Học lấy ‘certificate’: Một hướng để tiến thân Print
Tác Giả: Lê Tâm (theo NY Times)   
Thứ Ba, 25 Tháng 1 Năm 2011 11:03

Nhưng chứng chỉ từ các trường đại học nổi tiếng vẫn giúp người ta dễ dàng kiếm việc làm.

 Hình minh họa

Từ trước đến nay, học sinh ở Mỹ vẫn được dạy rằng khả năng học vấn là chìa khóa mở cánh cửa trên con đường dẫn đến công việc tốt trong đời sống họ. Con đường đó khởi sự với bậc trung học, rồi lên đại học và lấy được mảnh bằng cử nhân. Ðối với những người có tham vọng đi xa hơn nữa, là lấy bằng cao học và đi tiếp nếu muốn.

Nhưng ngày càng có nhiều người nhận ra họ có thể kiếm được “job thơm”, cũng qua học hành, nhưng bằng hướng khác.

Các chương trình học ngắn hạn dẫn đến việc lấy các chứng chỉ hành nghề chuyên môn - người Việt Nam quen gọi chung là “lấy certificate” - đang là điều gây nhiều chú ý trong thế giới giáo dục hiện nay. Có thể nói, có đủ mọi chương trình cho mọi nghề, từ trang trí nội thất sang đến phụ tá pháp lý, hay điều hành hồ sơ ở văn phòng bác sĩ.

Trình độ học “certificate” cũng đa dạng. Có những “certificate” có thể vào học thẳng sau khi tốt nghiệp trung học, và có những “certificate” đòi hỏi có bằng cử nhân.

Thay vì phải đầu tư thời gian vào bằng cao học, vốn là điều không phải ai cũng có, nhiều người đang làm việc trong các ngành nghề chuyên môn muốn phát triển cơ hội tiến thân có thể đi học để lấy chứng chỉ trong những môn học có liên hệ trực tiếp với công việc của mình. Thí dụ người trong ngành thương mại có thể học thêm về chiến lược tiếp thị, phân tích tín dụng. Người đang là y tá có thể học các chứng chỉ chuyên môn về tiểu đường, săn sóc vết thương. Người ta cũng có thể lấy cả các chứng chỉ trong ngành báo chí.

Trong nền kinh tế đang ngày càng chú trọng đến các lãnh vực chuyên môn, hiện đang có nhiều trường, kể cả những trường nổi tiếng, uy tín lâu đời, đến những trường chỉ thấy quảng cáo trên truyền hình lúc tối khuya, đưa ra những chương trình học này. Ðây là những chương trình thường gồm khoảng 5 hay 6 lớp, kéo dài từ ba đến 18 tháng, với chi phí từ vài ngàn dollars cho đến hàng chục ngàn dollars.

Và có rất nhiều người thắc mắc rằng liệu các chứng chỉ có giá trị so với số tiền, thời giờ và năng lực bỏ ra không?

Câu trả lời là: Chưa chắc.

Trong thời gian qua, trên báo chí đã thấy nhiều câu chuyện “hãi hùng” về việc những người được các trường tư, ‘for profit’, hứa hẹn chỉ học chưa tới hai năm sẽ có những job lương rất cao nên nhắm mắt mượn nợ tới hai ba chục ngàn dollars ghi danh đi học để rồi sau đó ra trường kiếm không ra việc trong khi không biết làm sao trả nợ.

Những câu chuyện đó khiến chính phủ Mỹ có biện pháp xiết chặt sự kiểm soát, kể cả việc xem người tốt nghiệp có thể kiếm được công việc với số lương đủ trả tiền nợ học hay không. Dĩ nhiên, đây là điều cũng áp dụng đối với các trường ‘non-profit’.

Con số người theo học các chương trình lấy chứng chỉ gia tăng rất cao trong thời kỳ suy thoái kinh tế vừa qua và tiếp tục ngay đến bây giờ.

Theo tổ chức Institute for College Access and Success, một tổ chức nghiên cứu bất vụ lợi tìm cách làm cho việc học đại học trở nên dễ dàng hơn cho mọi người, cho hay trong số bằng các trường đại học ‘for profit’ cấp có tới trong hai phần ba là các chứng chỉ. Theo Hiệp Hội Các Trường Ðại Học Tư Thục (Association of Private Sector Colleges and Universities), đại diện khoảng 1,400 trường đại học ‘for-profit’ ở Mỹ, kể cả Kaplan và DeVry, thì số chứng chỉ cấp trong niên khóa 2008-2009 lên tới con số 345,000, nghĩa là tăng 25% chỉ trong bốn năm.

Các trường đại học cộng đồng, với nhiều nơi cũng có các chương trình học tương tự nhưng với chi phí thấp hơn rất nhiều, cũng gia tăng số chứng chỉ cấp tới 16% trong cùng thời gian.

Con đường đi học lấy chứng chỉ đặc biệt hấp dẫn với thành phần những người vì lý do khả năng học vấn, cá nhân hay tài chánh, sẽ không theo được một chương trình lấy bằng theo phương cách truyền thống, đặc biệt là những người đang phải chăm sóc hỗ trợ cho gia đình mình.

Trong một bản báo cáo đưa ra tháng qua, tổ chức Complete College America, một tổ chức bất vụ lợi, đề nghị thúc đẩy chỉ tiêu toàn quốc là gia tăng gấp đôi số chứng chỉ cấp phát trong năm năm tới.

“Chứng chỉ có thể giúp cá nhân có sự thành công ngay lập tức ở nơi làm việc,” theo bản báo cáo.

Tuy không có nhiều dữ kiện về mối liên hệ giữa chứng chỉ và mức gia tăng trong tiền lương, “các nghiên cứu sơ khởi cho thấy có giá trị kinh tế liên hệ trực tiếp với chứng chỉ,” theo lời ông David Bergeson, quyền phó giám đốc văn phòng đặc trách sau trung học của Bộ Giáo Dục Mỹ.

Nhưng làm thế nào để biết rằng chứng chỉ mình sắp đi học sẽ giúp sự thăng tiến nơi sở làm?

Có những chứng chỉ từ các trường không được chứng nhận (accredited), buộc người ta phải làm việc trong ngành liên hệ từ một đến hai năm trước khi được phép đi thi để lấy giấy phép hành nghề trong lãnh vực đó (và tăng số lương lên cao hơn).

Các chuyên gia giáo dục đều nói rằng chính người đi học phải tự mình tìm hiểu kỹ lưỡng và hiểu rõ con đường mình phải đi qua. Phải hỏi nhiều câu hỏi với trường nơi mình ghi danh và đóng tiền học. Và tốt nhất là hỏi ngay ‘boss’ của mình xem chứng chỉ mình sắp học có tạo ra sự khác biệt gì nơi sở làm không?

Có những tổ chức nghề nghiệp chuyên môn đưa ra tiêu chuẩn để cấp chứng chỉ như trong trường hợp Hiệp Hội Luật Gia Hoa Kỳ (American Bar Association - ABA) đối với các trường dạy trở thành phụ tá pháp lý (paralegals). “Chứng chỉ với sự chấp thuận của ABA từ lâu nay vẫn là khuôn vàng thước ngọc,” theo lời Cathy S. Boette, giám đốc về dịch vụ phụ tá pháp lý cho tổ hợp luật sư Nelson Mullins Riley & Scarborough, ở Columbia, South Carolina, với văn phòng ở 12 thành phố.

Sự phát triển ồ ạt của chương trình chứng chỉ paralegal khiến bà Boette lo ngại. “Ngành này hiện không bận rộn cho lắm,” bà nói. “Do đó tôi ngạc nhiên khi thấy có quá nhiều chương trình dạy chứng chỉ vì tôi không hiểu ai sẽ mướn tất cả những người tốt nghiệp này.”

Nhưng chứng chỉ từ các trường đại học nổi tiếng vẫn giúp người ta dễ dàng kiếm việc làm.

Anne-Diandra Louarn, 23 tuổi, ở Paris, Pháp, tốt nghiệp chương trình chứng chỉ báo chí từ New York University (NYU) năm 2009, nói rằng chứng chỉ này giúp cô có việc ở tờ Le Figaro, nơi cô là phóng viên cho trang Web và điều hành trang Facebook và Twitter của tờ báo. Cô không có kinh nghiệm gì về báo chí ngoài thời gian ngắn tập sự ở một công ty truyền thông nhỏ tại New York và bằng hai năm ở đại học Paris Descartes University.

Ở NYU, cô học bảy lớp, trong hai semester, trả khoảng $3,000 để hoàn tất chứng chỉ của mình. Và khi đi xin việc, chứng chỉ từ NYU giúp cô vượt trội lên so với các ứng viên khác.