main billboard

Cả 2 phía Dân Chủ cũng như Cộng Hòa sẽ tận dụng bản dự thảo ngân sách 2015 vào mục tiêu thu hút lá phiếu của cử tri, chưa vội bàn đến chuyện bao giờ nước Mỹ sẽ có ngân sách cho tài khóa năm tới.


Hình như ở Mỹ chuyện gì cũng phải có thứ tự lớp lang, kể cả chuyện công bố và tranh cãi về dự thảo ngân sách quốc gia. Ðiều này được thể hiện thật rõ ngày hôm qua (Thứ Ba, mùng 4 Tháng Ba 2014) ở thủ đô Washington D.C.

Trước 9 giờ sáng các vị dân cử Cộng Hòa lẫn Dân Chủ đã nhận được bản in dự thảo ngân sách do hành pháp đệ nạp, trong đó ghi rõ số tiền chính phủ cần cho tài khóa năm tới là 3,901 tỷ dollars. Lúc 11 giờ 15, Tổng Thống Barack Obama rời Tòa Bạch Ốc, lên xe đi đến trường tiểu học Powell Elementary School để thăm các em học sinh, 23 phút sau đó ông đọc bài phát biểu ngắn nói về ngân sách quốc gia. Trong bài phát biểu đó, ông nhấn mạnh ở điểm ngân sách mới được chuyển sang Quốc Hội xin cứu xét nhắm vào các mục đích “giá trị và tương lai của nước Mỹ,” là ngân sách “cho tương lai (đất nước) và cho các thế hệ con em trong tương lai.” Ðọc xong bài phát biểu ông Obama trả lời câu hỏi do một nhà báo của đài CBS nêu lên liên quan đến quan điểm của chính phủ Mỹ với biến chuyển đang xảy ra tại Ukraine, trước khi lên xe về lại Tòa Bạch Ốc.

gene sperlingÔng Gene Sperling, giám đốc Hội Ðồng Kinh Tế Quốc Gia, nói về ngân sách 2015, tại tòa nhà Eisenhower, cạnh Tòa Bạch Ốc, hôm Thứ Ba. (Hình: Alex Wong/Getty Images)

Ðoàn xe vừa lăn bánh thì ở Quốc Hội, ông Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner cũng từ văn phòng bước ra gặp các nhà báo đứng đợi cả tiếng đồng hồ trước đó, để trình bày quan điểm của đảng Cộng Hòa về bản dự thảo ngân sách bên phía Dân Chủ mới đệ nạp. Câu đầu tiên của người thủ lãnh đảng Cộng Hòa là lời chê trách, cho rằng ngân sách 2015 của ông Obama “là ngân sách của người lãnh đạo thiếu trách nhiệm” vì “không cắt giảm chi tiêu” mà lại “muốn tăng thuế.” Ông Chủ Tịch Boehner bảo thêm trong đề nghị ngân sách hành pháp mới gửi sang, điều ông nhìn thấy “rõ ràng là tổng thống không tỏ nỗ lực muốn giải quyết những điều thật quan trọng mà chúng tôi đã trình bày liên quan đến ngân sách của quốc gia, (những điều) có ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của con cháu chúng ta.” Ông Boehner không giải thích thêm nhưng đã đủ để cho mọi người hiểu cánh Cộng Hòa không chấp nhận đề nghị của vị tổng thống Dân Chủ, và các phụ tá của ông sau đó “bắn tiếng” cho hay vài tuần nữa sẽ “đưa ra một bản dự thảo ngân sách khác” đi kèm với lời hứa hẹn đầy tự tin “sẽ hợp lý hơn dự thảo của phía Tòa Bạch Ốc.”

Ông Boehner nói xong thì đến phiên đại diện của đảng Dân Chủ Hạ Viện là Dân Biểu Steny Hoyer họp báo, cho rằng “đề nghị ngân sách của tổng thống không đi ra ngoài 3 điểm quan trọng là tiếp tục giúp phát triển kinh tế, tiếp tục tạo việc làm cho người dân và tăng cường an ninh cho quốc gia.” Ông Hoyer cũng thay mặt cho các đồng viện cùng đảng “kêu gọi các vị dân cử Cộng Hòa đồng thuận với dự thảo ngân sách mới được Tòa Bạch Ốc đưa ra,” nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu “bất kể là người của đảng Dân Chủ hay là người của đảng Cộng Hòa, chúng ta đều thấy đây là dự thảo ngân sách hoàn toàn có lợi cho quốc gia.”

Tất cả những chuyện lớp lang đó cũng cho thấy bản dự thảo ngân sách được hành pháp đưa ra “không có cơ may được thông qua,” theo nhận xét của các nhà phân tích chính trị Hoa Kỳ. Ông Mike McCullen từng làm việc với Viện Nghiên Cứu Brookings Institution nói rằng “dù dự thảo này đi sát với đường lối của đảng Dân Chủ” nhưng “đồng thời phái Tòa Bạch Ốc cũng biết là các con số họ đưa ra sẽ không được các vị dân cử Cộng Hòa ở Thượng và Hạ Viện chấp nhận.” Chiến lược gia độc lập Wayne Thomas vừa cười vừa bảo “cả 2 bên sẽ đem chuyện ngân sách ra bàn cãi, mục đích chỉ để kiếm phiếu cho cuộc bầu cử giữa kỳ vào cuối năm nay.”

“Ðiều đó không sai,” theo lời Giáo Sư Lara Brown, giám đốc Chương Trình Quản Trị Chính Trị của Ðại Học George Washington trong cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo The Washington Times trước khi bản dự thảo ngân sách 2015 được Tòa Bạch Ốc công bố. “Tất cả chúng ta đều biết những khoản chi tiêu quan trọng nhất đã được hai đảng đồng ý hồi cuối năm ngoái khi thông qua ngân sách tài khóa 2014, vì thế chúng ta có thể hiểu những con số Tòa Bạch Ốc đưa ra sẽ tạo tranh cãi nhưng đừng quên đó là thông điệp chính trị của đảng Dân Chủ cho cuộc bầu cử cuối năm nay” và có thể sẽ đi xa hơn, bắt đầu cho cuộc tổng tuyển cử vào năm 2014.

Trong dự thảo ngân sách, ngoài chuyện cần tới 3,901 tỷ dollars, Tổng Thống Obama còn đưa đề nghị tăng thuế với những cá nhân hay gia đình có mức thu nhập cao (tổng cộng sẽ thu về 645 tỷ), định lại những luật lệ về thuế cho công bằng hơn (được đặt tên là dự luật thuế Warren Buffett, trong đó có điều khoản giới hạn mức khấu trừ mà thành phần có mức thu nhập cao được hưởng khi tặng tiền cho các cơ quan từ thiện), cắt giảm số binh sĩ từ 570,000 xuống còn 440,000 và một số điều khoản quyền lợi trước đây được dành cho quân đội, đồng thời tăng ngân khoản dành cho các chương trình xã hội đi kèm với kế hoạch giảm thuế cho người nghèo và giới trung lưu mà Tổng Thống Obama từng nói đến từ khi ông mới ra tranh cử nhiệm kỳ đầu tiên. Phía Cộng Hòa phản đối, đưa ra lý do hành pháp vẫn chi tiêu quá nhiều, không lắng nghe ý kiến cần phải cắt giảm để cân bằng ngân sách, đồng thời chỉ trích Tòa Bạch Ốc quá vội vã khi cắt giảm quân số và thu hẹp chương trình hiện đại hóa quân sự, không suy tính đến an ninh quốc phòng.

Ngay chính Dân Biểu Cộng Hòa Paul Ryan, chủ tịch Ủy Ban Ngân Sách Hạ Viện cũng gọi bản dự thảo ngân sách 2015 “là cẩm nang tranh cử chứ không phải là bản dự thảo ngân sách quan trọng” như phía hành pháp Dân Chủ đã nói tới. “Trong lúc chính quyền đang phân hóa (giữa Dân Chủ và Cộng Hòa), chúng ta cần người lãnh đạo và sự cộng tác (để làm việc chung). Rất tiếc, cả 2 điều này đều không có.” Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Jeff Sessions, thành viên của Ủy Ban Ngân Sách Thượng Viện, cho mọi người biết khi đọc bản dự thảo ngân sách xong, cảm nghĩ đầu tiên của ông là phía đảng Dân Chủ “xem chuyện thâm thủng ngân sách là điều không đáng kể, xem chuyện phải vay nợ để chi tiêu cũng là điều không đáng kể, những chuyện thực tế đối với họ cũng không đáng kể nốt.”

Phía đảng Dân Chủ không nao núng trước những lời chỉ trích dược phe đối lập Cộng Hòa đưa ra. Bà Thượng Nghị Sĩ Pat Murray, người mới vài tháng trước đây đã cùng với ông Paul Ryan giải quyết bế tắc ngân sách tài khóa 2014, cho biết bà “hết lòng ủng hộ các khoản chi tiêu” được hành pháp ghi trong bản dự thảo, nhắc lại những gì bà và ông Ryan đạt được hồi cuối năm ngoái “mở đường cho những quyết định về chính sách quốc gia hữu lý hơn,” và dự thảo ngân sách 2015 “đi đúng con đường đó.”

Ðó cũng là điều được Tổng Thống Obama nói đến trong bài nói chuyện đọc trước Ủy Ban Dân Chủ Toàn Quốc cách đây chỉ vài ngày, cho hay đề nghị ngân sách của ông “là chìa khóa mở cánh cửa tương lai kinh tế cho nước Mỹ.” Ông nói tiếp “chưa bao giờ quyết định của chúng ta lại rõ rệt như vậy: hoặc là tạo cơ hội cho một số người, hoặc là tạo cơ hội cho mọi người,” kết thúc bằng lời kêu gọi cử tri nên bỏ phiếu ủng hộ các ứng viên Dân Chủ, để những gì ông đưa ra sẽ được Quốc Hội thông qua.

Ðiều đó có nghĩa là cuộc tranh cãi chỉ mới bắt đầu. Cả 2 phía Dân Chủ cũng như Cộng Hòa sẽ tận dụng bản dự thảo ngân sách 2015 vào mục tiêu thu hút lá phiếu của cử tri, chưa vội bàn đến chuyện bao giờ nước Mỹ sẽ có ngân sách cho tài khóa năm tới.