main billboard

Chuyến đi Mỹ của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang hôm 25-7 là một chuyến đi vội vã. Truyền thông Hoa Kỳ không đưa tin hàng đầu vì thiếu đột phá trong phát triển quan hệ, không có những hợp đồng thương mại được ký kết.

Tờ báo tài chính có đông độc giả nhất là Wall Street Journal đưa tin chưa đến 100 chữ trong cột tin vắn nơi trang A8.

truongtansang obamaChủ Tịch Sang và TT Obama

Những gì ông Sang đem về là lời hứa của Tổng thống Barack Obama sẽ nâng quan hệ hai nước lên mức đối tác toàn diện và thúc đẩy thương thảo với hy vọng cuối năm sẽ ký Hiệp ước Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình dương. Chỉ có thế.

Khoảng cách lớn giữa hai lãnh đạo là về nhân quyền. Ông Obama nói Hoa Kỳ tin rằng mọi người có quyền tự do phát biểu, tôn giáo và hội họp. Ông Sang cho biết hai bên còn khác biệt.

Không có gì đem về, nhưng quà mà Chủ tịch Sang mang tặng Tổng thống Obama lại gây bàn luận. Đó là bản sao bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cho Tổng thống Harry Truman năm 1946 yêu cầu giúp Việt Nam giành lại độc lập từ Pháp.

Trên trang bình luận của Wall Street Journal ngày 27/28-7, nhà báo Ronald Radosh chỉ trích Tổng thống Obama thiếu hiểu biết lịch sử khi đưa ra nhận định “Hồ Chí Minh đã thực sự bị cuốn hút bởi bản Tuyên ngôn Độc lập, Hiến pháp Hoa Kỳ và những ngôn từ của Thomas Jefferson.”

“Có thể hình dung ra Hồ Chí Minh đang mỉm cười xảo quyệt dưới mồ sâu.”, tác giả viết và cho rằng cố lãnh tụ Việt Nam là kẻ trung thành với Mác-Lê vì từ thập niên 1920 đã được huấn luyện theo trường phái Lênin.

Cuộc hội kiến cũng không là tin trang nhất của báo New York Times. Tại miền tây, tờ Mercury News ở San Jose, nơi có đông người Việt sinh sống, cũng chỉ đưa tin trang trong. Trong khi đó tờ Los Angesles Times lại viết về những nỗ lực tranh đấu cho nhân quyền của người Mỹ gốc Việt.

Riêng báo Washington Post ngày 25-7 có trang quảng cáo về tiến trình bang giao Việt-Mỹ do Đại sứ quán Việt Nam bỏ tiền ra đăng.

Trong khi quan hệ hai nước không gây chú ý nhiều cho truyền thông Mỹ, quan hệ giữa người Việt hải ngoại, đặc biệt là người Mỹ gốc Việt, với Hà Nội lại là đề tài bàn luận sôi nổi trên truyền thông Việt ngữ hải ngoại.

Chủ tịch Trương Tấn Sang qua những phát biểu, tại Bạch Ốc cũng như tại các buổi nói chuyện, gặp gỡ kiều bào và du học sinh đều nhắc đến đóng góp của người Việt nước ngoài, đặc biệt là người Mỹ gốc Việt. Ông mời gọi người hải ngoại về thăm quê hương để thấy đất nước phát triển, mời ra thăm Trường Sa để hiểu rõ quyết tâm bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền dân tộc của nhà nước.

Tại Bạch Ốc, trước sự hiện diện của Tổng thống Obama, Chủ tịch Sang ngỏ lời cám ơn Hoa Kỳ đã ân cần chăm sóc người Việt, giúp đỡ cho họ thành công trong cuộc sống. Nhiều người bất bình với việc vơ vào này, bởi nhà nước cộng sản mà ông Sang đại diện chính là nguyên do khiến họ bỏ đất nước Việt Nam ra đi.

nguyenthanhsonThứ trưởng Sơn

Phát biểu của Chủ tịch Trương Tấn Sang gây phản ứng, nhưng không bằng nhậnđịnh của Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, đặc trách về người Việt Nam ở nước ngoài.

Trên mạng tiếng Việt của BBC và VOA tuần qua om sòm chuyện ông Sơn bình luận về người biểu tình chống Chủ tịch Sang là vì còn hận thù hay được trả tiền để tham gia.

Trích phát biểu của ông Sơn từ Phố Bolsa TV, BBC đặt tít: “Chống ông Sang vì hận thù, thu nhập?”. Trong khi đó VOA tường thuật sự kiện qua bài viết có tựa: “Thứ trưởng Ngoại giao VN: Những người biểu tình đòi nhân quyền là vì tiền”.

Bài viết trên VOA có 400 ý kiến đóng góp và trên BBC cũng đã có hàng trăm ý kiến dưới bài và trên FB. Kẻ bênh vực, người phản bác.

Trước nhiều phản hồi nói Thứ trưởng Sơn vu khống, qui chụp người biểu tình, ông Sơn lại lên tiếng trên Phố Bolsa TV cho rằng BBC tiếng Việt “giật tít như thế nó không xứng tầm của BBC vì đài BBC là đài có tiếng trên thế giới.” Không thấy ông nhắc gì đến bài trên đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA.

Chuyện quan chức nhà nước cáo buộc người tham gia biểu tình phản đối lãnh đạo Việt Nam là vì tiền không phải bây giờ mới nghe nói.

Năm 1994 có triển lãm VietExpo ở San Francisco. Trưởng đoàn là ông Đoàn Duy Thành, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp, đưa 150 doanh nhân cùng sản phẩm Việt để giới thiệu vào thị trường Mỹ.

Hàng nghìn người có mặt biểu tình chống đối khiến lúc cắt băng khai mạc thì cánh cửa lớn ra vào khu triển lãm phải đóng xuống, nếu không khi quay phim, chụp ảnh sẽ thấy sau lưng quan khách là đoàn biểu tình với cờ vàng.

Sau ông Thành lên làm Phó Thủ tướng, trong hồi ký ông đã viết về những người tham gia biểu tình như sau:

“Họ là những dân di tản, thất nghiệp, bọn phản động thuê mỗi ngày 75 USD, nhưng phải đóng quĩ của bọn phản động 25 USD chỉ còn 50 USD/ngày. Người nào trông cũng gầy còm, chỉ có vài 3 tên chỉ huy là to béo. Họ bị cảnh sát Mỹ bắt buộc đứng vào một khu vực có dây chăng chung quanh, ra ngoài vòng dây là cảnh sát đánh ngay, nên bọn họ chỉ đứng hô đả đảo.” [Làm người là khó, bản điện tử trang 164]

Hai mươi năm sau, dù quan hệ hai nước đã phát triển lên đến mức cao, hai bên đã có nhiều trao đổi thương mại, văn hoá, giáo dục và người Việt qua lại giữa hai nước ngày một nhiều, nhưng quan chức cộng sản Việt Nam dường như chẳng hiểu về quyền tự do của dân trong một xã hội dân chủ như ở Hoa Kỳ.

hinhanh bieutinh
Hàng trên, từ trái, biểu tình dịp VietExpo, San Francisco 1994; Biểu tình đòi nhân quyền trước Tổng Lãnh sự quán Việt Nam, San Francisco 2013. Hàng dưới, từ trái: Bài trên VOA về phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn; Bài trên Wall Street Journal (ảnh Bùi Văn Phú).

Nói như ông Sơn, nếu đi biểu tình là vì tiền, sao nhà nước không bỏ tiền ra thuê người đến để ủng hộ lãnh đạo.

Từ khi quan hệ hai nước phát triển, California đã đón Phó Thủ tướng Trần Đức Lương, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và gần nhất là cuối năm 2009 với chuyến đi của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhân dịp hội nghị Meet Vietnam - Gặp gỡ Việt Nam - ở San Francisco.

Lần nào lãnh đạo Việt nam cũng gặp biểu tình phản đối, ít thì vài trăm người, đông lên đến số nghìn. Nếu cứ tính 75 đô-la cho một người, như con số mà Phó Thủ tướng Đoàn Duy Thành đưa ra, thì mỗi lần biểu tình cũng phải có ngân quĩ vài chục nghìn đô. Lấy tiền đâu mà trả cho các cuộc biểu tình một năm ít nhất vài lần.

Sau chuyện biểu tình vì tiền, lại được nghe thứ trưởng so sánh cảnh sát giao thông ở Việt Nam và ở Mỹ như là bằng chứng ở đâu dân chủ hơn. Ông nói dân Việt tự do hơn vì dám cãi, chất vấn cảnh sát khi bị thổi còi phạt. Còn ở Mỹ không ai dám cãi lại cảnh sát.

Ông Sơn không hiểu về tam quyền phân lập, mà ở nước Việt Nam ngày nay chưa có. Cảnh sát là người thi hành pháp luật, còn nhiệm vụ giải thích luật là trách nhiệm của một chánh án ở toà. Khi bị biên phạt và nếu cảm thấy oan ức thì chờ ngày ra toà như ghi trong giấy phạt để giải thích chứ không ai đứng đó cãi lại cảnh sát Mỹ.

Nghe những phát biểu gần đây của ông Sơn khiến tôi tò mò tìm hiểu. Tiểu sử của ông trên trang nhà của Bộ Ngoại giao Việt nam, có những nét chính như sau:

- Ngày sinh: 26/12/1957

- Trình độ học vấn: Tiến sĩ

- Ngoại ngữ: Nga D, Anh C, Pháp B

- Từ 9/2009 đến nay: Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

- Từ 2/2006 đến 3/2008: Học cao cấp lý luận Mác-Lê tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Tôi thường cho rằng những cán bộ ngoại giao Việt Nam được đi ra nước ngoài nhiều nên có tầm hiểu biết và suy nghĩ thoáng hơn là công an.

Nhưng điều ông Sơn nhận định về người biểu tình đã không làm cho khoảng cách giữa người Việt ở nước ngoài và nhà nước được gần thêm lại.

Như vậy giữa Chủ tịch Trương Tấn Sang và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, người Việt hải ngoại biết tin ai bây giờ?

© 2013 Buivanphu.wordpress.com