Mẹ Âu Cơ sinh ra một bọc đựng trăm trứng, rồi trứng nở ra trăm con. Dù con lên núi hay xuống biển thì nguyên lý Mẹ đã bắt nguồn từ đó. Nói cách khác, từ nguyên thủy, xã hội Việt Nam theo chế độ "mẫu hệ".

"Trong các cuộc tế lễ hội hè, đình đám, vai trò chủ tế thuộc phụ nữ. Về sau nam giới mới được tham dự đồng tế. Trống đồng không chỉ là một nhạc cụ mà còn biểu hiện uy lực của một thị tộc, mà người đánh trống khai mạc phát ra một hiệu lệnh bao giờ cũng là nữ giới. Tùy Thư chép: "Người đánh khai mạc chiếc trống mới đúc bao giờ cũng là người con gái".   (13)

Các vị thần ở Việt Nam chủ yếu là nữ giới, do ảnh hưởng của tín ngưỡng phồn thực  (14), nhưng các vị thần đó không phải là các cô gái trẻ đẹp mà là các bà mẹ đáng kính. Thí dụ:

Tam phủ là ba vị nữ thần: Bà Trời, Bà Đất, Bà Nước cai quản những lĩnh vực quan trọng nhất của một xã hội nông nghiệp. Về sau do ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc nên có thêm Ngọc Hoàng, Thổ Công và Hà Bá. Thần mặt trời là vị thần quan trọng nhất, có mặt trên tất cả các trống đồng.

Tứ phủ là danh từ để chỉ bốn bà thần Mây-Mưa-Sấm-Chớp, đại diện cho các hiện tượng tự nhiên có vai trò quan trọng trong xã hội nông nghiệp.

Ấy cũng tại bà Âu Cơ đẻ một lúc ra một trăm con trai, nên mới có nạn trai thừa gái thiếu và giá trị con trai rẻ như bèo:

Ba đồng một chục đàn ông,
Chị bỏ vào lồng, chị xách đi chơi.

Dưới chế độ mẫu hệ, người đàn bà cầm cân nẩy mực trong gia đình. Nhưng vào giữa đời các vua Hùng Vương, xã hội đã chuyển dần sang phụ hệ nhờ khám phá sức mạnh của trâu bò trong công việc cày bừa ruộng lúa. Chỉ có đàn ông mới đủ sức mạnh điều khiển cày bừa và ai chủ động trong nông nghiệp thì người đó có quyền lực. Dù vậy, hình ảnh Mẹ Âu Cơ vẫn còn rất mạnh mẽ trong gia đình. Nói cách khác, uy quyền của các bà mẹ trong gia đình lúc nào cũng rất mạnh và căn bệnh "sợ vợ" của đàn ông là chứng bệnh nan y di truyền cả ngàn năm mà vẫn dễ thương không ai muốn chữa trị.

Sau phụ hệ đến tục đa thê (một chồng nhiều vợ), đôi khi có tục đa phu (một vợ nhiều chồng), rồi đến luật một vợ một chồng nhưng cho tự do ly dị hoặc một vợ một chồng và cấm luôn ly dị. Đây là một chu kỳ mà con người tùy thời đại sẽ chọn lựa để làm ra luật cho mình, vì mỗi định chế đều có cái hay cái dở riêng của nó. Nhìn lại quá khứ, có những chuyện rất đáng chú ý, chẳng hạn vua Minh Mạng có đến 142 con, đời sống tình dục của ông được các cụ mô tả là "nhất dạ ngũ giao, tam hữu dựng" (trong một đêm ngủ với năm bà thì ba bà có thai). Còn Minh Mạng thực sự có bao nhiêu vợ thì không đếm được, chỉ chắc một điều là nhiều lắm.
Nhiều gia đình các bà vợ ở chung một nhà với chồng rất trật tự hạnh phúc, nhưng cũng có nhiều bà không chịu cái kiếp lấy chồng chung:

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Năm thì mười họa hay chăng chớ
Một tháng đôi lần có cũng không

Tuy vậy, dù ở trong chế độ nào, "tình nghĩa vợ chồng Việt Nam vẫn đầm ấm thân thương, xem người phối ngẫu là nơi trú ngụ che chở lẫn nhau, nên vợ chồng đều dùng chữ "nhà tôi" khi nói về người bạn đời. Tình yêu thương chồng vợ còn thể hiện qua cách xưng hô thân mật, xem người yêu như chính bản thân mình, nên thường gọi nhau là "Mình, Mình ơi!"   (15)

Bốn câu ca dao mà bất cứ đứa trẻ Việt Nam nào cũng được học thuộc lòng ngay từ lúc bập bẹ tập nói:

Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng THỜ MẸ, KÍNH CHA,
Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con.

Nhưng mấy ai để ý đến bốn chữ rất quan trọng đã làm lệch cán cân địa vị cha và mẹ trong gia đình. Đó là hai cụm từ "thờ mẹ""kính cha".

Trong đạo Công Giáo, chữ thờ (worship) chỉ dùng đặc biệt cho Thiên Chúa. Còn các thánh khác, kể cả Đức Mẹ Maria, chỉ được kính (respect) mà thôi.

Khi chúng ta tôn thờ Thiên Chúa, tức là bao gồm cả sự tôn kính. Nhưng khi chúng ta tôn kính một người nào thì không có nghĩa là tôn thờ người đó.

Vậy mà câu ca dao dạy chúng ta rằng: đối với mẹ, phải thờ; đối với cha, chỉ kính thôi! Thảo nào mà đa số các tác phẩm văn chương và ca nhạc toàn là ca tụng mẹ, còn đối với cha thì thưa thớt, đếm trên đầu ngón tay. Trong gia đình, khi cha mẹ cãi nhau, con cái toàn bênh mẹ. Khi ly dị, bao nhiêu tội lỗi cứ đầu cha mà đổ.
Đành rằng có thể vì vần điệu của thơ lục bát, nên phải dùng cụm từ "thờ mẹ, kính cha" mà không thể đổi thành "kính mẹ, thờ cha" được, nhưng Đốc Gàn đề nghị sửa lại: "Một lòng thờ kính mẹ cha" thì công bằng và trọn nghĩa hơn.

Giáo sư Triết học Trần Văn Đoàn đã chủ trương rằng nguyên lý mẫu tính Việt Nam gồm 4 yếu tính: sinh, dưỡng, dục và lạc.

Chữ MẸ trước hết tượng trưng cho sự sinh sản. Chính vì thế mà tất cả những sự vật, nhân vật, hay thần thánh quan trọng nhất đều có một công năng chung, đó là công năng sinh sản. Sự tích Lạc Long Quân - Âu Cơ đẻ trăm trứng, tạo nên cả giòng Lạc Việt, nói lên ý nghĩa của sinh sản. Họ chấp nhận tục lệ vợ bé. Vợ cả tìm vợ bé cho chồng, trong trường hợp vợ cả không con nối dõi tông đường, hay người chồng có quyền rẫy vợ trong trường hợp hiếm muộn (Luật Gia Long). Sinh cũng đồng nghĩa với trường sinh, nối dài cuộc sống, giữ gìn cuộc sống, và phát triển cuộc sống. Trong một tâm tình như vậy, người Việt thường đồng hóa người MẸ với gia đình, với tổ quốc, với đất đai, với nước, với sông, với vườn, với ao, với nhà, v.v... Những kiểu nói quê mẹ, đất mẹ, nước mẹ, nhà mẹ hay những sự vật lớn phát sinh, "đẻ" ra các sự vật khác cũng được gọi là "cái", hay "mẹ": sông cái, đường cái, v.v... đều chỉ ra nguyên lý sinh, hay mẫu tính này.

Người Việt không thể tách rời sinh khỏi dưỡng. Nhiều khi họ đồng nghĩa sinh với dưỡng, thí dụ như câu nói "Cha sinh mẹ dưỡng". Thế nên, dưỡng nói lên tính chất của bao bọc, che chở và dìu dắt.

Tại Việt Nam, giáo dục là một phần của công việc thành nhân, nên nó quan trọng không kém sinh và dưỡng. Nơi đây ta nhận ra lối nhìn Việt đối với mẹ. Người con có thành nhân, thành tài hay không đều do người mẹ cả:

Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà.

Sau hết, người mẹ được coi như cái nôi, cái nguồn của lạc thú. Nàng là thú vui của gia đình. Nàng không đi tìm lạc thú cho mình, nhưng cho chồng, cho con, và cho gia tộc, hoặc rộng hơn, cho tổ quốc.  (16)

Mẹ của Đốc Gàn là một bà mẹ quê - rất quê - Việt Nam, áo vải nâu sồng:

Mẹ Việt Nam, không son không phấn,
Mẹ Việt Nam, chân lấm tay bùn.
Mẹ Việt Nam, không mang nhung gấm
Mẹ Việt Nam, mang tấm nâu sồng.
      ("Trường Ca Mẹ Việt Nam"
            Nhạc sĩ Phạm Duy)

Bà Mẹ quê mùa ấy,

Đêm sớm không nề hà chi
Ngày tháng không ao ước gì
Nhỏ giọt mồ hôi, vì đời trẻ vui.
(Phạm Duy, bài hát "Bà Mẹ Quê")

Khi Đốc Gàn được 9 tháng thì bố đăng lính viễn chinh Pháp. Ông đưa vợ con lên tỉnh Nam Định chụp bức hình kỷ niệm chia tay, rồi vác ba lô lên đường, theo đuổi mộng đời trai. Buổi biệt ly hôm ấy diễn ra tại bến đò Quan trên sông Nam Định. Chàng thanh niên 21 tuổi bước lên tàu sang Pháp, bỏ lại người vợ trẻ quê mùa 19 tuổi và đứa con trai đầu lòng mới biết ngồi.

 
                      Con biết ngồi thì bổ bỏ đi xa...

Tiếng còi tàu như xé nát cõi lòng kẻ ở lẫn người đi. Lúc con tàu tách bến, người mẹ đứng ôm con trên bờ, nước mắt giàn dụa ngóng theo con tàu mỗi lúc một nhỏ dần. Người ra đi bỏ lại đằng sau cảnh vợ dại con thơ với một tương lai không bờ không bến. Mẹ con âm thầm cô đơn bồng bế nhau trở về làng Nam Ninh, sống nuôi nhau bằng nghề dệt vải. Thời đó, thanh niên trong làng chỉ sống bằng nghề nông, cày sâu cuốc bẫm, còn thiếu nữ thì hầu hết làm nghề dệt vải. Thanh niên nào được tuyển đi lính Pháp là một vinh dự. Cả làng của Đốc chỉ có hai người được chọn: Ông Quản Tuyên và bố của Đốc Gàn.

Chàng ơi, phải lính thì đi,
Cửa nhà đơn chiếc đã thì có em

hoặc: 

Anh ơi phải lính thì đi
Con còn măng dại đã thì có em.

Làng Nam Ninh, tỉnh Nam Định của Đốc Gàn lúc đó chưa có trường học. Hầu hết trẻ em trong làng đều mù chữ. Cậu bé Đốc Gàn mỗi buổi sáng cắp sách sang nhà bên cạnh học chữ với người chú họ, tên Vụ, con trai lớn của ông Đội Tuyên. Chú chỉ dạy Đốc Gàn và cô em gái thôi. Tuy cô lớn hơn cháu mấy tuổi, nhưng lại học dở hơn cháu. Cô còn cậy lớn, có anh làm thày giáo nên được thể bắt nạt cháu. Thằng cháu cũng đâu phải tay vừa. Nó có cả trăm cách để trả thù cô. Mỗi lần "thua" cháu, cô khóc mếu máo sang mách mẹ Đốc Gàn, nhưng cô lầm to! Mẹ chỉ cười khì, vì cảnh một mẹ một con, mẹ thương con như cục vàng, làm sao mà mẹ đánh con cho cô hả dạ được. Và cứ như vậy, cô cháu cãi nhau hàng ngày. Đến khi hai người đầu bạc răng long rồi mà mỗi lần gặp nhau, bà cô vẫn còn ấm ức khiếu nại mãi về câu chuyện này. Đi học tới trưa về nhà, cậu bé Đốc Gàn có bổn phận phải thổi cơm, nấu nước, rửa bát và quay suốt cho mẹ dệt vải.

Người ta dệt vải trên khung cửi. Các sợi chỉ theo chiều dọc của tấm vải được mắc sẵn trên khung cửi. Còn các sợi chỉ ngang của tấm vải được quay vào các con suốt nhỏ, rồi bỏ vào trong con thoi. Công việc của người dệt vải là phải ném con thoi từ phải qua trái, rồi từ trái qua phải theo nhịp hai chân đạp đều đặn để các sợi ngang được đan vào các sợi chỉ dọc.

 
               Dệt vải 
 
                              Dệt vải 
 
                                   
   Quay suốt   (Hình: Nguyễn Tấn Lộc sưu tầm)

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã diễn tả động tác này trong bài thơ "Dệt cửi" rất dí dỏm:

Hai chân đạp xuống năng năng nhắc,
Một suốt đâm ngang thích thích mau.

Mẹ thầy Mạnh Tử xưa kia cũng làm nghề dệt vải. Chuyện kể rằng: Một hôm Mạnh Tử đang đi học bỏ về nhà chơi. Bà mẹ đang ngồi dệt cửi trông thấy, liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung, nói rằng:

- Con đang đi học mà bỏ học, thì cũng như mẹ đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi vậy.

Từ hôm đó, thầy Mạnh Tử học tập rất chuyên cần, về sau thành một bậc đại hiền. Thế là chẳng nhờ chiếc khung cửi làm đề tài giáo dục quý báu cho bà mẹ dạy con hay sao?  (17)

Và cũng từ cái khung cửi này, người đời còn truyền tụng một câu chuyện giáo dục rất hay nói về hậu quả của những lời đồn đại lúc đầu chỉ là một tin thất thiệt, nhưng nghe mãi rồi người ta cũng tưởng là sự thực. Đó là xảo thuật trong việc tuyên truyền:

Thầy Tăng Sâm là một hiền nhân, học trò của đức Khổng Tử.  Một hôm, thầy vào rừng kiếm củi, bà mẹ ở nhà dệt cửi.  Có người đến nhà bảo:

- Tăng Sâm giết người rồi.

Bà mẹ điềm nhiên dệt cửi vì bà rất rõ con mình:

- Làm gì có chuyện đó được.

Lát sau, lại có người đến báo tin dữ.  Bà mẹ vẫn ngồi dệt cửi, lòng không lay động.  Ðến lúc nhận được tin lần thứ ba, bà quăng thoi, hớt hải đi tìm con… và khám phá ra kẻ sát nhân chỉ trùng tên với con mình.   (18)

Chú thích:

(13)    "Cội Nguồn Việt Tộc", sđd., tr. 76

(14)    Phồn: nhiều, thực: nảy nở. Xin xem "Tín Ngưỡng Phồn Thực", chương 4 của sách này.

(15)    "Cội Nguồn Việt Tộc", sđd., tr. 79

(16)   Trần Văn Đoàn, Bài khảo luận "Mẫu Tính Trong Văn Hóa Việt",  Web. simonhoadalat.com

(17)    Liệt Nữ truyện

(18)  Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Từ An Trần Lê Nhàn, "Cổ Học Tinh
     Hoa", Quyển 1, tr. 21