Mỹ cũng có nguy cơ chảy chất xám Print
Tác Giả: Nguyễn Xuân   
Thứ Sáu, 05 Tháng 3 Năm 2010 17:56

SAN FRANCISCO (SF Chronicle) - Trong khi California và các tiểu bang khác tại Hoa Kỳ đang cắt giảm ngân sách giáo dục dành cho bậc đại học,

 nhiều quốc gia khác lại gia tăng ngân khoản giáo dục đại học của họ để tăng thêm con số và phẩm chất sinh viên tốt nghiệp, tạo điều kiện để đưa đến tình trạng đối chọi giữa thất thoát và đón nhận chất xám, trong khi nền kinh tế thế giới đang từ từ ra khỏi tình trạng suy thoái, theo kết luận của một cuộc nghiên cứu của trường UC Berkeley.

Trung Quốc, Ðài Loan, Nam Hàn, Ðức, Pháp và Brazil ở trong số các cường quốc kỹ nghệ đang tiếp tục gia tăng ngân sách giáo dục dù có suy thoái kinh tế, trong khi Anh và Ireland cùng với Hoa Kỳ cắt giảm ngân sách trong lãnh vực này, theo lời John Aubrey Douglass, người viết bản báo cáo cho Trung Tâm Nghiên Cứu Ðại Học (Center for Studies in Higher Education) ở UC Berkeley.

“Trong thập niên qua, chúng ta nhìn thấy vấn đề giáo dục bậc đại học được đưa lên ưu tiên hàng đầu ở nhiều quốc gia, nơi được coi là quan trọng cho việc phát triển kinh tế và gia tăng khả năng cạnh tranh,” theo lời ông Douglass.

Nhưng Hoa Kỳ trong khi đó lại sút giảm ở lãnh vực này, một phần cũng vì hệ thống giáo dục đại học được phân tán và kiểm soát bởi chính quyền các tiểu bang, trong khi ở các quốc gia khác chính quyền trung ương phối hợp việc phân bổ ngân sách, ông Douglass cho hay.

Vào những lúc suy thoái kinh tế, một số quốc gia trên thế giới quyết định chấp nhận thâm thủng ngân sách để tài trợ cho giáo dục, trong khi các tiểu bang ở Hoa Kỳ thường phải cân bằng chi tiêu.

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, điều này đã dẫn đến việc cắt giảm trầm trọng ngân sách đại học tại 34 tiểu bang ở Hoa Kỳ, kể cả California, theo ông Douglass.

Từ nhiều năm nay, các nhà lãnh đạo kỹ nghệ và giáo dục ở Hoa Kỳ đã lên tiếng cảnh cáo rằng quốc gia này đang mất dần vị thế của mình trong lãnh vực giáo dục giữa lúc thế giới tiến vào nền kinh tế trông cậy nhiều vào sự hiểu biết.

Hai thập niên trước đây, Hoa Kỳ là quốc gia có số phần trăm sinh viên tốt nghiệp đại học cao nhất trong các quốc gia thuộc Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển (Organization for Economic Cooperation and Development OECD), một nhóm gồm 30 quốc gia kỹ nghệ hàng đầu thế giới. Ngày nay, Hoa Kỳ đứng hàng thứ 19.

Các quyết định cắt giảm ngân sách đại học thời gian gần đây ở California sẽ chỉ làm tình hình trầm trọng hơn.

Cổng vào đại học UC Berkeley.  

“Những quyết định đưa ra ngày hôm nay để đối phó với hoàn cảnh kinh tế... sẽ góp phần đẩy mạnh sự thay đổi trong cuộc chạy đua toàn cầu về việc phát triển nhân lực, và phía Hoa Kỳ đang tiếp tục thua sút,” ông Douglass nhận định trong bản báo cáo có tựa đề “Ngân Sách Ðại Học và Cuộc Suy Thoái Toàn Cầu (Higher Education Budgets and the Global Recession.”