main billboard

“Ve sầu kêu ve ve ... Suốt Mùa Hè"


“Mùa này Huế có còn phượng đỏ
Tiếng ve nào gọi nỗi buồn xa
Nơi này cả một trời hoa tím
Nhớ em xưa tiếng guốc học trò.”
(Nhớ Huế - Huy Phương)

ve sauLoại ve sầu xuất hiện nhiều ở miền Ðông Hoa Kỳ. (Hình minh họa: (AP Photo/University of Connecticut, Chirs Simon)

Mùa Hạ đã tới đâu đây trên những cành hoa “La Jancaranda” nở sớm. Ở đây không có những cành hoa phượng đỏ của quê hương, mà dù chúng ta có tìm lại được màu hoa ấy trên xứ Mỹ ở những vùng ấm áp như Hawaii, Florida thì cũng không thể nào tìm lại được tiếng ve sầu của một thuở xa xưa của tuổi học trò. Màu sắc và âm thanh ấy hình như mỗi ngày hè đến vẫn thường hiện hữu với nhau, để lại cho chúng ta bao nhiêu kỷ niệm những ngày ngồi ghế nhà trường, thuở ấu thơ.

Từ ngày ra đất khách đến nay, hình ảnh nhắc nhở chúng ta Mùa Hè đã tới là những cành hoa phượng tím, nhưng âm thanh những tiếng ve đã bặt từ lâu, có còn chăng là để lại những dư âm mờ nhạt trong tâm tưởng. Vậy mà không ngờ ở nơi xa xôi này, cách quê hương cả nửa vòng trái đất, không phải tôi, mà những người Việt xa xứ ở vùng Ðông Bắc nước Mỹ, sắp có dịp nghe được lại âm thanh của một thời xa xưa. Ðó là nguồn tin của National Geography cho biết, hàng tỷ con ve sầu, bặt tiếng sau mười bảy năm dài, chôn kín trong lòng đất sẽ xuất hiện trở lại vào Mùa Hạ năm nay tại một vùng đất rộng lớn bên bờ duyên hải Ðại Tây Dương từ Georgia cho đến tận biên giới Mỹ-Canada.

Trời đất sinh ra giống ve, thân nhẹ, bụng rỗng, để tiếng kêu có thể lớn, suốt cuộc đời ngắn ngủi chỉ biết phục vụ cho chuyện rong chơi, lên tiếng hát cho đời mua vui, vì sao người đời lại lên án ve và so sánh ve như những người không biết nhìn xa thấy rộng chỉ biết ăn chơi. Nhà thơ ngụ ngôn La Fontaine mô ta hình ảnh chú ve một cách tệ hại:

“Ve sầu kêu ve ve
Suốt Mùa Hè
Ðến kỳ gió bấc thổi
Nguồn cơn thật bối rối
Một miếng cũng chẳng còn
Ruồi bọ không một con!”

Và ông La Fontaine tạo ra hình ảnh một chú ve đói rách, tồi tàn phải “vác miệng chịu khúm núm, sang chị Kiến hàng xóm, xin cùng chị cho vay, dăm ba miếng qua ngày!”

Chị Kiến trọc phú, vô cảm lại lên giọng nhà giàu: “Xưa chú hát, nay thử múa coi đây!”

Làm sao có thể so sánh loài ve “ca hát cho đời mua vui” với giống kiến nhỏ nhoi, hèn mọn, tham lam. Ở đâu có thức ăn, dù thối tha như xác chết, bẩn thỉu giòi bọ, xa xôi bao nhiêu, giống kiến cũng đánh hơi rất giỏi, hô hào, động viên anh em, giòng họ, đồng chí, quần chúng, nhanh chân, xếp hàng đến chia phần. Chúng hì hục khuân vác, lôi thôi, lếch thếch đi từng đàn, mang chiến lợi phẩm về hậu cứ, giữa đường thấy ai quẳng vào một miếng mồi mới, là cả bọn lại kéo nhau lại, cấu xé chia phần.

Thời thơ ấu chúng ta ai lại không bị kiến cắn một lần, ở chỗ kín cũng như chỗ hở, và chưa bao giờ dám bắt kiến, vì kiến là loài hung dữ, nhưng tuổi thơ nghịch ngợm lại kiếm mũ mít, dùng sào, gậy đi bắt ve sầu, một giống hiền lành chẳng bao giờ biết cắn, chích hay tấn công loài khác.

Thật ra suốt cuộc đời ve chẳng cần nhờ cậy vay mượn ai, phần lớn cuộc đời của ve là thời kỳ ấu trùng sống trong lòng đất ở độ sâu khoảng từ 30 cm đến 2.5 m, hút nhựa rễ cây để sống và có cặp chân trước đào bới rất khỏe.

Khi đến giai đoạn chuyển tiếp cuối cùng để kết thúc thời kỳ ấu trùng, những con ve trưởng thành đào một đường hầm lên mặt đất và chui lên, lột xác lần cuối, để kỷ niệm bằng cái vỏ ve già gắn chặt trên một cái cây nào đó và ngậm sương, lấy hương hoa của trời đất để cất tiếng hát ca. Ve sầu ấp ủ từ lòng đất, nhưng lúc trưởng thành biết leo lên cao, hợp đoàn cùng cất tiếng hát, suốt đời không biết giành giật, bon chen ví như người quân tử hay kẻ thánh nhân, đâu lại đem so sánh với quân tiểu nhân, ô hợp chỉ biết cái ăn uống phàm tục như loài kiến.

Trên mỗi mẫu đất, giống ve Magicicada tập trung từ hàng chục nghìn đến cả triệu con trên cây lớn cây nhỏ, và không như loài côn trùng hay chim chóc khác, hát mỗi con một điệu. Giống ve sầu đoàn kết “triệu con tim - một tiếng nói” cùng cất lên một giọng ca đồng nhất.
Những buổi trưa hè oi ả, trong không gian im vắng, đôi khi chúng ta tưởng như loài ve đang say ngủ, nhưng chỉ cần một tiếng động cơ xe qua trên đường, cả khu vườn bỗng bừng dậy với tiếng ve inh ỏi, cơn sóng âm thanh dồn từ khu vườn này chạy lan qua khu vườn khác.

Xưa, ở kinh thành Huế, có một vị quan khó tính, ông thường bực mình vì tiếng ve mỗi trưa làm cho ông khó ngủ, nên sai lính ra vườn đuổi ve. Ve không phải một hai con như gà dễ đuổi, trong khu vườn có cả trăm nghìn con ve, chỉ cần một tiếng động mạnh, hay rung thử một thân cây, là tất cả ve đều đồng loạt cất tiếng, nên đuổi ve cũng như hốt sạch lá rừng là điều không tưởng.

Ve đực tạo âm thanh bằng cách rung hai cái “loa” làm bằng màng mỏng, phát triển từ lồng ngực, có sườn bên trong. Những vòng sườn được co giãn thật nhanh, làm rung màng mỏng, tạo sóng âm thanh. Bụng ve rỗng nên có thể khuếch đại thành tiếng ve kêu rất to. Ve lắc mình và dùng cánh để tạo nhịp lên xuống cho “bài hát” của mình. Mỗi giống ve có một thứ tiếng, cường độ, cao độ khác nhau. Tiếng ve hát cũng là lời mời gọi, âu yếm đối với người tình.

Vì sao người ta gọi là tiếng ve... sầu? Có phải vì tiếng ve đều đặn, nghe buồn nản, hay tiếng ve thường gợi nhớ đến Mùa Hạ, mùa của tuổi thơ ấu đã qua, mùa của ly biệt. Mặt khác, loài ve có sầm xì gì chuyện thị phi của ai đâu, mà người đời khắc nghiệt gán cho thành ngữ “lời ong, tiếng ve!”

Tôi chưa hiểu vì sao loài ve xuất hiện ở miền Ðông nước Mỹ, mà không ở đây, nơi miền Tây nắng ấm, cho tôi được một lần, sau bao nhiêu năm bỏ nước ra đi, được nghe tiếng ve của một thời xa xưa, giữa một trưa hè vắng lặng hôm nay.