Còn như một người được mời đứng ra cho trăm người khen mà không biết được tài trí của mình, không tự lượng được sức mình, thì đó là một điều xấu hổ.

“Ba thằng đánh một, không chột cũng què! Mười anh mà bâu vào khen, ca tụng một anh, thì anh này không thành thánh cũng thành kiệt xuất, hào kiệt, anh hùng, xuất chúng... nếu không hóa thành khùng!” Câu ví von này chắc chắn là khập khễnh, què quặt, chẳng mấy ai ưa, nhưng sự thật đây là một sự thật phũ phàng đã xảy ra từ lâu trong cộng đồng người Việt hải ngoại của chúng ta. Lâu lâu người ta kiếm một nhân vật quen biết, vẫn xuất hiện thường hay không, như khuân một cái lư đồng trong kho ra, vào những ngày giáp Tết Nguyên Ðán, kỳ cọ, chùi rửa, đánh bóng rồi đưa lên bàn thờ, đèn nến sáng choang, hì hụp khấn vái.

Thứ văn hóa mà người ta cứ gán cho văn hóa Việt Nam, mà dân miền Bắc Việt Nam ngày nay vẫn thường cử hành trong các lễ hội, như là một loại văn hóa phường chèo, là cứ cho ăn mặc cho hoa hòe vào, như kiểu mấy bà đồng cốt, y phục đủ màu xanh đỏ tím vàng, thêu đủ loại hoa văn, có long-ly-quy-phụng rồi hô hào, hãnh diện khoe khoang, cho đây là bản sắc văn hóa Việt Nam, phong phú, da dạng, đầy màu sắc dân tộc.

Nhớ hồi cộng đồng người Việt mới thành lập trên đất Bolsa, ba ông chủ tịch trong ba cơ chế hội đồng giám sát, cố vấn, điều hợp, khi ra hội họp hay tế lễ thì mang ba cái áo màu đỏ, màu vàng, màu xanh, gọi là tượng trưng cho ba ngành quyền lực nhất, để truyền thông địa phương quay phim chụp ảnh xem đó là đặc trưng của một nền văn hóa mới du nhập vào đất Mỹ, mà không cần một lời giải thích.

Chúng ta cũng biết thời Ðệ I Cộng Hòa, Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, đương kim nguyên thủ quốc gia, cũng chỉ mới khiêm nhường mặc một chiếc “áo rộng” xanh trong những ngày lễ lớn hay vào dịp về chúc thọ thân mẫu ông. Ông đã từng phục vụ với triều Nguyễn, hẳn ông dư biết, nhà vua có thể mặc hoàng bào bằng gấm thêu rồng, nhưng ông đã không làm. Vậy mà bây giờ, thời buổi này, một chủ tịch cộng đồng người Việt ở đâu đó đã có thể mặc áo vàng thêu rồng như nhà vua ngày trước, mà không cần đếm xỉa gì đến cái gọi là văn hóa Việt Nam.

Còn như một người được mời đứng ra cho trăm người khen mà không biết được tài trí của mình, không tự lượng được sức mình, thì đó là một điều xấu hổ. Luận về đức khiêm cung, Ðức Khổng Tử đã nói: “Dầu mình thông minh trí tuệ hơn người cũng phải coi mình như ngu dốt vậy; dầu mình công lao đầy đủ trong thiên hạ, thì cũng phải kính nhường người; mình có sức mạnh hơn đời cũng phải coi mình như kẻ mềm yếu vậy; dầu mình giàu có bốn biển, thì cũng xem mình như người nghèo khổ vậy.”

Nói về chuyện chúc thọ, ngày xưa sống trên 60 đã cho là thọ, dưới 60 chỉ mới được hưởng dương. Sống đến 70 đã cho là ghê gớm lắm, người đời hiếm có (thất thập cổ lai hy.) Từ 80 tuổi trở lên là thượng thọ, từ 90 tuổi trở lên đại thọ, vạn thọ, hay trường thọ, để chỉ những bậc đã sống từ trăm tuổi trở lên. Nhưng thọ có là vinh hay không, còn là điều phải xét lại.

Các quốc gia Châu Âu thường giữ vị trí cao trong các chỉ số phát triển con người của Liên Hiệp Quốc, tuổi thọ trung bình của các nước này cũng rất cao. Tuổi thọ trung bình của các quốc gia thuộc “Top 10” các nước có tuổi thọ trung bình cao nhất Châu Âu đều hơn 80 tuổi.

Nhưng ngày ngày thực phẩm đầy đủ, nền y tế tiến bộ, thuốc men đầy đủ, nhất là ở Mỹ, tuổi thọ trung bình của người Mỹ xếp hạng “thượng thọ (80)”. Một người lính miền Nam, sau ngày nước mất, nhà tan, chịu cảnh ngục tù đau đớn bao nhiêu năm, trải qua bao nhiêu phong ba của những ngày vượt biển, đến Mỹ cũng còn sống thọ đến hơn 80. Ngày nay chữ thọ không còn là điều hiếm hoi nữa!

Nói về tài, tài năng bao nhiêu cho đủ. Nói về đóng góp cho đất nước, cho dân tộc thì bao nhiêu cho vừa, và nếu có một chỉ tiêu, định mức thì cần phải cân đo với ai. Sau hết chúng ta cũng nên so sánh việc làm bàn giấy của một công chức bàn giấy với hoạt động của một con người tranh đấu cho việc cải tiến đem lại lợi ích cho xã hội và những hoạt động không có tính cách bắt buộc, làm nhiệm vụ của một viên chức chính phủ.

Nhưng khi nói về sự tương đối, thì tất cả mọi sự tương đối không đủ cho một sự vinh danh. Một người làm thơ gọi là tương đối thì không bao giờ được gọi là thi hào. Một người viết văn gọi là tạm được nhất định không phải châu báu của quốc gia. Một quân nhân chỉ biết tiến lùi theo lệnh của cấp chỉ huy đâu phải là chiến sĩ! Vinh danh phải dành cho những cống hiến vượt trội, xuất chúng.

humilityKhiêm cung (Humility) (Ảnh trên Net)

Ngày xưa quân vương được triều đình quỳ lạy, vì đức của đấng thiên tử, cũng phải khiêm cung đứng dậy cho bầy tôi miễn lễ và gọi người bình thân, người khiêm nhường không thể chễm chệ ngồi trên ghế chủ tọa để cho người khác tung hô, hay nghe nhã nhạc, phát biểu lời xu nịnh, tán dương mà không biết đỏ mặt.

Ðối với tiền nhân, liệt sĩ có công gầy đựng đất nước, hậu thế vênh vang chút tài mọn là thiếu lễ nghĩa. Ðối với lũ trẻ chưa ra đời, và tuổi trẻ tài năng hôm nay đã cống hiến nhiều sự nghiệp cho đất nước, mà hãnh tiến vô lý là bất nhân.

Áo thụng vái nhau ở chỗ riêng tư, không ai biết, thì còn mình biết, trời biết! Áo thụng vái nhau ở chỗ công cộng, trăm người nghe, nghìn người thấy, coi như dưới mắt mình chẳng còn ai là người (mục hạ vô nhân), hiu hiu tự đắc, hẳn không phải là việc làm của kẻ sỉ.
Một ký mục gia nói về tình trạng “hỗn loạn” này đang xảy ra trong cộng đồng hải ngoại là một thái độ “tự sướng!”

Thiên Chúa Giáo đã nói: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,9-14). Ông Khổng Tử lại cho rằng: “Người bác học mà biết khiêm nhượng thì kẻ tài sơ mới hết lòng mến phục, còn kẻ tài sơ mà biết khiêm nhượng, thì người bác học mới vui lòng hướng dẫn.” Còn với Lão Tử, khiêm tốn được khái quát lên thành cái “đạo” của con người thông minh, cái đạo không thể thiếu trong xử thế. Trong bảy đức hạnh của người tu theo Phật Giáo thì đức hạnh thứ năm là: “Không tự khoe khoang trong khi mình thiếu đức!”

Thật ra có một điều mà ai cũng biết, nhưng rất khó tránh: Bị người chê trách, không giận là dễ, nhưng ai khen mình mà mình tránh được “phễnh mũi” mới là khó!