main billboard

Nhưng ở Nam Hàn phồn vinh, cái hộp thịt heo bầm có trộn ham đó đã trở thành một món cao quý và vô cùng được ưa chuộng.


spam thithopÐó là chuyện khó tin nhưng có thật. Số là nay tôi sống gần xóm Ðại Hàn của Luân Ðôn. Thành ra thỉnh thoảng thèm kim chi quá, chúng tôi mò đến siêu thị Ðại Hàn gần nhà để tìm mua. Mới tuần trước Tết, chúng tôi ghé tiệm thì thấy có những hộp quà trông rất đẹp mắt và sang trọng nằm trong một tủ riêng toàn là những món gọi là cao lương mỹ vị dành để làm quà. Và trong số đó có một hộp trưng bầy thiệt trịnh trọng mà ngoài mấy thứ gia vị, chỉ còn lại toàn là những hộp Spam.

Vâng, Spam, món thịt hộp rẻ tiền mà ở Mỹ bị chê là thức ăn nhà nghèo, bị làm đề tài chế giễu, hay là có khi là món đặc biệt của một trào lưu nào đó, nhưng không bao giờ mất được cái tiếng là đồ rẻ tiền. Nhưng ở Nam Hàn phồn vinh, cái hộp thịt heo bầm có trộn ham đó đã trở thành một món cao quý và vô cùng được ưa chuộng.

Một cô bán hàng ở Lotte, một thứ department store hạng sang của Seoul, giải thích với tờ New York Times, “Ở đây, Spam là một món quà sang trọng mà bạn chỉ gửi tặng những người nào bạn quý trong dịp Tết nhất.” Trong cửa tiệm của nhà hàng, những lon Spam nằm đẹp đẽ trong nệm satin của các hộp quà sang trọng.

Con đường của Spam từ những miếng nạc vai thăng dư của heo Minnesota đến chỗ danh dự trong bàn ăn của người Nam Hàn bắt đầu với giai đoạn thiếu thốn, sống bám vào quân đội Mỹ trong Chiến Tranh Cao Ly và trở thành trong những thứ ao ước của những năm cùng khổ sau chiến tranh, khi quân đội Hoa Kỳ ở lại để bảo vệ hòa bình.

“Thức ăn từ PX là cách duy nhất mà có thể kiếm được thịt,” cụ Kim Jong-sik, 79 tuổi, một cựu quân nhân Nam Hàn, nhắc đến các cửa hàng của quân đội Mỹ. “Spam lúc đó là những xa xỉ phẩm chỉ có người giàu và người có liên hệ tốt mới có.”

Ngày nay, nhiều khi người ta quên mất sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ đã kéo dài nhiều thập niên nay. Căn cứ quân sự khổng lồ ở trung tâm Seoul nay đã nhỏ đi nhiều để né tránh sự mặc cảm của người Hàn, và ngay cả khu mà hồi thập niên 1960 tôi tới được nổi tiếng là xóm đèn đỏ, xóm Itaewon, nơi đã là một khu các hộp đêm, quán rượu cho binh sĩ, nay đã trở thành một khu lịch sự và rất quốc tế.

Nhưng Spam vẫn xuất hiện khắp nơi, đã trở thành một thành phần cấu tạo nên ẩm thực Nam Hàn khiến nhiều thanh niên không biết nguồn gốc nó ở đâu, mặc dầu ngay cả ở xóm gần nhà chúng tôi, họ bước vào một tiệm và vui vẻ gọi budaejjigae, vốn có nghĩa là “thịt hầm kiểu quân đội.” Ðây là một cái món mới trông có vẻ hổ lốn nhưng ít nhất phải có hai thứ Spam và kim chi.

Theo cô chủ một quán Ðại Hàn gần nhà tôi, những nhà hàng chuyên thứ đồ nấu này nằm rải rác ở mọi con hẻm của các thành phố lớn. Các bà mẹ vội vàng nấu ăn cho nhanh để đi làm, đã sung sướng trước sự tiện lợi của việc mở một cái lon là có thể có hột gà chiên ăn với Spam. Các bà có bầu người

Hàn nói với tôi là họ thích nhất món Spam xắt hột lựu, kim chi và cơm chiên lẫn nhau rồi dọn với một quả trứng sunny side up. Ðó là món mà các bà ốm nghén thèm nhất.

Và dĩ nhiên những gói quà nhân ngày Tết. Những hộp quà này đã giúp tăng số bán Spam ở Nam Hàn gấp bốn lần trong thập niên qua lên đến gần 20,000 tấn, trị giá 235 triệu đô la chỉ riêng năm ngoái. Spam ở Ðại Hàn được sản xuất ở địa phương bởi công ty CJ Cheil Jedang. Công ty cho New York Times biết là chỉ riêng mùa Tết năm nay họ đã tung ra 1.6 triệu thùng quà, khoe là nhìn thấy những hộp Spam làm cho người Hàn “cười thật tươi.”

Tuy không đạt được vị thế “danh dự” như Spam ở Ðại Hàn, ở nhiều nơi trên thế giới Spam đã được bắt chước và được ưa chuộng. Hồi sau năm 1975, khi Sài Gòn bắt đầu thiếu đủ thứ, Spam dĩ nhiên là của quý rồi, nhưng nếu không có, các bà đi mua quà thăm nuôi chồng, cha, anh, em trong các nhà tù của chế độ, đã mừng rỡ khi thấy hộp thịt ba lát của quân đội Mỹ, một thứ Spam làm riêng cho quân đội. Mà nếu không có thịt ba lát thì thịt Trường Thành của Trung Quốc, vốn theo các nhà sành điệu, thì trong số các thứ thịt “bắt chước” Spam, là loại khá nhất, cũng rất được ưa chuộng.

Giáo Sư George H. Lewis, giáo sư xã hội học của Viện Ðại Học Thái Bình Dương, ghi nhận trên tập san The Journal of Popular Culture, là trong số 2,000 món đồ, Spam đã dành được vị thế cao nhất ở Nam Hàn. Ở Nam Hàn, ông giải thích, Spam không những vượt Coca Cola và Kentucky Fried Chicken, mà còn được coi là một món quà sang trọng mà người ta chỉ “dành cho những dịp quan trọng khi muốn bày tỏ tôn trọng và kính phục.”

Theo tờ Times, đã có lúc trẻ em Nam Hàn coi rất “cool” có một lát Spam chiên trong hộp lunchbox. Nay thì nó cũng chưa bị liệt vào loại “uncool”. Có vẻ như vị thế đó đã đạt được nhờ một loạt các quảng cáo do các tài tử gạo cội của điện ảnh và truyền hình thủ vai chính. Trong phim, một anh làm một bữa cơm thật lãng mạn để sao cho cô bạn khó tính khỏi chê. Hãy thử mấy lát Spam chiên trên một tô cơm nóng hổi.

Ở một quốc gia mà “spam” được dùng để chỉ loại emails rác rưởi ngày ngày làm chật hộp thư của chúng ta, thật khó có thể tưởng tượng vai trò của Spam trong lòng người Ðại Hàn. Dĩ nhiên, nay Ðại Hàn giàu có, không thiếu gì thịt tươi và khi mà thực phẩm organic đã trở thành một ám ảnh quốc gia, một số nhà giàu bắt đầu chê đồ hộp.

Nhưng Spam vẫn còn được ưa chuộng. Món quà từ các PX hồi xưa vẫn còn giữ được tiếng tăm cũ. Ngay cả khi quân đội Hoa Kỳ giảm dần quân số, và ngay chính những sinh viên xuống đường biểu tình chống lại Hoa Kỳ, cũng vẫn tiếp tục mê Spam.

Giáo sư Koo Se-woong, dạy Hàn học ở Viện Ðại Học Yale, tìm cách giải thích, “Chính vì Spam được đưa vào Nam Hàn qua quân đội Hoa Kỳ, nó có được cái liên tưởng với phồn vinh và dinh dưỡng của một thời xa cũ.”

Riêng ông cựu quân nhân Kim thuộc thế hệ vẫn còn nhớ đến nguồn gốc đau lòng của sự ưa chuộng Spam. Ông kể là trong những năm thiếu thốn đó, trẻ em đi lục các thùng rác của quân đội Hoa Kỳ, lượm Spam, súc xích, miếng hamburger ăn một nửa, bacon, bánh mì, bất cứ thứ gì ăn được và bán cho các nhà hàng.” Cái món hổ lốn budaejjigae phát xuất từ đó, khi người ta cắt lại những gì ăn được của các thực phẩm bỏ đi, hay là hàng chợ đen từ các thực phẩm của quân đội Hoa Kỳ, trộn nó với Kim Chi. Người Hàn còn đôi khi gọi món này là Johnson's Stew, để vinh danh Tổng Thống Lyndon B. Johnson, người mà khi viếng thăm Nam Hàn năm 1966, đã hứa sẽ tiếp tục viện trợ kinh tế cho Nam Hàn.

Ông Kim và bà vợ nay là chủ nhân của Bada Sikdang, một trong những tiệm budaejjigae đông khách nhất nhì Seoul. Một trong những khách nổi tiếng nhất của tiệm chẳng ai khác chính là Ðương Kim Tổng Thống Park Geun-hye, mà tấm hình có chữ ký được trân trọng treo trên tường.

Theo phóng viên của tờ Times, ngay cả những người không trải qua thời chiến khó khăn, cũng vẫn có những ký ức đẹp về Spam của thời thơ ấu. Bà Seo Soo-kyung, 40 tuổi, nói bà thật sửng sốt khi người anh rể Mỹ đã nhìn bà mua Spam và bảo với bà “đó là đồ ăn junk food cho những người homeless ở Mỹ.”

Nhưng bà bảo với nhà báo “Ðối với tôi, Spam là một món ăn ngon, tiện dụng mà mẹ tôi thường nấu cho chúng tôi ăn. Cái điều lý thú ở Spam là nó ăn rất ngon với kim chi và cơm.”