Sinh viên đại học Mỹ đối phó với stress ra sao? Print
Tác Giả: Vann Phan   
Thứ Hai, 31 Tháng 5 Năm 2010 20:29

Ai là người bị stress (áp lực của chuyện học hành và đời sống sinh viên) nhiều nhất: sinh viên năm đầu hay sinh viên năm cuối?

Một cuộc nghiên cứu hồi gần đây tại Ðại Học UCLA cho thấy đó là các sinh viên năm đầu, viện dẫn con số 30.2% sinh viên mới bước vào đại học khi được thăm dò báo cáo rằng họ cảm thấy bị stress và “thường xuyên bị ngập đầu ngập cổ” vì mọi thứ phải làm.

 Người viết bài này không phải là kẻ bất đồng ý kiến với các cuộc nghiên cứu đã hoàn tất, nhưng phải nói rằng sinh viên năm cuối mới là những kẻ bị stress nhiều nhất. Họ phải học hành cực nhọc hơn và họ còn phải lo âu về những biến cố mang tính đổi đời sắp diễn ra cho họ nữa.

Ðây là kinh nghiệm cá nhân của một sinh viên tại đại học University of Nevada, Reno (UNR). Bác sĩ mới đây có nói với sinh viên này là anh có một khối u trong người, và bác sĩ khuyên phải làm sao giảm bớt các stress lúc nào có thể được. Làm sao mà giảm stress được khi mình là sinh viên năm cuối chứ?

Một cách làm giảm stress? (Hình: Getty Images)

Sau đây là một vài chi tiết liên quan tới hoàn cảnh riêng của sinh viên này tại trường đại học: Trong học kỳ này, anh sinh viên đó phải lấy những lớp “hắc ám” nhất vì đã hết đường lui rồi, đồng thời số nợ bài test và bài làm cuối học kỳ đang ngày càng chồng chất thêm.

 Rồi lòng anh sinh viên còn mãi lo lắng về tương lai sau khi ra trường, mà hiện chỉ còn sáu, bảy tuần lễ phù du nữa là tới rồi.

Thêm vào đó, anh vẫn băn khoăn không biết mình phải ứng xử ra sao với các đối tượng không phải là thầy cô và bạn học trong trường của mình trong khi anh không phải là kẻ chuyên trị các quán ba đầy gái và rượu mà cũng không quen lặng lẽ quỳ sau hàng ghế giáo đường bên một cô bạn gái có đạo dòng...

O.K., có thể là điều sau cùng đó chưa phải là mối bận tâm của anh sinh viên vào lúc này. Nhưng anh sinh viên, với mảnh bằng đại học trên tay, sẽ phải làm đơn xin việc làm đầu tiên trong đời, phải chọn một thành phố, và rồi bỗng dưng đâm lo tới chuyện phải dọn đến nơi đó mà sống và làm việc.

Anh sinh viên sẽ phải bỏ lại sau lưng -ít ra thì cũng là tạm thời- cô bạn gái và những bè bạn thân thương khác nếu anh phải từ giã Reno. Nhưng rồi anh sinh viên lại tự an ủi mình rằng thế nào rồi cũng có công ăn việc làm tại đây với đồng lương có thể sống được.

 Những lo âu, thắc mắc đó có giống tí nào với tình cảnh của các sinh viên khác cũng sắp ra trường như anh sinh viên nói trên hay không?

Nhưng thôi, hãy cứu xét cả trường hợp của những sinh viên năm đầu. Thật ra, sinh viên mới nhập học tại một trường đại học thì thật chẳng thiếu gì stress.

Chính kẻ viết bài này còn nhớ rành rành lúc mới bước chân vào một trường đại học tại một tiểu bang mới lạ mà mình lại không quen ai, không biết ai là ai mới khổ chứ! Ngay cả chuyện đi lòng vòng trong khuôn viên đại học cũng đã là chuyện khó khăn rồi, bởi vì làm sao mà nhớ cho hết vị trí của ngần ấy tòa nhà thuộc trường đại học của mình?

Vì thế, nhập vào dòng chảy của cuộc sống sinh viên đại học thì quả thật là khó khăn. Người sinh viên mới phải “bơi” qua các lớp học khác nhau với phương thức làm việc hoàn toàn mới mẻ trong khi phải bỏ lại đằng sau mái ấm gia đình với bà mẹ tuy già nhưng lúc nào cũng chịu khó bỏ công ra chăm sóc cho con trai cưng từng ly, từng tí.

 Và sinh viên đại học nào lại chả muốn bắt tay vào một công việc nào đó để thăng tiến sự nghiệp học tập của mình, hoặc chỉ đơn giản là để tìm nguồn vui thôi. Có biết bao cơ hội mới trong đời một sinh viên mới.

Sinh viên năm thứ nhất Tiffanie Story, cũng thuộc đại học University of Nevada, Reno, đồng ý rằng có nhiều stress đến với sinh viên đại học.

 Mới đây, cô Story đã được bầu làm Hoa Hậu UNR, và cô hiện đang tham gia các nhóm sinh viên trong trường chuyên ngành âm nhạc và kịch nghệ.

Cô phát biểu đại khái: “Nếu như mỗi ngày mà mình không có được từ 15 đến 20 phút cho riêng mình thì mình cảm thấy bị thúc hối và bị stress rồi.” Cô cũng kể lại rằng có nhiều lúc cô cảm thấy cứ muốn “hét to lên hoặc khóc òa lên vì gặp quá nhiều stress.”

Và người ta chỉ còn có nước “đừng bao giờ để cho stress chiếm ngự hết phần nghị lực phấn đấu trong con người mình, và phải cố học cách đối phó với stress bằng cách để ra một ít thì giờ mà relax, chứ không thì mình sẽ bị stress cuốn trôi đi mất.”

Như vậy, năm đầu đại học thì stress quá đi chứ. Nhưng khi bạn lên tới sinh viên năm cuối rồi thì giờ đây bạn lại phải hoàn toàn dính chặt với bất cứ nhóm bạn học nào mà nhu cầu bài vở đã dắt đưa bạn đến, vì bạn đã đạt tới nhiều lớp ở trình độ cao hơn, là nơi giáo sư càng đòi hỏi ở bạn nhiều hơn qua các bài học và bài làm.

 Bạn phải học thêm giờ, lấy thêm lớp hoặc phải ôm thêm nhiều dự án học tập hơn cho kịp với các đòi hỏi tốt nghiệp.

Càng gần tới ngày ra trường, bạn càng phải đối phó với hằng loạt những băn khoăn, lo lắng về cuộc đổi đời sắp tới mà mình phải đối diện. Làm sao biết được những gì sẽ xảy ra khi mình bắt đầu đi tìm việc, hoặc chỉ đơn giản là gởi đi bản resume thôi? Mình muốn sinh sống nơi đâu?

 Mình có chọn được ngành nghề mà mình mong ước hay không sau ngần ấy học vấn và huấn luyện trong bốn -và có khi năm- năm mài đũng quần trên chiếc ghế đại học?

Nhưng thôi, chuyện chính yếu là phải làm gì để xóa bỏ đi stress?

Thành thật mà nói, người viết bài này không có câu giải đáp cho vấn nạn đó. Có thể là bạn phải điều động và phân chia thì giờ của mình một cách khôn ngoan, đó là theo lời các chuyên gia khuyên vậy. Có thể là bạn phải bảo đảm rằng mình còn có chút ít thì giờ riêng tư, và luôn luôn phải nhớ để dành một ít thời gian mà thoải mái.

Ðừng bao giờ để cho tất cả những stress đó dồn lại rồi làm thành một thứ khiến bạn phải phát ốm -tức là “bịnh”-luôn, y như một thứ khối u trong cơ thể. Dựa theo kinh nghiệm mà nói, thật sự chẳng đáng gì để các bạn sinh viên phải khổ sở đến thế, bởi vì cứ lo lắng mãi cho đến kiệt sức đi rồi liệu mình có thể thay đổi được cái gì hay không chứ?

Dĩ nhiên, đã là sinh viên đại học thì ai mà lại chẳng gặp phải stress, thật không làm sao chối bỏ được cái thực thể đó. Các cuộc nghiên cứu và thăm dò có thể tìm thấy một nhóm sinh viên này bị stress nhiều hơn một nhóm sinh viên khác. Nhưng bạn hãy tin đi, đại học là chỗ để mình chịu stress mà -hay, nói cách khác, không stress thì không phải là đại học!

Và nếu như các bạn sinh viên lúc nào cũng hăng hái chuyên chú vào chuyện học tập nhưng vẫn để cho lòng mình thư thái -relaxed- thì sau cùng bạn sẽ vẫn thấy khỏe re à...

(Viết theo Kate Slaboch, Nevada Outpost)