Vì vậy tôi nghĩ không gì tốt hơn là chính mình nên khai bút và chia sẻ với các bạn đọc trong bài viết đầu năm về những gì VOICE đang cố gắng đạt được trong 12 tháng tới.


Cũng lâu rồi tôi mới viết về tổ chức phi chính phủ VOICE, viết tắt của 5 chữ “Vietnamese Overseas Initiative for Conscience Empowerment” mà Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích tạm dịch là “Sáng kiến Thể hiện Lương tâm Người Việt Hải ngoại”. Tôi là đồng sáng lập viên vào năm 2007 và cũng là giám đốc điều hành (Executive Director) hiện đang quản lý VOICE cùng với 4 thành viên khác trong Ban Quản Trị (Board of Directors) đó là Anh Ðoàn Việt Trung, cựu chủ tịch Cộng Ðồng Người Việt Tự Do Liên Bang Úc Châu (Úc), cô Jaclyn Fabre, cựu giám đốc điều hành tổ chức LAVAS (Mỹ), anh Max Võ, cựu chủ tịch Cộng đồng Người Việt tại Toronto (Canada) và cô Jessica Soto, cựu giám đốc điều hành Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế Philippines (Phi Luật Tân).

Cùng với các thiện nguyện viên của VOICE, chúng tôi hiện đang chú tâm vào 3 công việc chính. Vì vậy tôi nghĩ không gì tốt hơn là chính mình nên khai bút và chia sẻ với các bạn đọc trong bài viết đầu năm về những gì VOICE đang cố gắng đạt được trong 12 tháng tới.

Ðó là, một, giúp đỡ những thuyền nhân Việt Nam cuối cùng ở Thái Lan được sang Canada định cư sau hơn 24 năm chờ đợi. Hai, góp phần giúp đỡ các nạn nhân của cơn bão lịch sử Haiyan ở Philippines trong việc tái kiến thiết và gầy dựng lại cuộc sống. Và ba, cùng với các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam tiếp tục lên tiếng bảo vệ những quyền con người căn bản mà chính phủ Việt Nam đã cam kết. Ðặc biệt là trong 3 tuần sắp tới trước khi Việt Nam phải ra điều trần tại Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 5 tháng 2 - vốn chỉ diễn ra 4 năm 1 lần - về những gì họ đã thực hiện trong 4 năm vừa qua và những gì họ hứa sẽ thực hiện trong 4 năm tới.

Ðây là quá trình Universal Periodic Review (UPR) mà tôi đã từng nhắc đến vào khoảng giữa năm ngoái khi chúng tôi cùng với các tổ chức xã hội dân sự khác như Freedom House, Dân Làm Báo, Con Ðường Việt Nam và Dòng Chúa Cứu Thế nộp báo cáo lên cho Hội đồng Nhân quyền. Theo đúng thủ tục đệ trình dành cho các tổ chức phi chính phủ nhằm cung cấp cho các nước thành viên trong Hội đồng Nhân quyền các thông tin cập nhật cũng như những kiến nghị rõ ràng (recommendations) để họ có thể làm việc với chính phủ Việt Nam trong ngày 5 tháng 2 sắp tới đây.

Ðối với công việc tỵ nạn, tôi xin thông báo là vào tháng 11 năm 2013 vừa qua, Bộ Di Trú Canada đã chính thức cho chúng tôi biết là toàn bộ 33 hồ sơ bảo trợ cho 105 thuyền nhân Việt Nam cuối cùng tại Thái Lan đã được chấp thuận và hiện đang được chuyển sang Tòa Ðại Sứ Canada tại Singapore là văn phòng đặc trách cho cả vùng Ðông Nam Á để tiếp tục giải quyết.

Tôi mong là trong những ngày tháng sắp tới, các anh em, bạn bè thuyền nhân của tôi, những “khách hàng” lâu năm của VOICE ở Bangkok sẽ nhận được tin vui. Họ sẽ được hẹn cho đi phỏng vấn, khám sức khỏe, và nếu không có gì trở ngại thì họ sẽ được cấp visa trong năm 2014 này.

Nói thật đây là một trong nhiều điều ước (new year's resolution) mà tôi đã cầu mong trong những giây phút đầu tiên của năm 2014.

Ðối với công việc gây quỹ cứu trợ cho các nạn nhân của cơn bão Haiyan tôi cũng xin thông báo là cho đến thời điểm này, VOICE đã nhận được gần $400,000 từ typhoon haiyan philippinesnhiều nơi trên thế giới gửi về, đặc biệt là từ những anh chị em người Việt tỵ nạn trước đây ở Philippines.

Trước khi bắt đầu khởi động chiến dịch cứu giúp, chúng tôi đã đồng ý là phân nửa số tiền đóng góp sẽ được dành cho việc cứu trợ khẩn cấp. Ðiều này các anh chị em thiện nguyện viên và nhân viên của VOICE trong đó có tôi đã thực hiện được qua 3 chuyến đi cứu trợ.

Ðầu tiên là chuyến đi cứu giúp và di tản 38 người Việt sống sót ra khỏi trung tâm bão chỉ một tuần sau khi cơn bão cuốn đi toàn bộ tài sản của họ. Và chuyến đi cuối cùng là vào những ngày cuối năm khi toàn bộ văn phòng VOICE, nhân dịp nghỉ lễ, đã quyết định cùng nhau đi phát quà và tặng phẩm ở những nơi bị tàn phá nhất, để một phần nào an ủi cho những nạn nhân có được một Giáng Sinh ấm áp hơn.

Thật lòng, không điều gì đã làm cho tôi hãnh diện bằng được đại diện cho cộng đồng người Việt tỵ nạn, những ân nhân đã tin tưởng VOICE, đã đóng góp, để cho tôi có cơ hội trực tiếp cảm ơn dân tộc Philippines đã cưu mang trên 300,000 người Việt tỵ nạn từ năm 1975 cho đến tận hôm nay. Người thật sự đã cứu người như lời trong bài hát Có Tin Vui Giữa Giờ Tuyệt Vọng của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Một nhạc phẩm ra đời khi Philippines là quốc gia duy nhất ở Ðông Nam Á quyết định ngưng chương trình cưỡng bách hồi hương thuyền nhân Việt Nam vào năm 1996.

Sẽ khó có một hoàn cảnh nào khác cho chúng ta thấy hiệu ứng của luật nhân quả một cách rõ ràng và nhanh chóng như trong trường hợp này. Không đến 20 năm.

Ðể thấy cho thật sự là nhận.

Người thật sự đã cứu người.

Riêng phần nửa số tiền còn lại, VOICE sẽ dùng để xây dựng và sửa chữa hai hay ba trường học, cũng là nơi những người dân trong làng dùng để trú ẩn khi bão lớn ập đến. Trong lần đi cứu trợ vừa qua, chúng tôi đã tìm được một nơi thích hợp ở gần thành phố Ormoc, đó là làng Santo Nino, một trong những nơi bị tàn phá nặng nhất nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được nhiều sự giúp đỡ.

Trong tuần tới, hai nhân viên của VOICE cũng sẽ đi đến Coron ở miền Bắc vùng đảo Palawan để cùng bàn bạc với những tổ chức xã hội dân sự về công việc tái kiến thiết ở đây. Có khá nhiều người bảo tôi là nếu như trước đây người dân Coron đã cứu biết bao thuyền nhân Việt Nam tấp vào đảo của họ sau nhiều ngày lênh đênh trên biển thì hôm nay chính người Việt chúng ta sẽ quay trở lại để đền ơn, đáp nghĩa.

Cả tôi lẫn họ đều muốn thấy một biểu tượng ghi nhận sự ra đi và trở lại của người Việt tỵ nạn chúng ta được dựng lên trong năm 2014. Ngay tại những ngôi trường mà chúng ta giúp tái kiến thiết.

Tôi thật sự rất mong VOICE sẽ thực hiện được điều đó.

Nếu được vậy tôi nghĩ sẽ có rất nhiều người trong cộng đồng chúng ta cảm thấy ấm lòng. Ấm lòng như khi họ gặp được các anh chị em trẻ, các cô, các bác, cha mẹ của những tù nhân lương tâm hiện đang bị cầm tù, lần đầu tiên từ Việt Nam sang Mỹ, Châu Âu và Úc trong 3 tuần lễ sắp tới để vận động nhân quyền cho Việt Nam trong khuôn khổ của tiến trình UPR.

Ðấy là những việc mà tôi phải làm trong 3 tuần tới. Thủng thẳng tôi sẽ kể cho các bạn nghe. Ðược chứ hỉ?