main billboard

Rõ ràng Tòa Bạch Ốc đang lưỡng lự, không biết nên làm thế nào cho đúng.

Ngay chính ông phát ngôn viên Jay Carney cũng tỏ vẻ ngần ngại trước khi đưa ra câu trả lời vô thưởng vô phạt: “Tôi không có gì thêm để báo cho các bạn biết,” sau đó nói thêm “Tổng Thống vẫn dự tính đi Nga vào Tháng Chín tới đây,” khéo léo tránh né câu hỏi liệu Tổng Thống Barack Obama có gặp Tổng Thống Vladimir Putin như hai ông đã từng dự tính trước dây hay không.

obama putin 1Tổng Thống Barack Obama (trái) và Tổng Thống Vladimir Putin tại cuộc gặp gỡ ở Hội Nghị Thượng Ðỉnh G-8 tại Bắc Ireland hồi Tháng Sáu. (Hình: Jewel Samad/AFP/Getty Images)

Chuyện như thế này: Tháng Chín năm nay đến phiên Nga tổ chức Thượng Ðỉnh G-20, chính phủ Nga đã chọn St. Petersburg là địa điểm đồng thời bên Tòa Bạch Ốc và Ðiện Kremlin còn dàn xếp để 2 nhà lãnh đạo Nga-Mỹ gặp nhau ở Moscow. Hôm 17 Tháng Sáu vừa rồi Tòa Bạch Ốc loan báo “Tổng thống đã nhận lời mời (của tổng thống Nga) để gặp nhau ở Moscow” sau khi Thượng Ðỉnh G-20 kết thúc. Một viên chức cao cấp thuộc Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia còn nói “Tổng thống thấy vui khi nhận được lời mời, trông chờ cuộc gặp gỡ riêng với ông Putin,” hy vọng “sẽ xây dựng được mối quan hệ vững chắc hơn về cả mặt quốc gia lẫn cá nhân” hầu giải quyết những khó khăn đang xảy ra “gây bất lợi cho 2 quốc gia và cho cả sự ổn định của thế giới.” Ông phụ tá đặc trách chiến lược Ben Rhodes thì nói cả Washington lẫn Moscow đều hiểu “phải làm việc chung với nhau (chứ) một mình không làm được gì cả.”

Chuyện tốt đẹp đó diễn ra hôm 17 Tháng Sáu. Ðúng một tuần sau (ngày 23 Tháng Sáu) xảy ra chuyện Edward Snowden. Sau khi tiết lộ tài liệu bí mật quốc gia, anh chuyên viên IT mang quốc tịch Hoa Kỳ bỏ trốn từ Hawaii sang Hongkong, sau đó từ Hongkong bay sang Nga rồi mắc kẹt ở phi trường quốc tế Sheremetyevo, đẩy ông Putin vào thế khó xử. Trong một cuộc họp báo, tổng thống Nga bảo với đại ý chính Hoa Kỳ đẩy Nga vào thế kẹt vì lúc anh thanh niên bị chính phủ Mỹ truy nã đang ngồi trên máy bay từ Hongkong sang Nga để đi một nước khác thì Washington quyết định hủy bỏ giấy thông hành của anh ta, khiến anh ta “không thể rời Nga đi một nơi khác được nữa.” Trong một cuộc họp báo khác, ông Putin cho hay sẽ cho anh này được tạm trú nhưng với điều kiện “không được tiết lộ thêm tin tức gây bất lợi cho nước Mỹ,” vài ngày trước đây khi tiếp xúc với báo chí, ông Putin bảo thêm quan hệ giữa Moscow với Washington mới là chuyện quan trọng, chuyện “râu ria” như chuyện Snowden là điều không đáng để phải bận tâm.

Ít nhất về mặt công khai, Tòa Bạch Ốc đồng ý với quan điểm này. Nán lại ít phút để nói chuyện với báo chí sau cuộc họp báo thường ngày hôm Thứ Tư vừa rồi, ông Jay Carney cho biết Hoa Kỳ “chia sẻ quan điểm với Tổng Thống Putin, không muốn chuyện này gây trở ngại cho quan hệ rộng lớn và quan trọng,” nhưng theo một người thân cận với hành pháp, “dường như chính phủ Hoa Kỳ vẫn muốn làm một điều gì đó để bày tỏ thái độ đối với quyết định của ông Putin khi ông ta cho Snowden tạm trú.” Thái độ này có thể sẽ là Tổng Thống Obama đi Nga dự Thượng Ðỉnh G-20 ở Petersburg “nhưng không gặp ông Putin ở Moscow.”

Nhân vật này cho hay được một viên chức Tòa Bạch Ốc kể lại “Thứ Sáu tuần trước Tổng Thống Obama có gọi điện thoại nói chuyện với Tổng Thống Putin về chuyện Snowden.” Người kể chuyện này nói rằng trong cuộc điện đàm kéo dài 15 phút đồng hồ “Tổng Thống Obama nói đi nói lại Nga không có lý do gì để phải cho Snowden tạm trú,” chưa kể đến mặt pháp lý quốc tế “Nga phải trục xuất anh này, giao anh ta lại cho Hoa Kỳ.” Ðây là quan điểm “Hoa Kỳ đã thể hiện ngay từ những ngày đầu tiên” đã trình bày với chính phủ Nga ở nhiều cấp khác nhau trước khi đích thân Tổng Thống Obama lên tiếng nói với Tổng Thống Putin.

Tất cả những quan sát viên chính trị đều tin ông Obama “bực mình” nhưng cuối cùng “hai ông cũng sẽ ngồi xuống nói chuyện với nhau.” Ông Phil Dobson, một cựu nhân viên ngoại giao từng làm việc nhiều năm ở Moscow bảo “ông Obama cần ông Putin giúp giải quyết nhiều chuyện, chẳng hạn như chuyện Syria, Iran, hòa bình Trung Ðông, Bắc Hàn, cho đến chuyện đừng để Nga đi quá sát với Trung Quốc,” do đó gặp nhau để thảo luận “là điều Hoa Kỳ thấy cần phải làm.” Về phía Nga, ông Dobson cho rằng “ông Putin muốn cải tiến quan hệ, muốn của Moscow giữ một vị trí quan trọng hơn nữa trên bàn cờ quốc tế” và muốn làm điều này, “chính ông Putin và các công sự viên thân tín nhất của ông ta đều hiểu thái độ đối đầu với Hoa Kỳ chẳng đem lại lợi ích gì cả.”

Ngay nhà bình luận bảo thủ Donald Victor cũng cho rằng những tin tức bí mật mà Snowden đã tiết lộ “không chỉ gây tai hại cho uy tín của Tổng Thống Obama, mà còn khiến cho quan hệ giữa Hoa Kỳ và các nước đồng minh Âu Châu ở trong thế khó khăn, gây bất lợi cho an ninh của nước Mỹ cũng như của các đồng minh.” Trong thế khó đó, ông Obama sẽ khiến tình hình trở nên rắc rối hơn nếu từ chối gặp ông Putin. Chính sách nghe lén của ông Obama đang bị nhiều người bực mình, trong đó có cả Nga, nên ông Putin mới cho Snowden tạm trú. Ông Obama hiểu là trong lúc này “giải quyết được tí nào hay tí nấy và muốn giải quyết thì cách hay nhất vẫn là phải gặp nhau,” theo ý kiến của ông Victor.

Có thể đó cũng là những điều Tòa Bạch Ốc đang nghĩ tới, nhưng thấy chưa vội phải quyết định ngay trong lúc này. Nói như một nhà ngoại giao Âu Châu, “từ bây giờ đến Tháng Chín vẫn còn quá xa, còn nhiều thì giờ để ông Obama và dàn cố vấn suy tính.” Nhà ngoại giao này một mặt tin rằng “Thượng Ðỉnh Obama-Putin thế nào cũng thành hình,” mặt khác bảo “tôi cầu nguyện nếu có gì rắc rối khiến 2 ông không thể gặp nhau thì rắc rối đó không xảy ra vì chuyện Snowden.”