main billboard

“Sống trên đời này, người giàu sang... có đây rồi lại mất... cuộc sống mong manh... đừng vì tham tiền phụ nghĩa anh em...”

SÀI GÒN (NV) - Thế thái nhân tình ở đây chúng tôi nhìn từ hai phía, phía những người chơi và trúng số, và phía những người bán số dạo hàng ngày đi khắp hang cùng ngõ hẻm ở Sài Gòn đem niềm “hy vọng” đổi đời mong manh tới cho mọi người.

banveso 1                          Bán vé số dạo trên đại lộ Nguyễn Huệ, Sài Gòn. (Hình: Văn Lang)

* Trò chơi được ‘Trời cho’

Nhiều năm trước, thời vé số còn bán 2 ngàn đồng 1 tờ, giải độc đắc lúc đó chỉ trúng có 50 triệu VND, bây giờ tờ vé số bán 10 ngàn đồng một tờ, giải độc đắc là 1 tỷ 500 triệu VND. Có một ông chủ tịch phường thuộc một thành phố ở miền Tây, ông này bạo gan thụt két ngân quỹ để ăn chơi, gái gú nhưng không biết làm thế nào để lấy “thu” bù “chi” bèn nghĩ ra chuyện vừa ăn chơi vừa mua... vé số, với hy vọng có ngày Trời giúp người... gian.

Rồi nhờ mua vé số theo lối chơi bài cào “vùa” - được ăn cả ngã về không, mà ông ta trúng được 16 tờ độc đắc, được tổng cộng là 800 triệu VND. Nhưng khi kiểm lại “két” thì ông ta đã thâm lạm mất hơn... 5 tỉ đồng, không còn cách nào khác ông ta đành hô... biến. Các cơ quan truyền thông đã đăng tin truy nã ông chủ tịch mê vé số này, nhưng cho tới nay cũng chưa thấy thông tin nào cho thấy đã “quả tó” được ông quan tham này.

Có lẽ, thấy kiểu chơi số của ông chủ tịch phường kể trên vừa “cò con” vừa “phiêu” quá nên mấy ông quan tham của công ty xổ số kiến thiết tỉnh L.A nghĩ ra trò “siêu” hơn là tự chơi, tự xổ và... tự sướng luôn!

Không rõ các ông ấy tự chơi, tự trúng được bao nhiêu lần, sự việc chỉ đổ bể khi người ta thấy các em thiếu nhi trong hội đồng quay số có quá nhiều tiền ăn chơi xả láng. Hỏi ra, các em mới “thật thà khai báo” là có mấy chú, mấy bác trong công ty cho nhiều tiền để các em làm “ảo thuật” dán đè con số lên các trái banh của lồng cầu quay số, qua mặt cả một hội đồng người lớn đông đảo bao gồm: Công an, tài chánh, ngân hàng, thuế vụ và nhiều vị trong các ban ngành khác.

banveso 2Người thanh niên khuyết tật bán vé số tại một con hẻm ở quận Gò Vấp, Sài Gòn.
(Hình: Văn Lang)

Vụ “tự sổ” đổ bể, nhiều vị mất chức, đi tù nhưng ngẫm ra cái dư âm của nó vẫn nhiều cay đắng, nhất là với những người dân nghèo, cắc ca cắc củm từng động, “bụm miệng” nhín ăn để mua hy vọng từ “trò chơi - trời cho”, nhưng họ đâu có biết người ta đã sớt ngang niềm hy vọng ngay trên đầu của họ.

Cũng chuyện quan trúng số nhưng lần này là do... dân cho.

Một người dân tới một cơ quan nọ, trong khi liên hệ công việc, có người bán vé số dạo chào mời bèn mua cho từ ông giám đốc tới nhân viên mỗi người một tờ gọi là... lấy hên. Ai dè, chiều xổ ra trúng thiệt mà lại là độc đắc, trúng tới 1 tỷ rưỡi chứ đâu có ít.

Vậy là có chuyện!

Ðầu tiên là ngay trong chiều đó, ông giám đốc tới nhà một nhân viên và nói là để ông ta dò số giùm, dò xong ông ta nói: “Trật rồi!”, rồi bỏ về. Anh nhân viên đang bận việc cũng không để ý, mà xưa nay vé số trật là chuyện quá bình thường.

Nhưng 15 phút sau, bà bán vé số hớt hơ hớt hải chạy tới, báo tin: “Chú trúng độc đắc rồi, sấp vé số tôi bán, cả cơ quan chú ai cũng trúng hết đó!” Thế là anh nhân viên bắt đầu đi kiện ông giám đốc để đòi lại tờ vé số đã trúng, không ai xử, và ông giám đốc cũng một hai nói là số trật do vậy đã liệng bỏ tờ vé số rồi. Nhưng bà vợ của ông giám đốc thì lại có vẻ “thật thà” hơn, nên đã tìm tới nhà anh nhân viên kia thương lượng, bà ta nói ý là tờ vé số kia thực ra không có trúng độc đắc mà chỉ trúng lô an ủi được 100 triệu đồng, bà ta “chia” cho anh nhân viên kia 20 triệu, với điều kiện anh ta phải viết giấy cam kết là sau này sẽ không thưa kiện.

Nghĩ là của đổ “hốt” lại nên anh nhân viên kia ưng thuận, khi lấy được 20 triệu rồi, xót của anh ta lại vác đơn đi kiện nữa. Bực mình, ông giám đốc kia bèn tống anh nhân viên nọ đi công tác ở vùng sâu, vùng xa cho bõ ghét... cho chừa cái tội lính mà dám đi kiện “sếp”.

banveso 3Ông cụ 92 tuổi từ Bình Ðịnh vào Sài Gòn mưu sinh bằng bán vé số.
(Hình: Văn Lang)

Nghe chuyện ai cũng cười ông quan tham kia, vì cũng ngay tại tỉnh nhà của ông quan có bà bán vé số nghèo, bán thiếu cho một ông khách quen mấy tờ vé số, bả còn giữ trong người, tới khi dò trúng mới báo tin cho ông kia và đem trả đầy đủ, ông khách tặng lại cho bà bán vé số 1 tờ độc đắc trị giá 1 tỷ 500 triệu đồng. Có người nói nếu bà bán vé số “ém” luôn thì ông kia cũng đâu có biết, vì ông kia mua giúp số ế cho bà bán vé số chứ cũng chẳng biết mặt mũi tờ vé số đó như thế nào. Nhưng bà bán vé số nghèo trả lời mọi người là: “Nếu tôi lấy luôn mấy tờ vé số trúng độc đắc, thì tôi đâu còn mặt mũi nào ra đường mà dám nhìn ai?!”

Ô hô! Buồn thay cho xứ “Lạc Việt” này, hễ mở miệng ra là người ta than phiền, trách móc, đổ lỗi cho “dân trí”, nhưng xem ra nhân cách của mấy ông quan tham còn thua xa bà bán vé số nghèo.

* Nghèo nhưng tự trọng

“Sống trên đời này, người giàu sang cũng như người nghèo khó. Trời đã ban cho... ta cám ơn...; Có ai biết số phận ngày sau...” Người đàn ông mù chầm chậm đi dọc con đường, tay đàn, miệng hát, bà vợ chìa sấp vé số cho người qua đường, có ai mua hai vợ chồng đều nói tiếng “Cám ơn!”

Chúng tôi đã gặp một ông cụ 92 tuổi, quê Bình Ðịnh bán vé số dạo ở khu Chùa Bà - Nhà Bè. Ông lão cho biết vô Sài Gòn bán vé số để nuôi “mụ vợ” ngoài quê, mới có 83 tuổi mà “mụ vợ” đã nằm liệt một chỗ. Ông lão kể chuyện thật hóm hỉnh, còn khảng khái, kết luận: “Dân mình coi vậy chứ máu Tàu không đó, nhưng Tàu qua mình cũng đánh như thường!” Nghe ông lão hăng hái mà chúng tôi như cũng hiểu tại sao vua tôi nhà Trần thủa nào phải mở hội nghị Diên Hồng để nêu cao quyết tâm chống giặc.

Trong một quán cơm bình dân, chúng tôi thấy một người đàn ông lớn tuổi chống tó một chân đứng lặng lẽ một góc, khác với những người bán vé số khác luôn “chỉa” tập vé số vào tận mặt khách ăn cơm, người đàn ông chỉ mời vé số khi thấy khách đã ăn cơm xong. Trong sự xô bồ của quán cơm ồn ào, hành xử của người đàn ông thật kiên nhẫn và lễ độ một cách hiếm hoi, chúng tôi hỏi thăm thì được biết anh là người thương phế binh của VNCH.

Còn nhiều nữa những em nhỏ, những bà mẹ già, những thanh niên sinh ra đã tật nguyền vì cơn sốt bại liệt từ nhỏ, lặng lẽ mưu sinh bằng nghề vé số dạo trên khắp nẻo đường Sài Gòn.

Họ đi “gieo” niềm hy vọng mong manh cho mọi người, phận họ có lẽ cũng mỏng như những tờ vé số, nhưng có lẽ tình thương của mọi người đã giúp họ sống và cố nở nụ cười trên đôi môi.

“Sống trên đời này, người giàu sang... có đây rồi lại mất... cuộc sống mong manh... đừng vì tham tiền phụ nghĩa anh em...” Tiếng hát của người đàn ông bán vé số mù, vẫn dọc theo đường phố Sài Gòn mờ trong khói, bụi.