main billboard

Có một điều mà ít ai chú ý là đôi giầy cũng phản ảnh tâm tính con người, vì nó là vật dụng cho thấy cá tính của người chủ.


Quãng ba chục năm trước, báo chí thế giới có nói đến bà vợ ông tổng thống Phi Luật Tân là một người mê giầy. Chẳng là chuyện quốc sự tan tành và hai ông bà phải lưu vong qua Hawaii, người ta khám phá là bà Imelda Marcos này có tới ba ngàn đôi giầy ở trong dinh.

giay imelda marcosKho giày của bà Imelda Marcos (Ảnh trên Net)

Phải chi là một nữ minh tinh màn bạc và kiếm ra tiền nhờ tài nghệ của mình thì có ba ngàn đôi giầy cũng chẳng sao. Biết đâu chừng là còn được các hãng giầy mới làm người mẫu, hay người quảng cáo. Nhưng là một “công bộc của nhân dân” như bà Marcos thì hơi quá! Cứ cho rằng mỗi ngày mình đi một đôi buổi sáng, một đôi buổi chiều thì cũng phải năm năm mới xỏ lại vào đôi giầy cũ, nay đã thành hết “mốt.”..

Là một minh tinh màn bạc, Arnold Schwarzenegger cũng có bệnh... Imalda. Năm xưa chàng đã tự xưng mình là một “major shoe queen,” một kẻ mê giầy.

Arnold sau đó là The Terminator, rồi lại thành The Governator của tiểu bang lớn nhất Hoa Kỳ là California, nên phải gọi là ông cho phải phép.

Vì ông Schwarzenegger không sinh trên đất Mỹ, nên theo luật lệ Hoa kỳ không thể ứng cử tổng thống được.May là chuyện không thành, báo chí khỏi phải truy xem ông có nhiều giầy bằng bà Marcos không, và sẽ đi giầy gì vào tòa Bạch Ốc. Một shoe queen mà làm tổng thống thì đến Mỹ cũng phải sợ!

Từ những chuyện vẩn vơ ấy, người ta mới thấy ra sự lạ là xưa kia các ông ít chưng diện hơn các bà. Cho nên nếu có vài ba đôi giầy coi như đã đủ, vài chục là quá nhiều. Mà nói vậy cũng thành lạc hậu rồi vì ngày nay các ông đã chịu khó chưng diện hơn xưa, và mê giầy như Schwarzenegger không còn là trường hợp hãn hữu. Nhưng họ cũng rón rén đi với vẻ kín đáo hơn các bà. Các bà đi giầy cao gót nghe kêu coong coong, còn các ông ngồi đâu cũng tránh rung đùi để khoe đôi giầy mấy ngàn bạc của mình.

Trừ một ông tổng thống bị dân Mỹ chê là ruộng nhất.

Trong một bức ảnh kỷ niệm của đại gia đình Bush, với mọi người đều mặc dạ phục loại black tie, ông Bush cha ngồi giữa, mặc tuxedo mầu đen mà lại đi đôi bốt cổ truyền của dân MidWest. Sự nhượng bộ duy nhất của ông với thời trang là đôi bốt đó mầu đen, da láng. Trông cũng không đến nỗi tệ và làm ấm lòng những người Mỹ ưa chuộng loại nhạc “country.”

Mà đã nói chuyện vẩn vơ về đôi hài, sao không đọc lại bài thơ “Giục Giã” của Xuân Diệu?

Khi ông viết “Những vườn xưa, nay đoạn tuyệt dấu hài,” những người không biết chuyện đều kết luận rằng đấy là dấu hài của phụ nữ. Sai lắm lắm! Xuân Diệu có thể làm thơ gọi người bạn trai là em. Cho nên dấu hài ấy có khi là đôi giầy của nam phái, biết đâu chừng còn là... đôi dép râu!

Trong càc tài tử điện ảnh, Geroge Hamilton là người khá bảnh trai, có đủ diêm dúa để đóng vai một chàng Zorro hơi có máu đồng bóng. Trong phim Godfather thứ ba, chàng thủ vai một consiglieri - cố vấn - cho ông trùm Michael Corleone, nhưng vì quá đẹp trai đến gần như đẹp gái, đâm ra chàng thiếu vẻ gồ ghề cần thiết cho một quân sư làng dao búa như Robert Duvall của hai phim trước.

Khi qua Âu Châu quay phim “Bố Già.” Chàng khuân theo hai rương giầy. Quan thuế của Ý chặn lại mà không biết là ai, cứ ngỡ là một anh rao bán giầy và xua tay cho đi. Hamilton đau tới mười ngón chân khi bị hiểu lầm như vậy, mà cũng chẳng oan vì ngoài đời, chàng là người quảng cáo cho hãng giầy nổi tiếng của Anh là GJ Cleverley & Co. xưa kia được Humphrey Bogard chiếu cố.

Trong các tài tử điện ảnh, George Clooney xuất thân là thợ giầy, làm việc trong một xưởng đóng giầy ở tiểu bang Kentucky. Nhưng phải chăng vì vậy mà chàng hết mê giầy? Những người tò mò nhận thấy qua nhiều năm đi quay phim, George Clooney vẫn chỉ đi một đôi giầy Rockport mầu nâu, da đã mòn cả mũi lẫn gót!

Cùng cảnh ngộ, có Pierce Brosnan đóng vai James Bond. Những người mê xem phim có để ý thấy đôi giầy của chàng? Trong phim Tomorrow Never Dies quay năm 1997, qua đến phim The World is Not Enough thực hiện hai năm sau, chàng điệp viên của nữ hoàng vẫn bay nhảy, đấm đá với cùng một đôi giầy của hãng Church.

Khi mê giầy, nam và nữ có gì khác nhau? Các nhà sản xuất và nghiên cứu đều có nói tới một khác biệt. Các bà sẵn sàng chịu đau để được đẹp, nên chú trọng tới kiểu dáng của đôi giầy.

Ngược lại, các ông sợ đau nên trước hết phải êm chân đã. Có một điều mà ít ai chú ý là đôi giầy cũng phản ảnh tâm tính con người, vì nó là vật dụng cho thấy cá tính của người chủ. Khi đi xin việc bên Mỹ, nhiều người rất chịu khó ăn mặc cho đúng phép nhưng lại quên chú ý đến đôi giầy, trong khi ấy các nhà tâm lý luôn chú trọng đôi giầy. Họ nhìn trước tiên xuống đôi giầy của khách xin việc. Có sạch không, có đánh xi không và có buộc dây tươm tất không. Ðỏm dáng quá có khi mất việc, mà bê bối quá cũng chẳng được nhận.

Châm ngôn ở dây là lâu lâu cũng nên nhìn xuống và đừng lãng quên đôi giầy đến độ ba năm chưa biết đánh xi là gì.

Ðọc đến đây rồi, quý độc giả thử ngó xuống đôi chân xem...