main billboard

Kỷ niệm chuyến đi từ ngày 8 đến 12-6-2006

  * Thăm Hội Ái Hữu Cựu CSQG Georgia

Đáp lời mời của Hội Ái Hữu Cựu Cảnh Sát QG Georgia, mình đến thành phố Atlanta rừng núi um tùm, để thuyết trình về “Chuyện Một Tấm Hình Oan Nghiệt”, tức tấm hình lịch sử Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng Giám Đốc CSQG/VNCH bắn Đại Úy đặc công Việt Cộng Nguyễn Văn Lém. Lúc đầu, mình cứ tưởng phi trường Atlanta đại khái cũng nhỏ nhắn, dễ tìm giống như San Jose này, nhưng lầm to! Xuống phi cơ rồi mới tá hỏa tâm thần, sao mà nó mênh mông bát ngát thế này. Làm sao biết anh em Cảnh Sát phe ta đi đón ở phương trời nào đây? Thân già lọm khọm kéo chiếc vali giữa đoàn hành khách đông nghẹt và vội vã. Càng đi càng thấy như xa cửa... Thiên Đàng. Đi bộ mất gần nửa tiếng. Lúc đầu còn hăng hái vừa đi vừa hát theo nhịp quân hành: “Đường trường xa... Ta kéo vali lên rừng!” Nhưng rồi mồ hôi bắt đầu lã chã trên trán. Lo lắng! Tìm chỗ gọi điện thoại công cộng, nhưng đi hoài mà chưa thấy. Bỗng dưng từ đàng xa hiện lên một biểu ngữ nền vàng chữ xanh vĩ đại: “Hội Cựu Cảnh Sát Quốc Gia Georgia Chào Mừng Thầy Trần An Bài”. Thấy chưa? Trời đâu có phụ người tình xa! Nghe đâu, đứng chờ lâu đã có người mất kiên nhẫn định chia nhau tan hàng đi tìm “ông già lạc”, nhưng Cò Trần Quang Sang ngăn cản: “Đừng có lo! Tôi biết Thầy tôi mà! Thả ông vào rừng ông cũng biết tìm đường ra!”


 Tay bắt mặt mừng tại Phi Trường Atlanta

 

Cò đầu đàn Nguyễn Văn Nhì thật là chu đáo trong việc tiếp đón: Nào là biểu ngữ, tặng hoa, quay phim, chụp hình. Trong số những người có mặt tại phi trường trong ngày làm việc, một số mình biết, nhưng số đông thì chưa biết: Cò lớn: Nhì, Nhàn, Lòng, Lai, Hưởng. Các Cò non K6: Mãng, Sang, Việt, Ninh. Lại còn có thêm ba Cò nữ: Nhì, Nhàn và Phượng! Khi về tới tiệm ăn của nhà văn Dương Thanh thì có thêm Cò Niệm, Cò Trọng Võ và Cò Thanh K6.

Ngày hôm sau, thứ Sáu, buổi sáng, cò Mãng dẫn đi xem trụ sở đài truyền hình CNN và Công Viên Thế Vận Hội Quốc Tế Atlanta.

TS Trần An Bài thăm tổng Đài CNN 

Thăm tổng Đài CNN

 

Đến tối, được tham dự bữa tiệc thân mật để chào mừng anh em và đặc biệt cũng là để chúc mừng một con em gia đình Cảnh Sát đã thành tài. Đó là cô Nguyễn Thị Vân Chi, con gái của Cò Nguyễn Trọng Việt Khóa 6 vừa đậu bằng Dược Khoa và Cao Học Kinh Doanh. Đây là những công dân Việt trẻ tuổi, đang sinh sống và lập nghiệp tại Kỳ thứ tư của Việt Nam. (Nên nhớ nước Việt Nam hiện nay có 4 kỳ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ và Hoa Kỳ). Trong bữa tiệc này, ngoài một số những ông Cò đã gặp tối hôm qua tại phi trường, lại có thêm một số thân hữu khác nữa: Cò lớn Thủy, Cò lớn Phùng và phu nhân, Dược sĩ Bích, Cò Bành Kim Hoàng, Lê Văn Hoàng và Võ Hữu Tòng.

 

Tiệc Mừng tối thứ Sáu, 9-6-06

Trong bữa tiệc này, Cò Nhì tặng mình chiếc bút có khắc chữ “Hội Cảnh Sát QG Atlanta”. Mình hứa giữ kỹ kẻo viết nhiều hết mực. Cò Mãng quả quyết: “Mực Cảnh Sát lúc nào cũng dồi dào. Viết hoài còn hoài”. Nhưng Cò Nhì lại có vẻ hơi bi quan: “Có đôi khi viết không ra mực đấy!”

 

* Ngày Truyền Thống CSQG

Tuần trước, mình đã tham dự “Ngày Truyền Thống CSQG” tại San Jose. Thật vô cùng trang trọng và đông đảo. Lực lượng CSQG bao giờ cũng đứng hàng đầu trong việc tổ chức linh đình các ngày đại lễ. Ngày Truyền Thống tại Atlanta tuy ít người hơn, vì quân số tại đây làm sao bằng “Thủ Phủ Chính Trị” được, nhưng tình chiến hữu và lòng hăng say thì đâu cũng vậy, không thua gì San Jose. Trong khi một số các hội đoàn ở đây thiếu tình đoàn kết thì Hội CSQG vẫn đi tiên phong trong tình hợp nhất và yêu thương.

Sau phần bá cáo tình hình hoạt động của Hội trong năm qua, bài thuyết trình “Câu Chuyện Tấm Hình Oan Nghiệt” là trọng điểm. Mình vẫn có cảm tưởng rằng đứng trong hàng ngũ kẻ thất trận đã buồn rồi, nhưng lại phải nghe các cựu chức sắc VNCH cắn cấu nhau, càng buồn thêm! Lâu lâu cứ thấy các bậc đàn anh thua trận tung ra những tập nhật ký tự ca tụng mình là giỏi giang, không có trách nhiệm gì trong việc làm mất nước, rồi đổ hết trách nhiệm cho người khác... Thậm chí còn có những cấp chỉ huy đổ lỗi cho cả thuộc cấp, rồi đòi trả cái này hay trả cái kia cho mình nữa... Coi chẳng giống con giáp nào cả! Riêng mình chủ trương rằng hãy đứng thẳng, nhìn thẳng vào mặt quân thắng trận và cho họ biết rằng những tên đặc công vô kỷ luật, tàn ác, giết hại đàn bà con nít thì phải bắn thôi!

 TS Trần An Bài thuyết trình “Chuyện một tấm hình oan nghiệt”

Thuyết trình “Chuyện một tấm hình oan nghiệt”

 

Điều làm mình băn khoăn nhất là không biết các thính giả có chấp nhận và hiểu rõ ý nghĩa hình ảnh và việc làm của Tướng Loan khi hành quyết tên đặc công Cộng Sản ngay tại đường phố hay không. Nhưng thật lạ lùng! Sau khi xem khúc phim Tướng Loan nổ súng và tên đặc công nằm dãy chết trên đường, bà con vỗ tay rầm rầm. Họ tán thưởng việc làm của Tướng Loan như một hiệp sĩ đã hạ sát một tên tội đồ để cứu sống bao nhiêu dân lành vô tội. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là chính các quý phu nhân, như bà Phán, bà Nhàn, bà Phượng, bà Việt... còn hăng hơn nữa! Bà Phán nói: “Không phải một tên Bảy Lốp đó, mà 10 tên như vậy, tôi cũng bắn bỏ! Giết một tên hung bạo để cứu sống bao nhiêu người hiền lành thì tại sao không giết?” Nghe các bà nói, mình khấp khởi mừng thầm. Đúng là các bậc anh thư, con cháu Bà Trưng, Bà Triệu!

Những bông hoa Tri Ân tặng Hậu Duệ Bà Trưng, Bà Triệu 

Những bông hoa Tri Ân tặng Hậu Duệ Bà Trưng, Bà Triệu

Ai cũng tưởng các bà vợ ông Cò hiền thục, nhu mì, không biết chuyện chính chị chính em, mà chỉ biết thờ chồng nuôi con. Nhưng sau những năm tháng gánh gạo nuôi Cò, bây giờ mà nói tới Cộng Sản là biết tay các bà liền:

Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non
Nàng về nuôi cái cùng con
Anh đi cải tạo nước non Cao Bằng

Một phu nhân tâm sự: “Em lấy chồng năm 20 tuổi. Ở với chồng mới được 5 năm và có 3 mụn con thì phải xa chồng tới 13 năm. Chồng ở tù về, lại lo cho đi vượt biên, mãi 7 năm sau mới được đoàn tụ. Tới lúc đó, em vừa chẵn 45 tuổi. Đời con gái đã xế chiều rồi còn gì. Gần chồng mới thực sự chỉ có 5 năm mà phải mừng Ngân Khánh Hôn Nhân tới 25 năm.” Hèn chi mà các bà không hận Cộng Sản! Có điều đặc biệt là khi được hỏi nếu bây giờ chồng bị đi tù cải tạo một lần nữa thì các bà có chịu quang gánh nuôi Cò lần hai không thì tất cả các bà đều dãy đành đạch, nhất định em chả, em chả:

- Bây giờ mà anh ấy đi tù thì em cho chết luôn ở trong đó cho chừa!

Bèn có tiếng trả lời đâu đó rằng:

- Nói dzậy mà không phải dzậy đâu! Ai ngu gì mà đi tù lần nữa! Không nuôi chàng thì em ở với ai?

                         Mỹ đen, Mễ lậu, Hát Ô
             Trong ba chàng ấy, em ô kê chàng nào?

Niên Trưởng Nguyễn Văn Nhì tặng quà lưu niệm 

Niên Trưởng Nguyễn Văn Nhì tặng quà lưu niệm

TS Trần An Bài nhận hoa 

Hoa Đẹp - Người Đẹp

Cò Mãng phụ trách phần chiếu phim trong bài thuyết trình kể rằng: Hương hồn Tướng Loan linh thiêng lắm. Rõ ràng anh bỏ vào trong chiếc máy DVD hai chiếc đĩa, mà khi gần đến giờ thuyết trình, mở ra chỉ còn một. May mà còn có đĩa phòng hờ. Đến sau về nhà, anh mở tung máy ra thì có tới mấy chiếc đĩa bị kẹt trong đó. Anh không hiểu sao máy vẫn chạy được. Nếu mà phần chiếu phim bị trục trặc thì bài thuyết trình kém hào hứng rất nhiều.

Ban Tổ Chức Ngày Truyền Thống CSQG – Atlanta 

Ban Tổ Chức Ngày Truyền Thống CSQG – Atlanta

 

Đến chiều, mình được cò Lòng dẫn đi ngoạn cảnh “Stone Mountain”. Từ đỉnh núi nhìn xuống, mình cứ tưởng như sắp sửa được tới cửa Thiên Đàng!

 TS Trần An Bài thăm Atlanta

Trông vậy mà đầu gối đang run đấy!

 

* Họp Mặt Khoá 6 Cảnh Sát

Nhân chuyến thăm Atlanta, các chú Cò trẻ thuộc Khóa 6, trung bình tuổi mới 5 bó, tổ chức buổi họp mặt tại nhà cò Mãng. Khóa 6 ở đâu cũng vậy. Gặp nhau là ồn ào, lắm chuyện, dứt nhau không ra. Đúng như phu nhân Cò Trần Xuân Thái đã nói một câu bất hủ để đời: “Em biết anh có thể bỏ em được, nhưng các anh không bao giờ bỏ nhau đâu!” Điểm lạ kỳ là làm sao các phu nhân K6 chỗ nào cũng đều công dung ngôn hạnh mười phân vẹn mười. Thành ra hễ họp nhau là vui như Tết!

Mình chúc mừng anh em họ Trần ở Atlanta đã làm ăn khấm khá, vì khi đến phi trường mình thấy có nhiều máy bay mang hiệu “AirTran”. Mình hỏi bao giờ mới được đi máy bay hãng Trần “free”. Anh em nói, phải chờ để hoàn tất thủ tục sang tên.

 Trần Quang Sang khui rượu mừng

Trần Quang Sang khui rượu mừng

 Cò Sang và phu nhân

Cò Sang và phu nhân

Bắt đầu buổi họp mặt, cò Trần Quang Sang - lúc bình thường trông rất đạo mạo, nhưng đến chuyện cũng tếu dễ sợ - đứng nghiêm bắt tay chào mình theo kiểu nhà binh: “Xin chào Sư Phụ”. Xong, cò Sang liền kể chuyện có một Sĩ Quan nọ, gặp đoàn dê đi ngang, bèn dơ tay chào kính chú dê đực rất nghiêm chỉnh: “Chào Sư Phụ!” Một bạn đồng nghiệp hỏi viên Sĩ Quan: “Khi không mà lại đi giơ tay chào con dê như vậy?” Sĩ Quan liền nghiêm nghị giải thích: “Trên đời, tớ chưa thấy ai ngon lành như chú dê đực này. Mỗi sáng, chú đứng trước cửa chuồng, mỗi nàng dê cái ra khỏi chuồng là chú dê đực tặng cho một quả. Đàn dê cái đông như vậy mà chú chẳng thấy mệt, chẳng bỏ sót một con dê cái nào, cũng chẳng thốt ra một lời than van. Lại còn lăng xăng chạy lên chạy xuống ra cái vẻ ta đây còn sung sức lắm. Thế chẳng đáng là Sư Phụ thì là cái gì?” Mình nghĩ bụng: “Cái ông cò Sang này có lý lắm chứ! Phải chi mình được như “Sư Phụ Dê” thì phê biết mấy!”

Cò Hưởng trích dẫn Chinh Phụ Ngâm 

Cò Hưởng trích dẫn Chinh Phụ Ngâm

Tiệc bắt đầu. Rượu được khui. Chai rượu quý Royal Crown do vợ chồng Cò Trần Thế Duy cung cấp. Cò Duy là chủ tiệm rượu to vào bậc nhất nhì ở Atlanta. Loại rượu này ngày xưa Tổng Thống Thiệu rất thích. Phải công nhận rượu ngon thật. Uống rất đầm và không nhức đầu. Cò Sang rót ra đầy ly và chuyền cho bàn các Cò nữ, bắt phải luân phiên uống cho hết. Ấy thế mà hết thật. Tiếng vỗ tay vang dội. Cò lớn Hưởng (K3) bèn lên tiếng ca tụng các bà đã có thời đi thăm nuôi chồng trong trại cải tạo bằng những vần thơ trong Chinh Phụ Ngâm:

Giở khăn lệ, chàng trông từng tấm,
Ðọc thơ sầu, chàng thấm từng câu.
Câu vui đổi với câu sầu,
Rượu khà cùng kể trước sau mọi lời.

 

  Vợ cò Duy: "Rượu nào là rượu chẳng say"

 Rượu nào là rượu chẳng say

 

Cò Mãng kể chuyện “Bắt Cá Ông Công”. Số là một Sinh Viên Khóa 6 gác ban đêm gần hồ cá. Anh chàng này “điên” hay sao mà đêm đó lại dám bắt hai con cá kiểng của Đại Tá Viện Trưởng Trần Minh Công để nướng ăn. Dĩ nhiên, chuyện gì phải tới sẽ tới khi Đại Tá thấy mất hai con cá quý của mình. Mới đây khi gặp lại Đại Tá, anh xum xoe:

- Chào Đại Tá! Đại Tá còn nhớ em không?
Đại Tá Công ngần ngừ:
- Ừ, trông quen quen, nhưng lâu ngày quá, chưa nhớ ra!
- Em là Sinh viên Khóa 6 đây mà. Em là người bắt hai con cá của Đại Tá ăn thịt và bị Đại Tá cho lãnh mấy củ đó!

Đại Tá Công cười khoái chí, ra vẻ mừng rỡ lắm:
            - À! Vậy hả? Nhớ rồi!

Cò Mãng kể chuyện “Bắt Cá Ông Công” 

Cò Mãng kể chuyện “Bắt Cá Ông Công”

Cò Phùng Khắc Sinh sau khi xổ một “tràng thơ”, bèn nói nhỏ với mình: “Em nhớ buổi học cuối cùng, thày trò mình trao đổi địa chỉ hẹn hò mà! Nhà thày ở đường Thánh Mẫu.” Mình phục tài ông Cò này có trí nhớ lạ lùng. Anh em K6 kể nhiều kỷ niệm, nhưng chưa thấy ai nhớ địa chỉ của mình. Cò Sinh này khôn thật. Không thuộc địa chỉ mình thì khi hữu sự, biết làm sao tìm được mình.

Gia đình Phùng Khắc Sinh 

Gia đình Phùng Khắc Sinh

Anh em chĩa mũi dùi vào Cò lớn Thủy, Tiểu Đoàn Trưởng khóa sinh. Chuyện kể rằng: Cái vui nhất của cuộc đời sinh viên trong quân trường là tấm giấy phép. Vậy mà cứ cuối tuần, Cò Thủy mới bắt đầu ra tay kiếm chuyện. Có lần Cò Thủy quệt tay lên cánh quạt trần, ngón tay đen ngòm, thế là cả đại đội bị cúp phép vì ở dơ. Buồn như trời sụp! Cò Thủy bèn thanh minh: “Thì chỉ giam phép vài tiếng thôi, chứ đâu có cúp phép luôn cuối tuần đâu mà sợ! Còn khoan hồng chán!” Anh em thông cảm. Quân trường mà không phạt thì đâu phải là quân trường!

Cò Thủy: “Giam phép vài tiếng cho vui ấy mà!” 

Cò Thủy: “Giam phép vài tiếng cho vui ấy mà!”

Cò Nguyễn An Ninh, con người nổi tiếng là thầm lặng, bị Cò nữ mét: “Thày nghĩ coi: Hồi đó, anh ấy cứ đón em ở trường và theo hoài. Anh ta chẳng nói với em được một lời, mà chỉ đi theo thôi. Em cũng không biết anh theo em để làm cái gì. Thú thực với thày em rất ghét Cảnh Sát, mà anh ta cứ theo em hoài.” Mọi người cười khoái chí, chờ câu trả lời của cò Ninh. Nhưng cóc vẫn chưa mở miệng. Mình hỏi: “Thế bây giờ chị đã biết anh ấy theo để làm gì chưa?” Chị bẽn lẽn: “Em cũng không biết nữa!” Một hồi lâu, hũ gạo mới mở nắp: “Cảnh Sát chỉ hành động chứ không nói!” Mình nghĩ bụng: “Cò Ninh nữ khôn tổ trác. Người vợ nào cũng ước mong: Giá chồng tôi chỉ nói 1/10 những gì anh nói thì sung sướng biết bao. Còn chồng thì mong ước: Giá mà mình nghễnh ngãng đi khoảng 9/10 thì cuộc đời thật hạnh phúc!” Cò Ninh nữ lấy được ông chồng nói ít làm nhiều thì như trúng số rồi, còn kêu ca gì nữa!

Cò Ninh: “Cảnh Sát chỉ làm chứ không nói!” 

Cò Ninh: “Cảnh Sát chỉ làm chứ không nói!”

Đến lượt Cò Trần Thế Duy nữ than thở: “Ngày xưa trước khi cưới, nhà em tán tỉnh rằng: Sau khi lấy em về, em sẽ là “mẹ anh”, theo đúng bài thơ thày viết trong Đặc San kỷ niệm 40 năm thành lập Học Viện: Khi nào lỡ bước sa chân, Vợ như là mẹ, ân cần sớm hôm. Nhưng em đã lầm, khi lấy nhau rồi, anh ta là “ông nội” em.” Mình phải biện minh cho Duy rằng: “Sở dĩ Duy phải lên chức “ông nội”, vì trong nhà chắc đã có người lên chức “bà nội” rồi!”

Gia đình Cò Duy: “Ai là nội của ai đây?” 

Gia đình Cò Duy: “Ai là nội của ai đây?”

Cò Châu thì nhắc mọi người vui chơi, nhưng đừng quên các đồng bạn còn kẹt nơi quê nhà: “Rau răm ở lại chịu nhiều đắng cay!” Quả thực, đây là mẫu người đáng yêu, lúc nào cũng nghĩ tới anh em. Mình biết K6 hàng năm vẫn có những chương trình quyên góp để giúp đỡ các bạn cùng khóa bên Việt Nam. Họ còn lập ra một diễn đàn “K6 Việt Nam” để liên lạc thường xuyên với nhau mà!

Nghe nói cò Châu có trại gà lớn lắm ở Atlanta. Chuyến sau nhất định phải đi coi. Nhắc đến trại gà, mình chợt nhớ đến câu chuyện vị Tổng Thống thứ 30 của Hoa Kỳ, ông Calvin Coolidge (1872-1933). Một lần kia ông và phu nhân đi thăm một trại gà. Chủ trại chỉ vào một chuồng và nói nhỏ với phu nhân: “Thưa bà, chuồng này nhiều gà mái, nhưng chỉ có một con trống. Bà thấy con trống nhỏ nhỏ vậy mà dữ tợn lắm đó. Mỗi ngày nó có thể đạp mái một hơi tới mười lần.” Phu nhân ngạc nhiên, ra vẻ đăm chiêu, rồi nói nhỏ với chủ trại: “Anh phải đến gặp ngay Tổng Thống và kể cho ông ta nghe chuyện này nhá!” Viên chủ trại vâng lời, nhanh nhẹn tiến đến gần TT. và giới thiệu con gà trống. Anh còn thật thà thưa với TT. là phu nhân bảo anh kể chuyện này cho ông. TT. Coolidge nghe xong, gật gù có vẻ khoái chí lắm. Ông hỏi chủ trại:

- Thế, nó đạp mái mười lần với cùng một con hay với mười con khác nhau?
            - Dạ, mười con khác nhau.

TT. Coolidge hóm hỉnh vỗ vai chủ trại:

- Anh hãy gặp vợ tôi và cho bà ta biết cái chi tiết khá quan trọng này!

Câu chuyện “Trống Đạp Mái” nhằm bổ túc câu chuyện “Chào Sư Phụ” của cò Sang đấy nhá!

 Cò Châu: “Rau răm ở lại chịu nhiều đắng cay”

Cò Châu: “Rau răm ở lại chịu nhiều đắng cay”

Cò Mừng dáng người phong nhã thư sinh, nổi tiếng là hiếu đễ. Đi tù cải tạo mà lại bị giam chung cùng một phòng với bố. Nhìn thấy cảnh cha bị biệt giam, cò Mừng đứt từng khúc ruột. Cha mình bị tù đã là đau khổ, nhưng chính mắt mình phải nhìn thấy cảnh cha bị xiềng xích biệt giam, nỗi khổ trở nên lũy thừa.

 Cò Mừng, người con hiếu thảo

Cò Mừng, người con hiếu thảo

Nhìn thấy đám Cò em vui đùa thoải mái, Cò lớn Nhì khuyến khích: “Hãy cứ vui đi! Năm năm, sáu tháng, bẩy ngày”. Suy nghĩ mãi mới hiểu được ý nghĩa thâm thúy của câu nói. Tuổi 5 bó thì có thể tính chuyện bằng năm. Tuổi 6 bó thì mỗi tháng cuộc đời có thể đổi thay. Còn tuổi 7 bó thì ngày trước ngày sau có thể ra khác rồi! Ôi, cuộc đời vắn vỏi là thế đó! Mình cố níu kéo thời gian và xin sửa lại: “Bẩy năm, tám tháng, chín ngày” cho đời dài thêm và hy vọng thêm một tí nữa!

Cò Nhì (phu nhân ngồi bên phải): “Năm năm, sáu tháng, bẩy ngày” 

Cò Nhì (phu nhân ngồi bên phải): “Năm năm, sáu tháng, bẩy ngày”

Ngày họp mặt được kết thúc bằng màn cắt bánh. Chiếc bánh này do bàn tay nội trợ khéo léo của Cò nữ Nguyễn Trọng Việt trang trí, với hàng chữ “Kính Mừng Thày Bài - CSQG K. 6 - ATL”. Quả là đúng ý mình quá chừng chừng! Đã từ lâu, mình đến sinh hoạt với K6 và đã hoà nhập, trẻ trung, để trở thành một SVSQ K6 hồi nào không hay.

Chiếc bánh và bó hoa hồng ân tình của gia đình Nguyễn Trọng Việt 

Chiếc bánh và bó hoa hồng ân tình của gia đình Nguyễn Trọng Việt

Gia đình Cò Nguyễn Trọng Việt và phu nhân cò Mãng 

Gia đình Cò Nguyễn Trọng Việt và phu nhân cò Mãng

Cuộc vui nào rồi cũng có lúc phải tàn. Anh em chia tay trong niềm luyến tiếc. Nhà cò Mãng ngổn ngang đầy bát đĩa, ghế bàn... Thế mà Cò Mãng nữ vẫn vui vẻ như không có gì: “Nhà em tiệc tùng hoài à! Nhưng chưa bữa tiệc nào vui như hôm nay!” Mô Phật! Cám ơn những tấm lòng vàng như vậy!

Gia đình Cò Mãng - Một kho truyện tình “Thăm tù cải tạo” 

Gia đình Cò Mãng - Một kho truyện tình “Thăm tù cải tạo”

Sáng thứ Hai, ngày 12-6-2006, trước lúc ra phi trường trở về San Jose, trời bỗng dưng tối sầm. Sấm chớp nổi lên đùng đùng. Mưa nặng hột. Gió ào ào. Chợt nhớ câu thơ: “Mình về ta chẳng cho về, Ta đổ mưa bão dầm dề sân bay”. Trước khi đi Atlanta, có bạn Khóa 6 đã viết “Y meo” cảnh giác mình phải xem kỹ vé máy bay Cò Mãng mua có phải là khứ hồi không rồi hãy leo lên máy bay. Họ sợ mình bị bắt cóc ở Atlanta. Mình trả lời: Nếu bị bắt cóc thì cũng là may. Có điều khó là cần phải kiếm cho mình một bà thổi cơm nấu nước. Cò Mãng đồng ý liền: “Một bà mà nhằm nhò gì. Ba bà cũng có ngay!” Khiếp quá! Cơn bão từ Florida thổi tới. Chẳng lẽ phải ở lại luôn Atlanta chăng? Mình mở hộp nước sâm Đại Hàn do Cò Việt tặng, làm một hơi hai chai. Thấy khoẻ khoắn lại. May quá, chuyến bay chỉ chậm lại có một tiếng. Khi vào máy bay, mình được ngồi ghế giữa. Bên phải là một bà Mỹ đen, bên trái là một bà Mễ. Mỗi bà cân nặng ... chỉ khoảng 300 pounds. Tự nhiên mình lại có hai cái gối nhung dựa đầu. Bên nào cũng êm ái như nhau. Mình ngủ một giấc thoải mái. Lúc tỉnh dậy, nghe như thoang thoảng đâu đây có mùi gì ... khen khét!

Đốc Gàn TRẦN AN BÀI