main billboard

Chúng ta thường ‘yêu người’ bằng miệng, chỉ nói chứ không bằng việc làm. Ông Samarita chính là kẻ đã yêu người bằng việc làm.

Canada mới vào hè đã gặp 2 trận lụt lớn. Trận thứ nhất ở Calgary miền Trung cuối tháng Sáu gây ra bao nhiêu thiệt hại, việc tái thiết chưa xong thì 2 tuần sau ông thần bão bay sang Toronto đầu tháng Bảy. Tôi ở Toronto gần 40 năm mà chưa bao giờ chứng kiến một trận mưa kinh hoàng như vậy : Mưa như thác đổ, mưa và gió liên hồi 3 giờ liền. Một phần thành phố bất ngờ đã bị chìm trong biển nước. Lý do là hệ thống thoát nước tiêu không kịp. Nhiều trạm xe điện ngầm, nhiều tầng hầm gia cư bị ngập nước. Và tắt điện. Hơn 300 ngàn người không có điện. Khu tôi ở mất điện gần 2 ngày. Sở khí tượng cho biết trong ba giờ mưa liên tục, ông trời đã đổ xuống Toronto 126 milimét nước. 60 năm nay chưa có một trận mưa bão lớn nào như thế này.

Sau cơn mưa bão ở Calgary miền Trung và ở Toronto miền đông, tưởng là hết tai nạn. Nhưng không, chưa hết. Miền Montreal ở cực đông, không bị mưa bão nhưng bị bão lửa. Ngày 7 tháng Bảy, một đoàn xe lửa chở 12 toa dầu, chạy tới gần thị trấn Lac-Mégantic tỉnh Quebec thì trật đường rầy. Từ trên cao, đoàn xe chở dầu đã lao xuống dốc rồi phát nổ, thiêu rụi cả một miền du lịch xinh đẹp.

Trên đây là tin về nước và lửa, thiên tai và nhân tai, đầu mùa hè.

Làng An Lạc của tôi nhờ phước lộc tổ tiên đều bằng an, vẫn sinh hoạt bình thường.

Đầu tháng Tám vừa qua, làng tôi đã họp ở nhà Cụ B.95. Các cụ phương xa còn nhớ hội viên lớn tuổi này của làng tôi chứ. Cụ là dân gốc Bắc Kỳ 100%. Cụ hụt vào Nam năm 1954. Con cháu Cụ thì may mắn di cư kịp và di tản kịp nên đã bảo lãnh cụ sang Canada năm 1995. Cứ đầu hè là làng tôi họp ở nhà cụ để thưởng thức vườn rau thơm tự tay cụ trồng. Hình như mấy năm trước tôi có viết về mảnh vườn này. Phía trước nhà chỉ có mấy thước đất trống nên cụ trồng rau tía tô và rau kinh giới. Ai đi qua nhìn thấy thì biết ngay chủ nhân là dân Bắc Kỳ. Phiá sau, bên ngoài phòng ăn và nhà bếp là một mảnh vườn nhỏ, cụ trồng toàn rau thơm, tía tô, kinh giới, húng lủi, mùi tàu, ớt tỏi gừng, rau răm, dấp cá và xả. Hai thứ rau sau là do Chị Ba Nam Kỷ chỉ cho Cụ già Bắc Kỳ trồng thêm.

Bữa ăn hôm nay có mùi vị rất Bắc Kỳ. Đó là phở bò và gỏi cuốn. Cụ tuyên bố lý do tại sao cụ đãi 2 món này : Một là vì hai món sẽ ăn với rau thơm do chính tay cu trồng ngoài vườn, hai là vì Anh John mới cho cụ biết trong danh sách 50 món ăn ngon nhất thế giới do đài truyền hình CNN ở New York tuyển chọn và công bố thì có món phở và gỏi cuốn của VN. Phở đứng hạng 28 và gỏi cuốn hạng 30. Cụ thết làng hai món ngon nổi tiếng quốc tế là thế.

Dân làng nghe cụ tuyên bố xong thì ai cũng vỗ tay hoan hô cái bếp của cụ. Phở có gốc Bắc Kỳ, nay lại do cụ già Bắc Kỳ nấu nữa thì nhất định là ngon rồi. Cụ cũng có cái miệng như cụ nhà văn Nguyễn Tuân, cụ chỉ ăn phở bò với thịt bò chín chứ không có tái xách nạm gầu gì cả. Chị Ba Biên Hòa gốc Nam Kỳ đã năn nỉ xin cụ cho đến phụ bếp. Chị nhất định phải học cho được cách nấu phở đúng gốc nguyên thủy Bắc Kỳ. Tô phở nóng hương thơm ngào ngạt bốc lên sao mà nó ngon thế. Anh John bảo : Tôi chưa hề thấy trên thế giới này có món ăn nào mà ăn lúc nào cũng ngon và thích hợp như món phở của VN. Nhận xét này của anh John đúng qúa phải không các cụ ? Sáng trưa chiều tối , cả đêm nữa, hễ đói mà được ăn một tô phở nóng thì ai cũng sướng vô cùng.

Chị Ba đã đến giúp Cụ B.95 ngay từ đầu. Nào là đi chợ với cụ để tìm mua cho được xương bò mà phải là xương ống. Nào là đem về thì việc đầu tiên là phải cho xương vào nồi đổ ngập nước và nấu cho sôi, sôi rồi vớt ra. Nước luộc này đổ đi vì đây là phần rửa xương. Sau đó mới tới phần nấu nước phở gọi là nước giùng. Phở ngon là ở nước giùng. Ông ODP nghe Chị Ba nói đến đây thì gật gù đồng ý ngay:

- Chị nói rất đúng, phở ngon là do nước giùng. Đi ăn phở mà tôi thấy ai đầu tiên dùng cái muỗng nếm nước phở trước khi ăn, người đó mới là người biết ăn phở. Chứ bây giờ đa số thực khách ăn phở kỳ lắm, các cụ cứ vào tiệm phở quan sát mà coi, tô phở vừa đem lên là họ vội vàng cho tương đen tương đỏ vào, rồi vắt chanh, rồi cho nước mắm, rồi quấy tô phở ngậu lên. Chao ơi, không phải tô phở của mình mà tôi thấy khó chịu qúa. Lúc đó tô phở đâu còn là phở nữa! Nó là tô tả pí lù. Đó là dân không biết ăn phở. Tiếng là ăn phở chứ thực ra họ ăn tả pí lù của Tàu.

Xin trở về tô phở Cụ B.95. Sao mà nó thanh cao tinh khiết đến thế. Nước phở trong, Trên mặt tô phở là những lát thịt bò, là mấy nhánh hành xanh đã trụng chín, là rau húng xanh, vài lát ớt đỏ, dưới đó ẩn hiện lớp bánh phở. Bạn nếm nước phở xong, lúc này nếu cần thì bạn mới cho chút tiêu. Và mời bạn cầm đũa lên xơi nha. Nếu tôi nấu phở đãi ai, mà thấy họ chói thêm chanh và cho thêm nước mắm vào ngay từ lúc tô phở vừa bưng ra thì tôi giận lắm. Họ làm như vậy là bỉ mặt tôi, là chê tài nấu bếp của tôi dở, là hóa ra tôi đã không biết nêm nước phở sao? Thôi, một ngày đẹp trời khác tôi sẽ luận tiếp, bây giờ mời các bạn xơi tô phở nóng của cụa B.95. Nó đang nóng sốt,hương thơm ngào ngạt, mùi thơm điếc mũi.

Sau tô phở, mời các bác xơi gỏi cuốn. Với sự khéo léo của bàn tay Chị Ba, mỗi cuốn gỏi là một tác phẩm nghệ thuật. Qua lớp bánh tráng mỏng tanh ta thấy nào tôm luộc bóc nõn màu hồng, nào thịt heo ba chỉ thái mỏng, nào bún, nào rau thơm, nào xà lách, và mấy cọng hẹ thò đuôi ra ngoài. Mời bác chấm cuốn gỏi với nước tương gừng tiêu tỏi ớt nha, thêm mấy hạt lạc rang đập nhỏ nữa. Món cuốn đã ngon mà đi với nước chấm ngon tuyệt như thế này thì các bác ơi, các bác đang ở trên thiên thai.

Cụ B.95 thấy dân làng ăn phở và gỏi cuốn rất mực tha thiết nồng nàn thì tỏ ra sung sước qúa sức. Cụ cười ha ha rồi thưa : các bác đang xơi cái tinh hoa của mảnh vườn nhà lão đó nha. Anh John nghe cụ nói xong liền kể :

-Nghe cụ nói về mảnh vườn như vậy làm cháu liền nhớ chuyện hải đảo chim penguins cánh cụt của cha Paolo. Các cụ có biết tôi nhớ điều gì không cơ? Thưa, hồi tháng tư vừa rồi, phe liền ông chúng tôi đi bộ xong, uống cà phê Starbucks xong, đã ghé nhà xứ thăm ông cha. Cha đang mải mê đọc báo Time, hình như là số ngày 8 tháng Tư. Chủ đề của tuần báo bữa đó là việc kết hôn giữa các người đồng tính. Ngoài chủ đề đó ra, mấy trang giữa in rất đẹp hai tấm ảnh lớn, ảnh chụp những con chim cánh cụt penguins ở nam bán cầu, ảnh của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Sebastiao Salgado. Nhìn ảnh mà ta có cảm tưởng nhìn thấy cả triệu con. Chúng đang tụ họp trên bãi biển truyện trò hỏi thăm nhau. Cha Paolo cho tôi xem hai tấm hình rồi nói:

- Hàng ngày ai nuôi một triệu cái miệng này? Cứ đến bữa, lạ lùng thay, cả triệu con này đi xuống biển, và tự nhiên hàng đàn mấy triệu con cá nhỏ chen nhau bơi đến dâng mình làm bữa ăn cho chúng. Mấy tấm ảnh này rõ ràng nói cho ta về Đấng Tạo Hóa. Chả lẽ bầy penguins này và bầy cá nhỏ này do duyên may mà có ư. Phải có người dựng ra chúng và nuôi nấng chúng như thế chứ.

Ý tưởng về đấng Tạo Hóa của Cha Paolo cứ lảng vảng trong đầu tôi. Hôm nay nếu có Cha Paolo ở đây thì tôi sẽ chỉ vườn rau của Cụ B.95 rồi nói với ngài : Thưa Cha, chúng ta không cần phải đi nam bán cầu như nhiếp ảnh gia Salgado mới gặp đấng Tạo Hóa. Ngài đang ở vườn này rõ ràng. Này nha, miếng đất trong vườn không hề có màu xanh màu đỏ màu vàng, không hề có vị ngọt vị chua, mà tự nhiên mọc lên những cây rau xanh, những trái ớt đỏ, những trái cam vàng thơm ngon ngọt ngào. Tự nhiên do duyên may mà được vậy sao? Hay có ai đã làm những phép lạ này?

Mà thôi, xin lỗi các cụ nha, tô phở ngon của cụ B.95 làm tôi nổi hứng nói la cà sang chuyện nhà thờ, chuyện Đấng Tạo Hóa...

Xin tạ ơn Trời Phật. Bữa ăn đã ngon mà lại được ngồi ăn chung với những người bạn thân thương, chia sẻ những chuyện chân thật từ cõi lòng mình, ôi chao, nước thiên đàng là đây, cõi niết bàn là đây chứ phải tìm gì đâu xa.

Ăn xong tô phở và gỏi cuốn, sự đam mê đã được thỏa mãn, lúc này dân làng mới nói chuyện. Ông ODP lên tiếng đầu tiên : Thưa Cụ chủ nhà, cụ có diễn văn khai mạc không? Mọi khi thì Cụ B.95 thụ động, cụ chỉ nghe chứ ít nói lắm. Nhưng hôm nay nấu xong một bữa ăn ngon, tự nhiên cụ nối hứng. Cụ kể chuyện ngay :

- Tuần qua lão theo mấy bà bạn gìa đi họp hội cao niên. Có một ông diễn giả nói hay lắm. Ông khuyên các cụ hãy hưởng tối đa cái tuổi cao niên ở miền đất hạnh phúc này, đừng tích trữ tiền bạc nữa, thèm ăn thì cứ ăn, thèm đi chơi thì cứ đi chơi, đừng sống cô lập khép kín, nên có một số bạn già, đừng phải lo để gia tài cho con, nhất là đừng mong con cái sẽ báo đền. Ông diễn giả đọc một câu mà ai cũng cho là chí lý :

… Cha mẹ thương con như trời như bể

Con thương cha mẹ con kể từng ngày…

Thấy mọi người vỗ tay nồng nhiệt về đề tài này, ông diễn giả còn kể một mẩu chuyện, nghe xong ai cũng thấy thấm thía tình đời. Tôi thấy mẩu chuyện đó hay qúa, tôi đã xin diễn giả chụp lại cho tôi. Nói xong cụ B.95 rút từ túi áo ra một trang giấy có chụp đoạn này. Cụ nhờ Chị Ba Biên Hòa đọc. Bài văn như sau :

Đề tài: Lòng Mẹ

Trong một gia đình đông con, đứa con nào cũng nóí với mẹ :

- Mẹ ơi con muốm mua xe máy đi học. Mẹ ơi con muốn học Anh văn để thi lấy học bổng. Mẹ ơi con muốn mua một cái áo đầm mới. Mẹ ơi con cần một cái laptop.

Bà mẹ đáp : Ừ, để mẹ lo

Rồi 20 năm sau, cũng gia đình ấy, đứa con nào cũng nói với mẹ :

- Mẹ ơi, con muốn làm chính trị gia, mẹ đi vận động cho con nhé. Mẹ ơi con muốn học lên bậc tiến sĩ, mẹ cho con tiền ăn học nhé. Mẹ ơi con muốn làm ca sĩ. Mẹ ơi con muốn lập một công ty điện tử…

Bà mẹ đáp : Ừ, để mẹ lo

Rồi 30 năm sau , bà mẹ gọi :

• Các con à, các con có ở nhà không? Mẹ muốn tới thăm các con nha

Chúng đáp :

Mẹ ơi, con phải đi họp xa bây giờ, mẹ tới nhà chú Ba nha

Mẹ ơi, con phải đi trình luận án, mẹ đến nhà em Tư nha

Mẹ ơi, con phải đi trình diễn cả tuần, mẹ đến nhà chú út nha

Mẹ ơi, con đang bận rộn rối trí lắm, xin mẹ khoan đến nha

• Ừ, thôi để mẹ tự lo

Cụ Chánh nghe xong liền góp ý ngay : Đúng là ‘nước mắt chảy xuôi’. Tôi cũng đọc nhiều bài báo nói với các cụ cao niên ở Bắc Mỹ này : đừng có mong sự báo đền từ đàn con khi mình về già. Tiền của cha mẹ thì con cái tiêu thả dàn, nhưng tiền của con thì cha mẹ không thể đụng tới. Theo tạp chí Money Sense thì chi phí nuôi con ăn học thành tài rất tốn kém ở Canada. Nuôi đứa bé từ khi nó chào đời cho đến 19 tuổi là 244 ngàn đô la. Nếu cha mẹ nuôi cho nó ăn học xong bậc cử nhân thì tốn thêm 80 ngàn …

Nhưng thôi, ta không bàn tới chuyện báo đền của con cái nữa, dân làng ta ai cũng cao tuổi cả rồi, chúng ta hãy an vui tuổi già, vui được lúc nào là lời lúc đó. Hãy quên chuyện con cái. Anh John đâu, xin anh kể chuyện thời sự đi.

Anh John vui vẻ làm phận sự thường lệ ngay. Tin vui nhất trong tháng này là tin Canada được xếp hạng quốc gia uy tín nhất thế giới. Đã 3 năm liền Canada được giải nhất như vậy. Kết quả trên đây do cơ quan quốc tế Reputation Institute vừa công bố sau khi duyệt xét 100 quốc gia về 16 lãnh vực. Canada đứng nhất, Thụy Điển thứ hai , Thụy Sĩ thứ ba, và Hoa kỳ thứ 22. Đứng cuối sổ là Iran và Iraq.

Tin thứ hai là Canada đúng là một quốc gia đa văn hóa. Dân Canada nói 200 thứ tiếng khác nhau. Hai nhóm di dân lớn nhất ở Canada là dân đến từ Trung Hoa, Ấn Độ và Pakistan. Vì số di dân lớn đến từ những miền văn hóa khác nhau nên đã ảnh hưởng tới niềm tin tôn giáo. Trước đây thì 99% dân chúng tin vào Thượng Đế, nay niềm tin chỉ còn 67%. Ba miền được di dân đến nhiếu nhất là Toronto, Vancouver và Montreal. Tại Toronto, miền đông di dân nhất là miền Markham.

Tin thứ ba là tin cửa hàng Honest Ed’s ở Toronto, cửa hàng bình dân và nổi tiếng giá rẻ, vừa mừng lễ 65 năm hoạt động. Ở Toronto ai cũng biết cửa hàng này. Chủ nhân là ông tổ Ed Mirvish người Do Thái. Vì khôn ngoan và biết buôn bán nên Mirvish đã rất thành công. Ông đã mua được nhiều căn phố chung quanh, đã là chủ nhân nhiều rạp hát danh tiếng. Hàng năm ông mở lễ hội mùa hè rất lớn và miễn phí để mời mọi người. Mỗi năm mùa lễ Giáng Sinh ông trao tặng mấy trăm con gà tây cho những ai tới mua hàng sớm ở cửa hiệu ngã tư Bathurst và Bloor. Mirvish vừa tuyên bố cửa hàng lịch sử này sẽ đóng cửa. Ông đã bán nó với giá 100 triệu đồng. Nghe nói một công ty địa ốc đã mua và sẽ xây một cao ốc chúng cư…

Tin thứ bốn là bệnh viện Oshawa ở gần Toronto vừa báo tin là họ đã chính thức kính mời công chúa Kate của Anh Quốc sang đẻ con ở đây. Họ mong sẽ được danh dự đón chào người chắt của Nữ Hoáng Elizabeth. Người chắt sắp sinh này sẽ là quốc trưởng của Canada khi đến lượt lên làm vua. Dân làng tôi nghe tin này thì đều cười rộ, khen cái bệnh viện này khéo quảng cáo tên tuổi. Cụ Chánh tiên chỉ làng bảo : Thời gian đi nhanh thế, mới ngày nào Công chúa Elizabeth lên ngôi vua, nay bà đã làm vua được 60 năm và nay đã có chắt.

Và tin cuối cùng là Đại Hội Giới Trẻ Công Giáo Thế giới vừa được tổ chức tại Rio de Janeiro xứ Brazil, với hàng triệu bạn trẻ từ khắp nơi trên thế giới. Cái đỉnh của đại hội là sự có mặt và bài giảng của tân Giáo Hoàng Phanxicô. Đây là đại hội lần thứ 14, cứ 2 năm một lần.

Anh John kể đến đây rồi tuyên bố hết phần thời sự và xin trả diễn đàn cho làng. Anh bảo từ đầu bữa đến giờ làng ta toàn nói các chuyện nghiêm trang, anh xin ông H.O. mang không khí vui tươi đến cho làng. Ông H.O. được mời một cách trịnh trọng như vậy thì sung sướng lắm, ông bèn lên tiếng ngay:

- Xưa nay làng ta thường hay kể chuyện sợ vợ. Hôm nay tôi xin kể chuyện sợ chồng. Tôi gặp chuyện này trên máy điện tử, như sau:

. Thế giới đều sợ đàn bà Mỹ vì đàn bà Mỹ hễ nói là làm.

. Đàn bà Mỹ lại sợ đàn bà Nhật vì đàn bà Nhật làm xong mới nói.

. Đàn bà Nhật lại sợ đàn bà Trung Quốc vì đàn bà Trung Quốc không nói mà làm.

. Đàn bà Trung Quốc lại sợ đàn bà Việt nam vì đàn bà Việt Nam nói một đàng làm một nẻo

. Đàn bà Việt Nam lại sợ đàn ông Việt Nam

Vì đàn ông Việt Nam không nói thì không làm

Mà khi làm thì lại làm chuyện không nói !

Cả làng nghe xong thì phá ra cười và hoan hô đề tài ‘sợ đàn ông VN’.

Ông ODP thì gật đầu lia lịa và phê rằng chuyện này nghe được lắm vì không xúc phạm giới nào cả. Bây giờ tôi cũng xin góp một chuyện. Tôi vừa đọc trên máy câu chuyện cười này, đọc xong mà tôi không biết chuyện xúc phạm đến giới nào, xin cả làng nghe xong thì chỉ dẫn cho :

… Có hai vợ chồng trẻ kia đang chơi gôn tại một sân gôn cực kỳ đắt tiền, bao quanh bởi những ngôi nhà cực kỳ sang trọng. Khi chơi đến lỗ thứ ba thì ông chồng lên tiếng dặn vợ, một thiếu nữ xinh đẹp :

- Em à, em hãy cẩn trọng nha vì nếu trái banh lỡ choang vào một cửa kiếng thì chúng ta phải đền một số tiền lớn đó.

Người vợ nghe xong liền gật đầu xin vâng. Nhưng rồi chẳng may người vợ vô ý làm một cú đánh mạnh, trái banh bay thẳng vào làm vỡ một cửa kiếng lớn của căn biệt thự sang trọng nhất khu. Người chồng tức giận la vợ, sau đó hai người đến gõ cửa căn nhà. Một người đàn ông cao ráo bảnh bao ra mở cửa và mời họ vào nhà. Vừa bước vào là họ thấy ngay một cái chai bị bể nát tung toé trên sàn.

Chủ nhân mời họ ngồi rồi nói :

- Ta là vị thần bị giam trong cái chai này đã hơn ngàn năm. Nay nhờ cú banh làm vỡ cái chai mà ta được giải thoát. Vậy ta muốn đền ơn. Ta mang sẵn trong người 3 điều ước, Ta cho hai anh chị mỗi người một điều. Ta sẽ lấy điều thứ ba. Ước điều gì cũng được, ta cho hết. Ta cho anh nói trước. Anh hãy cho ta biết anh ước điều gì.

Ông chồng suy nghĩ một lúc rồi thưa:

- Tôi muốn mỗi tháng có một triệu Mỹ kim

- Dễ thôi. Kể từ đầu tháng này trở đi anh sẽ nhận được một triệu mỹ kim.

Rồi ông thần quay vào cô gái :

- Còn cô, cô ước điều gì?

Cô vợ cũng suy nghĩ một lúc rồi nói:

- Tôi ước có một biệt thự đẹp tại 20 cuờng quốc hiện nay trên thế giới.

-Cũng dễ thôi. Ngày mai cô em sẽ nhận được giấy chủ quyền các biệt thự đó.

Hai vợ chồng qùy xuống lạy tạ vị thần. Rồi ông chồng lên tiếng :

- Thế còn ngài, ngài ao ước điều gì?

Vị thần cười tủm tỉm rồi nói :

- Ta khoẻ mạnh thế này mà đã bị giam hãm hơn một ngàn năm, ta thèm đàn bà lắm. Ta ước được ngủ với vợ anh một lần, chỉ một lần mà thôi.

Hai vợ chồng nhìn nhau đắn đo suy nghĩ, sau cùng người chồng nói với vợ : Chúng ta đã được hai điều to lớn, anh nghĩ em nên chiều ông thần một lần vì chẳng thiệt hại gì.

Thế là ông thần dẫn cô gái vào phòng du dương. Sau hai giờ ân ái, ông thần hỏi cô gái :

- Chồng em bao nhiêu tuổi?

- Thưa năm nay chồng em 40

Ông thần bèn cười hà hà rồi nói:

-Thật không thể tưởng tượng nổi. Đã 40 tuổi mà anh ta vẫn còn tin chuyện thần thánh cổ tích sao?

Kể đến đây xong thì ông ODP tuyên bố hết chuyện. Cả làng vỗ tay. Hai cô Tôn Nữ và Cao Xuân gốc Huế vỗ tay lâu nhất rồi nói :

- Chuyện bác kể lâm ly và hấp dẫn qúa, tụi em đây cứ nghĩ ông ta là ông thần thật. Chủ nhân căn nhà quả là thông minh. Chắc ông ta đã nhìn qua khe cửa từ lâu và đã thấy vợ anh kia xinh đẹp nên mới bày ra cái kế đập chai rồi xưng mình là thần.

Thấy hai cô Huế thích chuyện qúa, Anh John liền cười rồi góp ý : Bài học rút ra từ câu chuyện này là chúng ta không nên đi đánh gôn ở khu nhà giàu, và không bao giờ tin ai là thần bị nhốt trong chai.

Cả làng nghe đến đây đều bò ra cười.

Rồi cụ B.95 chủ nhà lên tiếng :

- Mở đầu bữa tiệc, anh John đã nói chuyện nhà thờ, chuyện đạo. Tôi thèm nghe chuyện nhà thờ lắm, nó lạ tai, nó ý nghiã. Nếu cả làng cho phép thì xin Anh John kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện trong sách thánh, chuyện nào mà anh cho là hay nhất.

good samaritanAnh John vái cụ một cái rồi xin cụ cho nghĩ một phút. Dân làng ai cũng hồi hộp. Hết một phút thì anh kể :

- Sách Thánh chỗ nào cũng chép chuyện giảng đạo của Chúa Giêsu. Ngày xưa dân trí Do Thái thấp lắm nên Chúa thường giảng đạo bằng các chuyện dụ ngôn. Cháu thích nhất dụ ngôn sau đây : Bữa đó có một nhà kinh sư, tức một chức sắc trong đạo Do Thái đến gặp Chúa. Chắc ông này vừa có ý học hỏi vừa có ý thử tài của Chúa. Ông hỏi : Thưa Thày; Luật chép rằng : Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết sức và yêu tha nhân như chính mình vậy. Vậy ai là tha nhân của tôi? Chúa bèn kể cho ông nghe câu chuyện này : Có một người bộ hành đi từ Jerusalem và định đến thành Jericho nhưng dọc đường bị cướp tấn công, lấy hết của cải. Ông ta bị nhiều thương tích, nằm bất tỉnh bên đường. Có một thày thượng tế đi qua, thấy nạn nhân, thày đã bỏ qua và đi tiếp. Rồi một vị kỳ mục cũng đi qua, cũng thấy nạn nhân nằm bất tỉnh nhưng cũng bỏ qua và đi tiếp. Rồi một người xứ Samarita ngoại đạo đi qua, người này trông thấy nạn nhân máu me đầm đìa nằm bất tỉnh bèn động lòng thương, vực nạn nhân lên lưng lừa của mình và dẫn đến một quán bên đường. Ông ta băng bó vết thương, cho ăn, rồi xin chủ quán săn sóc nạn nhân này, ông ta hứa khi đi xong công việc thì sẽ trở lại và thanh tóan mọi chi phí. Chúa Giêsu kể đến đây rồi hỏi vị kinh sư : Theo ông thì trong 3 người đã đi qua, ai là người đã ‘yêu tha nhân như chính mình?

- Thưa thày, đó là ông Samarita.

Chúa Giêsu liền nói:

- Kinh sư nói đúng, ngài hãy về và sống như vậy

Anh John kể đến đây, rồi nhìn cả làng: Người ta thường tóm tắt đạo Thiên Chúa là đạo tình yêu : yêu Chúa và yêu người. Chúng ta thường ‘yêu người’ bằng miệng, chỉ nói chứ không bằng việc làm. Ông Samarita chính là kẻ đã yêu người bằng việc làm. Mẹ Teresa Calcutta bên Ấn Độ ôm các người ốm đau bệnh tật bẩn thỉu vào lòng, đó chính là một ông Samarita. Mấy bà sơ lặn lội đến với các người cùi khuyết tật bên VN, đó là những ông Samarita.

Cả làng lại vỗ tay râm ran, bà cụ B.95 vỗ tay to nhất và lâu nhất.

Kính chúc các cụ luôn luôn có cái tâm Samarita, yêu tha nhân như yêu mình, yêu bằng việc làm.