Những điều cần quan tâm về tài chánh khi du học Print
Tác Giả: Lê Tâm (tổng hợp)   
Thứ Bảy, 05 Tháng 3 Năm 2011 20:45

Du học là cơ hội để có các kinh nghiệm quý báu trong cuộc đời người sinh viên.

Ðây là lúc bạn có thể học hỏi nhiều điều, ở cả bên trong và bên ngoài lớp học. Ðây cũng là lúc bạn phải đối phó với những chi tiêu không định trước.

Tuy nhiên, nếu biết đưa ra một ngân sách chi tiêu hợp lý và cố gắng duy trì, bạn sẽ không gặp quá nhiều áp lực tài chánh khi du học.

 Các chi phí trực tiếp

 Khi xem xét các chi phí của việc du học tại Hoa Kỳ, điều quan trọng là bạn phải biết phân biệt rõ ràng các Chi Phí Trực Tiếp (Direct Costs) - đó là tiền học phí, tiền ăn ở, hay các lệ phí đặc biệt khác - và các Chi Phí Gián Tiếp (Indirect Costs), gồm rất nhiều loại chi tiêu, cũng có khi “vô hình” nhưng cũng làm hao tốn rất nhiều tiền bạc.

 Việc giải quyết các Chi Phí Trực Tiếp phải là ưu tiên hàng đầu của bạn. Tiền bạc cho các chi phí này đến từ gia đình và cá nhân người sinh viên, học bổng hay tiền vay mượn.

Một điều có vẻ quá rõ ràng nhưng cũng cần được nhắc lại là nguồn tài trợ tốt nhất ở đại học là từ học bổng (scholarships) và tiền trợ cấp (grants) vì không phải hoàn lại.

 Do vậy, bạn nên nộp đơn xin tất cả các loại học bổng nào mà bạn cảm thấy mình có khả năng được cấp.

Cũng đừng để việc không phải là công dân hay thường trú nhân làm cản trở nỗ lực tìm kiếm tài trợ cho việc học của bạn. Có rất nhiều loại học bổng hoặc grant khác nhau và với số tiền cho khác nhau. Những nguồn tài trợ này có thể đến từ các cá nhân, cơ quan tư nhân, các tổ chức tôn giáo.

 Một trong những nơi bạn cần biết để liên lạc và nhờ cố vấn, giúp đỡ là phòng trợ giúp tài chánh sinh viên Financial Aid ở trường. Họ nắm vững vấn đề, có nhiều tin tức và có nhiệm vụ trợ giúp người sinh viên. Bạn phải biết dùng đến nguồn hỗ trợ này.

Sau khi đã xem hết các nguồn trợ cấp tài chánh không phải hoàn trả, bạn nên nghĩ đến việc mượn “student loan” để trang trải cho những chi phí trực tiếp của mình.

Vì là sinh viên ngoại quốc, bạn sẽ không được mượn các món tiền với lãi suất thấp do chính phủ Mỹ bảo trợ. Tuy nhiên, cũng có nhiều nguồn cho vay khác từ các ngân hàng tư nhân mà bạn có thể mượn được.

Một khi bạn lo lắng xong các chi phí trực tiếp, hãy khởi sự đặt ra ngân sách cho các chi phí gián tiếp. Vì có những giới hạn chặt chẽ trong việc đi làm bên ngoài khuôn viên trường học đối với các sinh viên ngoại quốc, bạn sẽ cần phải chứng minh rằng mình có đủ tiền để chi tiêu cho cả năm học khi xin chiếu khán sinh viên.

 Các chi phí gián tiếp

 Sau khi bạn được nhận vào học, trường của bạn sẽ gửi về các chi tiết liên quan đến vấn đề nơi ở, trong hay ngoài trường. Nếu bạn quyết định sẽ ở bên ngoài trường, bạn sẽ phải đến sớm cả tháng trước khi khai giảng để kiếm nơi ở và chuẩn bị cho cuộc sống trước khi bắt đầu niên học.

Tùy theo nơi bạn muốn ở cũng như nơi bạn đi học, chi phí nhà ở có thể thay đổi rất nhiều.

Nói chung, chi phí nhà ở tại khu ngoại ô lớn hay ở vùng miền Ðông và Tây nước Mỹ thường tốn kém hơn cả. Ngoài tiền thuê, bạn cũng nên để ra một số tiền cho bàn ghế và các món gia dụng cần thiết vì đa số nơi cho thuê ở Mỹ đều trống trơn (ngoại trừ cái bếp).

 Bạn cũng có thể giảm chi phí này của mình nếu dọn vào ở chung với các bạn sinh viên khác. Tốt nhất là bạn hỏi những người quen của mình ở nơi đi học. Nhưng nếu không quen ai, nhà trường là cũng là nguồn cung cấp tin tức hữu ích.

Chi phí di chuyển cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến túi tiền của bạn. Nếu bạn lái xe khi đi học, bạn nên lưu ý đến các chi phí sử dụng như tiền xăng, tiền đậu xe (có thể rất cao ở nhiều trường), tiền bảo trì, tiền bảo hiểm.

Ði chung xe (car pooling) có thể giúp bạn giảm chi phí này. Ði xe gắn máy cũng là một cách, nhưng rất nguy hiểm vì các thống kê cho thấy tai nạn xe gắn máy thường dẫn đến thương tích trầm trọng và làm thiệt mạng.

 Bạn nên để ý nhiều hơn đến các phương tiện di chuyển công cộng, như xe điện, xe buýt, nhất là ở các thành phố lớn. Là sinh viên đi du học, bạn cũng có thể nghĩ đến việc về thăm nhà hay di chuyển thăm viếng bạn bè người thân, do đó cũng nên đưa điều này vào việc chuẩn bị ngân sách của mình.

Chi phí ăn uống cũng là điều ảnh hưởng nhiều đến túi tiền của bạn. Nhiều bạn không tính toán kỹ điều này nên dễ bị lâm vào hoàn cảnh “đói” hoặc “sáng gói mì chiều mì gói,” có hại cho sức khỏe và cản trở việc học hành của bạn.

Nếu bạn học chương trình cử nhân, có lẽ là trường bạn học sẽ đề nghị bán phiếu ăn tại căng tin trong trường cho bạn. Hãy xem xét giá biểu, phần ăn, món ăn ở trường với việc tự chuẩn bị nấu nướng cho chính mình (nếu có hoàn cảnh) rồi quyết định xem cách nào có lợi nhất.

 Nếu biết giữ một phương cách nhất định và không bị lôi kéo bởi ngẫu hứng bất ngờ, bạn sẽ có được các bữa ăn vừa túi tiền, giúp duy trì sức khỏe và khả năng học tập. Một điều chắc chắn sẽ giúp bạn tiết kiệm là tránh ít ăn ngoài đường càng nhiều càng tốt. Bạn cũng nên để ý đến các phiếu giảm giá (coupons), tránh mua hàng hiệu (name brands) mà dùng các món hàng đại chúng (generic brands).

Giải trí cũng là điều bạn cần để ý vì một trong những điều bạn có được khi du học là có cơ hội tìm hiểu đời sống của một xã hội khác, bên ngoài lớp học. Nên để ra một khoản tiền để bạn có thể đi xem phim, đi thăm sở thú, đi nghe hòa nhạc, các chuyến đi ngoạn cảnh, thăm bè bạn... Bạn nên chú ý đến những chương trình mà thẻ sinh viên sẽ giúp bạn được giảm giá và đừng bỏ qua những cơ hội giải trí ngay trong khuôn viên nhà trường, thường miễn phí và không kém phần thích thú.

Sách vở và các đồ dùng cho việc học tập khác cũng sẽ khiến bạn phải chi bộn tiền. Cách tốt nhất để giảm chi phí mua sách là hãy mua sách cũ bán lại, từ các sinh viên khác hay qua các tiệm bán sách ở ngay trong trường. Cũng nên để ý là ấn bản bạn mua đúng là ấn bản mà giáo sư đòi hỏi.

Các chi phí linh tinh khác nhưng cũng phải chi trả trong đời sống sinh viên là bảo hiểm y tế (có thể mua ở trường với giá rẻ), cùng là lệ phí giấy tờ, kể cả lệ phí chiếu khán, là những điều bạn có thể hỏi để được sự hướng dẫn từ phòng trợ giúp sinh viên quốc tế.

Bạn cũng nên nhớ dành tiền trả chi phí điện, sưởi, nước (nếu chỗ cho mướn không tính vào tiền thuê), điện thoại di động, quần áo, Internet (dùng ở nhà) và ngay cả một số tiền nhỏ để làm quỹ dự phòng cho những việc bất ngờ.

Sau cùng, bạn cũng nên rất cẩn thận trong việc dùng thẻ tín dụng của mình. Nên chi tiêu dè sẻn và chỉ dùng để mua những món thật cần thiết.