Ngư dân gốc Việt và Cambodia tố cáo BP kỳ thị Print
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Năm, 05 Tháng 4 Năm 2012 06:10

Họ kiện đòi bồi thường vì bị vi phạm dân quyền và bị kỳ thị chủng tộc trong vấn đề thuê mướn.

Vụ tràn dầu Vịnh Mexico năm 2010

NEW ORLEANS -Khoảng 4,000 ngư dân gốc Việt và Cambodia kiện tập thể tại tòa án liên bang, khiếu nại hãng dầu BP đã “đặc biệt yêu cầu” các công ty giám sát chương trình thu dọn dầu loang, có tên Vessels of Opportunity (VoO), không được mướn người có nguồn chủng tộc Ðông Nam Á như họ, theo một bản tin của Courhouse News Service.

Một ghe đánh cá của ngư dân Việt Nam tại Louisiana được mướn đi vớt
dầu trong Vịnh Mexico. Ngư dân gốc Việt và Cambodia cho biết họ bị BP
kỳ thị trong việc thuê mướn họ vớt dầu. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)

Những người này cũng tố cáo hai công ty khác là DRC Emergency Services LLC và Danos and Curole Marine Contractors LLC thông đồng với nhau, khi ban lệnh nêu trên, bằng cách hạn chế mướn ngư dân gốc Việt và Cambodia.

Trong vụ kiện tập thể ở New Orleans, mà danh sách chỉ có tên của 41 nguyên đơn, là người gốc hai quốc gia Ðông Nam Á này.

Ðơn kiện nói rằng, trước khi xảy ra vụ nổ giếng dầu Deepwater Horizon vào ngày 20 Tháng Tư, 2010, làm 11 người chết và gây nên thảm họa môi trường tệ hại nhất trong lịch sử nước Mỹ, “kỹ nghệ hải sản thuộc vùng duyên hải Vịnh Mexico là một ngành kinh doanh sinh động và phát đạt, tạo việc làm cho hơn 213,000 người và mang lại cho nền kinh tế địa phương nguồn lợi đến hơn $10.5 tỉ. Sức mạnh đằng sau nền kỹ nghệ sinh động này chính là đội ngũ gồm hơn 13,000 tàu đánh cá.”

Ðơn kiện cho biết, “theo nghiên cứu của Tiến Sĩ David D Burrage, giáo sư về nguồn hải sản của trường Mississippi State University, một phần ba số thuyền chài có giấy phép đánh bắt tôm ở Vịnh Mexico do chính phủ liên bang cấp, hơn phân nửa số thuyền đánh cá là người gốc Việt. Ðối với thuyền dài trên 45 feet, tất cả giấy phép do tiểu bang Mississippi cấp, người gốc Việt chiếm hết 62% và 65% đối với giấy phép do tiểu bang Alabama cấp. Về loại thuyền dài trên 50 feet, người gốc Việt chiếm hết 75% đối với giấy phép do tiểu bang Louisiana cấp. Các con số này chưa kể đến một số phần trăm đáng kể những thuyền nhỏ hơn do người gốc Cambodia làm chủ.”

Ðơn kiện khiếu nại rằng “dầu loang tàn phá hoàn toàn kỹ nghệ đánh bắt hải sản trong vùng Vịnh Mexico, gây khổ đau và gánh nặng tài chánh cho hàng trăm ngàn người, đặc biệt là giới ngư phủ. Hơn phân nửa tổng số ngư dân bị ảnh hưởng vì vụ dầu loang là người Á Châu gốc từ Việt Nam và Cambodia.”

Hãng BP lập ra chương trình VoO, theo đó họ mướn ngư dân dùng chính thuyền của họ để làm công việc thu dọn dầu loang. Các chủ thuyền ghi danh chương trình này đã nộp vô số đơn kiện chống lại hãng BP, tố cáo BP không giữ đúng lời cam kết, gồm việc trả tiền hoặc tẩy uế cho tàu thuyền của ngư dân.”

Theo đơn kiện tập thể, BP mướn DRC Emergency Services LLC và Danos and Curole Marine Contractors LLC để quản lý chương trình VoO.

Ghe đánh cá của ngư dân Việt Nam bị neo tại bến vì dầu loang trong
Vịnh Mexico. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)

Ðơn kiện cho biết “dù hơn phân nửa ngư phủ bị ảnh hưởng của dầu loang là người gốc Việt và Cambodia, dưới 10% ngư dân thuộc hai sắc dân này được mướn làm việc cho chương trình VoO. Ước lượng cho thấy trong số 5,000 thuyền được mướn, chỉ khoảng 350 chiếc là của người gốc Việt và Cambodia.

Ðơn kiện trực tiếp tố cáo BP tội kỳ thị qua lời khiếu nại “BP gửi email đến DRC Emergency Services LLC và Danos and Curole Marine Contractors LLC, đặc biệt yêu cầu họ đừng mướn người gốc Việt và Cambodia.” Và hai công ty này dựa theo đó cùng cấu kết hạn chế hai sắc dân này khi thuê mướn.

Ðơn kiện cho biết khoảng 4,000 người gốc Việt và Cambodia bị ảnh hưởng vì quyết định này. Họ kiện đòi bồi thường vì bị vi phạm dân quyền và bị kỳ thị chủng tộc trong vấn đề thuê mướn. Vụ kiện tập thể này do Luật Sư Ryan Beasley ở Harvey, Louisiana, đại diện.

Trong một vụ kiện khác ở Pinellas County, Florida, ông Joseph Kaminski, một kỹ sư hồi hưu, nói BP cần ông giúp để đóng giếng dầu bị vỡ, nhưng chưa bao giờ thanh toán cho ông số tiền $2 triệu như đã hứa. (TP)