Tại sao tuyệt đại đa số người dân vẫn phải cam chịu, chấp nhận sống trong sợ hãi ngay cả khi những quyền con người căn bản nhất của họ bị tước bỏ và chà đạp từ ngày này sang tháng khác?

manilaRizal Memorial; Rizal Park; Manila; Philippines (Yahoo)

Tôi phỏng vấn gia đình anh Hoàng ở Manila đúng vào ngày nghỉ Lễ Quốc Khánh của Philippines nên đường phố vắng lặng hơn ngày thường. Từ văn phòng ở Makati thường ngày phải mất độ 45 phút cho đến một tiếng mới ra đến công viên Rizal Park là nơi tôi dự định sẽ gặp mọi người để phỏng vấn.

Nhưng hôm đó chỉ trong vòng 20 phút tôi đã lái xe đến nơi. May mắn hơn nữa là tôi còn tìm được chỗ đậu xe ngay bên kia đường của đài tưởng niệm. Thế là chắc chắn tôi sẽ phỏng vấn kịp để ngay tối hôm đó còn đủ thời gian để bay sang Hồng Kông, trạm dừng chân thứ hai của tôi.

Rizal Park là nơi tưởng niệm vị anh hùng dân tộc nổi tiếng nhất của Philippines: Dr. Jose Rizal. Ông là người có công khởi xướng cuộc đấu tranh giành độc lập từ Tây Ban Nha. Cũng chính vì sự nghiệp này mà ông đã bị hành quyết ngay thành bên cạnh Rizal Park hơn 100 năm trước.

Nhưng không thành công thì cũng thành nhân và thành danh. Ngày nay, đến nơi nào trên đất nước có hơn 7,000 hải đảo lớn nhỏ này, bạn cũng sẽ thấy hai chữ Jose Rizal. Từ công viên cho đến các tòa nhà, khách sạn.

Không ầm ĩ phô trương chủ nghĩa dân tộc kiểu Trung Quốc. Cũng chẳng cứng nhắc giáo điều như ở Việt Nam. Nhân dân Philippines rất tôn sùng và yêu mến vị anh hùng dân tộc Jose Rizal của họ nhưng họ không lấy danh tánh của ông để đặt tên cho thành phố Manila hay một hòn đảo to lớn nào đó.

Thay vào đó tên của ông được ghi nhớ ở mọi nơi vì chính người dân, các gia đình, các công ty lớn nhỏ đua nhau lấy tên ông để đặt cho doanh nghiệp của mình. Theo tôi, chính sự chọn lựa hoàn toàn tự do này của người dân trong một đất nước dân chủ mới là thước đo chính xác nhất cho uy danh của những anh hùng dân tộc.

Hơn thế nữa, đối với người Philippines, cái tên Jose Rizal có hỏi họ mới nói. Chứ chưa bao giờ tôi thấy họ tự động tuyên bố này nọ hoặc ca tụng ông một cách quá đáng. Nhất là bạn sẽ không bao giờ thấy cờ xí phất phới bay trên đường phố để tuyên truyền kiểu “Sống và học tập theo gương Jose Rizal vĩ đại!”

Ngay cả trong ngày Lễ Quốc Khánh của họ.

Ðiều khác biệt duy nhất mà tôi nhận thấy ngày hôm đó là đường phố Manila ít bị kẹt xe hơn. Có nhiều người đến viếng thăm khu công viên, chụp hình trước đài tưởng niệm hơn. Và có nhiều cờ xí được treo trong khu vực. Tuyệt nhiên không có lời tuyên bố hùng hồn nào. Từ Tổng Thống Aquino hay Thị Trưởng Tân Cử Estrada.

Ðây cũng là một đặc điểm mà tôi rất thích ở người Philippines. Họ rất giản dị, tự nhiên, thuần phác, và không tính toán. Có thể vì vậy mà Philippines là nước duy nhất ở Ðông Nam Á không có chương trình cưỡng bách người tỵ nạn hồi hương (đơn giản có lẽ vì họ không nỡ) và cũng là nước duy nhất cho phép người Việt tỵ nạn được tự do làm ăn, mua bán trong lúc chờ xin được định cư ở một quốc gia thứ ba từ giữa thập niên 1990 cho đến bây giờ.

Ðối với một số khách du lịch, có thể Manila là một thành phố nghèo nàn, đông đúc, chật chội và không được đẹp cho lắm. Nó không có những khu mua sắm sầm uất như ở Hồng Kông. Không có những đền đài nguy nga, thành quách cổ kính như ở Bangkok. Người Philippines nhìn chung cũng không có những nét văn hóa dân tộc độc đáo như người Nhật, người Thái.

Nhưng đối với tôi, Philippines là nơi mà tôi có nhiều kỷ niệm nhất của một thời. Nơi đã cho tôi thấy tình người quan trọng hơn vẻ hào nhoáng của những kiến trúc đồ sộ, và cũng là nơi đã nhận rõ sự cần thiết phải ra tay cứu giúp những người cùng quẫn ngay cả khi chính mình đang gặp khó khăn. Thực tế hơn nữa, đây là đất nước mà bạn có thể sử dụng tiếng Anh dễ dàng nhất, với bất kỳ ai và ở bất cứ nơi nào.

Philippines thường được (hay bị) cho là “Tây phương hóa” nhất trong các nước ở Á Châu.

Không phải ngẫu nhiên mà có nhiều học sinh, sinh viên từ Trung Quốc, Nam Hàn, v.v... chọn đến Philippines để học tiếng Anh. Và cũng nhờ “bị” Tây phương hóa cao độ mà họ mới trở thành dân tộc đầu tiên trên thế giới trong lịch sử cận đại dám đứng lên lật đổ một chế độ độc tài - chế độ Ferdinand Marcos - vào năm 1986.

Họ đi trước cả Thiên An Môn, Bức Tường Bá Linh của năm 1989. Và sức mạnh “People Power” của dân tộc Philippines đã đi trước phong trào Mùa Xuân Ả Rập hơn một phần tư thế kỷ mà không cần bất kỳ một sự giúp đỡ nào từ Internet!

Nhiều người Việt, kể cả một số anh chị em tỵ nạn mà tôi quen biết, thường chê người Philippines là lười biếng, ham vui và không biết lo xa. Nhưng tôi thì cho là họ biết trân trọng những giá trị căn bản của một đất nước văn minh, có can đảm đứng lên tranh đấu cho quyền con người của chính họ, và quan trọng hơn hết là trong suốt hơn ba thập niên vừa qua, họ đã cưu mang, cứu giúp hàng chục ngàn người Việt tỵ nạn. Chứ tôi chưa thấy có người Philippines nào vượt biên sang Việt Nam xin ẩn trú.

Bởi thế tôi thường nghĩ thế này: Trước khi chúng ta mạnh miệng chê bai một dân tộc nào đó, phê phán là họ thế này, thế nọ, cho là người Việt chúng ta thông minh, cần cù, cầu tiến, giỏi giang đến độ nào thì chúng ta cần phải hỏi: Thế thì tại sao nước ta vẫn nghèo và cho đến bây giờ vẫn còn có nhiều người phải bỏ nước ra đi? Tại sao tuyệt đại đa số người dân vẫn phải cam chịu, chấp nhận sống trong sợ hãi ngay cả khi những quyền con người căn bản nhất của họ bị tước bỏ và chà đạp từ ngày này sang tháng khác?

Chưa cần lạm bàn đến khía cạnh chính trị và lỗi do đâu - do sự đàn áp dã man của chế độ cộng sản hay sự thờ ơ của chính dân tộc mình. Ở đây tôi nghĩ mỗi người Việt chúng ta chỉ cần đặt câu hỏi cho chính mình là đủ để thấy rằng chúng ta còn phải đi, đọc và học nhiều hơn nữa mới thật sự “biết người, biết ta.” Bằng không thì cũng như là “ếch ngồi đáy giếng” như quyển Tổ Quốc Ăn Năn của nhà hoạt động Nguyễn Gia Kiểng (mà tôi đang đọc) đã chứng minh cho thấy.

Ôi mà thôi. Có thể tôi lại hơi bị lạc đề nữa rồi. Ðã gần hết giờ mà tôi vẫn chưa ra phi trường để bay sang Hồng Kông. Chín giờ tối máy bay cất cánh mà 7 giờ 30 tôi vẫn còn ở nhà lo đóng hành lý hối hả. Phải chạy thôi. Hẹn gặp lại các bạn sau hai tiếng nữa ở Hồng Kông, hỉ?