main billboard

Trên nguyên tắc, ông Chủ Tịch Hạ Viện phải là người đọc bài diễn văn quan trọng nhất của đại hội, nhưng kỳ họp năm này lại vắng bóng ông.

Cả mấy ngàn người từ mọi nơi đổ về dự Ðại Hội 2014 chứ không ít.

Trong suốt 3 ngày - từ mùng 6 đến mùng 8 Tháng Ba - tại thành phố Baltimore, Maryland, ngày nào cũng có những chính trị gia tầm cỡ nói chuyện, nhắc nhở mọi người đừng quên các giá trị quý báu “là nền tảng xây dựng quốc gia vĩ đại này”, đừng quên phải tranh đấu “để đất nước này không tiếp tục bị phe cấp tiến quá đà đẩy về cánh tả”; ngày nào cũng có phát biểu của những nhân vật được nói là đang nuôi mộng trở thành vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, đại để trình bày những điều mọi người cần làm trong những ngày sắp tới để lấy lại Tòa Bạch Ốc từ phe Dân Chủ như ông tỷ phú Donald Trump mời gọi “gặp lại nhau ở ngày hội lớn”, hay phải xây dựng lại đất nước Hoa Kỳ “đề chúng ta mãi mãi là cường quốc vĩ đại nhất” như lời Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio hô hào giữa tiếng vỗ tay hoan hô của mọi người.

John BoehnerChủ Tịch Hạ Viện John Boehner

Không thấy bóng dáng ông Chủ Tịch John Boehner, nhân vật đang điều khiển đảng Cộng Hòa ở Hạ Viện. Hỏi thăm mới biết ông không được mời dự phiên họp quan trọng nhất nhì của đảng, quy tụ thành phần bảo thủ và những viên chức thuộc hàng cốt cán đang nắm giữ guồng máy điều hành và hệ thống vận động tranh cử ở các địa phương.

Từ tuần trước, giới sinh hoạt chính trị tại thủ đô đã kháo với nhau chuyện ông Boehner không được mời dự đại hội, ngay cả ông Chủ Tịch Ðiều Hành Ðảng Reince Priebus cũng không có tên trong danh sách được mời phát biểu. Những người biết chuyện bảo nhau điều đó chứng tỏ ông Chủ Tịch Hạ Viện và người đang điều hành văn phòng trung ương “không được lòng cánh bảo thủ”, những người đặc trách chương trình đại hội thì nói “năm nay chúng tôi muốn chú trọng đến vai trò của lực lượng địa phương, muốn chú trọng đến những điểm chúng tôi đòi hỏi phải được ghi trong bản cương lĩnh tranh cử 2016, thay vì nghe các chính khách trình bày quan điểm, lập trường của họ”. Nói cách khác, “đại hội năm nay là đại hội của người bảo thủ, không phải là đại hội của các lãnh tụ ở Washington D.C.”, như lời bà Martha Lips nói với các đại biểu khác sau khi vừa nghe xong bài nói chuyện của ông Chris Christie, Thống Ðốc tiểu bang New Jersey.

Trên nguyên tắc, ông Chủ Tịch Hạ Viện phải là người đọc bài diễn văn quan trọng nhất của đại hội, nhưng kỳ họp năm này lại vắng bóng ông. Những người biết chuyện cho hay “điều này chẳng có gì lạ” vì “ông Boehner không được lòng cánh bảo thủ nên họ quyết định không mời ông”, mặt khác chính ông củng đang bực mình với cánh bảo thủ Tea Party “nên dù có mời chưa chắc ông sẽ nhận lời”. Ông bực mình vì cánh này “cứng rắn quá”, đã vậy trong thời gian gần đây “họ tự ý bỏ phiếu với nhau, không theo đề nghị của lãnh đạo đảng”.

“Rõ ràng chẳng bên nào ưa bên nào”, theo nhận xét của chiến lược gia Cộng Hòa Ford O’Connell khi tiếp xúc với giới truyền thông bên lề đại hội. “Cánh bảo thủ Cộng Hòa chẳng những không ưa ông Boehner mà họ còn ví von cho rằng tư cách của ông ta nếu có hơn thì cũng chỉ hơn ông Tổng Thống Dân Chủ Barack Obama, chứ không thể hơn bất kỳ một đảng viên Cộng Hòa nào khác”, dẫn chứng là ông ta gật đầu thông qua ngân sách, ông ta cũng bằng lòng cho hành pháp Dân Chủ vay thêm tiền để tiêu dùng. Chính vì điều đó nên cánh bảo thủ Tea Party “thu thập được 93,000 chữ ký đòi hỏi các vị dân biểu Cộng Hòa “phải đuổi ông Boehner, tìm người khác lên làm chủ tịch Hạ Viện”. Ðiều đó cũng có nghĩa là phe bảo thủ trong đảng “không hài lòng với ông ta” còn cánh Tea Party “thì đương nhiên họ ghét ông thậm tệ”. Do đó, cả 2 cánh “đều không muốn thấy ông Boehner xuất hiện ở đại hội”.

Nhưng dù họ có mời “hầu như ông Boehner cũng sẽ lắc đầu”, là nhận xét của nhà phân tích Mike McKenna từng góp phần soạn thảo kế hoạch giúp đảng Cộng Hòa lấy được khối đa số để nắm quyền kiểm soát Hạ Viện. “Tôi hình dung ra cảnh ông Boehner triệu tập các cố vấn lại, hỏi ý kiến họ xem có nên nhận lời mời nói chuyện ở Ðại Hội 2014 hay không.” Trong cuộc họp đó, “chắc chắn dàn nhân viên thân cận nhất của ông sẽ bỏ phiếu chống, vì họ biết sự có mặt của ông Boehner chỉ có hại chứ không có lợi”. Hại chỗ nào? “Chắc chắn ông ta sẽ bị cả ngàn đại biểu cùng nhau la hét phản đối, chưa kể sẽ có người đòi đuổi ông ta ra khỏi phòng hội, tìm cách ngăn cản không cho ông ta cất tiếng nói.” Nhưng điều đó “chỉ có hại cho cá nhân của ông ta, và là dấu hiệu của sự mất đoàn kết của đảng Cộng Hòa”.

Nhân viên văn phòng của ông Boehner từ chối trả lời những câu hỏi liên quan đến chuyện tại sao ông lại vắng mặt ở đại hội năm nay. Phát ngôn viên Cory Fritz của ông Chủ Tịch Hạ Viện khéo léo cho biết “ông sếp bận rộn với nhiều việc khác, phải đi vận động cho đảng và cho các ứng viên của đảng”. Còn chuyện đồn đãi ông Boehner không được mời thì “chung tôi không bao giờ công bố ông được những tổ chức hay cá nhân nào mời” vì đó “là chuyện riêng” chỉ trong nội bộ mới biết.

Cũng cần biết chỉ 4 năm trước đây, quan hệ giữa ông Boehner và thành phần bảo thủ Cộng Hòa - kể cả Tea Party - được xem là mối quan hệ “bền chặt” về mặt chính trị. Trong bài phát biểu đọc trước Ðại Hội Bảo Thủ Cộng Hòa 2014 ông lên tiếng chỉ trích thành phần cấp tiến trong đảng, nói rằng “đừng bao giờ nghĩ đến chuyện tách rời Tea Party ra khỏi sinh hoạt của đảng. Theo tôi, ý tưởng đó là ý tưởng ngu xuẫn nhất. Ngày nào tôi còn giữ vai trò lãnh đạo, ngày đó tôi sẽ tôn trọng họ, tôi sẽ lắng nghe tiếng nói của họ, và tôi sẽ đi chung đường với họ”.

Rất tiếc ở Ðại Hội 2014 mới kết thúc hôm Thứ Bảy vừa rồi, cánh bảo thủ và thành phần ủng hộ Tea Party không muốn nghe ông nói, cũng chẳng muốn đi chung đường với ông. Ðã thế, họ còn xầm xì với nhau, cho rằng ngày xưa ông là người của họ, bây giờ ông sẵn sàng gật đầu tương nhượng những đòi hỏi của ông Obama và cánh Dân Chủ, trong lúc họ cần người cứng rắn, bằng mọi giá không nhượng bộ đối phương.