main billboard

“Tôi có lỗi với dân tộc. Chính cái hăng hái, nhiệt huyết của tôi đã góp phần dựng nên chế độ độc tài hiện nay, đã vô tình đem lại sự đau khổ hiện nay.”

khaibutViết lách quanh năm nhưng đầu năm người ta vẫn nói là khai bút. Thông thường trong những ngày đầu năm Tết Nguyên Ðán này, ngoài những câu chúc tụng phổ biến như chúc sức khỏe, an khang, thịnh vượng, tiền vào như nước, ra nhỏ giọt... người ta còn dành cho nhau những lời hay ý đẹp về cuộc sống, con người. Bởi vì mỗi năm có lẽ ba ngày Tết là thời gian mà con người đối với nhau, dẫu quen hay lạ, đều gần gũi, thân thiện hơn.

Với tôi, thôi thì cố vui trong ngày Tết, nhưng trong thâm tâm vẫn mang một nỗi buồn về bối cảnh của năm Giáp Ngọ 2014, một bức tranh không sáng nổi trước hương sắc mùa Xuân. Ngày về với Việt Nam tự do và dân chủ còn xa vời vợi!

Kinh tế Việt Nam của năm 2014 dự báo một kết quả ảm đạm. Nạn tham nhũng tàn phá nguồn lực đất nước, áp lực ngày mỗi cao của nợ công, nợ nước ngoài, nợ xấu; ngân sách bội chi nặng nề; bất động sản tiếp tục đóng băng, các doanh nghiệp phá sản hàng loạt hoặc hoạt động cầm chừng và một hệ thống ngân hàng đầy bất trắc, rủi ro. Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và Vietinbank cho thấy lòng tin vào ngân hàng nhà nước đã bị suy sụp. Các băng nhóm lợi ích không chỉ bằng mánh khóe bất lương mà còn chung tay lừa đảo, cướp giật tiền của người gửi một cách trắng trợn.

Ðể tăng thu ngân sách, các hãng quốc doanh độc quyền không ngừng tăng giá những mặt hàng thiết yếu nhất của đời sống. Giá xăng và gas đua nhau lập kỷ lục, giá cước 3G tăng hơn 70%, giá sữa đi lên chóng mặt, giá điện và than cũng tăng không kém và khả năng tăng tiếp trong năm 2014 dường như chắc chắn. Trong bối cảnh này, khó mà kìm hãm được lạm phát. Ðời sống của người lao động sẽ càng khốn khó hơn.

Thế nhưng chế độ cộng sản vẫn duy trì, tồn tại, không phải vì nó mạnh dựa trên bạo lực, mà do nó được xây dựng trên một xã hội thiếu vắng sự phản kháng.

Báo Quân Ðội Nhân Dân đang giãy như đỉa phải vôi trước bản báo cáo hàng năm về nhân quyền của Human Rights Watch. Báo cáo phản ánh tình hình nhân quyền của Việt Nam trong năm 2013 tệ hại và tuột dốc thê thảm.

Nhưng, một lối ra cho phong trào tranh đấu dường như bế tắc. Những hoạt động dân sự bắt đầu phát triển, nhưng chỉ trong phạm vi hẹp, chủ yếu trên mạng, chưa lan tỏa ra xã hội, chưa tác động được tới đông đảo quần chúng ngu tối, đặc biệt nông dân, vì bị nhồi nhét mấy chục năm nay, cam phận và sống trong văn hóa sợ hãi.

Hãy nhìn người Ba Lan, năm 1981, bất chấp lệnh thiết quân luật, vẫn ào ạt xuống dường biểu tình, đình công, bãi công làm tê liệt đất nước và 10 ngàn người bị bắt giam, xét xử trong hơn một tháng. Hãy nhìn hơn ba ngàn sinh viên Miến Ðiện bị dìm trong biển máu trong cuộc biểu tình chống chính phủ năm 1988. Hãy nhìn hàng chục ngàn, thậm chí có lúc hàng trăm ngàn người Ukraina dưới cái rét của mùa Ðông, liên tục hơn một tháng nay, từ cuối tháng 11 năm 2014, đã bao vây quảng trường trung tâm, chiếm cứ trụ sở các cơ quan chính phủ, đòi Tổng Thống Janukovych từ chức. Người ta hy sinh và dấn thân cho tự do và dân chủ như thế. Không ai biếu không tự do và dân chủ!

Phái đoàn Việt Nam mà những người tham gia hầu hết đều từ trong nước trong buổi điều trần ngày 16 tháng 1 tại Quốc Hội Mỹ về nhân quyền và tham gia hội thảo bên cạnh cuộc Kiểm Ðiểm Ðịnh Kỳ Phổ Quát (UPR) về nhân quyền tại Việt Nam diễn ra tại Genève ngày 5 tháng 2, 2014, là một điểm sáng đáng chú ý. Nó tạo tiền lệ cho ý thức tham luận công khai của công chúng tại diễn đàn quốc tế.

Hoạt động của đoàn chắc chắn gây ấn tượng nhưng sẽ không có ảnh hưởng lớn lên tình trạng nhân quyền của Việt Nam mà nhà cầm quyền với đội quân hùng hậu 30 người, nỗ lực tạo thế mạnh tuyên truyền và áp lực. Họ vẫn lì lợm và giả trá để đạt bằng được kết quả tích cực, giống như cuộc vận động để trở thành thành viên của Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Ngăn cản không cho nhà báo Phạm Chí Dũng đi Genève tham gia buổi hội thảo chứng tỏ nhà cầm quyền quyết liệt loại trừ bất cứ hành động nào có thể gây phương hại cho bộ mặt của họ về nhân quyền, kể cả côn đồ hóa bộ máy.

Ngày Mồng Một Tết, ông Phùng Hoài Ngọc ở An Giang khai bút, đề nghị gạch tên khỏi danh sách Ðảng Viên Ðảng Cộng Sản Việt Nam (ÐCSVN), sau 38 năm theo đảng. Xin có lời chúc mừng ông đã làm một điều trước khi quá muộn. Không biết tự ra khỏi băng đảng tội phạm có tổ chức này, ông có biết rằng nó là tai ương của dân tộc và 38 năm ông đã sai lầm, uổng công vô ích vì bị lừa gạt không?

Như tôi đã từng khẳng định, không có đảng “ngày xưa” và đảng “hôm nay”. ÐCSVN là một, dối trá, độc ác và mị dân giống nhau, chỉ tùy thuộc vào giai đoạn nào bộc lộ rõ nhất mà thôi. Họ đã lợi dụng chiêu bài giải phóng dân tộc, tranh đấu cho một xã hội công bằng, dân cày có ruộng để lừa mị cả dân tộc, song song âm thầm tiêu diệt các đảng phái khác. Cái lý tưởng cộng sản là một thứ bánh vẽ vì nó ảo tưởng, siêu thực, nhưng đã làm mê muội biết bao nhiêu trái tim yêu nước. Thực chất nó là chủ nghĩa của tội ác, đã bị phán quyết ngay trên mảnh đất Châu Âu sinh ra nó.

Rất đáng tiếc, vẫn còn nhiều người dân ngộ nhận, ngay cả người trong cuộc, như nhà văn đại tá Phạm Ðình Trọng, nhà báo Phạm Chí Dũng hay cả ông Phùng Hoài Ngọc, v.v... Rằng, không có đảng làm sao có đất nước hòa bình, thống nhất. Vâng, đất nước hòa bình, thống nhất nhưng lòng người ly tán, chia rẽ, xã hội nhiễu nhương, tác loạn. Sau khi giành được toàn quyền cai trị ÐCSVN “hôm nay” lộ rõ nguyên hình. “Ngày nay” là những gì tệ hại nhất mà một tập đoàn cai trị có thể mang lại: bất công ngút ngàn, tham nhũng tràn lan thành văn hóa sống, suy đồi đạo đức xã hội, các giá trị bị đảo lộn, bất khả kháng trước chủ quyền đất nước bị Trung Quốc chiếm đoạt.

Bác Sĩ Dương Quỳnh Hoa, ông Lê Hiếu Ðằng đã quá trễ khi nhận ra quả lừa thế kỷ và tự ra khỏi ÐCSVN. Tuy nhiên họ vẫn còn lấn cấn, chưa đủ bản lĩnh phủ định giai đoạn hoạt động chống lại chế độ Sài Gòn là sai trái.

Nhà văn, đạo diễn Thùy Linh, hiện đang sống tại Hà Nội, viết:

“Dường như lịch sử đang lặp lại? Dường như lịch sử đang khẩn thiết yêu cầu dân tộc Việt Nam quay lại bước đi ban đầu sau rất nhiều tang thương, mất mát, đau khổ, phản bội, nghèo đói triền miên, bất công, phân biệt đẳng cấp, giàu nghèo... Và đáng sợ hơn cả xã hội Việt Nam hôm nay chả khác là bao với xã hội phong kiến tập quyền xưa kia nhưng được mạo nhận với rất nhiều mỹ từ. Giờ đây mục đích tốt đẹp không thể biện hộ, thay thế cho phương pháp, đường lối sai lầm.”

Riêng hai ông, ông Huỳnh Nhật Hải, cựu Phó Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Ðà Lạt, Thành ủy viên, và ông Huỳnh Nhật Tấn, cựu Phó Giám Ðốc Trường Ðảng Tỉnh Lâm Ðồng, ngay khi còn tại chức đã can đảm nhìn thẳng vào sự thật:

“Tôi có lỗi với dân tộc. Chính cái hăng hái, nhiệt huyết của tôi đã góp phần dựng nên chế độ độc tài hiện nay, đã vô tình đem lại sự đau khổ hiện nay.”

Xuân về, tản mạn những suy nghĩ về thời cuộc. Tôi không có cái nhìn lạc quan như nhà báo Bùi Tín rằng, cuộc hội thảo bên cạnh kỳ họp UPR tại Genève ngày 5 tháng 2, 2014 là “ngẫu nhiên tình cờ mang tính tất yếu” và “phải chăng Xuân Giáp Ngọ Genève 2014 là sự kiện lịch sử bắt đầu xóa bỏ nỗi uất hận chia cắt đất nước sau đúng 60 năm, để toàn dân ta khôi phục trọn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia, đi đến hòa hợp dân tộc mãi mãi bền vững.”

Chừng nào đa số quần chúng nhận thức được như hai ông Huỳnh Nhật Hải và ông Huỳnh Nhật Tuấn, chừng nào đa số quần chúng đứng lên dứt mình ra khỏi bi kịch lầm lẫn, bị lừa gạt, bị dụ khị, lúc đó may ra mới có một mùa xuân của hy vọng.