Dùng cách viện trợ nước nghèo, để tài trợ sinh viên Print
Tác Giả: Lê Tâm (theo SF Chronicle)   
Thứ Hai, 01 Tháng 8 Năm 2011 11:04

Ðể đổi lại sự tài trợ này, sinh viên sẽ trả nợ theo số phần trăm của lương trong một thời gian được hai bên thỏa thuận.

Trong tình trạng chi phí học đại học đang ngày càng tăng cao, với thí dụ điển hình là học phí của hệ thống đại học California State University (CSU) nay tăng gấp đôi so với năm 2007, và học bổng cắt giảm, rất nhiều sinh viên nay phải trông nhờ vào việc vay tiền để đi học.

 Dĩ nhiên, kỹ nghệ cho sinh viên vay tiền đi học dựa trên lý luận là sinh viên phải chi tiền trước để có thể làm ra tiền về sau - nghĩa là phải đầu tư vào đại học nếu muốn thành công và kiếm được nhiều tiền hơn những người khác trong sự nghiệp của mình.

Nhưng nay có một công ty khác đi vào lãnh vực này với một quan niệm khác và tạo ra một cách tài trợ học vấn khác hẳn những gì thường thấy trước đây.

 Ứng dụng của Tài Trợ Vi Mô (microfinancial)

 Một tổ chức xuất xứ từ Châu Mỹ La Tinh từng đạt nhiều thành công trong việc cho sinh viên vay tiền đi học qua một phương cách mới, nay mang ý tưởng này sang thực hiện tại Mỹ, với 15 sinh viên đầu tiên ở California trong chương trình thử nghiệm. “Ðối với tôi, đây là điều thật tuyệt vời,” theo lời Alex Jasiulek, 20 tuổi, ở Oakland, từng là chủ tịch sinh viên cấp lớp của mình trong hai năm tại đại học Columbia University, New York.

Anh là một trong hàng ngàn sinh viên khắp nước Mỹ từng nộp đơn xin mượn tiền ở tất cả những nơi họ được coi là đủ điều kiện, nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng mọi chi phí khi đi học.

Trong trường hợp của Jasiulek, số thiếu hụt là $5,000 một năm và hiện nay một công ty có tên Lumni USA đang chi trả cho anh số tiền này.

Thành lập tại Chile năm 2002 do hai chuyên gia tài chánh Felipe Vergara và Miguel Palacios, công ty làm ăn kiếm lời này đã lấy ý tưởng về tài trợ vi mô (microfinancing) - cho vay những số tiền nhỏ nhưng rất cần thiết - vốn có sự thành công lớn lao trong nỗ lực giúp người nghèo làm ăn buôn bán, đặc biệt là ở những nơi như Ấn Ðộ hay Phi Châu - và đưa vào lãnh vực giúp sinh viên đáp ứng các chi phí của đại học.

Công ty này có vốn phần lớn từ các công ty đầu tư, mở văn phòng chi nhánh đầu tiên của mình ở San Francisco khoảng 3 năm trước đây. Tên “Lumni” của công ty là sự ghép lại của “lumen-ánh sáng” và “alumni-cựu sinh viên.”

 Lối cho vay không giống ai

 Công ty Lumni USA cho hai sinh viên đầu tiên ở Mỹ vay tiền năm 2009: Jasiulek và Rena Stone, cũng ở Oakland. Nay con số này lên tới 15 người. Có 9 người trong số này đến từ các gia đình chưa từng có ai học đại học, 11 người từ gia đình có lợi tức thấp, 10 người thuộc sắc tộc da đen hay Latino, và 10 người từ vùng Bay Area, phía Bắc California. Họ đang học các trường khác nhau, từ đại học San Francisco State University đến New York University.

Ðể đổi lại sự tài trợ này, anh Jasiulek đồng ý trả cho Lumni một số phần trăm của lương của anh trong một thời gian được hai bên thỏa thuận.

 Trong trường hợp của Jasiulek, con số này là 3.71% trong 10 năm. Nếu anh kiếm được $100,000, anh sẽ phải trả $3,710 mỗi năm, trong 10 năm, tổng cộng sẽ là $37,000. Nếu anh chỉ lãnh lương có $40,000 một năm, anh chỉ phải trả lại $1,484 mỗi năm, tức là tổng cộng $14,840. Thời hạn trả lại là 120 tháng trong thời gian người được tài trợ có việc làm. Nghĩa là nếu Jasiulek bị thất nghiệp hay quyết định tham gia vào chương trình Peace Corp. chẳng hạn, anh sẽ không phải trả tiền, cho đến khi đi làm trở lại. Và công ty cũng không muốn người được tài trợ trả dứt nợ ngay một lúc qua việc đặt ra số tiền phạt khá lớn.

Noga Leviner, tổng giám đốc điều hành Lumni, nói rằng đây là tiền công ty tài trợ cho sinh viên đi học chứ không phải là một món “nợ” theo nghĩa bình thường.”

Các sinh viên thỏa thuận trả lại một số phần trăm của lợi tức họ sau khi tốt nghiệp trong một khoảng thời gian được ấn định trước,” ông Leviner nói. “Và sau thời gian đó là họ chấm dứt mọi ràng buộc, bất kể là họ trả lại ít hay nhiều.”

Ðiều này không có nghĩa là sinh viên có thể chọn cách trả ít nhất. Giao kèo với Lumni có hiệu lực bất kể nguồn lợi tức của người nhận tài trợ thay đổi như thế nào.Thí dụ, nếu Lumni tài trợ $10,000 một năm cho một sinh viên dự bị y khoa, với giao kèo là trả 6% lợi tức trong 10 năm. Và nếu người sinh viên đó sau cùng trở thành một nhà giáo thay vì một bác sĩ kiếm nhiều tiền, thì Lumni có thể chỉ sẽ nhận lại được $20,000 thay vì $90,000 cho món tiền $40,000 đã bỏ ra. Và dĩ nhiên là điều ngược lại cũng có thể xảy ra.

 Ai muốn mượn nợ loại này?

 “Hình thức này chuyển rủi ro thiệt hại từ người sinh viên sang công ty cho vay,” theo lời Matthew Denhart tại trung tâm nghiên cứu Center for College Affordability and Productivity ở Washington, D.C.

Tuy nhiên ông Denhart cho rằng hình thức này khó phát triển ở Mỹ vì có nhiều nơi cho mượn tiền hơn là ở vùng Châu Mỹ La Tinh. Ngoài ra, những người có lợi tức cao sẽ không muốn bị kẹt với việc phải trả lại một phần tiền kiếm ra và những người có lương thấp có thể sẽ không giúp công ty có lời để tiếp tục làm ăn.

Nhưng công ty Lumni cho rằng sẽ có nhiều sinh viên, đặc biệt là những người từ các gia đình ít khi thấy được lợi ích của việc đầu tư vào học vấn để khi tốt nghiệp có việc làm ổn định, lương cao, do đó dễ ngần ngại không muốn mượn các loại nợ thông thường vì không biết có đủ tiền trả nợ sau đó hay không.

 Với cách tài trợ của Lumni, người sinh viên biết rằng họ sẽ có trả lại hàng tháng số tiền mà họ thiếu theo khả năng tài chánh của mình.