main billboard

Cái thuật của Tây phương, nghệ sĩ của chúng ta có hiểu và có nắm được, nhưng để diễn tả cái tinh chất của Ta, với niềm tự hào không che giấu. Ngày nay, phải chăng tình hình đã đổi khác, theo lối phú quý giật lùi?


Trong một bữa ăn của đại gia đình, câu chuyện ngẫu nhiên đổi qua đề tài văn hóa khi có ba người cùng nói về một chuyện. Sức chinh phục của nghệ thuật Ðại Hàn.

Lớn tuổi nhất, một người là Mỹ gốc Ðức đã về hưu sau khi làm phó chủ tịch một công ty chế tạo dược phẩm siêu đẳng của Hoa Kỳ. Lưng chừng ở giữa là một người Mỹ gốc Việt, đang làm tổng giám đốc tổ hợp đầu tư rất lớn của Mỹ. Người thứ ba, một cô gái mới từ trong nước đi ra mà đã Mỹ hơn nhiều người Mỹ.

Câu chuyện đưa đẩy thế nào mà cả bàn ăn xoay về Nam Hàn.

Người thì bảo rằng Nam Hàn đã thầm lặng thực hiện một phong trào văn hóa qua phim ảnh và nghệ thuật còn có giá trị mỹ thuật và ngoại giao vượt xa Hồng Kông, Ðài Loan lẫn Trung Quốc. Người kia xác nhận rằng nghệ thuật Ðại Hàn có sự đơn giản và khắc khổ chẳng khác gì Nhật , nhưng đẹp hơn mà không diêm dúa lượm lặt như của Trung Quốc. Người thứ ba thì khẳng định rằng Việt Nam ngày nay đang học hỏi nghệ thuật điện ảnh và cả tân nhạc của Ðại Hàn. Như để làm chứng, cô bé vanh vách kể tên nghệ sĩ, diễn viên và ca sĩ Ðại Hàn.

Người viết này theo dõi câu chuyện và nhớ đến những hiểu biết hạn chế của mình về nghệ thuật Ðại Hàn.

Trước thì chỉ có phim bộ “Nước Mắt Ðại Trường Kim.” Gần hơn thì có phim “Masquerade” rất khôi hài mà cũng hồi hộp về chuyện một người giả làm vua. Ngoài ra thì có được nghe một số danh thủ Ðại Hàn trong loại nhạc cổ điển Tây Phương. Chỉ có thế thôi.

Hóng nghe chuyện bên lề, người viết này bỗng thấy tủi thân.

Nền tân nhạc cải cách của Việt Nam mới chỉ xuất hiện từ khoảng 70 năm và thật sự chỉ là một áp dụng của kỹ thuật ký âm mới để chuyên chở những tâm tư cũ.

Những ca khúc loại đầu đời như Bông Cúc Vàng hay Cô Hái Mơ vào thuở phôi thai chỉ là âm vang thời cũ, nhưng diễn tả theo phong cách mới. Một thế hệ sau, nếu Hoàng Trọng có là ông vua Tango thì các ca khúc mới lạ của ông vẫn có cái hồn Việt, đôi khi sôi nổi như một bản dân ca theo điệu Chầu Văn.

Ngay trong loại nhạc có âm hưởng cổ điển Tây phương của Dương Thiệu Tước, Vũ Thành hay Cung Tiến, người nghe vẫn bắt được nhịp thổn thức của con tim Việt Nam. Bến Xuân Xanh hay Thuyền Mơ của Dương Thiệu Tước là những ví dụ đẹp nhất. Nhặt Cánh Sao Rơi hoặc Say Nhạc Canh Tàn của Vũ Thành là những bài có cái nét rất Tây, như một áo dài Lemur để choàng lên một tâm hồn Việt, chẳng khác gì nhiều ca khúc của Lê Thương. Cung Tiến cũng thế, có viết nhạc theo kiểu Tây phương thì vẫn có lời từ hiện hữu trong những bài thơ cổ.

trinhdien vanngheTrong một bài tạp ghi khác, khi nhớ đến Ðinh Hùng thì Quỳnh Giao có lần nhắc tới giai thoại kỳ lạ ở Hà Nội, khi Nguyễn Xuân Khoát và Ðinh Hùng đuổi đám lính Lê Dương của Tây ra khỏi một quán nhạc nhờ trình tấu một nhạc khúc của Saint-Saens, là bài Danse Macabre. Lần đó, đám kiêu binh này đã được một bài học và quay về xin lỗi.

Cái thuật của Tây phương, nghệ sĩ của chúng ta có hiểu và có nắm được, nhưng để diễn tả cái tinh chất của Ta, với niềm tự hào không che giấu. Ngày nay, phải chăng tình hình đã đổi khác, theo lối phú quý giật lùi?

Những nhạc sĩ có tài hay có lòng ở trong nước, như Dương Thụ hay Phú Quang, đều thành người cô đơn, đôi khi thông cảm với nỗi buồn Nguyễn Ánh 9. Ở hải ngoại cũng vậy, những người muốn sáng tác theo tiêu chuẩn cao đều thấy mình lạc lõng giữa nhữmg dòng nhạc lạ, qua tiếng gào đồng điệu của các cô ca sĩ mà Phạm Duy nói là “hát giọng răng,” chứ không là giọng óc, giọng bụng. Và những dòng nhạc lai căng này chưa lên tới trình độ Nam Hàn mà mới chỉ là âm bản mờ mờ của phim bộ Hồng Kông, theo giai điệu Whitney Houston da vàng.

Vì sao chúng ta lại gặp hiện tượng ấy?

Có người ở trong nước đưa ra một cách giải thích: những “Mạnh Thường Quân” hay cai thầu văn nghệ có thể yêu nhạc và ca sĩ đều là người giàu tiền mà nghèo văn hóa. Thế lực của họ đẩy giới sáng tác và trình diễn xuống cùng trình độ. Người viết này không dám kết luận nặng nề như vậy, nhưng cũng thầm hỏi rằng vì sao hải ngoại vẫn chẳng khá hơn?

Câu chuyện về Ðại Hàn trên bàn ăn đang chuyển qua hướng khác. Mấy chục năm trước, miền Nam có thua kém gì Nam Hàn? Ngày nay thì hết còn hy vọng bắt kịp. Chúng ta có nên trông đợi một đợt “tân nhạc cải cách” nữa hay không?