main billboard

... đa số người dân Isreal ủng hộ việc để người Palestine lập quốc, nhưng không tán thành việc giải tỏa những khu định cư của người Israel ở vùng Bờ Tây và ở một vào khu vực khác mà Israel đã chiếm được sau cuộc chiến 1967.


Khi Thủ Tướng Benjamin Netanyahu của Israel triệu tập cuộc họp đặc biệt vào trưa ngày Chủ Nhật, mọi người đều hiểu ông muốn tìm cách giải quyết những nổi cộm chính trị liên quan đến cuộc đàm phán với Palestine có thể sẽ bắt đầu nội trong tuần này ở Washington D.C.

benjamin netanyahuThủ Tướng Benjamin Netanyahu (thứ hai từ trái) trong cuộc họp nội các Israel. (Hình: Uriel Sinai/Getty Images)

Ðài phát thanh quốc gia Israel đưa tin cho hay ngay ở phần đầu của cuộc họp, vị thủ tướng nổi tiếng bảo thủ nói với mọi người “đàm phán (với Palestine) không phải là điều dễ làm” nhưng “chúng ta sẽ tham gia với tất cả quyết tâm, thẳng thắn, và với hy vọng cuộc thảo luận sẽ diễn ra trong tinh thần nghiêm chỉnh, trách nhiệm.” Ông cũng nhắc lại lời hứa “tất cả những hiệp ước sẽ được đưa ra tham khảo ý kiến của người dân qua những cuộc trưng cầu dân ý,” hiểu rằng những cuộc thăm dò đều cho thấy đa số người dân Isreal ủng hộ việc để người Palestine lập quốc, nhưng không tán thành việc giải tỏa những khu định cư của người Israel ở vùng Bờ Tây và ở một vào khu vực khác mà Israel đã chiếm được sau cuộc chiến 1967.

Những cuộc thăm dò này và cuộc bầu cử không mấy thuận lợi mới diễn ra hồi Tháng Giêng đầu năm nay chính là những điều khiến ông Netanyahu nhức đầu. Người dân muốn thấy hòa bình nhưng không chấp nhận cho chính phủ “nhượng bộ quá mức,” sau cuộc đầu phiếu đảng Likud do ông lãnh đạo phải liên kết với một vài đảng nhỏ khác để giữ khối đa số, và những đảng được mời tham gia trong liên minh đã dọa sẽ rút lui nếu những đòi hỏi của họ không được đáp ứng.

Họ đòi hỏi những gì? Lãnh tụ Naftali Bennett của đảng Jewish Home bảo sẽ rút ra khỏi liên minh “nếu chính phủ chấp nhận các điều kiện phía Palestine đặt ra.” Ông nói thẳng “thương thuyết nhưng họ (Palestine) không được đặt điều kiện, phía chúng ta không được nhượng bộ,” kể cả nhượng bộ đòi hỏi phải ngưng ngay chương trình định cư dân và phải trả những phần đất đang chiếm đóng. Ðây là điều Washington đã nhiều lần nói tới nhưng không được chính phủ Israel thực hiện khiến quan hệ giữa Thủ Tướng Netanyahu và Tổng Thống Barack Obama trở thành lạnh nhạt, đồng thời cũng là lý do chính khiến cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine đổ vỡ.

Một đồng minh chiến lược khác là ông Avigdor Lieberman thì cho rằng đừng vội mơ tưởng chuyện giải quyết được cuộc chiến kéo dài đã nhiều thập niên. “Tôi biết tầm quan trọng của đàm phán, tôi cũng biết rõ đàm phán có nghĩa là phải đem lại kết quả cụ thể chứ đừng có hoang tưởng. Ðiều thực tế nhất là trong những năm tới sẽ không thể nào giải quyết được căng thẳng giữa Israel và Palestine, vì thế cách tốt nhất là cứ đợi xem tình hình căng thẳng đến mức nào thì giải quyết đến mức đó, đừng nghĩ đến chuyện đàm phán, chẳng đem lại được gì cả.”

Những chính trị gia cùng đảng với ông Netanyahu cũng lên tiếng nhắc nhở người lãnh đạo “thận trọng” khi nói chuyện với đối phương, nhắc lại ngay từ những ngày đầu “vì an ninh quốc gia nên chúng ta đã áp dụng chính sách cứng rắn (đối với Palestine), không vì lý do gì mà tự dưng chúng ta lại phải mềm mỏng với họ.” Người nói câu này là ông Yisrael Katz đang giữ chức bộ trưởng Giao Thông, nhấn mạnh chính phủ sẽ bị chỉ trích là thiếu đạo đức, không xứng đáng là người Israel “nếu chúng ta trả những vùng có người Israel định cư lại cho người Palestine.” Chính trị gia nổi tiếng cứng rắn này nói rõ hơn: phải tiếp tục đưa dân ra định cư, cá nhân ông “không bao giờ ủng hộ ý kiến cho người Palestine lập quốc.”
Không chỉ Isreal, bên phía Palestine cũng ngần ngại.

Trưởng đoàn đàm phán Palestine là ông Saeb Erakat cho biết “vẫn chưa nhận được lời mời chính thức của Hoa Kỳ” dù ông đã sẵn sàng để lên đường sang Washington phó hội. Ông Erakat nói thêm “chúng tôi vẫn chờ câu trả lời của phía Mỹ về nhưng điều chúng tôi đã trình bày, như chuyện Israel phải trả lại các vùng đất thuộc về chúng tôi trước năm 1967, phải trao trả tù nhân...” Ông không trả lời câu hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu những yêu cầu này của Palestine không được Israel đáp ứng, chỉ nói “đến lúc này tôi thấy vẫn còn quá sớm để có thể nói là chúng ta sẽ đạt được kết quả.”

Ông trưởng đoàn đàm phán không lạc quan, người đang điều khiển chính phủ Palestine cũng chưa nở được nụ cười. Những nhà báo tháp tùng Ngoại Trưởng Kerry đi Trung Ðông kể lại khi xuất hiện với ông Abbas cho các nhà báo chụp hình, chính ông Kerry bảo “ông chủ tịch tươi tỉnh lên đi chứ” (nguyên văn: “Mr. President, you should look happy”). Ðiều đó có nghĩa là ông Abbas đang lo, không biết gật đầu đồng ý trở lại bàn hội nghị có phải là điều hay hay không.