main billboard

Ba mươi sáu giờ đồng hồ sau khi chuyện bùng nổ, ông Thống Ðốc Chris Christie của tiểu bang New Jersey đã làm rất nhiều điều để chữa cháy.

Ông họp báo (dài gần 2 giờ đồng hồ), trả lời “tất cả những gì quý vị muốn biết,” loan báo sa thải 2 nhân viên thân tín nhất của ông “vì họ đã nói dối tôi,” hứa hẹn “sẽ tiếp tục cuộc điều tra” để xem còn những ai liên quan đến câu chuyện có thể gây ảnh hưởng đến tương lai chính trị của cá nhân ông cũng như “xin lỗi mọi người” về chuyện ông “hoàn toàn không liên quan.”

chris christie rauriKhuôn mặt rầu rĩ của Thống Ðốc Chris Christie tại cuộc họp báo xin lỗi người dân New Jersey. (Hình: Jeff Zelevansky/Getty Images)

Câu chuyện được giới truyền thông Hoa Kỳ đặt tên “Bridgegate” mà ông Christie đang điên đầu có thể tóm tắt như sau: đầu Tháng Chín năm ngoái khi ông Thống Ðốc Cộng Hòa vận động tái ứng cử, tìm sự ủng hộ của những chính trị gia trong tiểu bang, một trong những người từ chối ủng hộ ông là ông Thị Trưởng Dân Chủ Mark Sokolich của thành phố Fort Lee. Cũng phải nói thêm cuộc tranh cử này chẳng có gì hào hứng: ông chắc chắn sẽ tái đắc cử với số phiếu rất cao, số chính trị gia Dân Chủ ủng hộ ông cũng rất nhiều, nhưng kế sách dàn tham mưu làm việc cho ông đưa ra là phải tìm hậu thuẫn của mọi người để dọn đường cho ông dự cuộc đua chiếm Tòa Bạch Ốc vào năm 2016. Ði xa hơn nữa, những nhân viên thân tín nhất của ông Christie tìm cách “trả thù” những người không ủng hộ, đương nhiên ông Thị Trưởng Solokich nằm trong tầm nhắm của họ.

“Trả thù” bằng cách nào? Thành phố Fort Lee dẫn vào New York bằng con đường đi qua cầu George Washington, cây cầu đông xe qua lại nhất nhì thế giới. Ðường dẫn từ thành phố đi qua cầu có 3 lanes, họ quyết định đóng bớt 2 - lấy lý do thực hiện cuộc khảo sát về giao thông, gây nên tình trạng kẹt xe chưa từng thấy. Ông Thị Trưởng Sokolich liên lạc với văn phòng thống đốc xin giải quyết nhưng không được đáp ứng, phải đợi 4 ngày sau những lane bị đóng mới mở trở lại, tạm gọi là “tha tội” cho ông thị trưởng “không biết điều.”

Hồi đầu Tháng Mười Hai 2013 đã có tin phong phanh về chuyện này, đẩy giới giới truyền thông New Jersey và New York đến chỗ phải tìm hiểu xem có phải văn phòng ông thống đốc trả thù chính trị bằng cách gây khó khăn cho cư dân Fort Lee hay không. Kết quả: những gì họ tìm thấy quả đúng như vậy, và chuyện trở thành xì căng đan chính trị lớn nhất của quốc gia, đẩy ông Thống Ðốc Christie tới chỗ phải cấp tốc họp báo giải thích “hoàn toàn không liên quan đến chuyện này,” “xin lỗi mọi người,” đồng thời sa thải những nhân viên đã làm chuyện “ngu xuẩn.”

Ông Thống Ðốc Christie vừa nói xong, phía đảng Cộng Hòa đồng loạt lên tiếng hoan nghênh, những lời lẽ được các chính trị gia hàng đầu của đảng còn cho thấy họ thở phào nhẹ nhõm, nghĩ rằng chuyện này chắc không ảnh hưởng gì đến ngôi sáng sao - mà một số không ít - tin tưởng sẽ giúp họ lấy lại được Tòa Bạch Ốc vào năm 2016. Người đầu tiên lên tiếng là ông Cựu Thị Trưởng Rudy Giuliani của thành phố New York, ca ngợi “những lời trình bày chân thành của ông Christie khiến mọi người tin tưởng ông nói thật,” kế đến là ông Fred Malek hiện đang nắm tay hòm chìa khóa cho Hiệp Hội Thống Ðốc Cộng Hòa ngợi khen “ông Thống Ðốc Christie không thể nào làm hay hơn được nữa. Ông ta thẳng thắn trình bày sự việc với mọi người, ai nghe cũng biết ông chẳng liên quan đến vụ này,” sau đó là lời ngợi khen “lời trình bày của ông ta chắc như đinh đóng cột, xóa bỏ tất cả mọi thắc mắc, nghi ngờ,” kế đến là lời khen của bà Thống Ðốc Nikki Haley ở tiểu bang South Carolina, cho rằng “khi theo dõi sự việc từ lúc xảy ra đến giờ, tôi thấy ông bạn (Christie) chứng tỏ khả năng lãnh đạo của ông,” nhấn mạnh tới điểm “trong lúc đầy khó khăn như thế mà ông vẫn thẳng thắn nhận trách nhiệm trước dân chúng,” còn bảo thêm “đó là câu trả lời cho những thắc mắc tại sao người dân New Jersey tin tưởng ở ông, chọn ông vào vai trò lãnh đạo.”

Bên Cộng Hòa khen, bên Dân Chủ vẫn hoài nghi.

“Tôi nghi ngờ chuyện này từ mấy tháng nay rồi,” Cựu Thống Ðốc Ted Strickland của tiểu bang Ohio trả lời phòng vấn trên một đài TV địa phương. “Tôi cũng đã đoán trước thế nào ông ta cũng sẽ đổ lỗi cho nhân viên dưới quyền, nhưng tôi không tin sự thật như những gì ông ta nói. Tôi nghĩ rằng ông ta biết chuyện này hoặc làm ngơ để cho những nhân viên thân tín nhất của ông ta làm chuyện này... Chúng ta chờ xem chuyện rồi sẽ diễn biến như thế nào, đừng vội tin vào tất cả những gì ông ta nói.”

Quan điểm đó cũng là quan điểm của bà Martha O'Brien, cựu chiến lược gia của ủy ban vận động tái ứng cử cho Tổng Thống Bill Clinton. Trong email gửi cho nhiều người, bà O'Brien dè dặt đặt câu hỏi “liệu mọi chuyện đã được phơi bày trước ánh sáng hay chưa?” viết thêm “trong những ngày tới nếu có thêm các chi tiết mới, chắc chắn uy thế chính trị của ông Christie sẽ bị ảnh hưởng” bất kể ông có can dự trực tiếp vào chuyện này hay không.

Vẫn còn quá sớm để có thể biết “những chi tiết mới” - nếu có - sẽ tiết lộ những gì cũng như sẽ anh hưởng thế nào đối với con đường tiến của ông Thống Ðốc tiểu bang New Jersey. Trên trạng mạng xã hội Atlas Forum, có người cho rằng “chuyện rồi cũng chẳng đi tới đâu,” tương tự như chuyện từng xảy ra ở Benghazi khiến 4 nhà ngoại giao Mỹ thiệt mạng mà bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton vẫn vững như đồng. Cũng có người dự đoán sớm muộn gì cử tri New Jersey sẽ nghĩ đến chuyện bỏ phiếu yếu cầu Quốc Hội tiểu bang truất quyền ông Christie (impeach) hoặc chính họ sẽ bỏ phiếu hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử (recall). Ngay lúc này, những người tham gia cuộc tranh luận qua trang mạng này nhìn nhận một điều: ông Christie đang phải chống đỡ với sóng gió, và cơn sóng dữ có thể sẽ biến thành ngọn sóng thần bất kỳ lúc nào.

Thú vị nhất là câu trả lời của Tòa Bạch Ốc về chuyện “Bridgegate” của New Jersey. Thứ Năm vừa rồi, ông phát ngôn viên Jay Carney cho hay “đây là chuyện nội bộ của tiểu bang” để tránh đưa ra lời bình phẩm. Ðiều này tức khắc được một số cử tri Cộng Hòa vốn dĩ không ưa ông Chris Christie xem là chuyện tựa như lối “huyện binh huyện, phủ binh phủ,” nhắc lại mới cuối năm 2012 khi ghế tổng thống của ông Obama có vẻ lung lay, chính ông Christie là người lên tiếng ngợi khen “tài lãnh đạo” của ông Obama khi vị tổng thống Dân Chủ đến thăm New Jersey sau khi tiểu bang bị tàn phá bởi trận siêu bão Sandy. Với thành phần cử tri bảo thủ Cộng Hòa, lời ngợi khen của ông Christie đã tạo cơ hội để ông Obama ngồi ở Phòng Bầu Dục thêm 4 năm nữa, thay vì chiếc ghế quyền uy đó phải vào tay ứng viên Mitt Romney của đảng.