Ðương nhiên quảng cáo “kỳ cục” này sẽ chẳng bao giờ có, nhưng chuyện đảng Dân Chủ lẫn đảng Cộng Hòa đang cần người đủ khả năng lẫn sức chịu đựng ra tranh cử là điều... khó tin nhưng hoàn toàn có thật.

Thử tưởng tượng một buổi sáng nào đó, quý độc giả thức giấc, sửa soạn uống ly cà phê đầu ngày, tay cầm tờ báo mới được giao tận nhà để xem tin tức, muốn biết chuyện Hoa Kỳ, thế giới... có gì đặc biệt không. Tờ báo hôm đó chứa đựng nhiều tin đáng đọc, nhiều chuyện đáng biết, nhưng đáng chú ý nhất vẫn là trang rao vặt thật to của đảng Dân Chủ nằm ngay cạnh quảng cáo cũng to đùng của đảng Cộng Hòa. Ðại để, 2 quảng cáo chính trị này cho biết vào năm tới Thượng Viện Mỹ có nhiều chỗ trống và đảng nào cũng cần người sẵn sàng ra ứng cử chức vụ thượng nghị sĩ.

max baucusThượng Nghị Sĩ Max Baucus (Dân Chủ-Montana), chủ tịch Ủy Ban Tài Chánh Thượng Viện, cho biết sẽ không tái tranh cử nữa, và đảng Dân Chủ vẫn chưa tìm được người ứng cử thay thế ông. (Hình: Mark Wilson/Getty Images)

Ðương nhiên quảng cáo “kỳ cục” này sẽ chẳng bao giờ có, nhưng chuyện đảng Dân Chủ lẫn đảng Cộng Hòa đang cần người đủ khả năng lẫn sức chịu đựng ra tranh cử là điều... khó tin nhưng hoàn toàn có thật. Thí dụ đang được nói tới là chuyện xảy ra ở tiểu bang Iowa sau khi Thượng Nghị Sĩ Tom Harkin tuyên bố về hưu, đến giờ vẫn chưa có người nhận lời ra tranh ghế nghị sĩ sẽ được bỏ trống vào cuối năm tới. Nói cho đúng: Bên Dân Chủ có một chính trị gia không mấy sáng giá là Dân Biểu Bruce Braley giơ tay nói sẵn sàng dự cuộc đua, còn bên Cộng Hòa thì tất cả những người được hỏi ý đều lắc đầu, từ ông thống đốc cho đến ông phó thống đốc, từ 2 vị dân biểu nổi tiếng tài ba ở nghị trường quốc gia cho đến 1 vị nghị sĩ nổi danh ở tòa nhà Quốc Hội tiểu bang. Tất cả những người từ chối đều đưa ra những lý do khác nhau, nhưng đáng chú ý nhất và đúng nhất vẫn là câu nói của ông nghị sĩ tiểu bang Brad Zaun, đại để là “điên hay sao mà ra tranh cử thượng nghị sĩ!”

Từng có lúc chức thượng nghị sĩ liên bang được xem là chức vụ dân cử cao quý nhất -chỉ thua có tổng thống, đồng thời được xem là cánh cửa mở đường cho những ai nuôi mộng trở thành người lãnh đạo quốc gia, do đó mỗi lần có ghế trống là mỗi lần những khuôn mặt nổi bật trong tiểu bang lũ lượt xếp hàng nộp đơn xin tranh cử. Rất tiếc điều đó không còn nữa: Dường như các chính trị gia Hoa Kỳ không còn muốn làm việc với một Thượng Viện đang chia rẽ quá nặng nề, không muốn bị cử tri lẫn đối thủ nhòm ngó, bới móc chuyện đời tư, cũng chẳng muốn bỏ ra -hay phải cực nhọc đi xin- khoản tiền bạc chục triệu để vận động cho chức vụ mà họ đang nghĩ rằng “chẳng đáng”. Ðiều này không chỉ xảy ra ở Iowa mà còn ở nhiều tiểu bang khác như Georgia, Montana và Kentucky.

Kể từ năm 2010 đến giờ, số thượng nghị sĩ không tái tranh cử là 30 người, chỉ riêng năm nay không thôi đã có 8 trong số 33 vị mãn nhiệm kỳ vào năm 2014 báo tin rời chính trường, đồn đãi ghi nhận được từ hành lang Thượng Viện nói từ bây giờ cho đến giữa hè, “thế nào cũng có thêm vài ông báo tin không tái tranh cử”. Trong số những người quyết định “giã từ vũ khí” có những vị nghị sĩ thuộc hàng lão làng, đầy quyền uy, như ông Carl Levin của tiểu bang Michigan, hay ông Max Baucus của tiểu bang Montana, đang nắm chức chủ tịch Ủy Ban Tài Chánh. Giới theo dõi chính trị không quên ngay sau khi nghe tin ông Baucus không tái ứng cử, chiến lược gia Cộng Hòa Ed Rollins nói ngay “ngày xưa phải mang cáng cứu thương đưa ông chủ tịch ủy ban tài chánh vào nhà thương thì ông ta mới nhả cái ghế này, bây giờ thì đích thân ông nghị sĩ quyền uy một cõi lại tự ý rút lui, hai đảng kiếm không được người ra tranh cử”. Cũng ông Rollins vừa lắc đầu vừa nói, “chưa bao giờ tôi thấy chuyện lạ lùng đến thế”.

Ngay cả chuyện có những ghế thượng nghị sĩ đang có người nắm mà cả 2 đảng đều muốn “bứng” đi cũng không tìm được người đồng ý ra tranh cử, thí dụ như ghế của ông Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Mitch McConnell ở Kentucky. Hồi đầu năm, đảng Dân Chủ lớn tiếng nói sẽ tìm được người tranh ghế này, bảo thêm sẽ tung khoản tiền khổng lồ để vận động, nhất định đạt mục tiêu không cho ông chủ tịch khối Thiểu Số cơ hội trở lại Washington D.C. Lời hứa vẫn còn đó, nhưng người thì tìm chưa ra, tương tự như chuyện tìm ứng cử viên để điền vào chỗ của ông John Rockefeller của tiểu bang West Virginia.

Bên Dân Chủ tìm không ra người, tình trạng kiếm người bên đảng Cộng Hòa cũng không sáng sủa. Năm tới có 20 vị nghị sĩ Dân Chủ phải tái ứng cử, trong đó có những vị đang đại diện cho các tiểu bang Tổng Thống Barack Obama đã thua khá đậm hồi 2012 - như North Carolina, Montana, Arkansas, Alaska... tức có sẵn lợi thế chính trị cho phía Cộng Hòa nhưng đến giờ những người được đảng hỏi ý kiến đều từ chối: Dân Biểu Tom Cotton của Arkansas lắc đầu, Dân Biểu Steve King ở Iowa trả lời không muốn thay đổi vai trò đang giữ, mới Thứ Sáu vừa rồi ông Thống Ðốc Sean Parnell của tiểu bang Alaska cũng không muốn đi D.C., lấy cớ “vẫn còn nhiều trách nhiệm với người dân”.

Quyết định tranh cử hay không tùy thuộc từng người, nhưng tựu trung, dường như ai cũng ngại bị bôi bẩn và chán chường khi thấy các ông bà nghị sĩ của Thượng Viện liên bang không làm được việc. Chẳng hạn như Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Ron Johnson đang giữ vai trò đi tìm người cho đảng kể lại “điều đầu tiên tôi nói với những ai muốn ra tranh cử là phải bỏ ra khoảng 50,000 dollars thực hiện cuộc nghiên cứu xem trong quá khứ đã từng bị dư luận chỉ trích, chê bai ở những điểm nào, để biết trước đó là những điểm đối thủ sẽ tận dụng để đánh phá, ném bùn”. Trách nhiệm của ông là “phải giải thích cho họ hiểu dự một cuộc đua chính trị không phải là dễ, phải chấp nhận những chuyện đó và tìm cách vượt qua”.

Lý do nêu trên khiến nhiều người e ngại không muốn tranh cử, nhưng chuyện các vị thượng nghị sĩ không làm việc được với nhau mới là nguyên nhân khiến chuyện tìm ứng viên đại diện cho đảng trở thành khó khăn hơn. Phó Thống Ðốc Jay Dardenne của tiểu bang Louisiana nói thẳng ông không muốn tranh ghế thượng nghị sĩ vì “không có một nơi nào ở nước Mỹ hay ở thế giới lại có một chỗ tệ hại đến thế”. Ông nhìn nhận luôn mong đợi có ngày được giữ vai trò quan trọng hơn, “Ước mơ của tôi là sẽ trở thành thống đốc thay vì nhận lời tranh cử thượng nghị sĩ”. Tại sao vậy? “Làm thống đốc có nghĩa là làm được nhiều việc cho dân chúng hơn, thiết thực hơn”.

Chia sẻ quan điểm với Phó Thống Ðốc Dardenne là Dân Biểu Tom Latham, người được đảng ngỏ ý mời nhưng lắc đầu từ chối. Ông xem chuyện bỗng dưng có tới cả chục thượng nghị sĩ tuyên bố về hưu “là dấu hiệu chính họ cũng chán, chán tới mức không còn muốn làm việc nữa”, và kết thúc bằng câu ngay chính người trong cuộc cũng chán, “Tại sao mình lại nhảy vào!”