Giáo Dục ở Hoa Kỳ, đường xa nghĩ nỗi nhọc nhằn mà kinh... Print
Tác Giả: Hồng Quang   
Thứ Bảy, 20 Tháng 3 Năm 2010 10:22

nhưng hiện nay đất nước vĩ đại này đang...tuột xuống hạng 10 trên thế giới về xếp hạng giáo dục!

 

 

      Sự phản đối của sinh viên trước điều kiện học ngày càng tồi tệ.

        Photo courtesy:AP

Tuần lễ này là tuần lễ dự luật cải tổ y tế được bỏ phiếu, Iraq bắt đầu có những kết quả đầu phiếu đầu tiên, hòa bình Trung Đông thêm run rẩy, Thái Lan sôi động biểu tình và...ít có thiên tai hơn những tuần trước.

Nhưng quan sát kỹ, thời gian gần đây chính vấn đề giáo dục mới làm nhức nhối nhiều người ở Hoa Kỳ. Đất nước có những trường đại học danh tiếng nhất thế giới, có các nhà bác học tài ba và đông đảo, có những Viện khoa học nghe qua tên là sinh lòng kính nể, nhưng hiện nay đất nước vĩ đại này đang...tuột xuống hạng 10 trên thế giới về xếp hạng giáo dục!

Không phải những cuộc biểu tình phản đối tăng học phí hay chống sa thải giáo viên hàng loạt hoặc nạn thất nghiệp của sinh viên ra trường làm người có lòng quan tâm ưu sầu, mà chính là hệ quả đường dài của bức tranh giáo dục đại học ở Hoa Kỳ hiện nay.

Hai tác giả Evan Thomas và Pat Wingert trong bài viết trên tuần báo Newsweek tháng 3 năm nay có nêu hiện trạng đường dài như sau: "Chưa bao giờ thành phần sinh viên gốc thiểu số ghi tên học đại học nhiều như bây giờ, nhưng tốt nghiệp lại là chuyện khác, rất khác".

Trường đại học Bowdoin College ở Maine là một thí dụ. Từ năm 2003 đến nay, trường đã tăng tỉ lệ thu nhận học sinh da màu vào (gồm da đen, gốc Latino và người bản địa da đỏ, vốn chiếm 30% tổng số dân chúng Mỹ) từ 8% lên 13%, nhưng khi tốt nghiệp có tới 90% sinh viên da trắng thì số sinh viên da màu chưa tới 70%.

Hilary Pennington, chuyên gia viện Bills&Melinda Foundation, nhận xét: "Nhìn “đầu vào” với đủ màu sắc các dân tộc thì có vẻ là Mỹ thật rồi, nhưng nhìn về hướng “đầu ra” thì phần đông là da trắng và con của gia đình khá giả mà thôi".

Ngày xưa Mỹ là quốc gia có tỉ lệ tốt nghiệp đại học cao nhất thế giới tính trên số dân, bây giờ đã rớt xuống hạng 10 trên thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử, thế hệ hiện nay có thể không được giáo dục tốt đẹp như thế hệ trước.

Các khảo sát cho thấy các sinh viên thuộc nhóm da màu khao khát tốt nghiệp đại học (TNĐH) càng lúc càng nhiều nhưng tỉ lệ các em này TNĐH càng lúc càng ít hơn. Và đây là nhận định bi quan của hai tác giả: "Khi mà dân số Hoa Kỳ ngày càng được "nhuộm" bằng nhiều màu hơn thì hiện tượng này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sự thịnh vượng của đất nước".

Hệ thống giáo dục đại học công lập là thấy rõ nhất. Trường Wisconsin-Madison, một trong 5 trường nổi bật toàn quốc, có tỉ lệ sinh viên da trắng TNĐH đến 81% thì nhóm da màu chỉ là 56%. Ở các trường ít nổi danh hơn, tình hình còn bi đát hơn, như Northern Iowa có 67% da trắng TNĐH và chỉ có 39% da màu có thành tích này mà thôi.

Các đại học cộng đồng của California còn đưa ra bức tranh u ám hơn, khi có đến 1/3 sinh viên gốc châu Á lấy được bằng tốt nghiệp mà sinh viên da đen chỉ có 15% mà thôi. Ngay cả các đại học tư, nơi việc học tốt đẹp hơn rất nhiều, thì mức xa cách của hai tỉ lệ này là từ 22% đến 25%.

Lý do là vì thành phần học sinh da màu đã không được chuẩn bị đúng mức khi bước vào chân trời đại học, vốn rất khắc khe trong 2 năm đầu. Có khi không phải do các em, mà do không đủ ngân sách, nhiều chương trình hỗ trợ ở trung học đã bị dẹp bỏ.

Một số đại học đã tính toán lời lỗ quá mạnh, tăng học phí ồ ạt, dù biết là ngay cả đối với vấn đề trợ cấp tài chính và mượn loans, nhiều em cũng không kham nổi. Amy Wilkins, chuyên gia của Education Trust, nói thẳng: "Họ vẫn giữ tiền lại, nhưng sinh viên sẽ ra đi với chồng chất bao nợ nần chưa trả, không bằng tốt nghiệp và không có cơ may được việc làm tốt đẹp".

Bức tranh bi thảm còn có lý do là học phí đại học ngày càng mắc mỏ. Từ năm 1982 đến nay học phí này đã gia tăng gấp đôi tỉ lệ lạm phát và cơn suy thoái kinh tế từ cuối năm 2007 còn làm tìn hình tệ hại hơn cho các sinh viên.

Năm 2008, chi phí học đại học công lập 4 năm chiếm tới 28% lợi tức trung bình của một gia đình, còn đại học tư chiếm tới 76%. Các học bổng ngày càng khó, vì chúng dựa trên thành tích, chứ không phải nhu cầu. Thông thường các sinh viên nhà nghèo ít được hướng dẫn đúng mức và sau 1 hay 2 năm, các em mắc nợ, thậm chí không thể trả nổi tiền học và thế là đành bỏ học!

Sức mạnh thật sự của một quốc gia là do tình trạng dân trí và dân trí cao là do môi trường đại học. Chúng ta cầu mong mọi chuyện sẽ dễ thở hơn cho các em sinh viên "không giàu", vì các em mới là đa số, và tương lai thịnh hay suy của Hoa Kỳ thuộc về các em...