Phân ưu Tang Lễ chị Nguyễn Giang Print
Tác Giả: Tiến Sĩ Trần An Bài   
Thứ Tư, 29 Tháng 9 Năm 2010 09:03

 Chị Nguyễn Giang, nhũ danh Maria Nguyễn Thị Tuyết Mai, qua đời ngày 21-9-2010

 
Chị Maria Nguyễn Thị Tuyết Mai

 

LỜI CHIA BUỒN
CỦA TIẾN SĨ TRẦN AN BÀI
trong Thánh Lễ An Táng
Chị NGUYỄN THỊ TUYẾT MAI  (25-9-2010)

Tôi xin phép Cộng Đồng để được chia sẻ vài tâm tình gửi đến Cụ Bà Nguyễn Viết Thành, Thân Mẫu của chị Tuyết Mai, anh Cả Nguyễn Viết Hùng và toàn thể tang quyến, đặc biệt là anh Nguyễn Giang và ba cháu Amanda, Jolene và Yvonne, như một lời chân thành phân ưu và chia sẻ những đau buồn với gia đình trong cơn thử thách này.

Tất cả chúng ta ai cũng đều biết anh Giang là một người có khiếu hài hước. Các buổi hội họp nào mà có mặt anh Giang là mọi người được dịp vui cười thỏa thích. Và trong 18 năm qua, kể từ khi lấy vợ, cách nói chuyện của anh Giang càng trở nên duyên dáng hơn, vì anh thường đem chuyện của chính vợ con mình ra khôi hài. Còn chị Giang thì lúc nào cũng chỉ tủm tỉm cười duyên mà chẳng nói gì cả.

Ông bà chúng ta dạy rằng: Tìm được một người nói chuyện vui thì một ngày buồn sẽ biến thành một ngày vui.

Tuy nhiên, những gì đã xảy ra cho gia đình anh chị Giang vào lúc 9 giờ sáng ngày thứ Tư oan nghiệt, mồng 8 tháng 9 năm 2010, rồi kết quả dẫn tới quang cảnh mà chúng ta đang chứng kiến trong giờ phút này thì quả thực đời là Bể Khổ... Buồn và Khổ bao la như đại dương...

Không buồn sao được, khi vợ té gục xuống giường trước mặt anh Giang, rồi hôn mê và vĩnh viễn ra đi, không nói được nửa lời!

Không buồn sao được, lúc rạng sáng ngày thứ Tư định mệnh ấy - Amanda chào mẹ đi học, còn mẹ lái xe đưa Jolene và Yvonne đến trường, để rồi từ giây phút ấy, mẹ con ngàn trùng xa cách. Căn nhà từ nay hoàn toàn vắng bóng mẹ. Ba mái đầu xanh với 3 vành khăn trắng, ngơ ngác và hoang mang. Trông thật tội nghiệp!

Không buồn sao được, khi đứa con gái út trong gia đình lẳng lặng về miền Vĩnh Hằng, bỏ lại bà mẹ già 86 tuổi, chỉ biết khóc lóc, vật vã đêm ngày vì thương nhớ con. Đáng lẽ, con phải tiễn mẹ ra mộ phần, mà sao bây giờ mẹ phải lọm khọm đưa con ra nghĩa trang?

Không buồn sao được, khi Ca Đoàn Chứng Nhân đang rộn ràng tiếng hát, lời kinh, mà một ca viên bỗng dưng tắt tiếng, lủi thủi một mình tách ra đây, nằm đơn côi, bỏ lại bạn bè, không màng chi đến cung đàn, tiếng hát nữa!

Chúa ơi! Sao đời sống con người khổ quá thế này?

Bởi vậy, có người dám nói rằng Đạo Công Giáo là Đạo Khổ. Bước vào nhà thờ, nhìn lên Cung Thánh là thấy tượng Chúa bị đóng đinh trần trụi trên Thập Giá. Có phải vì thế mà người Công Giáo gặp toàn chuyện khổ đau không?

Không, không phải vậy!

Kính thưa Cộng Đồng.

Ngàn lần không phải vậy. Sinh, Bệnh, Lão, Tử là căn nguyên đau khổ của nhân loại. Bà Cụ và gia đình chị Tuyết Mai theo đạo Phật. Chị Tuyết Mai theo đạo chồng: Đạo Công Giáo. Đã là con người, dù theo đạo nào cũng vậy, đều gặp những khổ đau như nhau cả.

Có người còn nói rằng Thiên Chúa yêu ai, thương ai thì Ngài gửi đau khổ cho người ấy. Tôi không nghĩ như vậy. Chúng ta đừng đổ oan cho Thiên Chúa. Chúa là Cha nhân từ, làm sao Ngài lại có thể gửi đau khổ đến cho con cái được? Đã làm cha làm mẹ, ai chẳng muốn con cái mình luôn luôn gặp chuyện vui.

Nhưng định mệnh đã an bài. Ngay đến Con Thiên Chúa xuống trần gian, mang thân phận và hình hài con người cũng phải chịu đau khổ như bất cứ ai. Trước giờ bị xử tử, Ngài đã đau đớn, đã kinh hoàng đến nỗi máu và mồ hôi toát ra trên thân thể. Y khoa nói rằng đây là tình trạng đau khổ tuyệt cùng của con người. Đời chúng ta đau khổ cũng nhiều, nhưng chưa bao giờ khổ đến độ mồ hôi hòa cùng máu toát ra như Chúa Giêsu. Và chính Chúa Giêsu cũng muốn từ khước đau khổ, nên đã van xin Chúa Cha: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cất chén đắng này cho con. Nhưng xin theo ý Cha, đừng theo ý Con." Vì cảm thông được nỗi đau khổ của nhân loại, nên Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta con đường thoát khổ.

Chúa dạy chúng ta thế nào?

- Khi đau khổ tới, chúng ta hãy "Vác Thánh Giá mình mà theo Chúa". Có nghĩa là đừng than trách, đừng ca thán, đừng thất vọng. Trái lại, hãy can đảm, bình tĩnh chấp nhận đau khổ, như Chúa đã từng chấp nhận và thánh hóa nó, để rồi từ đó, đau khổ sẽ trở thành êm ái, nhẹ nhàng.

- Đau khổ cuối cùng của con người là cái Chết. Chúa đã dạy chúng ta làm sao? Đừng sợ. Chúa cũng đã chết, nhưng chỉ 3 ngày sau, Chúa chiến thắng sự chết và Chúa đã vinh quang sống lại. Allelluia!

Có người thắc mắc: Chúa là Thiên Chúa thì Chúa mới sống lại. Con người làm sao chết rồi mà sống lại được? Xin trả lời: Kinh Thánh đã nói rõ ràng: Linh hồn của những người chết trong ơn nghĩa Chúa, sau khi chết, sẽ về Thiên Đàng với Chúa. Còn thân xác, dù có chôn dưới lòng đất hay hoả thiêu, thủy táng thì đến ngày tận thế, tất cả những thân xác ấy sẽ sống lại, nhập với linh hồn và vĩnh viễn ở trên Nước Hằng Sống. Trước khi về trời, Chúa đã yên ủi chúng ta: "Thầy về trước để dọn chỗ cho chúng con... để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó".

Kính thưa Cộng Đồng,

Tôi vừa vắn tắt nhắc lại những điều đã được viết rõ ràng trong Kinh Thánh, để tất cả chúng ta vui vẻ chấp nhận Sinh, Bệnh, Lão, Tử và hoàn toàn đặt hy vọng vào lời Chúa hứa: sẽ ban Nước Thiên Đàng cho chúng ta. Cho nên, phải nói rằng Đạo Công Giáo là Đạo Thoát Khổ, Đạo Vui Tươi, chứ không phải Đạo Đau Khổ.

Đàng khác, giá trị và sự may mắn của con người không phải ở chỗ gặp ít hay nhiều đau khố trong cuộc đời, mà ở tại sự chấp nhận nó và chiến thắng nó.

Mấy ngày hôm nay, tôi được biết cha con anh Giang bàn tính rất nhiều chuyện. Mới chỉ có khoảng 2 tuần xa mẹ mà Amanda đã có những suy nghĩ rất trưởng thành. Amanda hứa rằng: "Kể từ nay, Amanda sẽ thương bà ngoại như mẹ đã thương bà." Amanda cũng hứa sẽ săn sóc hai em thay cho mẹ. Giỏi lắm!

Ba chị em đã nói với bố Giang rằng: Chúng con đã mất mẹ Tuyết Mai rồi. Bây giờ, chúng con muốn bố sẽ đóng luôn vai trò làm mẹ. Bố sẽ làm những công việc mà mẹ thường làm cho chúng con.

Quá hay! Con trẻ nói ít, nhưng người lớn phải hiểu nhiều. Các con cứ vậy mà làm. Bác ủng hộ hết mình.

Kính thưa quý Cộng Đồng.
Chuyện của gia đình anh Giang còn dài, nhưng thời giờ dành cho tôi đã hết. Tôi xin phép được tạm ngưng ở đây.  Xin cám ơn Cộng Đồng.