main billboard

Em đến thăm anh người em gái, tà áo hương nồng ... Mắt nhung trìu mến sưởi ấm lòng anh...


asian blue eyesNgười Á Ðông thường chỉ có hai màu mắt là đen và nâu. Trong văn chương và âm nhạc, chúng ta thi vị hóa thành mắt nhung hay mắt huyền, đôi khi mới có viết về mắt nâu.

Em đến thăm anh người em gái, tà áo hương nồng

Mắt nhung trìu mến sưởi ấm lòng anh...

(trong Em Ðến Thăm Anh Một Chiều Mưa của Tô Vũ)

Ðôi mắt huyền ơi!

Hay chăng tôi yêu say sưa nồng nàn...

(trong Ðôi Mắt Huyền của Thông Ðạt)

Một đôi vòng tay nhỏ, với đôi mắt nâu buồn

Cành hoa hồng nhung nở, đỏ như màu nụ hôn...

(trong Tiếng Hát Ðồi Sim thơ Nhất Tuấn nhạc Hoàng Lang)

Một số người hay tả đôi mắt Tây phương là mắt biếc. Thế nào là “biếc” thì tùy người đối diện vì có thể xanh như da trời, trong veo màu ngọc bích, có khi màu nâu rất nhạt. Việc ta gọi chung một chữ “xanh” cho hai màu da trời và lá cây cũng là nét lạ. Phải chăng vì vậy mà tân nhạc của chúng ta cũng có hai ca khúc cùng mang tên “Mắt Biếc”?

Một của Cung Tiến, và một của Ngô Thụy Miên. Mà hình như cả hai bài đều không diễn tả mắt xanh.

Ca khúc Mắt Biếc được Cung Tiến viết từ 1966, khi đang du học bên Úc. Năm 1981, bài hát được sửa cho hoàn hảo tại tiểu bang Minnesota, nơi ông và gia đình định cư sau 1975. Bài hát đề tặng Josée, vì vậy hiền thê của ông cũng được bạn bè gọi là “Josée Mắt Biếc”. Quỳnh Giao có gặp Josée khi đến Minnesota hát những đêm nhạc “thính phòng” Phạm Ðình Chương và Cung Tiến. Lần nào thì cả ban tam ca Tiếng Tơ Ðồng cũng ngự tại nhà Cung Tiến, với vợ chồng nhạc sĩ Phạm Ðình Chương và nhà văn Mai Thảo. Chị Josée có vẻ Tây phương quý phái. Dáng người cao, mảnh mai. Nước da trắng, mũi cao, và đôi mắt nâu rất đẹp.

Ca khúc Mắt Biếc viết trên nhịp 3/8, nhưng có vài ô nhịp chuyển qua 4/8, trên cung Si giáng Trưởng. Bài hát có chuyển đoạn với tiết điệu nhanh hơn, trên cung thứ, rồi trở về cung bậc và nhịp điệu cũ. Cung Tiến viết kỹ từng nuance của cả bài, lúc êm lúc mạnh, lúc chậm rãi, lúc dồn dập. Ông soạn hòa âm cho piano từ năm 1966. Trong chương trình Chinh Phụ Ngâm ở San José năm 1988, Quỳnh Giao hát với phần hòa âm ông soạn cho dàn giao hưởng.

Mắt Biếc của Cung Tiến không dễ hát vì đòi hỏi hòa âm và người đàn. Ngày xưa khi thu thanh Mắt Biếc, Khánh Ly la ầm lên là phải đổi tên là Mắt Lé, vì cô hát đến lé mắt...!

Lời ca diễn tả nỗi nhớ nhung người xưa và kỷ niệm:
Mắt hoen màu nhớ ân tình xa xưa
Tóc nghiêng bờ nắng vai buồn chơ vơ
Mắt xưa sầu vắng, mắt xưa lệ thắm
Ôi mắt xưa còn đắm hồn tuổi thơ...

Bài hát được viết cho giọng Nam. Ngày xưa trong ban nhạc Vũ Thành, ông đưa ca khúc này cho Anh Ngọc trình bày. Theo thiển ý, Anh Ngọc trình bày bản này tuyệt nhất.

Ca khúc cùng tên do Ngô Thụy Miên viết, sau Cung Tiến vài năm và hình như là ca khúc đầu tay. Ngô Thụy Miên là bạn học trường Quốc Gia Âm Nhạc với người viết trong lớp nhạc lý của giáo sư Hùng Lân. Tên thật của anh là Ngô Quang Bình. Hiền thê của anh, ngày xưa cũng là bạn cùng lớp, chị Ðoàn Thanh Vân, con gái tài tử Ðoàn Châu Mậu. Mấy anh chị em trong nhà đều học đàn. Thanh Vân có nét duyên dáng với làn da bánh mật nên được lũ con trai xóm nhà lá gọi là “chocolat”. Ðôi mắt Vân màu nâu hạt dẻ, một mí, và rất tít như tiếng cười.

Như tác phẩm của Cung Tiến, Ngô Thụy Miên cũng viết trên nhịp điệu Boston Í chậm rãi tha thiết, trên cung La Trưởng. Nội dung là kỷ niệm và nỗi nhớ nhung người xưa:

Nhớ tới năm xưa bên nhau
Bước trong chiều mưa, phím ru nhẹ đưa
Bến cũ đam mê say sưa
Lá thu còn rơi, người xa vắng rồi...

Chuyển đoạn được viết qua cung thứ, ngắn nhưng rất uyển chuyển. Anh đổi rất nhiều hợp âm để diễn tả nỗi nhớ nhung dâng ngợp trời.

Tình yêu như mây khói
Thoảng theo gió buồn mơ hồ
Tình yêu như giông tố qua phố đìu hiu
Nhớ dáng xưa yêu kiều
Trong chiều nhạt nắng, cung đàn mỏi ý
Chờ nhau trong tê tái...

Như ca khúc của Cung Tiến, Mắt Biếc của Ngô Thụy Miên được viết cho giọng Nam. Ngày xưa ở nhà chúng ta đã nghe Sĩ Phú hát, khi ra hải ngoại có Tuấn Ngọc trình bày. Cả hai đều hay. Giọng Sĩ Phú thủ thỉ tình tứ, giọng Tuấn Ngọc góc cạnh và mạnh mẽ hơn. Có lẽ chất giọng mạnh và cứng của Tuấn Ngọc thích hợp với ca khúc này nhất.

Hai ca khúc cùng tên của hai tác giả có chỗ đứng riêng. Về nhạc thuật, Mắt Biếc của Cung Tiến thì công phu và kén người nghe lẫn người hát nên ít phổ biến. Với giới thẩm âm thì đấy là loại ca khúc nghệ thuật. Mắt Biếc của Ngô Thụy Miên dễ nghe dễ hát hơn nên được phổ biến rộng rãi và có nhiều người thưởng thức hơn. Mỗi người mỗi ý.

Tác phẩm viết ra là của mình, nhưng khi đã ra đời, đôi mắt biếc có gây sóng lòng hay không thì tùy người nghe.