Thử tưởng tượng nếu bạn làm thợ hồ hay thợ hàn hay đơn giản chỉ là một người làm công, ai sai gì làm nấy, nhưng cả ngày phải ở ngoài đường dưới cái nóng 40, 45 độ C của sa mạc thì bạn chịu nổi không?

dubaiDubai

Thật ra thì đây không phải là lần đầu tiên tôi đặt chân đến Dubai. Cũng phải 5, 7 lần rồi vì lúc tôi còn làm việc ở Phi Châu, lần nào bay đi hay bay về từ Uganda hay Kenya tôi cũng phải ngừng ở đây để chuyển máy bay đi tiếp. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến Dubai chỉ để ở... Dubai. Ðể tìm hiểu thêm về thành phố này và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (United Arab of Emirates - UAE) hiện được xem là văn minh, hiện đại và giàu có nhất của vùng Trung Ðông đầy biến động.

Dĩ nhiên việc làm là chính. Mục đích tôi đến là để tìm hiểu xem người Việt ở đây sống ra sao, sinh hoạt thế nào. Nhưng hình như ở đâu cũng thế. Ði đến đâu cũng vậy. Qua những câu chuyện Việt Nam mà tôi được nghe, những con người Việt Nam mà tôi được gặp, thì tôi lại hiểu được thêm chút ít về vùng đất mà họ đang tạm nhận làm quê hương. Về những gì mà họ đang phải trải qua. Sung sướng có. Nhưng khổ cực cũng vô cùng.

Trước tiên tôi muốn nhắc đến khổ cực. Ðơn giản vì tôi là người thích nghe “bad news” trước “good news”.

Theo một số anh chị em đang ở Dubai cho biết, hiện nay có khoảng 7, 8 ngàn người Việt Nam ở UAE. Phần lớn họ đến để làm việc dài hạn trong các công trường, hãng xưởng ở Dubai và thủ đô Abu Dhabi. Mà có thể các bạn cũng đã biết, UAE không phải là một nước có khí hậu bình thường. Hôm tôi đến mặc dù chưa đến hè nhưng ban ngày nhiệt độ đã lên đến gần 40.

Thử tưởng tượng nếu bạn làm thợ hồ hay thợ hàn hay đơn giản chỉ là một người làm công, ai sai gì làm nấy, nhưng cả ngày phải ở ngoài đường dưới cái nóng 40, 45 độ C của sa mạc thì bạn chịu nổi không?

Ðấy là cái khổ thứ nhất.

Cái khổ thứ hai là thật sự cái xứ Trung Ðông này, giàu thì nó giàu thật. Hiện đại thì cũng có thể nói là nhất vùng. Nhưng văn minh thì chưa chắc. Hay nói chính xác hơn là chưa tới. Vì ở đây sự phân biệt kỳ thị giữa nam và nữ. Giữa người bản xứ và người ngoại quốc. Giữa người và người vẫn còn khá lớn, nếu không muốn nói thẳng ra là rất lớn.

Trước tiên phải nói đến sự kỳ thị giữa nam và nữ. Ðồng ý là ở các nước Á Châu như Việt Nam nạn kỳ thị giới tính vẫn còn. Và ở Dubai thì ít nhất phụ nữ cũng được quyền lái xe hay tự đi ra ngoài một mình. Nhưng nhìn chung, phụ nữ vẫn bị cho là những công dân hạng hai và khi bước ra đường phần lớn họ đều phải che khăn, bịt mặt. Có người còn bịt luôn cả mắt chỉ chừa hai lỗ nhỏ có chấn song tựa như hai đôi mắt đang bị biệt giam trong xà lim. Thế là cả người từ đầu đến chân trông như một tấm vải đen biết đi, rất giống những gì mình thường thấy trên TV hay phim của Hollywood.

Sự kỳ thị giữa người bản xứ và người ngoại quốc cũng rất rõ ràng và đậm nét. Theo thống kê của năm 2010 thì mặc dù dân số của UAE lên đến 8.2 triệu nhưng chỉ có 13% là người bản xứ. Phần còn lại là người ngoại quốc đến làm việc (expatriates) và phần lớn những người trong số này đều là người lao động đến làm công từ những nước như Ấn Ðộ, Pakistan, Bangladesh, Việt Nam, Philippines. Chưa nói đến số tiền lương được trả khác một trời một vực với người bản xứ, người lao động nước ngoài hoàn toàn không hưởng được bất kỳ sự trợ cấp nào từ chính phủ UAE.

Ngược lại nếu như bạn là người UAE thì không những bạn được hỗ trợ từ tiền nhà, tiền điện mà trong xã hội, chỉ có người UAE mới được nhận vào làm những công việc tốt, vững vàng và có cơ hội thăng tiến nhất trong các cơ quan chính phủ.

Ðó là lý do tại sao Dubai là nơi tôi thấy có nhiều xe hơi Ferrari chạy trên đường nhất. Chưa kể đến một số kiểu xe mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Theo Wikipedia cho biết, thủ đô Abu Dhabi từng được cho là thành phố giàu nhất thế giới.

Ðiều này giải thích tại sao cùng một lúc và chỉ trong vỏn vẹn vài phút sau tôi lại thấy cảnh những người lao động, Ấn Ðộ có, Pakistan có, Việt Nam có, sống tập trung trong những khu nhà tập thể, sáu người một phòng. Họ phải làm việc quần quật sáu ngày một tuần dưới cái nắng chói chang ngày này qua tháng khác chỉ để được trả $400, $500/tháng cho công việc.
Sự kỳ thị giữa người giàu và người nghèo. Giữa chủ và tớ. Giữa người và người trong một xã hội như vậy thật không thể nào tránh khỏi.

Nói như thế không có nghĩa là đi đâu tôi cũng thích nêu cái xấu mà không nhắc đến những cái hay, cái đẹp của các xứ sở mà tôi từng có dịp ghé qua. Như lần này ở Dubai lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự sung túc và giàu có của các vương quốc Ả Rập.

Sheik Zayed Grand Mosque ở thủ đô Abu Dhabi cách thành phố Dubai chỉ hơn một giờ lái xe là một trong những ngôi đền của đạo Hồi đẹp nhất mà tôi đã có dịp ghé thăm. Phải đến đây và nhìn được tận mắt những nét chạm trổ tinh xảo bạn mới thấy và hiểu được thế nào là xa hoa nhưng nghiêm trang, lộng lẫy nhưng đơn giản dưới cái nhìn của những người theo đạo Hồi. Nó thật sự rất đáng cho chúng ta chiêm nghiệm và ngưỡng mộ.

Một điều nữa làm cho tôi ngạc nhiên nhưng rất thích là sự có mặt của nhiều người Việt ở Dubai và sự ân cần của họ dành cho những người có cùng quê hương, ngôn ngữ. Ngoài những người Việt sang làm lao động, ở Dubai còn có khá nhiều các bạn trẻ người Việt đang làm trong những khách sạn năm sao, kể cả khách sạn bảy sao duy nhất: Burj Al Arab, được cho là đắt nhất thế giới. Ðấy là chưa kể đến một số chị em lấy chồng ngoại quốc và hiện đang sống và làm việc cùng gia đình ở UAE.

Hôm tôi đến nhà chị Hà vừa mới quen ở Dubai để gặp một số anh chị em người Việt khác, thành thật mà nói tôi không thể ngờ là mình vừa có dịp phỏng vấn các bạn bằng tiếng Việt, lại vừa được cho ăn chả giò, chả cá chấm nước mắm, lại được nghe đàn, nghe hát kể cả ngâm thơ.

Thế mới thấy hay không bằng hên. Và không đi đâu mà không có người Việt nếu như bạn thật sự muốn tìm đến. Mỗi nơi sẽ cho bạn thêm một tí kiến thức về con người và xã hội. Mỗi người, đặc biệt là người Việt, sẽ cho bạn một cái nhìn khác về thế giới và cuộc sống của họ. Cũng là của người Việt nhưng nó khác rất xa những gì chúng ta biết về người Việt ở Việt Nam hay ở Mỹ, ở Úc, ở Âu Châu.

Thế đã nhé. Lần này chính tôi đây cũng đang có dịp khám phá những thành phố cổ mà từ trước đến nay tôi chỉ có dịp đọc trên sách, báo. Như thủ đô Constantinople của các đế chế Byzantine, Ðông La Mã, Ottoman nay được gọi là Istanbul, thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ.