nhiều người để bệnh thật nặng mới đến chữa, vì không có bảo hiểm, khiến ông vô cùng áy náy.

“Luật này sẽ giúp thêm nhiều người có điều kiện chữa bệnh. Vậy mới phải. Không lẽ Mỹ là nước tân tiến nhất thế giới, mà để nhiều triệu người dân không có bảo hiểm sức khỏe thì coi cũng hơi kỳ.” Bác Sĩ Hoàng nói.

Bác sĩ chuyên khoa Lê Hồng Sơn, cho biết trên nguyên tắc, ông ủng hộ Obamacare, vì “đây là một chính sách tốt!” Bác sĩ Sơn giải thích:

“Là một người có nhiều kinh nghiệm quản trị trong các tổ chức ‘managed care’, tôi ủng hộ luật này, vì nó mang lại nhiều lợi ích cho người dân, chẳng hạn những người già đang lãnh Medical sẽ được mua thuốc rẻ hơn, không cho hãng bảo hiểm loại trừ khách hàng nhiều bệnh, làm tốn của họ quá nhiều tiền (vượt lifetime limit), cấm hãng bảo hiểm không bán bảo hiểm cho những người đang có bệnh, v.v...”

Nhưng không phải ai cũng đồng ý. Ông Thành Nguyễn, dân cư Westminster, hiện có công việc ổn định, bảo hiểm y tế tốt, cho rằng đạo luật Obamacare “thật là vô lý và bất công”, vì ông tin sau khi áp dụng, chi phí bảo hiểm của ông sẽ bị cao lên.

“Chắc chắn khi bị bắt phải bán bảo hiểm cho người có bệnh hiện không có bảo hiểm vì không chịu đi làm, các hãng bảo hiểm sẽ tăng giá, và những người đi làm như tôi phải trả tiền cho họ.” Ông lập luận.

Bà Trần Thị Nguyệt Hồng chia sẻ với phóng viên Người Việt rằng bà rất băn khoăn về điều khoản bắt mọi người phải mua bảo hiểm. Bà so sánh, “Chúng ta đang ở một nước dân chủ thì có khác nào độc tài?”

 Ai hiểu?

 Trả lời phỏng vấn báo chí một ngày sau phán quyết, bà Chris Lee, Communication Officer của The Henry J. Kaiser Family Foundation, tổ chức không đảng phái, phi chính trị, chuyên phân tích và truyền bá chính sách y tế, hàng đầu của Hoa Kỳ (không liên quan đến các hãng bảo hiểm Kaiser Permanente or Kaiser Industries), nói:

“Lý do người ta chống đối luật cải tổ y tế là vì ít ai hiểu nó!”

Ðể dẫn chứng, bà Lee đề cập đến một trắc nghiệm gồm 10 câu hỏi của The Henry J. Kaiser Family Foundation, qua đó, tổ chức bà đo lường sự hiểu biết của dân chúng Hoa Kỳ về Obamacare, và cho biết trong số người dự cuộc thử nghiệm, chỉ 25% trả lời đúng được 7 câu hỏi trở lên, trong khi đó có đến 36% chỉ trả lời đúng được tối đa là 4 câu.

Kết quả của trắc nghiệm cho thấy, 5 điều bị hiểu sai nhiều nhất về Obamacare, xếp theo thứ tự như sau:

1. Ðòi hỏi tất cả mọi doanh nghiệp, dù nhỏ nhất, phải mua bảo hiểm cho nhân viên: Hiểu sai 65%, không rõ 10%. Trên thực tế, luật chỉ đòi hỏi doanh nghiệp 50 nhân viên trở lên phải mua bảo hiểm.

2. Thiết lập một tổ hợp bảo hiểm sức khỏe do chính phủ cai quản. Hiểu sai 59%, không rõ 14%. Quốc Hội đồng ý không lập một công ty bảo hiểm của chính phủ để không bị mang tiếng xã hội hóa y tế.

3. Giảm phúc lợi hiện có của những ai đang có Medicare. Hiểu sai 45%, không rõ 15%. Medicare không bị giảm bởi luật cải tổ y tế.

4. Tài trợ cho những người di dân bất hợp pháp để họ có thể mua bảo hiểm. Hiểu sai 41%, không rõ 16%. Di dân không giấy tờ sẽ không được bảo hiểm.

5. Trao quyền quyết định những dịch vụ cuối đời (end-of-life-care) của những ai đang có Medicare cho một ủy ban của chính phủ. Hiểu sai 40%, không rõ 15%. Ðây là điều phía Cộng Hòa đưa ra trong mùa tranh cử 2010 để chỉ trích luật cải tổ y tế, nhưng không hề có.

“Ðây là một bộ luật phức tạp, ít người hiểu thấu đáo, và vì thế dễ bị lung lạc bởi những lập luận chính trị” như “Hoa Kỳ đang chuyển qua chủ nghĩa xã hội”.

“Ngày nào mà một đạo luật được Quốc Hội thông qua và tổng thống phê chuẩn mà vẫn còn phải chờ phán quyết của tòa án thì hiến pháp của Hoa Kỳ còn được bảo vệ.” Bà Lee kết luận.

Tương lai của luật

 Tuy ủng hộ về mặt chính sách, trên thực tế, Bác Sĩ Sơn tỏ ra thận trọng hơn, và cho rằng lúc thi hành, sẽ có nhiều khó khăn phải vượt qua, vì khi hệ thống y tế Hoa Kỳ phải cung cấp dịch vụ cho thêm hằng chục triệu người nữa, thì vấn đề phải đặt ra là lấy tiền ở đâu. Và điều đó, theo ông thì phải đi vào thực tế mới dần dà giải quyết những thử thách được.

“Nhưng tôi tin rằng vì đây là một chính sách tốt, chúng ta sẽ vượt qua được, mọi việc khởi đầu đều khó khăn.” Bác Sĩ Sơn nói.

Giả sử mọi người cùng đồng ý rằng Obamacare là một chính sách tốt, thì liệu rồi đạo luật này có được thi hành tốt không?

Khó có ai có câu trả lời trong lúc này.

Một chủ nhân một hãng cung cấp supplies cho ngành y tế tại thành phố Garden Grove, xin được không nêu tên, thở dài:

“Thích thì tôi không thích rồi đó. Cũng như giá xăng lên cao vậy, ai mà thích được. Nhưng dù sao thì mọi sự cũng đã ngã ngũ, thì chúng tôi phải chuẩn bị tinh thần để mà ứng phó thôi.”

Trở lại vào tuần trước, khi Tối Cao Pháp Viện từ chối không bác bỏ luật cải tổ y tế, hai đài CNBC và Fox Business Network báo động là người ta sẽ “Bán đổ bán tháo chứng khoán vì quyết định cải tổ y tế”. Tuy nhiên, tới hôm nay 2 tháng 7, chỉ số Dow Jones lên tới 12,871, cao hơn so với 12,602 ngày có phán quyết của Tối Cao Pháp Viện, tăng 268 điểm.

10 điều cần biết về luật cải tổ y tế

    Bắt đầu từ 2014, hầu hết người lớn ở Mỹ sẽ phải mua bảo hiểm y tế.

    Không hề có điều khoản gì về một ủy ban nào đó của chính phủ quyết định những dịch vụ cuối đời cho người có Medicare.

    Không giảm phúc lợi cho người đang thụ hưởng Medicare. Tuy nhiên, có giảm tiền trả cho các chương trình Medicare Advantage của tư nhân, nhưng không ảnh hưởng tới người thụ hưởng.

    Chương trình Medicaid (ở California gọi là Medi-Cal) sẽ gia tăng để giúp cho toàn bộ người nghèo dù có hay không có trẻ em. Tuy nhiên, điều này phải được tiểu bang đồng ý, và một số tiểu bang như Louisiana đã quyết định không thực hiện.

    Người không đủ tiền mua bảo hiểm y tế sẽ được chính phủ tài trợ.

    Các công ty bảo hiểm sẽ không được từ chối bán cho người đã bị bệnh sẵn.

    Không phải tất cả mọi doanh nghiệp, dù nhỏ nhất, đều phải mua bảo hiểm cho nhân viên. Chỉ có hãng lớn, 50 nhân viên trở lên, mới bị phạt nếu không mua bảo hiểm cho nhân viên.

    Doanh nghiệp nhỏ, nếu mua bảo hiểm cho nhân viên, sẽ được trừ thuế.

    Sẽ không có hãng bảo hiểm của chính phủ hoạt động song song với bảo hiểm tư nhân. Tất cả các công ty bảo hiểm sẽ vẫn là của tư nhân.

    Người di dân bất hợp pháp sẽ không được mua bảo hiểm theo chương trình này.

    (Nguồn: The Henry J. Kaiser Family Foundation)