“Làm việc với ông này phiền lắm”, một viên chức của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ vừa lắc đầu vừa nói.

“Từng có lúc chúng tôi nghĩ mọi chuyện xong xuôi, nhất là sau 2 chuyến viếng thăm Kabul hồi đầu tháng trước của Ngoại Trưởng John Kerry và của ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel, nhưng cuối cùng cũng chẳng đi tới đâu cả”. Lý do: “Lúc ông ta đặt điều kiện thế này, lúc ông ta lại đòi hỏi thế khác. Thú thật khi phải làm việc với một vị nguyên thủ cứ thay đổi lập trường như thế, chúng tôi không biết phải tính toán sao cho đúng”.

hamid karzaiTổng Thống Hamid Karzai của Afghanistan.

Nhân vật được quan chức Hoa Kỳ nói tới là Tổng Thống Hamid Karzai của Afghanistan. Ðề tài được nói tới là bản hiệp ước an ninh được soạn thảo bởi Hoa Kỳ, NATO và Kabul, trong đó quy định tất cả các đơn vị chiến đấu của liên quân sẽ rời chiến trường vào ngày 31 tháng 12 năm nay và một số nhỏ binh sĩ sẽ ở lại để giúp bảo vệ an ninh cho Afghanistan. Trên nguyên tắc bản hiệp ước này phải được ký kết vào ngày 31 Tháng Mười Hai năm ngoái nhưng cuối cùng phải dời lại “chưa biết đến khi nào mới được ký kết”, đi kèm với thông báo mới nhất của Washington D.C.: “Nếu cuộc đàm phán gặp khó khăn, chúng tôi sẵn sàng rút hết quân về nước vào cuối năm 2014 theo kế hoạch zero-option” thay vì để lại khoảng 15,000 binh sĩ liên quân như đã tính trước đây. Ðiều quan trọng không kém: Nếu không ký kết hiệp ước, Afghanistan có thể sẽ mất khoản tiền viện trợ bạc tỷ mà Hoa Kỳ cùng với các đồng minh Tây phương đã hứa cho 3 năm tới.

Ý kiến giữ một lực lượng nhỏ binh sĩ sau ngày rút quân là ý kiến của Hoa Kỳ, nhưng được sự ủng hộ của NATO và Kabul ngay từ cuộc thảo luận đầu tiên. Con số tối đa 15,000 binh sĩ liên quân -trong đó khoảng từ tám đến chín ngàn binh sĩ Mỹ- sẽ đảm trách nhiều vai trò “không chiến đấu” khác nhau, từ huấn luyện binh sĩ cho tới hỗ trợ kế hoạch chống khủng bố. Cũng phải nói thêm lúc đầu ông Karzai đã đồng ý ký bản hiệp ước, nhưng sau đó ông đổi giọng, cho hay đây là chuyện người kế nhiệm ông sẽ làm. Cuối tháng 11 vừa rồi ông lại bảo “có thể sẽ ký” nhưng với điều kiện Hoa Kỳ “phải trả tự do cho tất cả những người Afghanistan đang bị giam giữ ở trại Guantanamo Bay”. Ðòi hỏi này không được Washington đáp ứng, vì theo tiết lộ của một viên chức thuộc Cơ Quan Tình Báo Quốc Phòng Hoa Kỳ “Chúng tôi có những bằng chứng xác nhận những người này hoạt động với Taliban hay ủng hộ khủng bố Al-qaeda lập kế hoạch giết hại binh sĩ Mỹ và NATO”.

Câu chuyện trở thành lớn hơn từ Chủ Nhật vừa rồi sau khi nhật báo The Washington Post đăng trên trang nhất bản tin cho hay báo cáo giới phân tích tình báo Hoa Kỳ viết rằng tình hình Afghanistan sẽ sôi động trở lại, “Tất cả những thành quả liên quan đã gầy dựng được trong 3 năm vừa qua sẽ nhanh chóng tan biến” cũng như: “nếu không tiếp tục được hỗ trợ bằng quân sự và tài chánh, tình hình sẽ nhanh chóng trở nên tệ hơn”. Bản phân tích này còn nêu lên e ngại mà một số viên chức hành pháp và lập pháp Mỹ từng nói rất nhiều lần: Nguy cơ Taliban trở lại nắm quyền kiểm soát quốc gia “có thể xảy ra”.

Một ngày sau đó Kabul lên tiếng bác bỏ những nhận xét của tình báo Mỹ. “Chúng tôi mạnh mẽ bác bỏ những dự đoán không có cơ sở” nhắc lại trước đây những dự đoán như thế này “đều sai”, là phát biểu của ông Faizi, phát ngôn viên của Tổng Thống Hamid Karzai. Ông này nói bản phúc trình của tình báo Hoa Kỳ “được viết với mục đích ép buộc chúng tôi phải trao một phần đất cho Taliban kiểm soát”, nhấn mạnh chính phủ Kabul “không bao giờ chấp nhận điều đó, sẽ chẳng bao giờ để điều đó trở thành sự thật”. Ông phát ngôn viên của chính phủ Kabul còn nói thêm nếu Taliban muốn trở lại nắm quyền, “cách duy nhất mà họ phải làm là tham gia tiến trình chính trị của quốc gia”, tức phải tham dự những cuộc bầu cử theo đúng với tiêu chuẩn tự do, dân chủ.

Bị “ép buộc” cũng là điều Tổng Thống Karzai đã nói cách đó vài ngày. Trong cuộc họp báo tại Kabul, ông cho biết “người nước ngoài đòi hỏi tôi phải trao một phần lãnh thổ cho Taliban, họ bảo với tôi rằng đó là cách để có thể bắt đầu đàm phán hòa bình với chúng”. Ông từ chối không cho biết “người nước ngoài” là người của nước nào, nhưng cho hay chuyện Hoa Kỳ “dọa dẫm” sẽ rút hết quân về nước là điều “không làm tôi nao núng” vì theo lời ông, chính phủ Mỹ tốn rất nhiều công sức lẫn tiền bạc để xây dựng các căn cứ quân sự và dân sự trên lãnh thổ nước ông, do đó “họ chẳng bao giờ rời khỏi Afghanistan đâu”.

Phát biểu của ông Karzai khiến Washington bực bội, hay ít nhất “chẳng giúp gì cho mối quan hệ song phương, chỉ tạo thêm những khó khăn không cần thiết” như trình bày của một viên chức hành pháp có mặt trong những cuộc đàm phán với Kabul ngay từ ngày đầu tiên. Nhân vật này nói “đây chẳng phải lần đầu tiên ông Karzai lên tiếng nói bị nước ngoài ép buộc phải làm điều này điều nọ, và chẳng bao giờ ông ta nói rõ áp lực đó đến từ đâu”. Những lời tuyên bố bỏ lửng này “chỉ tạo thêm nghi ngờ giữa đôi bên chỉ không ích lợi gì cả” đặc biệt “khiến thế giới nghĩ rằng chúng tôi (Hoa Kỳ) ép ông ta làm những điều ông ta không muốn hay bắt ông ta phải làm những điều không có lợi cho người dân Afghanistan”.

Tin mới nhất cho hay dù không hài lòng với thái độ mà có người gọi là “nóng lạnh bất thường” của Tổng Thống Karzai, chính phủ Hoa Kỳ vẫn tiếp tục những vòng đàm phán mới ngay trong Tháng Giêng 2014, kể cả chuyện Tổng Thống Barack Obama sẽ gửi bà cố vấn an ninh Susan Rice trở lại Kabul. Các giới chức Tòa Bạch Ốc chưa cho biết bao giờ chuyến đi sẽ thành hình nhưng chuyện được đồn đãi ở Washington nói rằng cuối năm ngoái khi từ Dinh Tổng Thống Afghanistan ra phi trường về lại Mỹ, vừa lên xe là bà Rice than ngay với đoàn nhân viên tháp tùng: “Nhức đầu quá, bạn nào có thuốc nhức đầu cho tôi xin vài viên”.