main billboard

Tin ông Baucus được chọn không gây ngạc nhiên cho mọi người vì mối quan hệ giữa ông và Tổng Thống Barack Obama từ trước ngày ông Obama ra tranh cử tổng thống.

Từ tháng trước đã có tin ghế đại sứ Hoa Kỳ ở Bắc Kinh sẽ đổi chủ. Ðồn đãi ở thủ đô Washington D.C. cho biết ông Ðại Sứ Gary Locke muốn về lại Mỹ “dù chưa biết sẽ làm gì” theo lời ông nói với những người thân cận. Vẫn theo đồn đãi, người được Ngoại Trưởng John Kerry đề nghị tổng thống cử sang Trung Quốc thay ông Locke là ông bạn Max Baucus, một trong những nhân vật đầy quyền uy trong chính trường quốc gia, cũng là người mới tháng trước vừa loan báo tin sẽ không tái tranh cử chức nghị sĩ ông nắm giữ từ năm 1978.

Cho mãi đến tối hôm qua, tin ông Baucus đi sứ sang Trung Quốc mới trở thành sự thật. Khoảng 5 giờ chiều tờ POLITICO loan tin này nhưng văn phòng của ông từ chối xác nhận. Hai tiếng đồng hồ sau đó ông triệu tập tất cả nhân viên để báo tin, dặn dò “đừng nói gì với ai” cho tới khi Tòa Bạch Ốc chính thức loan báo quyết định bổ nhiệm của tổng thống. Phiên họp nội bộ chưa kết thúc, tất cả các cơ quan truyền thông Mỹ đều chạy tin giống nhau: ông Baucus sẽ là tân đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh, chắc chắn được các đồng viện Thượng Viện ủng hộ.

max baucusNghị Sĩ Max Baucus tại Quốc Hội Hoa Kỳ. (Hình: AP Photo/J. Scott Applewhite, File)

Tin ông Baucus được chọn không gây ngạc nhiên cho mọi người vì mối quan hệ giữa ông và Tổng Thống Barack Obama từ trước ngày ông Obama ra tranh cử tổng thống. Khi mới đặt chân vào Thượng Viện, vị nghị sĩ trẻ tuổi của tiểu bang Illinois chọn một số chính trị giao lão luyện là người hướng dẫn, trong đó có hai ông Kerry và Joseph Biden về ngoại giao và ông Baucus về thương mại lẫn tài chánh. Làm việc ở Thượng Viện chỉ vài năm thì ông Obama quyết định ra ứng cử, ông Baucus là người đề nghị vị tổng thống tương lai của nước Mỹ “nên chọn anh bạn trẻ Jim Messina” từng làm việc với ông vào ban tham mưu tranh cử. Lời đề nghị này được ông Obama chấp nhận, và mới 2 năm trước đây anh “cựu nhân viên Messina của ông Baucus” trở thành nhân vật giữ vai trò thật quan trọng, quyền uy một cõi: trưởng ban vận động tái ứng cử cho Tổng Thống Obama.

Mối quan hệ giữa 2 ông trở thành chặt chẽ hơn nữa sau ngày ông Obama vào Tòa Bạch Ốc với kế hoạch xin tiền Quốc Hội để dựng gói kích cầu kinh tế, sau đó là kế hoạch dựng Obamacare để mọi người đều có bảo hiểm y tế.

Một trong những người lên tiếng ủng hộ từ ngày đầu tiên vẫn là ông Baucus trong vai trò Chủ Tịch Ủy Ban Tài Chánh Thượng Viện, ủy ban nắm quyền cứu xét và sửa đổi cả 2 dự luật trước khi được thông qua, sau đó lại cấp và kiểm soát tất cả những khoản tiền cung cấp cho hành pháp để thực hiện 2 kế hoạch nói trên. Hai năm gần đây, Tổng Thống Obama nhiều lần lên tiếng nói ông muốn sửa đổi lại luật thuế vụ “để bảo vệ quyền lợi của giới trung lưu và sao cho phù hợp với tình hình kinh tế quốc gia hơn,” người mà nhà lãnh đạo nước Mỹ bàn thảo về chuyện trọng đại này cũng là ông Baucus.

“Chọn ông Baucus là điều hoàn toàn đúng,” cựu Cố Vấn Michael Green của Tổng Thống George W. Bush là một trong những người đầu tiên lên tiếng ủng hộ, đưa ra lý do “ai cũng biết trao đổi mậu dịch với Trung Quốc là mối quan tâm hàng đầu của Hoa Kỳ, và chẳng ai hiểu về tài chánh, mậu dịch cho bằng ông Baucus cả” kèm theo dẫn chứng “ông Baucus từng đứng ra tổ chức rất nhiều hội nghị mậu dịch Hoa Kỳ-Trung Quốc ở Washington D.C. và tại Montana,” tiểu bang nhà của người sắp trở thành đại sứ, đồng thời cũng chia sẻ quan điểm của hành pháp đối với Bắc Kinh trong nhiều lãnh vực khác, từ bảo vệ tác quyền, nhân quyền, cho đến bảo vệ môi trường và chuyện thúc đẩy Trung Quốc phải định giá đồng bạc của họ cho đúng “để Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh Âu Châu cũng như Á Châu không tiếp tục phải gánh gánh nặng thâm thủng mậu dịch.”

Quyết định chọn ông Baucus làm đại sứ “còn nhắm vào mục đích chính trị trong nước, để đảng Dân Chủ tiếp tục nắm ghế nghị sĩ ở Montana,” theo nhận xét của nhà bình luận Sean Sullivan và nhiều người khác. Các nhà phân tích đồng ý với nhau ở điểm ông Thống Ðốc Dân Chủ Steve Bullock sẽ đề cử ông Phó Thống Ðốc John Walsh (cũng của đảng Dân Chủ) vào chức vụ được bỏ trống, tạo thuận lợi cho đảng mở cuộc vận động vào năm tới. “Bao giờ người tại chức cũng có lợi thế chính trị hơn, ông Walsh lại là người quen thuộc với chính trường quốc gia, do đó việc đưa ông vào chức nghị sĩ thay thế cho ông Baucus dù chỉ một năm trời cũng là điều hoán toàn thuận lợi cho đảng Dân Chủ trong nỗ lực phải duy trì được khối đa số ở Thượng Viện.”

Nhưng cũng có lời đồn đãi cho rằng dàn cố vấn thân cận với Tổng Thống Obama xem ý kiến cử ông Baucus làm đại sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh là giải pháp hay nhất “để tránh những bực bội” liên quan đến chuyện sau ngày trang mạng Obamacare gặp trở ngại kỹ thuật khiến người dân không thể truy cập, ông nghị sĩ sắp sửa về hưu cứ đe dọa sẽ thành lập một hội đồng đặc biệt để xem xét tất cả thành quả của chương trình mà ông ủng hộ ngay từ ngày đầu tiên.

Không thể biết mức độ đúng sai của đồn đãi này như thế nào, nhưng chuyện “bực bội” với ông Baucus từng được các viên chức Tòa Bạch Ốc bày tỏ với giới truyền thông nên nếu đúng thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên vì vài năm trước đây đã từng có đồn đãi chính trị cho biết chính ông đương kim Ðại Sứ Gary Lock cũng bị dàn cố vấn của tổng thống “khéo léo tìm cách đẩy sang Bắc Kinh” chỉ vì lúc còn làm tổng trưởng thương mại “ông ta cứ hay chĩa mũi vào chuyện của người khác,” đưa hết ý kiến này tới ý kiến khác yêu cầu Hội Ðồng Cố Vấn Kinh Tế Quốc Gia và dàn cố vấn đầy quyền uy của Tòa Bạch Ốc nên làm.

Một số người biết chuyện nói rằng ông Locke đưa đề nghị “vì muốn đóng góp thúc đẩy kinh tế” nhưng “phía Tòa Bạch Ốc hiểu lầm, nghĩ rằng ông ta là người thích xía vào chuyện của người khác.” Nhóm người “biết chuyện” này còn kể lại sau khi nhận được lời yêu cầu tổng trưởng thương mại “phải được tham dự và đóng góp ý kiến trong những cuộc họp hàng tuần về kinh tế bên Tòa Bạch Ốc,” ông Chánh Văn Phòng Rahm Emanuel bực bội bảo với mọi người “lỗi ở tụi mình, ngay từ ngày đầu đã không cho mấy thằng cha này biết phải giới hạn vai trò và vị trí của họ.” Ít lâu sau đó ông Locke được chọn đi làm đại sứ Trung Quốc “một phần vì kinh nghiệm thương mại sẽ giúp mở rộng mối quan hệ song phương” phần khác “ông ta không còn cơ hội làm phiền người khác ở Washington D.C.”

Cho đến trưa Thứ Năm, lãnh đạo Thượng Viện Liên Bang vẫn chưa nói gì về chuyện sắp xếp lại nhân sự vào ghế chủ tịch Ủy Ban Tài Chánh mà ông Baucus đang nắm. Mặc dù Thượng Nghị Sĩ Harry Reid cho biết chuyện này chỉ được nói tới “sau khi tổng thống chính thức loan báo bổ nhiệm” ông Baucus nhưng đã có những dự đoán được đưa ra cho biết vai trò quan trọng này sẽ được trao cho Thượng Nghị Sĩ Jay Rockefeller của tiểu bang West Virginia, người đang nắm chức chủ tịch Ủy Ban Thương Mại Và Giao Thông. Có tin nói rằng ông Rockefeller nói với nhân viên dưới quyền rằng ông “thích làm việc với Ủy Ban Thương Mại Và Giao Thông, chẳng muốn đi đâu cả,” và nếu điều này đúng, nhân vật kế tiếp được đôn lên sẽ là ông Ron Wyden (Oregon), đang điều khiển Ủy Ban Năng Lượng Và Tài Nguyên. Ông Wyden cũng chưa nói gì về chuyện này nhưng một số nhân viên dưới quyền của ông cho hay họ sẽ rất ngạc nhiên “nếu ông sếp từ chối.”