main billboard

Đêm khuya nghe gọi Mình Ơi ... Dậy em nhờ tí, Mình ơi Mình à ... Bài thì mới trả buổi trưa ...Giờ mà trả nữa te tua thân già ...

xuan 2013Làng tôi quanh năm đã rộn rã tiếng cười, nay có ông Từ Hoè từ miền Tây về nữa thì cái không khí vui cười tăng lên gấp đôi. Các cụ còn nhớ ông hội viên viễn cư của làng An Hạ chúng tôi chứ? Cái ông gốc nhà binh này sau khi vượt biên thì ở Toronto với chúng tôi, ông là một trong những vị đã góp sức lập ra cái làng thân yêu này. Ông ở được mấy năm, làng đang vui như tết thì cậu em kết nghĩa từ trại tỵ nạn Mã Lai sang. Cậu em do chính phủ Canada bảo trợ, diện DC1, được đưa đến lập nghiệp ở miền tây. Theo đúng lời thề khi kết nghĩa, ông đã rời làng sang sống với gia đình người em. Ông bảo ông không thể bỏ làng được nên mỗi tết ông mỗi về. Ông vẫn giữ chức trưởng ban tổ chức tết trong làng. Ông về làng bao giờ cũng đem theo quà tết của chú em và một kho chuyện tếu tích trữ cả một năm.

Làng tôi ai cũng yêu qúy và nhớ ông hết sức. Nôn nóng mong chờ nhiều nhất là phe các bà. Ông này có bùa mê. Chị Ba Biên Hòa cứ nói đi nói lại : thiên hạ có bốn bồ chữ, ngày xưa Cụ Nguyễn Văn Siêu và Cụ Cao Bá Quát lấy mất ba, thiên hạ chỉ còn một bồ. Cụ Siêu Cụ Quát đã về trời nên ba bồ chữ liền bị hai bác ODP và bác Từ Hoè chiếm ngay, cho nên thiên hạ luôn luôn chỉ có một bồ. Nể hai bác qúa.

Ông ODP nghe Chị Ba xong thì nói nhỏ với ông Từ Hoè : Cái Chị Ba này người Nam, người Nam thông thường thì không khéo nói bằng người Bắc và người Trung, nhưng người Nam nào mà đã khéo nói thì khéo nói tột đỉnh, bỏ xa người Bắc và người Trung. Chị Ba là một trong những người hiếm hoi đó. Chưa hết. Chị Ba thông minh sáng láng lại cộng thêm với anh chồng John cũng thông minh sáng láng như vậy nữa thì trời ơi, họ lấy hết bồ chữ thứ tư rồi.

Ông Từ Hoè gật đầu lia lịa về nhận xét này. Ông lại còn thêm : Vợ chồng Anh John-Chị Ba đã thông minh mà lại còn đạo đức nữa, mới qúy chứ. Được cả vợ cả chồng. Anh John thường nói với mọi người : Vợ chồng tôi xưa nay có tâm Chúa, từ khi nhập làng thì chúng tôi có cả tâm Phật nữa. Thât chúng tôi sung sướng vô cùng.

Các cụ phương xa đã thấy làng tôi là làng hạnh phúc chưa?

Xin kể tiếp chuyện ông Từ Hoè. Ông về đem theo một thùng qùa lớn. Ông trao qùa cho mọi người, ai cũng được tặng một cặp bánh chưng. Vừa trao qùa ông vừa nói ‘ Của tuy tơ tóc, nghĩa so ngàn trùng’ nha bà con. Bánh này làm bằng gạo miền tây, đậu miền tây, thịt heo miền tây, nấu bằng nhiên liệu miền tây đó. Đây là qùa biếu riêng từng hội viên, tôi còn qùa chung cho cả làng nữa cơ. Các cụ có đoán ra món qùa gì không ? Ông này kinh lắm, bồ chữ mà. Thưa đó là cá chép đông lạnh, giống y như năm ngoái. Ông cắt nghĩa : đây là cá chép VN. Các bác có nhớ là năm ngoái Canada kêu lên oai oái về việc biển hồ Canada bị con cá chép Á Châu, Asian carp, phá hoại không? Tôi đã quan sát kỹ con cá này. Nó đúng là cá chép VN. Nó thấy người VN chạy trốn CS thì nó cũng tìm cách trốn CS. Giống cá này sinh sôi mạnh lắm. Nó giống y như người VN. Các bác đọc báo có thấy người VN ở hải ngoại giỏi không. Lâu nay tòan thấy những thiên tài VN xuất hiện. Giống tốt gặp đất tốt mà. Con cá VN cũng y chang. Bên VN nó nặng có 2 ký, sang đây sống ở Ngũ Đại Hồ nó cân nặng tới 40 ký.

ongtao coi cachepHai cô Huế Tôn Nữ và Cao Xuân thắc mắc là miền Tây có bao nhiêu đặc sản mà sao bác lại chọn con cá chép. Ông Từ Hoè vừa cười hà hà vừa trả lời : Mấy cô xa quê VN mới có vài chục năm mà quên hết tập tục lễ tết VN rồi. Làng đã giao cho tôi công tác làm lể tiễn Ông Táo vào ngày 23 Tết, nên cúng cá chép là để ông Táo của bếp làng ta có phương tiện về trời chứ. Xưa nay sử VN vẫn ghi là ông táo cỡi cá chép về trời mà. Chắc các cô sẽ thắc mắc thêm là con cá chép bơi chậm như vậy thì bao giờ mới tới trời phải không? Các cô mà còn thắc mắc như vậy là chưa học hết bài lịch sử. Đây là con cá chép đã vượt vũ môn, đã thành thần nha.

Hai cô Huế liền chắp tay vái ông Từ Hoè : Chúng con xin lạy ngài đại sứ của ông Táo!

Ông Từ Hoè này miệng có thần. Ông nói cái gì nghe cũng thuận tai hết. Lời của ông đầy chất thuyết phục. Ông bảo dân làng mình bây giờ ai cũng cao tuổi cả rồi, vậy mình nên sống cái triết lý của người cao niên. Thuyết này hiện rất phổ biến và được nhiều người nghe theo . Thuyết như thế này : bây giờ cái gì cũng thuận tai hết, không lý sự cãi nhau nữa, không tích trữ tiền bạc của cải nữa, có tiền thì mang ra làm việc phước thiện và mang ra ăn uống với bạn thân cho sướng, không phải để của cho con trên cái đất hạnh phúc này…Vì thế, bữa nay gặp lại làng sau bao ngày xa cách, xin cho tôi xả láng. Thịt cá chép đông lạnh tôi đem về, xin làm bữa nhậu ngay hôm nay. Nếu hết mà làng còn thích thì tôi bảo chú em gửi nữa. Phe các bà nghe đến đây thì chịu qúa. Các bà vỗ tay râm ran, miệng vừa cười vừa nói : Đầu bếp Master Chef Từ Hoè muôn năm ! Và chương trình ăn tết Con Rắn của làng đã bắt đầu ngay.

Phe liền ông chúng tôi tức các nhà quân tử và triết gia trong làng thì ngồi nhâm nhi rượu khai vị và bàn các chuyện quốc sự. Chúng tôi bàn nhiều việc lắm, như ta nên đánh thằng Tàu Cộng ngay bây giờ hay để từ từ, nên cho nước nào khai thác dầu ở Biển Đông, nên làm gì với Cảng Cam Ranh… Còn phe các bà thì ríu rít theo ông Từ Hoè vào bếp. Chỉ loáng một cái là mùi cá chép thơm lừng từ bếp đã bay ra. Và loáng một cái nữa là thức ăn các món cá chép đã được bày lên bàn : cá chép kho riềng, cá chép chiên, canh chua cá chép.

Và dân làng đã có một bữa ăn thịnh soạn và nóng sốt chào mừng ông Từ Hòe. Thực ra thì không phải làng nấu nướng để chào mừng ông Từ Hoè, mà chính khách phương xa đã chỉ huy làm ra các món rất đỗi quê hương này để đãi cả làng.

Ngay đầu bữa ông Từ Hoè đã tuyên dương món cá chép. Ông bảo theo y học thì thịt cá chép vừa bổ vừa ngon, mang sức khoẻ và tăng khí huyết. Người Trung Hoa xếp con cá chép đứng đầu các loại cá về mặt bổ âm bổ dương.

Cuối bữa ăn thì Chị Ba Biên Hòa lên tiếng. Chị hỏi ông Từ Hoè : Theo truyền thống xưa nay của làng thì bữa ăn ngày mồng tết bao giờ bác cũng làm đầu bếp, và tết con nào thì bác cho ăn món thịt con đó. Chỉ có món con Rồng năm ngoái là bác không bắt được con rồng làm thịt nên bác đã cho làng ăn trái Thanh Long. Chị em chúng tôi đang thắc mắc là năm nay tết con Rắn thì không biết bác có cho làng ăn rắn không?

Ông Từ Hòe trả lời ngay : Có chứ, tôi đã có chương trình cả rồi. Nhân việc chị hỏi cũng như tôi đã thưa đầu ngày là phe chúng ta chả cần phải đợi ngày đợi tháng gì nữa.Có trong tầm tay là ta làm ngay, xơi ngay. Tôi định hỏi làng câu này là làng có sợ thịt rắn không. Nếu sợ thì tôi không làm món rắn mà làm món anh em nhà rắn.

Cụ B.95 bây giờ mới lên tiếng : Rắn thì có trăm loại và trăm món nấu. Xin bác nói sơ sơ cho chúng tôi nghe về rắn đã rồi chúng ta sẽ quyết định ăn món gì.

Ông Từ Hoè vừa cười vừa thưa : việc này dễ thôi. Đây cũng là dịp để chúng ta ôn lại về con rắn. Tôi nói và cũng xin làng tiếp sức với tôi, chúng ta cùng bàn về chú rắn nha. Xin vui vẻ góp ý, ngày rộng tháng dài, chúng ta đang bắt đầu ăn tết mà.

Và ông Từ Hoè kể câu chuyện bữa nhậu rắn ngày xưa của chính ông. Ông bảo cái bữa nhậu cách đây nửa thế kỷ nó ngon qúa sức nên đến bây giờ mà ông vẫn còn nhớ, nước miếng vẫn còn chảy ra. Năm 1958 hay 1959 gì đó, ông đóng quân ở một ngã tư sông thuộc miền Tây. Đây là thời kỳ cực thịnh và thanh bình nhất ở miền Nam. Ngoài việc canh phòng thường lệ, nhóm lính của ông rảnh rỗi nên hay bày ra trò thi nấu ăn. Trong số này có mấy tay người Nam, gốc nhà giàu, nấu ăn ngon vô cùng. Bữa đó chúng đi chợ mang về một con rắn lớn. Tôi vốn thích nhậu và thích nấu, nên tôi quan sát từ đầu đến cuối. Con rắn nặng tới một ký lô. Chúng buộc cổ rắn treo lên và cắt đuôi hứng tiết, rồi rửa qua bằng nước sôi pha dấm, rồi dùng cái kìm lột da con rắn từ đầu xuống tới đuôi. Giữ bộ da này để chuẩn bị làm món dồi. Một ký thịt heo ba rọi, da heo xắt hạt lưu, phần mỡ phần thịt đem xay cho thêm đậu xanh, đậu phọng, hạt điều, xả, tiêu, ớt, nước mắm, hành. Xong thì cột đuôi rắn lại rồi dồn các thứ nhân vừa xay vào , rồi cột đầu rắn, rồi cho vào nồi luộc chín. Xong thì vớt ra đem lên chảo chiên cho vàng, xắt ra từng khoanh xéo, chấm món dồi rắn này với mắm gừng tiêu ớt tỏi. Phần nhân làm dồi nếu còn dư thì bỏ luôn vào nồi nước luộc. Sang đến phần thịt rắn thì cắt nửa con rắn đã lột da cho vào nồi nước luộc lúc nãy. Chừng 30 phút thì thịt chín, vớt ra, gỡ thịt làm món gỏi rắn trộn với củ hành tây, rau răm, dấm, đường, muối, ớt. Phần nửa con rắn còn lại thì đem bằm nhuyễn, đem lên chảo xào với xả ớt, đem ra xúc ăn với bánh tráng. Phần nước luộc dồi và luộc thịt rắn thì bỏ vào nắm gạo, nắm đậu xanh, nêm nếm cho vừa miệng, ta có một nồi cháo rắn. Tất cả ngon quên chết. Lại thêm rượu đế, rượu rắn, la de.Vì thực khách tòan là đực rựa, lính hết mà, nên ai cũng nhậu hết mình, vừa nhậu vừa chửi thề vừa nói tục. Ông Từ Hoè kể đến đây xong rồi kết luận các món ăn trên nước Thiên Đàng hay cõi Niết Bàn cũng chỉ ngon đến cỡ này mà thôi!

Ông ODP, bồ chữ thứ hai trong làng xin góp ý ; Hồi xưa tôi cũng được hạnh phúc ăn rắn với anh em lính. Riêng tôi thì tôi thích nhất món cháo rắn. Món cháo này làm cũng khá công phu. Nó khác nồi cháo rắn bác vừa kể. Chúng tôi nấu thế này :Thân rắn rửa sạch cắt khúc rồi bỏ vào nồi cháo đang sôi. Khi cháo nhừ thì thịt rắn cũng vừa chín tới. Vớt thịt rắn ra để nguội, xé nhỏ rồi ướp với tiêu ớt gừng và nước mắm, rồi đem phi với hành tỏi cho thật thơm rồi đổ lại nồi cháo đang sôi. Cho lửa liu riu. Chờ một lúc là được. Món này phải ăn nóng với gừng với tiêu. Thịt rắn rất bổ, nhiếu chất đạm và chất dinh dưỡng, ngon và thơm hơn thịt gà, đặc biệt bổ gân và bắp thịt. Ở VN nhiều nhà thể thao hay ăn cháo rắn để thêm sức mạnh.

Cụ Chánh cũng góp thêm ý : Lão có kinh nghiệm này là ở miền quê ngày xưa, khi làm thịt con rắn thì cái đầu nó phải đem chôn xuống đất ngay, vì sợ cái đầu nó có nọc độc trẻ con giẵm phải hay con gà ăn phải sẽ mắc độc . Ngoài ra người ta không rửa thịt rắn bằng nước lạnh, mà bằng dấm, bằng chanh và lau khô bằng giấy bản.

Cụ B.95 ngồi nghe chắm chú từ đầu, lên tiếng hỏi : Thế ngày tết sắp tới bác có cho làng ăn thịt rắn không? Ông Từ Hoè nhìn mọi người rồi nói : Kinh nghiện cho biết là phải làm thịt con rắn sống thì nấu mới ngon, không biết ở miền Ontario này có chỗ nào bán rắn sống không. Việc này xin cho tôi khất trả lời để tôi đi chợ nghiên cứu tình hình.

Trả lời xong thì ông Từ Hoè nói với cả làng : Tôi đã độc diễn, đã nói về rắn khá dài rồi, bây giờ xin cho tôi thư giãn một chút cũng như cho tôi đổi đề tài một chút. Rồi ông nhìn anh John :

- Anh John à, tôi sống ở miền tây toàn bạn da trắng. Họ cũng ái mộ văn chương VN. Tôi cũng dịch nhiều thơ văn VN sang tiếng Anh cho họ đọc. Có một chữ mà tôi bị tắc, tôi dịch mà không thấy thỏa mãn trong lòng. Vậy bữa nay xin đem ra hỏi anh và học hỏi với anh. Đó là tiếng MÌNH, tiếng vợ chồng gọi nhau. Xưa nay tôi vẫn cho đây là tiếng vợ chống gọi nhau đúng nhất. Vợ chồng mà gọi nhau ‘anh ơi em ơi’ là sai. Vợ chồng đâu có là anh là em của nhau, đâu có phải là ‘brother and sister’. Hai người dưng xa lạ hợp duyên nhau nên kết lại với nhau, biến thành một thân xác, đúng y như lời Chúa nói trong Kinh Thánh ‘ Người con trai bỏ cha bỏ mẹ mà đi theo người con gái, và hai người trở nên một xương một thịt’. Tiếng ‘Mình Ơi’ này xuất hiện trong thơ văn nhiều lắm, Chẳnh hạn bài thơ này :

Đêm khuya nghe gọi Mình Ơi

Dậy em nhờ tí, Mình ơi Mình à

…Bài thì mới trả buổi trưa

Giờ mà trả nữa te tua thân già

…Ráng cho vui cửa vui nhà

Em thương mình lắm, Mình à Mình ơi



Ông Từ Hoè nói thêm : Tôi đã dịch chữ Mình là honey, darling, sweetheart… nhưng vẫn cảm thấy không thỏa mãn.

Anh John bị bồ chữ hỏi một câu vừa hay vừa khó. Anh xin suy nghĩ một phút. Ông ODP liền nhảy vào ngay khoảng trống này và phát biểu : Xưa nay tôi cũng giống y như bạn Từ Hoè, tôi thấy tiếng VN mình hay tuyệt vời. Nghĩa số 1 của tiếng Mình là chỉ thân xác của ta, mình là my body, là mon corps, là corpus meum. Nay vợ chồng gọi nhau là mình thì nói lên được sự kết hợp trọn vẹn. Đúng y như lời Thánh Kinh chép về việc tạo dựng ra con người. Ban đầu Chúa tạo ra ông Adam, rồi đợi cho Adam ngủ say Chúa lấy một xương sườn của Adam mà tạo ra Eva. Rõ ràng Eva bởi Adam mà ra vì hai người là một thân xác, một thân mình, là mình của nhau.

Dân làng nghe ông ODP nói xong thì đều gật đầu vì cho là chi lý. Chị Ba Biên Hòa hỏi : Phải chăng tổ tiên VN đặt ra tiếng MÌNH này để vợ chồng gọi nhau là đúng ý Đức Chúa Trời? Ông ODP gật gật cái đầu rồi nói tiếp : Tôi không muốn bàn đến tôn giáo ở đây, ý tôi là ca ngợi tiếng VN hay và đúng tuyệt vời. Rôi ông quay vào anh John :

- Anh John đâu. Anh có thấy tiếng MÌNH này vừa hay vừa sâu sắc không?

Anh John mặt mũi tươi rói, chắc anh đã tìm ra câu trả lời. Anh gật đầu rồi nói: Chắc tiếng Anh mới tìm ra chân lý này từ tiếng Việt nên họ vừa có một từ mới, tiếng này cũng nói lên được cái ý một xương một thịt như tiếng Việt và như ý trong Kinh Thánhh. Mỗi người là một nửa của nhau. Tiếng MÌNH trong lời thơ ‘Mìng ơi Mình à’ nên dịch là ‘My Better Half’, Pháp văn nên dịch là ‘ Ma meilleure moitié’

Ông ODP thêm ngay : Bác phải ghi chú là tiếng ‘My better half’ này lấy ý từ tiếng MÌNH của VN mà ra. Ta phải nói thêm như vậy cho Tây nó nể.

Mọi người vừa gật đầu vừa vỗ tay khen cái tài dịch của anh John. Anh John thấy cụ B.95 không cười nhiều liền hỏi ý cụ thế nào về lời dịch trên đây. Cụ B.95 đáp ngay :

- Các bác nói chuyện cười mà nói cao qúa. Lão chỉ hiểu sơ sơ mà thôi. Xin cho

lão nghe chuyện cười nào thấp thấp một chút đi. Anh H.O. liền đáp ứng ngay . Anh bảo anh mới nhận được một bản tin trên internet, viết theo ngôn ngữ Hà Nội hiện nay, về một đề tài đa dạng của tiếng VN. Một tiếng mà hai ba nghĩa, ai muốn hiểu làm sao thì hiểu. Như có chuẩn bị từ trước, anh rút trong túi ra một tờ giấy và xin phép đọc cho cả làng nghe. Đề bài là ‘Thi Chim’

…Chuyện thi chim là hoàn toàn có thật, hằng năm từ lâu rồi, cứ vào mùa xuân ở Hà Bắc, Hà Nội, có hội thi chim. Xem từng đàn chim được thả ra tung cánh bay lên trời, rồi bay hàng dọc, hàng ngang, bay tít lên cao mà sung sướng. Nhưng đứng nghe ông chủ xị hò hét thì không thể nào mà không cười được.

- Đề nghị các cụ, các anh có chim đứng vào hàng, kiểm tra xem chim mình có vấn đề trục trặc gì nữa không.

Rồi giọng ông sang sảng tiếp :

- Khi nào chúng tôi ra hiệu lệnh thì thả, đề nghị khi cởi chuồng thì nâng cao lên cho mọi người nhìn thấy.

Rồi đột nhiên ông quát:

- Xin mời mấy cụ bà và mấy cô không có chim đứng ra ngoài. Tôi xin nhắc lại là lúc này không phải là lúc xem chim, sờ chim mà là ngắm nhìn xem chim bay thế nào.

Mấy cô xấu hổ lui ra ngoài hàng.

Ban tổ chức lại huyên thuyên :

- Thi chim là một trò chơi truyền thống lâu đời của dân tộc, của địa phương ta. Qua một năm chăm sóc luyện tập cho chim, hôm nay chim ai khoẻ, chim ai cứng cáp trong cuộc chơi, chim ai đoạt giải sẽ được bàn dân chứng kiến.

Rồi anh hô to :

- Các cụ các anh có chim, đang giữ chim trong tay chú ý. Chuẩn bị cởi chuồng. Một, hai, ba! Thả chim ra! Thả chim ra! Thả chim ra!

Hàng trăm con chim bay lên trời, hàng nghìn con mắt ngước mắt nhìn lên. Có tiếng mấy cô bàn tán :

- Chim màu xám đầu trắng là chim của ai nhỉ? Khỏe qúa, xem nó mà sướng con mắt qúa kìa.

- Mạnh lên, mạnh lên nữa, lên tới đi.

Có người lại thắc mắc :

- Chim thi bay thế này, mệt, tối nó có biết đường nào về ngủ với chủ không nhỉ?

Cả làng nghe xong thì cười ầm lên. Cụ B.95 thì vừa cười vừa giơ tay lên trời : Ối chim ơi là chim! Cụ Chánh và ông ODP, gốc ngày xưa ở Hà Nội đều nói : Có, ngày xưa tôi có nghe chuyện thi chim bay ở Hà Bắc. Nhưng ngày xưa không nghe có bài báo nào thuật chuyện thi chim mà ngôn ngữ lập lờ và gay cấn như vậy. Cái tiếng ‘ cởi chuồng’ là tiếng bịa đặt mà anh ký giả đã thêm vào cốt cho nó ra nghĩa tục, chứ chim nhốt trong chuồng, ta thường nói mở chuồng chứ có ai cởi chuồng bao giờ !

Cụ Chánh vừa nói xong thì nhóm anh H.O. cười bò ra. Cả làng ngạc nhiên hết sức vì lời cụ Chánh vừa nói có gì đáng cười lăn ra như vậy đâu. Ông Từ Hoè bèn lên tiếng : Xóm nhà lá H.O. cười cái gì? Chắc lại có vụ nói lén. Hôm nay họp làng thì mọi sự phải công khai, không có gì được kể lén lút cả. Anh H.O. cố gắng lắm mới nín được cười. Anh thưa : Dạ, khi nghe tôi đọc xong bài văn Thi Chim trên đây xong thì bác ODP đã cao hứng đọc thêm một câu thơ. Bác đọc nhỏ tiếng nên chỉ bọn tôi nghe rõ mà thôi. Câu này đã làm bọn tôi phá ra cười là thế. Hôm nay trong bầu không khí vui nhộn của ngày tết, xin cho tôi lập lại cái câu lục bát về chim mà bác ODP đã thêm vào nha :

Chim rừng động tới là bay

Chim nhà bóp cái to ngay tức thì

Phe các bà rú lên : Khiếp qúa cái bác này! Miệng nói khiếp nhưng các bà đã cười rũ rượi.

Anh H.O. nói thêm : Thôi, không nói chuyện chim nữa, xin cho tôi nói về ngôn ngữ VN đang biến đổi ở quê nhà. Cụ ơi, ngôn ngữ thủ đô Hà Nội bây giờ tiến bộ lắm. Mai này cụ có về lại Hà Nội thì cụ cần phải có thông dịch viên đấy. Cháu có người bạn kể chuyện cho nghe về chuyến bay của anh từ Bangkok về Hà Nội. Ngồi bên anh là một ông hình như là cán bộ đi công tác về. Ông cán bộ bắt chuyện :

‘ … Trông ông có vẻ căng lắm. Ngồi trong nội thất phi cơ mà trông ông hình như bức xúc làm sao!

Tôi trả lời là tôi xa quê du học đã trên 40 năm, đây là lần đầu tiên trờ về quê. Cán bộ nói ngay :

- À, ra thế, tâm trạng ông hiển thị trên nét mặt rõ lắm. Tôi cũng đoán ông phải là du sinh đi chuyên tu ở đâu đó. Người Việt mình vốn trọng thị vấn đề học vị lắm mà.

Tôi kể về việc tôi đi du học. Nghe xong ông nói tiếp :

- Tôi thống nhất ông, chủ yếu là phải biết triển khai tính năng nổ, rồi tranh thủ vào đó, khẳng định tài nghệ mình thì mới thành công một cách tiên tiến được…’

Anh H.O. kết luận : Cháu mới chỉ nghe ngôn ngữ của anh cán bộ Hà Nội mà đã thấy nhức đầu. Nhức đầu và chỉ hiểu qua loa. Mai này về lại quê hương thì sao đây? Cụ Nguyễn Trãi ơi, Cụ Nguyễn Du ơi, Cụ Phạm Quỳnh ơi , Cụ Nguyễn Văn Vĩnh ơi, ngôn ngữ VN lâm nguy, xin các cụ cứu ngôn ngữ VN…

Nghe dến đây thì ông Từ Hoè tiếp lời. Ông bảo anh H.O. vừa nhắc tới Cụ Nguyễn Văn Vĩnh làm ông chợt nhớ tới công nghiệp của danh nhân này và có một câu xin hỏi các bà. Cụ Nguyễn Văn Vĩnh sinh năm 1882 ở Hà Nội, ngày xưa còn bé thì nhà rất nghèo. Cậu Vĩnh phải đi làm công. Cậu xin được việc đứng kéo quạt trần cho một lớp các cậu ấm nhà giầu đang học lớp thông ngôn của Pháp. Vừa kéo quạt cậu vừa học lỏm các bài. Cậu thông minh nên hiểu và nhớ mọi điều. Cậu trả lời đuợc mọi câu hỏi của thày giáo trong khi các cậu ấm còn lúng túng và mù tịt. Thày giáo người Pháp thấy cậu thông minh lạ thường như vậy nên đã trình với ông hiệu trưởng. Ông hiệu trưởng đã cấp học bổng và cho cậu được theo học chính thức. Mới 14 tuổi, Nguyễn Văn Vĩnh đã đỗ đầu khóa học và trở thành một thông dịch viên xuất sắc của tòa thống sứ. Năm 1906 khi Nguyễn Văn Vĩnh 24 tuổi đã được chính quyền cho sang Pháp dự triển lãm ở Marseilles. Dịp này, ông đã tiếp cận với ngành báo chí và ngành in báo ở Pháp. Trở về VN Nguyễn Văn Vĩnh đã từ bỏ nghề làm quan mà bắt đầu nghề làm báo. Năm 1907 ông mở nhà in đầu tiên ở Hà Nội và xuất bản tờ Đông Cổ Tùng báo, tờ báo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ ở Bắc Kỳ. Và năm 1913 ông xuất bản tờ Đông Dương Tạp Chí để dạy dân Việt viết văn bằng quốc ngữ.

Chuyện Cụ Vĩnh có công với chữ quốc ngữ thì nhiều lắm và dài lắm. Ông Từ Hoè nói tiếp : Tôi chỉ nói sơ sơ về thân thế sự nghiệp vĩ đại của Cụ Vĩnh để có ý dẫn vào một chuyện tư bên lề. Rằng Cụ Nguyễn Văn Vĩnh có tới 2 bà vợ. Bà thứ hai đẻ ra nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, tác giả tập thơ ‘Ngày Xưa’ trong đó có bài ‘Đi Chùa Hương’ nổi tiếng…

Nói đến đây rồi ông Từ Hoè vừa cười vừa nhìn phe các bà :

- Đây là ý chính của tôi : Nếu Ông Nguyễn Văn Vĩnh không lấy vợ bé thì làm sao mà văn đàn VN có được nhà thơ thiên tài Nguyễn Nhược Pháp. Do đó kết luận là mọi ông chồng nên có vợ bé. Các bà có đồng ý không?

Làng tôi đã bò ra cười. Không ngờ cái ông Từ Hoè này giả bộ nói chuyên văn học nghiêm chỉnh mà lại có hậu ý đặt ra một câu hỏi hóc búa.

Ông ODP đáp ngay: Ở Canada chỉ cho một vợ một chồng mà thôi. Muốn lấy nhiều vợ thì phải theo đạo Hồi. Hồi giáo cho lấy 4 vợ. Chắc bác khuyên phe liền ông trong làng nên cải đạo sang Hồi giáo phải không?

Cụ Chánh cười ngặt nghẽo rồi nói : bác Từ Hoè này nói giỡn chứ không có ý bảo liền ông làng ta phải lấy thêm vợ đâu. Tội chết. Thôi, không nói chuyện vợ bé nữa nha. Nhân tết con Rắn đang tới gần, xin cho lão chúc đôi điều : Càng ngày lão thấy làng ta càng vui, càng hạnh phúc hơn. Biểu hiệu của sự hạnh phúc là tiếng cười. Trên thế giới này có mấy trăm ngôn ngữ khác nhau mà chỉ có tiếng cười là nói được đủ hết các tiếng nói ấy. Tiếng cười không phải thông dịch, ai cũng hiểu hết. Tiếng cười chữa được trăm bệnh, cả bệnh thân xác, cả bệnh tâm hồn. Tiếng cười vừa là biểu hiệu của hạnh phúc vừa là tiếng nói của tình yêu. Lão xin chúc mọi người năm mới đầy tiếng cười.

Tôi cũng xin mượn ý của cụ Chánh kính chúc các cụ độc giả một năm đầy tiếng cười. Trân trọng.

Xuân Quý Tỵ 2013