Triển lãm nghệ thuật phụ nữ Ðông Nam Á hải ngoại Print
Tác Giả: Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt   
Thứ Tư, 27 Tháng 6 Năm 2012 06:34

... các nghệ sĩ và tác giả trong Troubling Borders nói lên những nỗi ưu tư của người phụ nữ Ðông Nam Á trải qua thời thực dân, thuộc địa, chiến tranh, và toàn cầu hóa.

Troubling Borders, tại UCR Sweeney Art Gallery, 30/6 - 6/10

  Một cuộc triển lãm với chủ đề phụ nữ Ðông Nam Á ở hải ngoại sẽ khai mạc tại đại học UC Riverside và kéo dài hơn 3 tháng.

     General Tri-Corn, 2005, của Reanne Estrada, mực vẽ trên gôm.
               (Hình: nghệ sĩ cung cấp cho Troubling Borders)

Mang tên “Troubling Borders” và do hai nữ giáo sư gốc Việt tổ chức, đây là một cuộc triển lãm nhiều hình thức, đi kèm hội thảo, với mục đích giãi bày tâm sự và sức sống của người phụ nữ Ðông Nam Á sống bên ngoài vùng đất này.

Cuộc triển lãm diễn ra tại UCR Sweeney Art Gallery, bắt đầu từ ngày 30 tháng 6, kéo dài tới tháng 10. Ðúng ngày 6 tháng 10, sẽ có buổi tiếp tân bế mạc và ngày 7 tháng 10 sẽ có hội thảo.

Hai người giám tuyển cuộc triển lãm này là Giáo Sư Lan Dương dạy tại UC Riverside và Giáo Sư Isabelle Thúy Pelaud dạy tại San Francisco State University.

Qua email, Giáo Sư Lan Dương nói về cuộc triển lãm:

“Troubling Borders là một buổi triển lãm, cùng với đọc sách và hội thảo, nói lên những sự biểu hiện và kinh nghiệm sống của người phụ nữ Ðông Nam Á trong cộng đồng hải ngoại.”

The Past is a Distant Colony (tạm dịch, Quá khứ là một vùng định cư/thuộc
địa đã xa), trích video Adaptation Fever của Hồng-Ân Trương.
(Hình: nghệ sĩ cung cấp cho Troubling Borders)

Ngay cả tên của buổi triển lãm cũng làm người ta suy nghĩ. “Troubling Borders” nghĩa là gì và tại sao lại đặt tên như vậy? “Borders” nghĩa là biên giới ranh giới. “Troubling” có nhiều nghĩa, vừa có nghĩa phiền muộn, phiền hà, lo lắng, vừa có nghĩa là bị xáo trộn, lại cũng có nghĩa là đang làm xáo trộn.

Trong Troubling Borders, Lan Dương và Isabelle Thuy Pelaud tập hợp nhiều ngành văn chương và nghệ thuật - từ thơ, thoại, truyện ngắn, tới nghệ thuật dàn xếp, sơn dầu, nhiếp ảnh, phim, nghệ thuật trình diễn.

Và điều đó dẫn tới tên gọi Troubling Borders: “Chúng tôi muốn làm xáo trộn ranh giới phân biệt những thể loại nghệ thuật khác nhau, để làm nổi bật lên tính cách của các nữ tác giả và nữ nghệ sĩ này, là họ lên tiếng bằng nhiều cách và vượt qua nhiều lằn ranh giới.”

Vượt qua những giới hạn bình thường của nghệ thuật, các nghệ sĩ và tác giả trong Troubling Borders nói lên những nỗi ưu tư của người phụ nữ Ðông Nam Á trải qua thời thực dân, thuộc địa, chiến tranh, và toàn cầu hóa. Những tác phẩm này phá tan những định kiến của phương Tây cũng như của các chính quyền Ðông Nam Á, nhất là trong thời gian sau chiến tranh lạnh.

Danh sách nghệ sĩ tham gia cũng vượt qua biên giới quốc gia và sắc tộc. Họ là người gốc Cambodia, Lào, Philippines, Việt Nam. Và ngay cả ranh giới quốc gia đó cũng chưa định đủ: Họ còn là người Mien, Hmong, Chăm.

Palimpsest for Generation 1.5, nghệ thuật trình diễn của Anida Yoeu Ali.
Palimpsest là tên gọi giấy sáp của thời La Mã cổ, viết xong có thể xóa đi
viết lại. (Hình: nghệ sĩ cung cấp cho Troubling Borders)

Nghệ sĩ tham gia trong Troubling Borders gồm có: Anida Yoeu Ali, Reanne Estrada, Lin+Lam, Ann Phong, Nalyne Lunati, Hồng-Ân Trương, và Julie Thi Underhill. Các văn sĩ tham gia có Leakhena Leng, Karen Llagas, và Julie Thi Underhill.

Trong số này có hai giáo sư mỹ thuật gốc Việt là Ann Phong đại học Cal Poly Pomona và Hồng-Ân Trương đại học Duke University. Julie Thi Underhill là một nhiếp ảnh gia gốc Chăm Việt Nam, hiện đang học tiến sĩ ngành nghiên cứu sắc tộc ở UC Berkeley.

Phòng tranh Sweeney Art Gallery tọa lạc tại 3834 Main St., Riverside, CA 92501