main billboard


“Tôi năm nay 34 tuổi, đang chơi bóng rổ nhà nghề NBA, tôi là người da đen và tôi thuộc giới đồng tính”

Không cần phải nói, “chắc các bạn cũng biết tổng thống xem đây là một quyết định đầy can đảm”, ông Phát Ngôn Viên Jay Carney của Tòa Bạch Ốc trả lời câu hỏi của một nhà báo về sự kiện đang gây sôi nổi liên quan đến thể thao lẫn xã hội Hoa Kỳ. Chỉ vài giờ đồng hồ trước đó, bản tin của tờ Sports Illustrated cho biết cầu thủ Jason Collins của hội bóng rổ Washington Wizards là cầu thủ nhà nghề đầu tiên công khai nhận mình thuộc giới đồng tính.

jason collins Jason Collins, hình chụp ngày 28 Tháng Chín, 2012. (Hình: AP Photo/Michael Dwyer, File)

Trong bài viết đăng tải trên tờ tạp chí vừa nêu trên, Jason Collins mở đầu như sau: “Tôi năm nay 34 tuổi, đang chơi bóng rổ nhà nghề NBA, tôi là người da đen và tôi thuộc giới đồng tính”. Câu mở đầu vỏn vẹn chưa đến 20 chữ đi kèm với bài viết ngắn, anh trở thành cầu thủ đầu tiên công khai cho mọi người biết chuyện đời tư mà anh đã giấu kín nhiều năm trời qua, từ thủa còn là học sinh, đến thời sinh viên và hơn 12 năm trời khoác áo cho những đội bóng rổ nhà nghề của quốc gia. Trước anh chưa từng có cầu thủ nào xác nhận mình thuộc thành phần đồng tính, dù có những lời đồn đãi cũng như dự đoán nói là có một vài cầu thủ football, hockey hay baseball sẽ cho mọi người biết “sự thật” về cuộc đời của họ.

Trong bài viết, Jason Collins cho rằng “Ðã đến giai đoạn tôi có thể làm hầu hết những gì tôi muốn làm. Tôi vẫn mong ước được tiếp tục chơi bóng rổ, tôi yêu môn thể thao này và tôi vẫn còn có thể cống hiến (cho môn thể thao tôi yêu mến). Các ông huấn luyện viên và những bạn đồng đội của tôi đều biết điều đó, đồng thời cùng một lúc tôi muốn sống thật và nói thật (với mọi người)”.

Quyết định của anh cầu thủ 34 tuổi này không chỉ được Tổng Thống Barack Obama xem là một hành động can đảm, mà còn được sự ủng hộ của những cầu thủ bóng rổ nổi tiếng khác của làng nhà nghề. Trên trang mạng xã hội, cựu cầu thủ Baron Davis viết “Tôi rất hãnh diện về điều người anh em Jason vừa làm”, siêu sao Kobe Bryant của L.A. Lakers cũng vội vàng cho hay “mình thật hãnh diện và ủng hộ bạn”, dặn dò đừng bực bội, chớ nản lòng “vì thái độ của người khác đối với bạn”. Cô Chelsea Clinton, bạn học cũ ở Ðại Học Stanford và là con gái của cựu Tổng Thống Bill Clinton, cũng vỗ tay “hoan hô anh Jason, không ai có thể đóng vai trò biểu tượng (cho xã hội) và là bằng chứng hùng hồn hơn anh được”.

Ngay cả ông Chủ Tịch Ðiều Hành David Stern của Liên Ðoàn Bóng Rổ Nhà Nghề NBA cũng nhanh chóng lên tiếng ủng hộ. Thông cáo từ văn phòng của ông Stern xác nhận “trong suốt những năm làm cầu thủ, Jason là người được các cầu thủ khác quý trọng” và “chúng tôi hãnh diện khi thấy anh quyết định giữ vai trò chủ yếu trong vấn đề quan trọng này”. Bản thông cáo của đội Washington Wizards thì nói “Mọi người đều quý mến Jason, quý mến anh cầu thủ lúc nào cũng hết lòng với đội và với đồng đội. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ anh”.

Trước ngày Jason Collins tự nguyện tiết lộ bí mật đời tư, các liên đoàn thể thao nhà nghề Hoa Kỳ - dưới nhiều hình thức khác nhau - đã sửa soạn để đón tin “thế nào cũng sẽ tới”, theo lời ông Gary Williams, từng điều khiển đội bóng rổ Ðại Học Maryland. “Chính tôi cũng tin vào điều này”, ông Williams giải thích thêm “vì xã hội ngày nay đã thay đổi, chuyện đồng tính được nhiều người chấp nhận hơn trước, chính tôi cũng nghĩ sẽ có ngày một cầu thủ nào đó công khai nói anh ta là người đồng tính, không muốn giấu giếm chuyện riêng tư nữa. Chuyện còn lại là bao giờ sẽ xảy ra, và hôm nay đã tới với quyết định của Jason Collins”.

Khoảng 3 tuần trước đây, Liên Ðoàn Hockey Nhà Nghề Hoa Kỳ NHL và Hiệp Hội Cầu Thủ NHL cùng báo tin đang làm việc chặt chẽ với một tổ chức chuyên về các vấn đề xã hội để “sửa soạn” cho mọi tình huống có thể xảy ra trong trường hợp một hay nhiều cầu thủ hockey loan báo “họ thuộc giới đồng tính”, đồng thời kết hợp với một tổ chức mang tên “You Can Play Project” chuyên lãnh trách nhiệm hướng dẫn cho các đội thể thao và các cầu thủ về những cách phải ứng xử trong trường hợp đội banh có người đồng tính. Vài ngày sau đó Liên Ðoàn Football Nhà Nghề NFL cũng thông báo đang làm việc với một tổ chức vận động cho quyền lợi của người đồng tính, cũng với mục đích “sẵn sàng” khi có một cầu thủ football công khai nói anh ta thuộc giới này. Những sự kiện đó cho thấy “Mọi người đều nghĩ trong số các cầu thủ thế nào cũng có người đồng tính, trách nhiệm của các liên đoàn và các cầu thủ là phải đón nhận họ, thay vì chê bai hay chỉ trích họ”.

Người nói câu đó là cầu thủ Brendon Ayanbadejo của đội đương kim vô địch Baltimore Ravens, từ mấy tháng qua đóng vai trò phát ngôn viên “bán chính thức” cho chương trình đón nhận các cầu thủ đồng tính đang khoác áo của những đội thể thao nhà nghề. Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo The Baltimore Sun, anh cho hay “đã liên lạc với một số cầu thủ football cũng như các môn thể thao khác” biết họ là dân đồng tính “Chúng tôi đang tìm cách khéo nhất để kết hợp họ lại thành một nhóm, góp ý kiến với họ khi thấy cần thiết, giúp họ làm những điều họ muốn làm về cả mặt sinh hoạt thể thao lẫn sinh hoạt đời thường”.

Nhìn vào bảng quy định luật lệ, tất cả những liên đoàn thể thao Hoa Kỳ đều ghi rõ “không được quyền phân biệt đối xử vì giới tính”, đồng thời cũng một số không ít những người trong ban điều hành các liên đoàn đã lên tiếng ủng hộ cầu thủ đồng tính. Gần đây, NBA gửi thư cho các đội bóng rổ nhà nghề chỉ để nhắc nhở “khi phỏng vấn thuê mướn cầu thủ, không được quyền hỏi họ các câu hỏi liên quan đến màu da, tôn giáo và giới tính”.

“Ðây là quy định chúng tôi đã áp dụng từ lâu”, ông Chủ Tịch David Stern trả lời. “Ngay trong chương trình huấn luyện đặc biệt dành cho những cầu thủ mới gia nhập làng nhà nghề, chúng tôi mời người của Chương Trình Giáo Dục Các Giới Tính (Gay, Lesbian and Straight Education Network) đến nói chuyện, các cầu thủ nổi tiếng như Grant Hill hay Steve Nash cũng đã thay mặt chúng tôi để trả lời những cuộc phỏng vấn truyền hình trình bày quan điểm của NBA”. Vẫn ông Stern, “Chúng tôi nói rất rõ với các đội và tất cả cầu thủ là không được phân biệt giới tính, phải đối xử bình đẳng với mọi người”.

“Phải đối xử bình đẳng với mọi người” cũng là chủ trương NFL bắt buộc các đội football nhà nghề phải thi hành triệt để. Ông Steve Tisch, đồng chủ hội N.Y. Giants đứng tên trong danh sách những nhân vật có tiếng tăm vận động cho người đồng tính kết hôn ở tiểu bang New York, ông chủ đội Robert Kraft của đội New England Patriots từng lên tiếng bênh vực cho giới đồng tính từ thời “giới này còn bị dư luận chống đối”, nói với giọng cương quyết “NFL đã sẵn sàng để đón nhận những cầu thủ đồng tính”.

“Chúng tôi hiểu không có cầu thủ làm sao đội banh có thể chiến thắng? Chúng tôi sẵn sàng đón nhận tất cả những cầu thủ giúp đội banh thành công”, ông Kraft từng nói như thế với tờ Boston Globe. “Tại sao thế giới không đón nhận họ, trong khi chúng tôi (NFL) đã sẵn sàng?”

Nhưng nói thì dễ, làm chưa chắc đã dễ.

“Trước Jason Collins, đã có những lực sĩ các bộ môn thể thao khác công khai bảo họ là đồng tính, nhưng đó là những lực sĩ của các môn thể thao cá nhân như bơi lội, tennis”, sự khác biệt giữa họ với trường hợp của Jason là “anh ta đang chơi môn thể thao toàn đội”, theo nhận xét của một nhà báo thể thao xin được giấu tên.

Ông này cho rằng “mặc dù mọi người đều lên tiếng ủng hộ Jason” bảo thêm “ngay chính tôi cũng ủng hộ và quý anh ta”, nhưng “điều tôi đang nghĩ đến là tất cả những sinh hoạt của đội banh chắc chắn sẽ thay đổi”, vì anh ta “tập dượt chung với mọi người, tắm rửa chung với mọi người, thay quần áo chung với mọi người”, ngay cả chuyện tối ngủ khách sạn “thường thì 2 cầu thủ chung nhau một phòng”, nêu thắc mắc, “ai sẽ đồng ý ngủ chung phòng với anh ta?”

Ông đồng nghiệp này kể lại 2 chuyện các nhà báo thể thao đều biết. Sau mỗi buổi tập dượt hay sau mỗi trận banh, những ai có mặt trong phòng thay áo đều thấy cảnh cầu thủ “trần truồng” hoặc “chỉ quấn cái khăn hờ ở dưới bụng” đi qua đi lại. Ðây là cảnh rất bình thường, ngay cả cảnh anh này “nhìn” anh khác cũng được xem là bình thường “đối với những cầu thủ bình thường”, nhưng nếu trong đội banh có một hay 2 anh đồng tính “lúc đó chuyện sẽ khác hẳn”.

Chuyện thứ nhì xảy ra đã 20 năm trước, liên quan đến siêu sao Magic Johnson của đội L.A. Lakers. Anh này bị bệnh AIDS, công khai tuyên bố tình trạng sức khỏe của mình cho mọi người biết. Tất cả các cầu thủ đều lên tiếng “ủng hộ người bạn đồng đội không may”, nhưng khi Magic Johnson nói sẽ tiếp tục ra sân tranh tài như lúc chưa bị bệnh, “mọi người khéo léo phản đối, lấy lý do nhỡ anh ta ngã bị thương, chảy máu thì sao? Liệu có lây sang người khác hay không?” Kết quả: Chính Magic Johnson phải quyết định giải nghệ để cho bạn đồng đội và cầu thủ các hội khác an tâm.

Kể đến đây, ông đồng nghiệp chuyên viết về thể thao bảo “có thể ai cũng ủng hộ giới đồng tính, nhưng chẳng ai muốn đụng chạm tới HIV/AIDS cả”. Sợ những người ngồi nghe hiểu không rõ, ông giải thích thêm “không biết đúng sai nhưng trong đầu của mọi người, hình như ai cũng đều nghĩ giới đồng tính là giới dễ bị nhiễm HIV/AIDS nhất”.
“Liệu các anh có muốn ra sân tranh tài với một cầu thủ nằm trong nhóm có thể dễ dính HIV/AIDS hay không?” Ông bạn này kết thúc câu chuyện bằng câu hỏi bắt người nghe phải suy nghĩ, nhưng chắc vì tế nhị nên không ai muốn trả lời.