Mỹ cần phát triển thêm dạy nghề Print
Tác Giả: V.Giang   
Thứ Ba, 08 Tháng 2 Năm 2011 09:18

Nghiên cứu Ðại Học Harvard

CAMBRIDGE, Mass. (CSM) - Kết quả một cuộc nghiên cứu của khoa Giáo Dục trường đại học Harvard University Graduate School of Education được công bố mới đây cho thấy nền giáo dục Mỹ hiện nay đang thất bại trong việc chuẩn bị cho hàng triệu người trẻ có sự thành đạt nghề nghiệp sau này khi chỉ đưa ra một chương trình học chung chung cho mọi người.

Hình minh họa

Cuộc nghiên cứu cho rằng giáo dục Mỹ nên học cách thức của các nước Âu Châu khác qua việc nhấn mạnh vào lãnh vực dạy nghề, theo báo Christian Science Monitor tường thuật.

Cuộc nghiên cứu nói rằng các học sinh trung học được dạy là chỉ có một con đường thành công duy nhất là vào đại học để lấy bằng cử nhân, nhưng chỉ có khoảng 30% trong số này là sẽ có được tấm bằng.

 Chương trình nghiên cứu mang tên “Pathways to Prosperity - Các Hướng Ðến Giàu Sang” của Harvard nói rằng ý niệm “đại học cho mọi người - College For All” không đúng với đa số học sinh.

Cuộc nghiên cứu cho rằng người trẻ cần được cho các hướng đi khác để lựa chọn, kể cả sự tư vấn, tập sự, học nghề và các lớp huấn nghệ ở đại học cộng đồng. Những người không có khả năng hay không thích học cao hơn để lấy bằng cử nhân, phải được cho biết về những công việc đòi hỏi các “khả năng trung bình” và chỉ trả lương ở mức trung bình.

Bản nghiên cứu cho hay trong khi nước Mỹ dự trù sẽ tạo thêm khoảng 47 triệu công việc trong 10 năm tới, chấm dứt vào năm 2018, chỉ có một phần ba trong số công việc này đòi hỏi bằng cử nhân hay cao hơn. Khoảng 30% công việc trong số này chỉ đòi hỏi bằng cao đẳng hay chứng chỉ học nghề sau trung học.

Giáo Sư Robert Schwartz, khoa trưởng Graduate School of Education tại Hardvard University, người hướng dẫn cuộc nghiên cứu, nói rằng “Chúng ta là quốc gia phát triển duy nhất trên thế giới trông cậy hoàn toàn vào đại học như phương tiện để đưa người trẻ chuyển tiếp từ trung học vào đời sống làm việc.”

Giáo Sư Schwartz cho rằng trừ phi nước Mỹ tạo ra sự uyển chuyển và có thêm nhiều chọn lựa cho người học sinh, sẽ tiếp tục có nhiều người trẻ rơi rớt dọc đường trên con đường tốt nghiệp đại học.

Bản báo cáo đưa ra những kinh nghiệm ở các quốc gia Âu Châu như Ðức và Phần Lan, trong đó học sinh khi đến lớp 10 đã có sự nhận thức rõ ràng về khả năng và ý hướng của mình để có sự chọn lựa đúng đắn, đi theo ngành nghề hoặc lên đại học để không gặp thất bại trên con đường học vấn.

Tuy vậy, cũng có người lo ngại rằng việc khuyến khích học sinh chọn các ngành nghề thay vì hoàn tất chương trình học bốn năm dễ đưa đến sự giới hạn khả năng phát triển của học sinh, và nhất là có thể dựa trên những nhận định sai lầm đối với khả năng của các trẻ có hoàn cảnh kinh tế hay xã hội khó khăn hơn các trẻ khác.