Sinh viên năm đầu - Những cạm bẫy trong khuôn viên đại học Print
Tác Giả: Vann Phan (chuyển ngữ)   
Chúa Nhật, 01 Tháng 8 Năm 2010 19:11

Khi người sinh viên năm đầu đại học rời mái ấm gia đình thì thời điểm ấy cũng chính là lúc khởi đầu của một thiên tình ca về đời sống thật!

Ði học đại học là một trong những kinh nghiệm hào hứng nhất trong cuộc đời của những người trẻ tuổi. Ðiều này đặc biệt đúng cho những nam, nữ sinh viên dự tính sống gần bên hoặc ngay trong khuôn viên đại học, nhất là những người lần đầu tiên nếm mùi vị xa nhà.

Trong những trường hợp như thế, trường đại học giữ vai trò cung cấp những gì còn hơn là một nền giáo dục truyền thống, và đó là đem lại một kinh nghiệm khó quên về cuộc đời thật và là một cửa ải thử thách giúp sinh viên năm đầu đại học biết cách vượt qua mọi chướng ngại trên đường tiến đến tuổi trưởng thành.

 Sinh viên trong kỳ nghỉ Mùa Xuân tại Florida. (Hình: Joe Raedle/Getty Images)

Nhưng bầu không khí độc lập, tự do với những tháng ngày nội trú bên trong khuôn viên đại học có khi lại là một tai họa y như nó cũng là một ơn phước vậy.

Ðặc biệt, các sinh viên năm đầu đại học phải trải qua một số thử thách cam go cùng với những yếu tố bất lợi có thể cản trở họ bước lên năm thứ hai (sophomore).

Sức cám dỗ của các pạc-ty và tình trạng thiếu lời răn dạy trực tiếp của các bậc cha mẹ cũng như các luật lệ và lời cấm đoán có thể là điều hào hứng, nhưng một số không ít các sinh viên năm đầu lại không có khả năng điều hành giờ giấc đặng tránh xa các pạc-ty, khiến cho kết quả là họ không còn đủ thì giờ học tập mà đành phải bỏ ngang nhiều lớp học.

 Không như ở bậc trung học, khi con cái bỏ lớp hoặc trốn học thì cha mẹ được nhà trường thông báo ngay, còn trên đại học, sự thể nhà trường không làm cái công việc thông tin đó đã khiến cho một số sinh viên còn trẻ người, non dạ lạm dụng sự tự do mới mẻ mà nhiều lần bỏ không đến lớp hoặc đi nghe giảng bài.

Có những sinh viên lại không được chuẩn bị sẵn sàng về các kỹ năng sống khiến họ khởi sự du nhập những thói quen ăn uống không lành mạnh, các nề nếp ngủ nghỉ không có lợi cho sức khỏe, và cả chuyện không giữ được vệ sinh cá nhân nữa!

Nhiều nữ sinh viên trẻ còn trở thành nạn nhân của những cuộc hẹn hò trai gái dẫn tới trò hãm hiếp (date rape) trong khuôn viên đại học cũng như nhiều tội trạng tình dục khác. Vì cuộc đời đang thay đổi, cho nên, nếu không biết gìn giữ, cái thơ ngây nào còn sót lại trong đời người sinh viên trẻ rồi cũng bị mất đi trong năm đầu đại học...

Những cám dỗ dành cho các sinh viên mới trong khuôn viên đại học thì nhiều, nhưng tiêu biểu là những thứ cạm bẫy sau đây: ăn uống không lành mạnh, thiếu ngủ và thiếu hoạt động, dành thời gian chơi nhiều hơn học, đi pạc-ty dồn dập, bỏ lớp và bài giảng, rượu chè trác táng, say mê thú vui tình dục, và dính líu tới các hành động tội phạm bên trong hoặc bên ngoài khuôn viên đại học.

1. Ăn uống không lành mạnh: Việc người sinh viên mới vào trường cảm thấy khỏe khoắn và làm việc có hiệu quả tùy thuộc vào nếp sống lành mạnh của họ, trong đó có ăn uống các chất dinh dưỡng thích hợp và dành thời gian nghỉ ngơi đầy đủ.

Trong khi việc đặt mua mỗi ngày một cái bánh pizza lớn thật là nhanh chóng, dễ dàng, gọn ghẽ và rẻ tiền, nhưng ăn uống như vậy, về lâu về dài, sẽ không có lợi cho sức khỏe của bạn. Nếu cứ ăn uống các món có vẻ “đơn sơ” nhưng chứa nhiều mỡ, nhiều đường và nhiều calories một cách đều đặn như thế, chẳng chóng thì chầy các bạn sinh viên cũng sẽ lọt vào danh sách “freshmen 15” là sổ ghi tên các bạn sinh viên nào lên thêm 15 pounds trong năm đầu tiên ở đại học.

Nhưng không những chuyện lên cân đã là một vấn đề rồi, tình trạng mệt nhọc và thiếu năng lực làm việc do bởi ăn uống không đúng cách qua nhiều ngày tháng lại có thể gây tai hại cho sức khỏe và gây trở ngại đáng kể cho khả năng của người sinh viên đi dự lớp, đi vui chơi và hoạt động như một sinh viên bình thường. Ðồng thời, cứ theo phương pháp dinh dưỡng thông thường, bạn phải nhớ uống ít nhất là từ 6 đến 8 ly nước mỗi ngày để chất nước này sẽ được dùng vào tiến trình thanh tẩy cơ thể của bạn.

2. Thiếu ngủ và thiếu hoạt động: Ngoài chuyện ăn uống lành mạnh ra, bạn còn phải ngủ cho đủ giờ. Nhiều đêm liên tiếp thức khuya lo chơi -và ngay cả lo học nữa- mà chỉ ngủ dưới 6 hay 7 tiếng đồng hồ sẽ làm cho bạn trở nên chậm chạp, thiếu sáng suốt và làm việc thiếu năng suất trong những ngày sau đó.

Ngoài chuyện ăn uống cho hợp dinh dưỡng và ngủ nghê đầy đủ ra, việc tập thể dục, thể thao cũng quan trọng trong đời sinh viên nữa. Nếu không theo một lớp thể dục, thể thao nào trong trường, bạn vẫn có thể đi bộ, chạy xe đạp hoặc chơi các trò chơi nhằm mục đích vận động cơ thể như vũ cầu, quần vợt hay bóng bàn là những môn thể thao không đòi hỏi bạn phải có năng khiếu hoặc trình độ chuyên nghiệp mà vẫn bắt bạn phải vận động đôi tay và di chuyển đôi chân sau những giờ phút bó tay hoặc bó chân một chỗ tại bàn học, hay ngay cả trên bàn tiệc với rượu thịt ê hề.

3. Dành thời gian chơi nhiều hơn học: Thói thường, không bao giờ chuyện học hành lại hấp dẫn hơn chuyện chơi, dù có phải học để rồi ra hốt bạc hoặc làm quan ngay đi nữa!

Thời gian chơi ở đây không hẳn là thời gian các bạn sinh viên bỏ trường, bỏ lớp đi pạc-ty hoặc đi chơi xa mà chính là “thời gian chết” trôi qua khi bạn để dành thì giờ cho việc học và làm bài quá ít so với thời gian bạn ở không, tán gẫu với bạn bè, nói chuyện qua điện thoại, chat trên Internet, nghe nhạc, xem phim, đi sắm hàng hoặc làm việc linh tinh, và cả những lúc bạn dành thì giờ đi làm công tác cộng đồng với tư cách thiện nguyện nữa.

Cố gắng hạn chế tối đa những sinh hoạt nào chiếm mất thời gian của bạn mà không phải là chuyện học hành, bởi vì mục đích chính của bạn trong năm đầu tiên ở đại học vẫn là làm sao tập trung vào việc học để đến cuối niên khóa đạt điểm tốt mà lên năm thứ hai, chứ không phải đành ở lại năm thứ nhất là điều thật đáng buồn.

(Nguồn: CollegeFreshmen.Net và About.com)

(Còn tiếp)