Có lẽ người Việt chúng ta thiếu chữ để diễn tả cái đẹp.


Trong phạm vi nghệ thuật âm nhạc thì mình đã mất gần hết những gì của cổ nhân. Ðiều gì mới lạ hơn của thiên hạ thì ta cũng chưa có chữ phiên dịch cho đúng. Quỳnh Giao nghĩ như vậy khi tìm chữ cho một loại nhạc khúc gọi là “Rhapsody.”

rhapsodyNếu có tìm tòi hỏi han thì chỉ biết rằng loại nhạc này có tính chất cường điệu, đầy vẻ náo nức hứng khởi. Ðược ông anh trong nhà dạy thêm là người Nhật gọi là “Cuồng Thi Khúc,” người Tầu gọi là “Cuồng Tưởng Khúc” thì mình cũng chẳng thấy tâm trí được sáng hơn! Mà sở dĩ phải nói đến Rhapsody cũng vì một nhạc sĩ gốc Do Thái, sinh trước thế kỷ 20 được hai năm.

Ông ta thuộc thế hệ di dân thứ ba, và trưởng thành tại Hoa Kỳ, ông mới chỉ đổi tên Do Thái ra một cái tên Mỹ hóa sau khi đã thành danh. Ðấy là George Gershwin, nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất của nước Mỹ. Nhạc khúc ở đây chính là bài Raphsody in Blue.

Là một nhạc sĩ và dương cầm thủ, Gershwin xuất thân từ trường phái cổ điển Tây phương, đã qua Pháp học thêm về nhạc mà bị... đuổi về vì các bậc thầy khi đó như bà Nadia Boulanger hay nhạc sĩ Maurice Ravel coi ông là đỉnh cao của âm nhạc Hoa Kỳ. Quả thật, theo tiêu chuẩn của Mỹ, Gershwin là nhạc sĩ được trả thù lao thuộc vào loại cao nhất cổ kim, từ khi bỏ học đi hát nhạc quảng cáo ở tuổi 15 cho đến khi là nhà soạn nhạc đại tài mà tạ thế lúc mới có 37 tuổi.

Với tuổi thọ chỉ hơn Mozart có hai tuổi, và hành nghề trong 22 năm, George Gershwin làm thay đổi cách viết nhạc và nghe nhạc cổ điển của nước Mỹ. Không những vậy, ông đưa nền “dân nhạc” của Hoa Kỳ lên hạng cổ điển. Bài “Rhapsody in Blue” của ông là một điển hình.

Sau khi nổi tiếng rồi, cuối Thu năm 1923, ông được yêu cầu soạn ra một bản “concerto cho nhạc jazz.” “Concerto” thì có thể là một cầm tấu khúc không nặng nề vĩ đại như một bản giao hưởng “symphony.” Nhưng nhạc “jazz”? Thời ấy, người ta cứ gọi chung loại nhạc phổ thông trên đường phố Hoa Kỳ là nhạc “jazz,” chứ chưa có cách phân biệt chi ly như về sau với nhạc blue, nhạc rock, thánh ca hay cả nhạc đồng quê loại country music.

George Gershwin nhận lời và trên một chuyến xe lửa tốc hành từ Boston đã soạn xong cấu trúc ở trong đầu. Phần kiến trúc rường cột ấy là hình ảnh New York trong tâm khảm của ông. Phần thịt da và hơi thở chính là những tiếng nhạc Gershwin nghe thấy trên đường phố. Từ tiếng rao hàng đến dân ca da đen, hay âm thanh nồng nàn của quán rượu có nét Âu Châu, những điệu vũ cuồng loạn màu sắc Nam Mỹ, hay cả điệu nhảy Charleston rất thời thượng của xã hội lúc đó.

Người nhạc sĩ bác học mà cũng rất bụi đời này đã kết hợp tất cả trong có mấy tuần để “Rhapsody in Blue” trỗi lên vào tháng 2 năm 1924.

Năm tới, nước Mỹ sẽ kỷ niệm 90 năm của nhạc khúc độc đáo này.

Bản nhạc mở đầu với những nốt nhạc quen thuộc chẳng khác gì bốn tiếng gõ dẫn vào bản Giao hưởng số 5 của Beethoven. Nhưng vào bản Rhapsody in Blue là lại khúc “glissando” nức nở của cây clarinet.

Lần đầu được nghe, chúng ta có thể tưởng tượng đến khói thuốc cuộn bay trong một tửu quán chơi nhạc Jazz. Thế rồi làn khói đặc quánh cứ bay lên, bay mãi như tiếng than bất tận và sau đó mới chờn vờn trên một đỉnh cao vút, sáng rỡ. Hóa ra Gershwin diễn tả những cao ốc chọc trời của New York, của nước Mỹ.

Bên dưới mới là cảnh phố xá sống động trong tiếng xe hỏa dồn dập và tiếng còi inh ỏi lẫn âm thanh sinh động của xã hội.

Mỗi chuyển đoạn lại là một góc phố với một nhịp điệu có thể đứng riêng một cõi. Nhưng tổng hợp lại thì ta nghe được một bức tranh đa sắc về Hoa Kỳ, được kết nối trong một giai điệu. Quỳnh Giao chỉ có thể gợi ý hay giới thiệu được như vậy mà thôi.

Nếu chúng ta chậm rãi nghe lại từng đoạn và đẩy trí tưởng tượng đi rất xa thì có thể cảm được sự dụng công của người nhạc sĩ. Giới nghiên cứu thì nói đến giai điệu, hòa âm hay tiết tấu và cách chuyển cung rất tân kỳ độc đáo của Gershwin. Người viết này thì chỉ dám mơ đến khúc hoan lạc của di dân.

Gershwin là con cháu di dân, sống chung đụng với nhiều sắc dân ở một nơi văn minh và đa tạp nhất Hoa Kỳ là New York. Nơi đây, ông nghe được đời sống muôn màu và diễn lại thành nhạc trong một cuồng khúc có nét tán dương. Hay nói cho nền văn hóa của chúng ta, là dùng nhạc để tán thán công đức của các thế hệ đi trước. Xin quý vị thử nghe lại với tâm cảnh ấy...