Prom: Nét sinh hoạt học đường độc đáo ở Mỹ Print
Tác Giả: Vann Phan   
Thứ Hai, 07 Tháng 12 Năm 2009 08:29

Có thể nói prom, hoặc pạrty dạ vũ cuối niên khóa, là một nét sinh hoạt học đường độc đáo đã đi vào truyền thống tại các trường trung học ở Hoa Kỳ.

 

Trang phục prom. (Hình: Getty Images)

Prom, viết tắt của chữ promenade, là một buổi họp mặt chung vui có khiêu vũ mang tính cách chính thức và trang trọng của các học sinh trung học Mỹ. Buổi họp mặt liên hoan này, thường được tổ chức vào dịp cuối năm học cho các học sinh lớp 11 hoặc lớp 12, được coi là buổi pạc-ty dạ vũ cuối khóa tại các trường trung học.

Hằng năm, các trường trung học lớn có thể tổ chức hai prom vào cuối niên khóa, một junior prom dành cho học sinh lớp 11 và một senior prom dành cho học sinh lớp 12 vào dịp ra trường. Tại các trường trung học nhỏ, prom có thể được tổ chức chung cho học sinh mọi lớp trong phạm vi nhà trường. Một số trường chỉ cho phép học sinh của trường mình hoặc của một trường bạn gần đó tham dự prom do trường tổ chức -mà địa điểm có thể là tại một khách sạn sang trọng- chứ không cho học sinh từ các nơi khác đến dự.

Vé đi dự prom được bán ngay tại trường, và theo truyền thống thì các nam sinh phải mua vé cho các nữ sinh, thường thì vì họ là bồ bịch với nhau. Nhưng vé cũng có thể được từng cá nhân học sinh mua lấy. Có thể nói rằng nữ sinh, các bông hoa của học đường, là thành phần quan trọng nhất trong buổi prom, và các thiếu nữ trong đêm dạ vũ ai cũng muốn mình trở thành “em đẹp nhất đêm nay” cả, như từng được diễn tả qua dòng nhạc trữ tình “La Plus Belle Pour Aller Danser.” Một số liệu thống kê cho biết, mỗi năm, có tới 8 triệu nữ sinh trung học Mỹ tham dự các prom do trường tổ chức.

Về trang phục để tham dự prom, nam sinh thường mặc bộ quần áo vét màu đen (tuxedo) với cà vạt hoặc nơ thắt trên cổ áo -và đôi khi còn có một nút áo đặc biệt cài trên ve áo do cô bồ của mình tặng. Nữ sinh thì mặc chiếc áo dạ hội đẹp nhất của mình (mua tại các cửa hàng chuyên bán trang phục prom), với bông gắn trên áo (corsage) do anh bồ sắm cho.

Trước hôm buổi prom diễn ra, có một số hoạt động pre-prom như việc bạn bè đến viếng nhà nhau để chụp hình chung làm kỷ niệm. Một nhóm bạn bè còn có thể chung tiền thuê một chiếc xe limousine đưa nhau đến địa điểm tổ chức prom cho thêm phần sang trọng nữa.

Các hoạt động diễn ra tại buổi prom chính thức gồm có dạ tiệc, dạ vũ, lễ đăng quang của ông hoàng đêm dạ vũ (king) và nữ hoàng đêm dạ vũ (queen), cùng các sinh hoạt giao tế, hàn huyên với nhau.

Tại một số trường, sau buổi prom chính thức, còn có một buổi gặp mặt liên hoan nữa dành cho các học sinh đã tham dự buổi prom chính thức, được gọi là “after-prom” hay “post-prom,” do phụ huynh học sinh và giáo viên phối hợp cùng với các nhà lãnh đạo cộng đồng tổ chức. Các sinh hoạt tại after-prom thường gồm có rút thăm lãnh thưởng, xổ số từ thiện, các trò chơi game hoặc ăn uống về khuya. Chủ đích của các after-prom này là nhằm lôi kéo nam, nữ học sinh còn vị thành niên ra khỏi các hành vi không tốt thường nảy sinh từ các buổi prom chính thức, như tụ tập nhau uống rượu hoặc có các hoạt động tình dục do niềm hứng khởi bất ngờ hoặc do tính bốc đồng của tuổi trẻ tạo nên.

Tùy theo kích thước của từng nhóm sinh viên sắp ra trường và tùy theo từng phân khoa, một số các trường đại học cũng tổ chức prom nữa.

Tại Hoa Kỳ, nhiều trường trung học hoặc đại học Công Giáo không cho phép học sinh hoặc sinh viên mở dạ vũ tại các prom mà thay vào đó nhà trường lại tổ chức prom (junior hoặc senior) thành một đại tiệc (banquet), thỉnh thoảng có cả diễn văn nữa. Học sinh hoặc sinh viên tham dự cũng mặc trang phục chính thức, và có quyền mang bồ bịch tới dự buổi liên hoan.

Ngày càng có nhiều tổ chức hoặc hiệp hội tại Hoa Kỳ mở các buổi liên hoan giống như các prom dành cho học sinh trung học, thường là dưới hình thức liên hoan pạc-ty gây quỹ để làm việc từ thiện hoặc để lấy tiền sung vào ngân sách riêng của tập thể. Trong mấy năm gần đây, bạn bè và gia đình của một số người còn tổ chức các buổi liên hoan pạc-ty gọi là re-creating proms dành cho những ai mà vì bất kỳ lý do nào đó không tham dự được buổi prom chính thức của trường trước đây. Vào năm 2009, bạn bè và thân nhân cùng nhân viên bệnh viện tại Atlanta, Georgia, đã làm lại một buổi prom cho cựu nữ sinh Raven Johnson sau khi cô này tỉnh lại từ một cơn hôn mê xảy ra đúng vào dịp trường tổ chức buổi prom chính thức trước đó. Năm 2007, nữ minh tinh kiêm đạo diễn Drew Barrymore đã tổ chức một tiệc sinh nhật dưới dạng một prom cho một cô bạn học thuở thiếu thời đã không có dịp tham dự buổi prom do trường tổ chức năm trước.

Có thể nói rằng prom là một trong các hình thức sinh hoạt mang tính người lớn đầu tiên của các cô, các cậu học sinh trung học tại Mỹ, và prom cũng chính là nơi mà nhiều cuộc hẹn hò tình tự (date) đầu tiên của tuổi học trò diễn ra. Ngoài một số ít hệ lụy có tính tiêu cực -như việc uống rượu, xài ma túy hay quan hệ tình dục trong tuổi vị thành niên- mà hầu như không thể nào tránh khỏi trong bất cứ cuộc vui kéo dài nào của một tập thể đông người, nhất là trong giới trẻ vị thành niên, prom chính là nét văn hóa học đường trữ tình nhất khi các nam, nữ học sinh trẻ tuổi được dịp cận kề nhau, chăm sóc cho nhau và chia sẻ trách nhiệm với nhau về một buổi prom tuyệt vời. Biết đâu, từ những hoài niệm tươi đẹp và sâu sắc của buổi prom năm nay, một số cặp trai gái sau này sẽ nên vợ, thành chồng, vì “tình trong giây chốc hóa thành thiên thu, biết thuở nào nguôi”? (V.P.)